Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hò địch vận và kháng chiến chống Pháp

Tiếng súng xâm lăng của thực dân Pháp là điềm báo một đại hoạ cho dân tộc Việt Nam. Chính quyền phong kiến thời bấy giờ đã bất lực trước lực lượng hùng hổ của chúng. Thế là nhân dân ta lâm vào cảnh “nước mất, nhà tan, đời nô lệ”! Biết bao gia đình đang chăm chút làm ăn trong cảnh đoàn tụ êm ấm đành chịu cảnh chia lìa, đau thương tang tóc:
Người chết vợ, kẻ chết chồng

Bỏ bầy con dại giữa dòng bơ vơ!

Muôn dân căm thù, ta thán:

Mẹ xa con vì bom vì đạn

Vợ xa chồng vì nạn chiến tranh!

Để tăng cường lực lượng đàn áp và thực hiện ý đồ thực dân, giặc Pháp bắt thanh niên ta vào đội lính đánh thuê của chúng, không những tại đất nước này mà còn đem thân đi làm bia đỡ đạn tại các xứ lạ quê người. Cảnh cha mẹ xa con, vợ xa chồng diễn ra khắp nơi. Người trụ cột của gia đình bị bắt đi, thiếu hẳn sức lao động sản xuất nên biết bao gia đình lâm vào cảnh khốn đốn. Tình cảm tự nhiên của người mẹ, người phụ nữ Việt Nam bị tổn thương lớn. Họ thốt lên tự đáy lòng những lời oán trách, căm hờn kẻ cướp nước đã chia cắt tình cảm thiêng liêng của họ:

Bất nhân chi ơi ông lính gác,

Bạc ác chi ơi hỡi ông Tây,

Bắt chồng tôi ra đi đầu đơn lính mộ, bỏ mẹ với thầy ai nuôi?

Hoặc than thở oán trách về cảnh khốn khổ của gia đình:

Anh đi theo Tây bỏ cho em một bầy con dại,

Đứa dắt đứa bồng quá thảm hại, trời ơi!

 Sự thể hiện tâm tư, tình cảm thái độ của họ đã có những tác động  nhất định đối với chồng, con mình trong hàng ngũ giặc. Nhưng những bày tỏ ấy mang tính tự phát. Chỉ khi Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, tiến hành cuộc trường kỳ kháng chiến cứu nước thì những tình cảm, thái độ đó mới được tổ chức thành một hình thức tuyên truyền, vận động thanh niên nói riêng và những người Việt Nam nói chung đang ở trong hàng ngũ giặc quay về với gia đình, với cách mạng.

Những câu hò dạt dào tình cảm gia đình, quê hương đã thực sự làm rung động trái tim người lính đánh thuê ấy được gọi là HÒ ĐỊCH VẬN. Địch vận là vận động những người ở trong hàng ngũ địch trở về với dân tộc, với Tổ quốc, chủ yếu là vận động binh lính Việt Nam ở trong quân đội thực dân Pháp, nên lối hò này còn được gọi là HÒ BINH VẬN. Đây cũng là một mặt trận rất quan trọng trong tthời kì lực lượng Cách mạng chưa đủ mạnh về quân sự để trấn áp địch, một chiến thuật đánh vào lòng người, không tốn súng đạn mà ngày càng thêm bạn, bớt thù. Nhưng tổ chức hò như thế nào? Đây là một ví dụ điển hình:

 Tại thị xã Quảng Trị thời pháp thuộc hai đồn pháp đóng ở thôn Tích Tường, xã Hải Lệ bây giờ. Một đồn đóng cạnh kho dầu nên được nhân dân gọi là đồn KHO DẦU, đồn kia đóng cạnh 1 sân bay, dân địa phương gọi là đồn SÂN BAY. Lính bảo vệ hầu hết là người Việt Nam. Các chị phụ nữ và các thiếu niên ở vùng Hải Lệ (chủ yếu là Tích Tường và Như Lệ) thường tổ chức những đêm hò cho lính ở hai đồn này nghe. Công tác tổ chức khá chu đáo và thận trọng. Để chuẩn bị cho một đêm hò có kết quả và an toàn, đội thiếu niên đã đi quan sát địa điểm thuận lợi (thường cách đồn ba bốn mươi mét) và đào hầm trú ẩn từ đêm trước, phòng khi địch trở chứng, xả súng bắn ra.

Đêm sau, cũng chính đội thiếu niên này bò đến gần đồn và dùng loa tay hoặc loa gò bằng tôn “thông báo”:  “các chú, các anh trong hầm chú ý: chúng cháu xin mời các chú, các anh lắng nghe mấy chị, mấy o hò những chuyện hò tình cảm cho đỡ nhớ gia đình!”. Nếu không thấy những phản ứng gì bất lợi thì các o, các chị bắt đầu làm nhiệm vụ. Giọng hò truyền cảm, trong trẻo cất lên giữa đêm thanh vắng mang theo tình cảm dạt dào tha thiết của người mẹ, người vợ Việt Nam đã lôi cuốn được sự chú ý theo dõi của lính trong đồn. Họ đã lắng nghe với tất cả nỗi lòng của người lính đánh thuê thiếu thốn tình cảm gia đình. Giữa người hò và người nghe như có mối đồng cảm sâu xa. Lính canh đồn thích thú đến nỗi không còn giữ ý tứ gì nữa. Họ đốt pháo sáng lên và dùng loa tay gọi lớn về phía đội hò: “Hò đi, hò nữa đi, hay lắm!” Một điều mà đội hò tuyên truyền luôn phải chú ý là đừng bao giờ dùng nội dung, lời lẽ có vẻ khiêu khích, đã kích, hạ nhục, thô bạo. Và vì vậy các buổi hò đều đạt kết quả mong muốn. Nhiều binh lính đã bỏ hàng ngũ địch, mang súng về theo kháng chiến, họ còn vận động, tuyên truyền các binh lính khác cùng bỏ ngũ, và nhờ vậy lực lượng địch yếu dần và quân kháng chiến ngày càng mạnh thêm.

THỂ LOẠI:

Hò dịch vận là những câu dân ca có vần, có điệu êm dịu, thiết tha, thường là những câu sáu tám hoặc thất lục bát, song thất lục bát biến thể. Nhưng đôi khi vì muốn nêu được nội dung phong phú nên số câu, số chữ không ổn định, nhịp điệu của hò địch vận cũng tương tự hò Mái Nhì: Khoan khoái tha thiết, du dương.

NỘI DUNG :

Nội dung tâm lý, tình cảm được khai thác tối đa trong HÒ ĐỊCH VẬN:

1, Năn nỉ, khuyên lơn, mong mỏi đợi chờ:

+ Nước cạn thiếp xuống ruộng mò cua bắt, cá,

Nước nậy thiếp lên đồng hái rau má, rau mưng

Xin chàng nghĩ lại thiếp mừng

Một hai ba bốn xin đừng theo Tây!

Đường xa anh có thấu không,

Sông kia nước chảy động lòng em đây.

Em ngồi đan áo giải khuây,

Mong sao anh bỏ sung Tây, anh về!

+ Một giọt máu đào hơn ao nước lã,

Anh nghe ai để bàn lạnh hương tàn. 

Mẹ già vô thở ra than,

Theo chi cái lũ tham tàn anh ơi!

+ Bỏ súng xuống đi anh, bà con đang đợi,

Sớm khuya mẹ già mòn mỏi theo anh.

Ta còn tuổi trẻ tóc xanh

Làm người nên có chút tình quê hương!

2. Kể lể, tâm sự:

+ Anh ra đi đầu đơn lính mộ

Em ở nhà băng bộ lên toà,

Cúi đầu van lạy quan ba

Cho chồng tôi ở lại nuôi mẹ già sớm khuya.

+ Anh ra đi Tây bỏ cho em một bầy con dại,

Đứa dắt, đứa bồng, quá thảm hại, trời ơi!

3, Trách móc, hờn dỗi:

+ Anh ra đi Tây răng anh không thương thầy, anh nỏ nhớ mẹ,

Anh không thương vợ, anh nỏ nhớ con,

Trên đầu anh đội mũ Sài Gòn,

Vai mang khẩu súng, miệng còn a-lê?

+ Chàng bước chân lên xe, chân đè tay vặn,

Mấy lời thiếp dặn chàng có nhớ không?

Hay là thẳng máy xe dong,

Đường thiên sơn vạn thuỷ, biết mấy thu đông gặp chàng?!

+ Nuôi mẹ già khổ lắm anh ơi!

Răng anh yên tâm theo giặc để em chịu tiếng mang lời, khổ chưa!

+ Anh đi lính khố đỏ, khố vàng anh cho là sang là đẹp,

Thầy mẹ ở nhà bị kềm kẹp hai vòng!

Phần sưu cao thuế nặng, phần công nợ chưa xong,

Em suốt đời cắt thuê, cấy mướn tình nghĩa vợ chồng chi anh!

4. Kể tội giặc:

+ Ai về Bích La Đông khỏi  đau xót ruột,

Ai về Vân Hoà khỏi hậm hực thù Tây,

Mồ mã cho ông hắn cho xe xới, xe cày,

Bao nhiêu hồn oan nước mắt, nghĩ lại trăm đắng nghìn cay căm thù.

5, Nêu rõ sự rộng lượng khoan hồng của Cách mạng, của nhân dân và hứa hẹn:

+ Chính phủ khoan hồng, xin anh chớ nghi đừng ngại,

Thoát ra khỏi đồn khôn dại có em.

+ Anh đừng nghe lời ngoa truyền của giặc,

Lời xuyên tạc của bè lũ chó săn,

Anh coi tỉnh mình vừa rồi phóng thích một trăm lính nguỵ

cho về làng với vợ con.

6. Đề cao danh dự của người thanh niên:

+ Thà như cau rụng đầu mùa,

Còn hơn để giặc bắt đưa súng cầm

+ Xách nón le te, vành che nghiêng mặt,

Gặp nơi chúng bạn không dám đặt chân ngồi.

“ Vợ người bảo vệ”, anh ơi!

Phương xa anh có thấu lời ấy chăng ?!

7. Kêu gọi thúc dục:

Tất cả những nội dung trên có thể nói là tác động vào tâm tư, tình cảm  và lương tri của một người dân mất nước. Đây là điều kiện chín muồi để đưa ra những lời kêu gọi thiết tha, có tình có lý và thúc giục người lính đánh thuê mau mau quay súng trở về với quê hương dân tộc.

+ vác sung về đi, chớ nghi đừng ngại,

Chính phủ ta khoan hồng đàn con dại lạc đường.

Khuyên anh trở lại quê hương,

Cùng em chiến đấu diệt phường thực dân.

+ Bấy lâu nay con còn bú mẹ,

Hoà bình rồi mong lẹ gặp cha.

Sao anh không bỏ súng về nhà?

Con thơ nhắc hỏi đến cha, em buồn!

+ Vác súng về đi anh chớ suy đừng nghĩ.

Vác súng về đi anh, Chímh phủ xem anh là người chiến sĩ tiền phong  

Về đi cho cha yên dạ, cho mẹ vui lòng,

Trước xứng đáng người con yêu của Tổ Quốc,

Sau xứng đáng người chồng của em.

+ Về đi anh, về đi anh, đồng xanh đang còn chờ đợi,

Về đi anh, về đi anh thắng lợi hoà bình.

Làm chi cho hại đến nhân tình,

Nước ta, ta chuộng; dân mình, mình yêu!

Đem  tình cảm gia đình lồng vào tình yêu quê hương đất nước, đem danh dự của người thanh niên lồng vào nghĩa vụ của một công dân mất nước, vừa đề cao chính nghĩa và sự khoan hồng của cách mạng vừa chỉ rõ tội ác của giặc… Tất cả đó đủ khiến cho người lính trong hàng ngũ thực dân Pháp suy nghĩ, ray rứt, trằn trọc và sau cùng họ đã giác ngộ, quyết định vác súng trở về với quê hương, với kháng chiến, góp phần vào thắng lợi chung của cả dân tộc. Giành được chính quyền từ tay giặc Pháp, nhân dân ta triệu người như một đoàn kết, quyết bảo vệ Tổ quốc, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, tự do và giàu mạnh vững bền:

Mấy mươi năm trời biết bao xương rơi máu đổ,

Trải bao gian khổ mới có ngày nay!

Cùng nhau đoàn kết nắm tay,

Xây nền độc lập, hưởng ngày tự do!

 

Mới nhất

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tiếp tục xây dựng đội ngũ nghệ sĩ đoàn kết, nhiệt huyết, tâm huyết và sáng tạo để có nhiều tác phẩm chất lượng phục vụ Nhân dân

15/03/2024 lúc 06:10

(TCCVO) Sáng ngày 14/3/2023, Phân hội Nhiếp ảnh Quảng Trị và Chi hội Điện ảnh Việt Nam tỉnh Quảng Trị tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2024). Đến dự có Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng - Bí Thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cùng đông đảo hội viên tham dự.

Mùng hai

14/03/2024 lúc 17:37

Truyện ngắn của VÕ ĐĂNG KHOA

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/03

25° - 27°

Mưa

21/03

24° - 26°

Mưa

22/03

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground