Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/01/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hò giã gạo Quảng Trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Kỳ 1)

Trong các loại hình di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, đặc sắc ở Quảng Trị, Hò giã gạo được biết đến như một làn điệu dân ca đặc trưng, có nội dung mộc mạc, phác họa rõ lối sống và văn hóa vùng miền.

Với những giá trị văn hóa lịch sử lâu đời, sự cống hiến của Hò giã gạo với đời sống nhân dân và trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, ngày 14/02/2023, tại Quyết định số 216/QĐ-BVHTTDL di sản “Nghệ thuật trình diễn dân gian Hò giã gạo huyện Hải Lăng, huyện Triệu Phong, huyện Cam Lộ, huyện Gio Linh, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị” - di sản đầu tiên của tỉnh Quảng Trị đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

*Lịch sử ra đời và tồn tại của Hò giã gạo ở Quảng Trị

Giã gạo là hoạt động phổ biến trong đời sống của người nông dân Việt từ xa xưa. Sở dĩ có tên gọi Hò giã gạo vì điệu hò này sản sinh từ nhịp điệu lao động giã gạo và quan hệ hình thức của công việc này trong đời sống thực tiễn của người dân. Cho đến nay, chưa có một tài liệu nào khẳng định được thời gian ra đời cụ thể của điệu hò này. Hò giã gạo có thể ra đời cách đây khá lâu, muộn nhất là vào thời văn hóa Đông Sơn mà dấu vết là hình người chèo thuyền, giã gạo, thổi kèn được khắc họa trên mặt trống đồng.

Khởi thuỷ, Hò giã gạo bắt nguồn từ trong môi trường xay lúa, giã gạo thường nhật của người dân. Khi lao động tập thể, người ta dùng Hò giã gạo để giải khuây, tạo không khí vui vẻ, giúp họ phần nào vơi bớt mệt nhọc. Trải qua thời gian hình thành và phát triển, Hò giã gạo dần trở thành một hình thức sinh hoạt mang tính nghệ thuật, giải trí và được mở rộng trong nhiều không gian chứ không bó buộc trong không gian giã gạo khi hò.

Ở miền Trung Việt Nam, Hò giã gạo nổi lên như một nét đặc trưng của văn hoá vùng miền. Đây là hình thức dân ca được phát sinh và phát triển từ các câu ca dao, gắn liền với động tác lao động (giã gạo). Tuỳ thuộc vào đặc điểm ngữ âm, sinh cảnh, tập quán của mỗi địa phương, mỗi tỉnh thành mà Hò giã gạo có những nét khu biệt nhất định. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một bằng chứng dân tộc học nào chứng minh cái nôi của quá trình hình thành điệu hò này.

Đặc trưng của Hò giã gạo là hò lao động. Hò giã gạo gắn với việc giã gạo bằng chày tay hoặc chày vồ nhưng ít nghe giọng hò câu hát gắn với chày tay nhất là ở đồng bằng bởi chày tay là loại chày dài, động tác giã khó khăn, nhọc nhằn. Trái lại, giã gạo bằng chày vồ thì thoải mái và tương đối nhẹ nhàng, thuận lợi cho việc hò hát. Cũng trong quá trình lao động nặng nhọc nên có hò đối đáp nhân nghĩa ân tình, hò giao duyên nhằm giải khuây cho vơi bớt nỗi nhọc nhằn. Khi nhắc đến Hò giã gạo là người ta ngầm hiểu đó là lối hò mà thông qua nó để người ta giao duyên, thi thố tài năng ứng đáp, hò hát nhiều hơn là mục đích giã gạo.

Trong lịch sử, Hò giã gạo đã có mặt ở nhiều nơi từ vùng người Thái ở Sơn La đến người Mường vùng Thanh Hóa, đến người Kinh vùng Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, vào tận Khánh Hòa. Sở dĩ Hò giã gạo hiện diện trên phạm vi rộng như vậy bởi vì giã gạo là một hình thức lao động phổ biến của cư dân nông nghiệp trồng lúa ở Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi địa phương lại có một làn điệu hò mang tính đặc trưng riêng của địa phương như ở Quảng Bình phổ biến là làn điệu Hò khoan Lệ Thủy, ở Thừa Thiên Huế là làn điệu hò mái nhì, còn Quảng Trị là Hò giã gạo.

Hò giã gạo Quảng Trị vừa mang những dấu ấn của cố hương từ đất Bắc, vừa mang những yếu tố gắn liền với điều kiện địa - văn hóa đặc thù. Nếu tiến hành so sánh cấu trúc của một buổi Hò giã gạo, chúng ta sẽ thấy có những điểm tương đồng nhất định với hát ghẹo ở Thanh Hóa. Trong Hát ghẹo Thanh Hóa, có tất cả ba chặng tương ứng với ba nội dung: Chặng đầu - hát dạo, hát mừng, hát thăm; chặng giữa: hát đố, hát đối; chặng cuối: hát thề, hát giặm, hát tiễn. Tương tự Hò giã gạo cũng có hò mời: chào hỏi; hò vào cuộc: đối đáp, hò đố, đâm bắt, ân tình; hò tạ từ: hò giã bạn. Kết cấu này cũng đồng dạng với thể ví của vùng Nghệ Tĩnh với các chặng: hát dạo, hát mừng; hát đố - hát đối, hát xe kết; hát tiễn.

Đáng lưu ý là cho đến cuối thế kỷ XIX, hát đối đáp nam nữ ở vùng Quảng Trị (cụ thể là tại xã Câu Nhi, nay thuộc huyện Hải Lăng) được sách Đồng Khánh địa dư chí gọi là hát ghẹo. Trên phương diện ngôn từ, cũng có thể thấy sự tương đồng của lời ca giữa các vùng dân ca. Điều này được thể hiện trên tư liệu thực tế và cũng đã được một số nhà nghiên cứu khẳng định: “Một số lượng lớn câu hò giống nhau giữa hò Trị Thiên với dân ca Nghệ Tĩnh, chứng tỏ sự tương quan ảnh hưởng ấy, ví như câu hò đối đáp nam nữ ở Trị Thiên với câu hát ví của phường vải Nghệ Tĩnh hoàn toàn giống nhau”. Những dữ liệu trên đây cho phép chúng ta suy luận mà không hề khiên cưỡng rằng, hò Bình Trị Thiên nói chung, Hò giã gạo Quảng Trị nói riêng, được bắt rễ từ đất Bắc, do người Việt mang theo từ cố hương ở bên kia Đèo Ngang.

Ngoài yếu tố Việt, cũng như các loại hình văn hóa nghệ thuật khác, người Việt tiếp thu những yếu tố của người bản địa ở miền Trung, đặc biệt là người Chăm. Gần gũi với điệu Hò giã gạo, có thể kể đến điệu Adaoh adam dara (hát giao duyên) mà người Chăm thực hành lúc giã gạo. Sâu xa hơn, chúng ta cũng có thể có liên tưởng đến nghệ thuật kánh loóng (giã gạo) của người Thái hay đâm đuống (giã gạo) của người Mường. Dĩ nhiên đây là một quá trình pha trộn phức tạp mà nền tảng chung chính là gốc nông nghiệp của những tộc người cùng cộng cư, xen cư, và cả hôn nhân xuyên tộc người trong quá trình giao lưu văn hóa của người Việt vùng duyên hải với các tộc người ở phía Tây (Trường Sơn) cũng như giữa người Việt với cư dân tiền trú ở miền Trung trong những ngày đầu khai cơ lập nghiệp. Quá trình này sẽ vẫn tiếp diễn đến vùng Nam Hải Vân cho đến Bắc đèo Cù Mông (Bình Định) với những nét đặc trưng riêng của vùng dân ca Nam Trung Bộ.

Từ diễn trình trên, có thể nói rằng, Hò giã gạo là một sản phẩm văn hóa tinh thần phổ biến của cư dân Việt ở miền Trung Việt Nam, song, gắn với mỗi địa phương, mỗi vùng văn hoá, Hò giã gạo có những biến tấu nhất định về giai điệu, cách thức diễn xướng. Với Quảng Trị, Hò giã gạo không đơn thuần là một hình thức ca hát tập thể gắn với môi trường đặc thù của cư dân nông nghiệp nhằm thúc đẩy quá trình lao động mà phát triển thành một hình thức nghệ thuật giải trí tập thể, nối kết giữa các thành viên trong một làng, liên làng. Đồng thời, từ đặc thù của vùng đất giới tuyến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hò giã gạo còn có chức năng là một vũ khí tinh thần trong cuộc chiến bảo vệ quê hương của người dân Quảng Trị.

Tuy nhiên, những năm đầu sau giải phóng, mặc dù hoạt động xay lúa giã gạo vẫn còn phổ biến nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, người dân tập trung vào các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất nên không gian và điều kiện sinh hoạt của hò giã gạo ngày càng thưa dần, những câu hò nhạt dần trong ký ức của các nghệ nhân và vắng dần trong các hoạt động diễn xướng.

Trong những thập niên gần đây, Hò giã gạo từng bước được hồi sinh, biến chuyển tích cực trong môi trường sinh hoạt, lao động mới. Hò giã gạo đã hiện diện trong nhiều môi trường diễn xướng khác nhau, không chỉ đơn thuần trong môi trường lao động mà nó còn tham gia trong môi trường vui chơi giải trí, môi trường diễn xướng trong các hoạt động văn hoá, tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn, các dịp lễ hội của quê hương, đất nước.

Tỉnh Quảng Trị đã tổ chức và duy trì định kỳ nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật, cũng như tham dự các sự kiện ngoài tỉnh nhằm duy trì và nuôi dưỡng các loại hình nghệ thuật dân gian trong đó có Hò giã gạo. Đây là các hoạt động thiết thực nhằm động viên các thế hệ giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống, đồng thời là dịp gặp gỡ, giao lưu, học tập kinh nghiệm cho các diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên về lối hát, phong cách biểu diễn… góp phần bảo tồn và đẩy mạnh phong trào hát dân ca, hò giã gạo trong các tầng lớp nhân dân.

Nhiều địa phương đã đưa Hò giã gạo vào các hoạt động văn nghệ của địa phương như: Huyện Hải Lăng đã tổ chức liên hoan văn nghệ các đơn vị văn hoá trường tiểu học… Triệu Phong, Vĩnh Linh đưa các tiết mục hò giã gạo vào các chương trình văn nghệ chào mừng đón nhận đơn vị văn hoá tại địa phương, chào mừng đại hội của các tổ chức, đoàn thể… Đây là các hoạt động vừa tạo sân chơi cho người dân vừa duy trì và nuôi dưỡng các loại hình nghệ thuật dân gian, góp phần bảo tồn các hình thức diễn xướng truyền thống.

Đến nay, đã có một số Câu lạc bộ dân ca Bình Trị Thiên, Câu lạc bộ dân ca Hò giã gạo, Câu lạc bộ Bài chòi được thành lập đã và đang hoạt động tích cực, sôi nổi với các hoạt động như sưu tầm, sáng tác, biểu diễn kết hợp truyền dạy cho thế hệ trẻ như: Câu lạc bộ Dân ca Sông Hiền, Câu lạc bộ Dân ca làng Tùng, Câu lạc bộ Dân ca thôn Đơn Duệ (huyện Vĩnh Linh); Câu lạc bộ Bài chòi làng Ngô Xá Tây (huyện Triệu Phong); Câu lạc bộ Dân ca, Câu lạc bộ Hò Như Lệ (thị xã Quảng Trị), Câu lạc bộ Dân ca tổ dân phố 9 - thị trấn Gio Linh; Câu lạc bộ Dân ca huyện Cam Lộ; Nhóm Dân ca làng Đại An Khê - huyện Hải Lăng…

Một tiết mục biểu diễn dân ca Hò giã gạo ở Quảng Trị - Ảnh: N.T.N

Một tiết mục biểu diễn dân ca Hò giã gạo ở Quảng Trị - Ảnh: N.T.N

*Các hình thức thể hiện của Hò giã gạo ở Quảng Trị

Hò giã gạo là hình thức hò tập thể, được chia làm hai đội (đội nam và đội nữ), mỗi đội có một người lĩnh xướng (hò cái) làm nhiệm vụ đối đáp qua lại, các thành viên khác (hò con)  phụ họa. Xét trên phương diện môi trường diễn xướng, Hò giã gạo Quảng Trị có hai hình thức thể hiện: Diễn xướng trong không gian gắn liền với nếp sống, phong tục địa phương và biểu diễn trên sân khấu.

- Diễn xướng trong không gian cộng đồng

Với hình thức diễn xướng trong không gian cộng đồng, người biểu diễn và người xem hòa làm một, gắn liền với lao động, phong tục, tập quán của địa phương. Với truyền thống đoàn kết, tương trợ nhau trong lao động, cuộc Hò giã gạo ở các làng quê Quảng Trị có thể diễn ra một cách tự phát trong quá trình các thành viên trong xóm, làng giúp nhau giã gạo, tại không gian của một gia đình nông dân bất kỳ. Song, phổ biến hơn là tại các “hàng xáo” - nơi chuyên đầu tư mua lúa về xay giã để bán gạo và các sản phẩm phụ như tấm, cám, trấu. Thông thường, có hai hoặc bốn tay chày, vừa giã gạo vừa hát đối đáp. Các bài hò cũng hoàn toàn tự phát gồm một hai người xướng và các thành viên còn lại xô, tạo sự hưng phấn trong lao động. Một cối hò được bắt đầu từ khi gạo được đem vào giã cho đến khi gạo trắng và nếu còn hứng khởi với cuộc hò thì thậm chí người hò có thể đổ trấu vào giã để hò tiếp.

Từ hình thức diễn xướng gắn bó chặt chẽ với lao động trên đây, Hò giã gạo phát triển thành loại hình hò sinh hoạt, vui chơi. Ở dạng thức này, Hò giã gạo được tổ chức quy mô, mang tính chất giao lưu giải trí hoặc thi tài giữa đội nam và nữ trong cùng một làng hoặc các làng khác nhau, thường được tổ chức trong các dịp nông nhàn, nhất là những đêm trăng thanh, vụ mùa đã thu hoạch. Theo đó, chày, cối từ chức năng một nông cụ trở thành nhạc cụ giữ nhịp điệu, tiết tấu cho cuộc hò. Giã gạo chỉ là cái cớ nên các bạn hò cũng chọn chày giã gạo bằng các loại gỗ nhẹ, mềm, dễ gia công (thường dùng gỗ cây vông), bởi nếu chày nặng quá thì người hò khó có thể vừa sáng tác, vừa tạo nhịp điệu, vừa hò. Tiếng chày cũng là tín hiệu để những nam thanh nữ tú trong làng cùng nhau tìm đến điểm diễn ra các cuộc hò. Theo hồi ức của những người cao tuổi, vào đầu thế kỷ XX, mỗi khi làng này mời làng kia đến hò hát thì nam nữ, lão ấu đứng lớp trong lớp ngoài để thưởng thức buổi hò. Mặc dù các phe hò đóng vai trò là chủ thể chính nhưng người đi xem không hẳn là khách thể thưởng thức mà họ cũng tham gia cùng chủ thể khi cùng  với các hò con sau khi hò cái xướng, kể hoặc ngẫu hứng đặt lời đối đáp, hỗ trợ cho các phe hò. Những hội Hò giã gạo này thường kéo dài, thậm chí thâu đêm.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hò giã gạo cùng với một số làn điệu dân ca khác như Hò Như Lệ, Hò địch vận… được các đội tuyên truyền văn nghệ xung kích diễn xướng trong hầm bí mật, địa đạo hay các vùng giới tuyến, nhằm động viên tinh thần quân sĩ bám trụ đánh giặc cũng như tuyên truyền vận động những người phục vụ cho địch trở về với quê hương. Hình thức thể hiện này thường bí mật, tức thời và mang tính chính trị. Sở dĩ các làn điệu dân ca, trong đó có Hò giã gạo, được chọn làm vũ khí tuyên truyền vì tính súc tích, giản tiện. Chỉ cần sáng tác lời phù hợp, vài người biết hò mang theo cây đàn nhị đi hàng chục cây số đến nơi bí mật, lấy áo mưa trùm kín lại, xong bật đèn pin soi trên giấy để hát xướng.

Sau ngày đất nước hoà bình, thống nhất, trong thời kỳ khai hoang phục hóa, tại các nông trường sản xuất, Hò giã gạo được những người lao động diễn xướng trong những giờ nghỉ giải lao. Hò giã gạo trong cách hiểu nào đó, quay trở về tính chất của hò lao động. Tuy nhiên, Hò giã gạo được diễn xướng không gắn với hoạt động giã gạo như ban đầu, mà bất cứ dụng cụ nào có thể phát ra âm thanh cũng có thể thay thế nhịp chày. Một bên nam, một bên nữ quây quần lại cùng xướng - xô để hò.

Ngày nay, Hò giã gạo được mở rộng không gian trình diễn. Từ các vùng quê, những người có khả năng ca hát đã tham gia vào các Câu lạc bộ dân ca tại địa phương từ đó phát huy chức năng sưu tầm các câu hò lời cổ, sáng tác lời mới, tổ chức tập luyện, truyền dạy Hò giã gạo cho các thành viên trong Câu lạc bộ cũng như các bạn trẻ đam mê với dân ca truyền thống của quê hương, tham gia các hoạt động giao lưu giữa các Câu lạc bộ trong huyện, trong tỉnh và giao lưu, biểu diễn trong cộng đồng, vào các dịp kỷ niệm, các hoạt động sự kiện… Không những thế, trong các dịp Liên hoan đàn và hát dân ca ở khu vực, toàn quốc thì Hò giã gạo cũng được trình diễn với những câu hò mộc mạc, gần gũi thân quen thể hiện tâm tư, tình cảm, ước mong của người Quảng Trị trong cuộc sống thường ngày.

- Biểu diễn trên sân khấu

Hình thức biểu diễn trên sân khấu của Hò giã gạo xuất hiện ở giai đoạn muộn, khi môi trường diễn xướng vốn có đã không còn, nhất là máy móc đã thay thế cho các công đoạn xay, giã, dần, sàng. Khác với diễn xướng, biểu diễn Hò giã gạo được thực hành trên sân khấu, trong các hội diễn quần chúng ở những quy mô, tính chất khác nhau (chương trình Làng vui chơi, làng ca hát, các chương trình thi hát dân ca giữa các khu vực sản xuất, các đội sản xuất). Diễn viên phần lớn vẫn là người bình dân (nông dân, tiểu thương…) tham gia vào các đội văn nghệ của thôn xóm hay trong các câu lạc bộ dân ca. Một số người có năng khiếu trong cộng đồng tự dàn dựng các ca cảnh, kết hợp nhiều làn điệu dân ca với nhau (vè, nói lối, hò mái nhì, mái xấp…). Mặc dù nội dung các bài hò cũng được sắp xếp sẵn, lựa chọn từ các bài dân ca cổ hay viết lời mới nên không mang tính ứng tác, song Hò giã gạo luôn là phần sôi nổi nhất. Được xem là “xương sống” của hầu hết các chương trình văn nghệ quần chúng, mỗi khi được xướng lên, Hò giã gạo luôn tạo được sự cộng hưởng cao giữa diễn viên và khán giả. Khán giả không chỉ thưởng thức mà vừa cùng  vừa vỗ tay giữ nhịp và tán thưởng. Ngoài ra, trong các chương trình biểu diễn này, một số nhạc cụ truyền thống khác cũng được sử dụng như đàn bầu, đàn nhị, sáo, nguyệt, tiếng vỗ tay để giữ nhịp thay vì dùng chày cối khi hò.

Có thể nói, dù là diễn xướng trong không gian cộng đồng hay biểu diễn trên sân khấu thì Hò giã gạo cũng có khả năng thu hút đông đảo người xem, tạo sự vui tươi, sôi động, sự cộng hưởng lớn giữa người trình diễn và người thưởng thức, dù bất cứ không gian, thời gian nào.

*Quy trình thực hành chủ yếu của Hò giã gạo ở Quảng Trị

Quy trình thực hành một cuộc Hò giã gạo khá chặt chẽ. Tương ứng với nội dung diễn xướng, một buổi Hò giã gạo thường được phân thành 3 chặng chính: Chặng thứ nhất: Hò mở đầu (hò chào, hò mời); chặng thứ hai: Hò vào cuộc (hò đối đáp, hò đố, hò đâm bắt, hò ân tình); chặng thứ ba: Hò tạ từ (hò giã bạn).

- Hò mở đầu (hò chào, hò mời)

Cũng như trong giao tiếp hằng ngày, hò chào hỏi nhằm mục đích mời gọi bạn hò vào cuộc hát và chào hỏi khán giả. Trong phần chào hỏi này, các bên có thể giới thiệu về tên tuổi, quê quán, tình trạng hôn nhân… Thực tế, các đối tượng tham gia cuộc hò thường biết khá rõ về nhau, hò chào hỏi mang chức năng như một lời thưa gởi, một khúc dạo đầu cho cuộc hò đối đáp và chiếm dung lượng nhỏ/ngắn trong toàn bộ cuộc hò. Người khởi xướng cho chào hỏi thường là người có tuổi hay các bạn hò có nhiều kinh nghiệm. Tùy theo độ thân sơ giữa các phe hò, lời chào mời có khi khách sáo, có khi suồng sã, có khi ân tình. Song, tất cả gợi lên sự tươi vui, mộc mạc, hào hứng từ ban đầu.

Ví như chặng hò mời, hò chào:

Nữ: Rồi mùa ló (lúa) khén (khô) rơm khô

Hôm nay ta mở hội hát hò cho vui

Xem trong tục ngữ đặt chơi

Đối qua đáp lại những lời gió trăng

Nam: Đứng ở xa cách ba cây sáo

Nghe giọng ai hò ôm áo ra đi

Xăm xăm bước tới hội ni (này) để gặp nường (nàng)

Nữ: Đứng chi (làm gì) ngoài đường dựa hàng rào cho tan nát

Dựa nuộc lạt (nút thắt được buộc bằng tre), cho nuộc lạt đứt ra

Phen mô (nào) chứ phen ni (này) thiếp quyết dò chàng

Để cho người bạn cứ đứng ngoài đàng (đường) mà khóc than

Nam: Đêm khuya trăng thanh gió mát

Bớ (Ơi) chị em mình ơi, cầm chày lên cho cối gạo trắng tinh

Vui câu hò biết mấy nghĩa tình

Để có ai đi ngoài đường lẽ bạn buồn tình thì vô (vào) chơi

Nam: Này hỡi em ơi, Anh ở Kẻ Diên đến Triệu Tài

Nữ: Hèn chi (bảo sao) mà lơ ngơ, láo ngáo như tìm ai bây giờ

Nam: Em cũng đi đâu mà ngẫn ngẫn ngơ ngơ

Răng (sao) em biết anh từ Kẻ Diên đến hay đã chờ anh đây

Nữ: Đừng chộ (thấy) chanh chua mà chíp miệng

Vườn rộng mà liếp bờ sông

Em đây không phải loài cam rơi, khế rụng mà đem lòng ước mơ

Nam: Khế rụng bờ ao ngọt ngào chi (gì) mà anh chuộng

Cam sành rụng cuống anh cũng không mê

 Anh đây không chơi, chứ chơi thì lựu với lê

 Còn như cam rơi khế rụng chán chê đi rồi

- Hò vào cuộc

Đây là chặng hò chính với nhiều lối/kiểu hò khác nhau, tùy thuộc vào chủ đề mà các bạn hò lựa chọn. Thông thường có các lối hò chính:

+ Hò ân tình, giao duyên

Với nội dung thể hiện tình yêu đôi lứa (giận hờn, trách móc, thề hẹn…), tình cảm gia đình, đối nhân xử thế nên lối hò ân tình giao duyên thường nhẹ nhàng, sâu lắng với những câu hò như:

 Nam: Gái Tường Vân như nhành hoa lý

Trai làng Mai để ý mà say

Nữ: Thiếp gặp chàng như mai, lan gặp chậu

Chàng gặp thiếp như hạc đậu lưng quy

Hỏi:  Giả đò (giả vờ) mang bị đi xin

Hỏi người bạn cũ có nhìn ta không

Đáp: Dẫu mà áo rách tả tơi

Cách ba ngàn dặm, thấy bóng người cứ trông

Nam: Em có chồng chưa thì cho anh biết

Anh có vợ rồi cũng nói thiệt (thật) cho em hay

 Để mai đây lỡ có cầm tay

Người thương em đứng đó buông rày khó buông

Nữ: Em tới đây đất nước nhà người

Quê hương nhà bạn không biết vui cười với ai

Nam: Em đã tới đây thì anh thưa với xóm, với làng

Để cho người lạ tự nhiên vui cùng

Nữ: Thiếp với chàng vô can vô cớ

Bắt lấy chữ tình thiếp nhớ chàng thương

Tưởng là vạn thọ vô cương

Hoá ra chàng Nam, thiếp Bắc thảm trăm đường chàng ơi

Nam: Thiếp với chàng Bắc, Nam hai ngã

Nay chự chừ (giờ) hữu xạ tự nhiên hương

Gặp em đây anh cũng muốn gá nghĩa can thường

Sợ thầy với mẹ đã vấn vương cho em rồi

+ Hò đâm bắt

Đây là lối hò sôi nổi nhất trong toàn bộ cuộc hò. Các đôi thanh niên nam nữ trêu ghẹo, bông đùa, khiêu khích, châm chọc nhau với nội dung thể hiện sự thông minh, hóm hỉnh bằng cách thức sử dụng ngôn từ (so sánh, ẩn dụ, chơi chữ như nói lái, đồng âm, đồng nghĩa) thể hiện nhận thức độc đáo về sự vật, hiện tượng của giới bình dân. Người xướng càng có tài ứng tác thì cuộc hò đâm bắt càng hấp dẫn và nhận được sự tán thưởng của khán giả. Có những câu đối/đố hóc búa khiến cho các phe hò không thể đối ngay tại chỗ mà xin khất đến vài hôm sau để tiếp tục. Trong khoảng thời gian chờ đến ngày hẹn, các phe hò sẽ tìm đến những người hay chữ trong làng để nhờ đối đáp và chuẩn bị thêm các câu hò mới. Hò giã gạo, do đó, từ một loại hình ca hát của giới bình dân, đã dần có sự tham gia của các Nho sĩ.

Dựa vào tính chất, nội dung, Hò đâm bắt cũng có nhiều dạng khác nhau: hò đố, hò đối, hò xấc, hò tục.

 như hò đố:                

Nữ: Hỏi anh một trăm bếp lửa bếp mô (nào) là bếp không nóng

Một trăm ngọn sóng, sóng mô (nào) là sóng không xao

Trai nam nhi anh mà đối đặng

Em bưng hai quả hồng đào tới dâng

Nam: Lửa anh để trong hòm diêm là lửa không nóng

Đọi nước đầy anh bưng lên không động là sóng không xao

Trai nam nhi anh đà đối đặng, thì hai quả hồng đào em đâu

Hò đối:                          

Nữ: Bánh cả mâm răng (sao) kêu bánh ít

Trầu cả chợ răng (sao) gọi trầu không

Ai mà đối đặng (được) làm chồng nữ nhi

Nam: Chuối không đi Tây răng (sao) kêu chuối sứ

Cây không đi học răng (sao) gọi cây thông

Anh đà đối đặng em theo chồng về mau

Nữ: Em ra cho anh câu đối, anh đối hối đối hả đối trả không chừa

Bởi làm sao tháng năm khô hạn, mà trái dừa thủy lưu

Nam: Anh ra cho em câu đối, anh đối hối đối hả đối trả cho mau

Bởi vì sao tháng mười mưa rét mà cơn (cây) cau khô lòng.

Hò xấc:

Nữ: Cần câu trúc ống câu trắc

Lưỡi câu bạc, chạc (dây) câu tàu

Móc miếng mồi tôm sú con cá nọ, hãy còn lơ

Huống chi anh cành tre chạc (dây) vải

Đừng ngồi chờ uổng công

Nam: Hỡi thiếp ơi cần câu trúc ống câu trắc

Lưỡi câu bạc, chạc (dây) câu tàu

Anh đây quyết câu con cá thu ngoài vịnh

Chứ con cá rô bàu thiếu chi

Hò tục:

Nữ: Lui về mà ngủ kẻo khuya

Xấu chuôm cá nỏ (không) vô đìa thì thôi

Nam: Xấu chuôm anh bỏ chuôm thêm

Ban ngày anh bắt, ban đêm anh mò

Nữ: Mò thì mò hến mò ngao

Đừng mò bọp bọp n­ước xao vô mồm (vào miệng). 

Nam: N­ước xao thì m­ược (mặc kệ) n­ước xao

Hai chân anh chọi (đạp), đòn sào anh đâm.

Với mục đích giải trí, mang lại tiếng cười, hò đâm bắt tinh nghịch, vui tươi nhưng có khi suồng sã, sâu cay, châm chọc. Song, kết thúc cuộc hò, các phe hò, bạn hof vẫn luôn dành cho cho nhau sự trân quý, cảm phục tài năng của nhau. Để cuối cùng, bước vào chặng hò giã bạn với sự luyến lưu và hẹn nhau ở hội hò kế tiếp.

- Hò giã bạn

Đây là chặng kết thúc cuộc Hò giã gạo, trai gái nói lời thề nguyện, hẹn hò. Cũng giống như chặng hò chào hỏi, hò giã bạn chiếm dung lượng không nhiều song khác với sự khách sáo hay tinh nghịch ban đầu, hò giã bạn thường thể hiện sự quyến luyến, bịn rịn sau khi đã đã quen biết, hiểu nhau sau cuộc hò dài.

Một số câu hò giã bạn tiêu biểu như:

- Ra đi một bước đau lòng một bước

Ra đi hai bước đành nghĩ trước suy sau

Bấy lâu nay ý hợp tâm đầu

Răng chừ (sao giờ) én Nam nhạn Bắc để sầu cho ai

- Bạn về ta nắm áo kéo tay

Bao nhiêu ân ngãi trả lại đây hãy về

- Lời thề ta giữ trọn đến mai

Chúc trăng vẫn trọn chẳng sai con nào

- Em trao tấm áo em về

Trăm năm đi nữa lời thề không sai

- Chàng về thiếp dặn thêm câu

Ai kêu nỏ (không) đứng ai trao trầu nỏ (không) ăn

- Ai mà ở bạc có trời

Lòng ta son sắc một lời thương em

(Kỳ 2: Những giá trị tiêu biểu của di sản văn hóa phi vật thể Hò giã gạo ở Quảng Trị)

NGUYỄN THỊ NƯƠNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 350

Mới nhất

Đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy truyền thống vẻ vang, không ngừng bồi đắp, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo sức mạnh nội sinh cho phát triển đất nước*

8 Giờ trước

TCCVO - Chiều ngày 30/12/2024, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ toàn quốc. Tạp chí Cửa Việt trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt.

Mây về thành phố

15 Giờ trước

Tôi làm đơn xin nghỉ phép để vào bệnh viện chăm chú Ngụ. Không gói ghém gì nhiều, chỉ cần bỏ vào túi cái khăn mặt, chai dầu gội, bàn chải đánh răng và một vài đồ dùng để phòng khi cần đến. Nhà tôi cách bệnh viện bốn cây số, cách nhà chú Ngụ năm cây, nó nằm trên hai trục đường khác nhau.

Dọn nhà cuối năm

15 Giờ trước

Đã thôi những cơn mưa dai dẳng, chỉ thi thoảng mới có vài thoáng phùn như là mưa xuân buổi sáng sớm, tới trưa hửng chút nắng kéo tận chiều. Xuân tới rõ ràng từ độ giữa tháng chạp.

Đặc sắc chương trình nghệ thuật Chào năm mới 2025

01/01/2025 lúc 17:24

TCCVO - Trong thời khắc chuyển giao sang năm mới 2025, tối 31/12/2024, tại Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Quảng Trị

Lễ hội Vì hòa bình 2024: Giá trị nhân văn để tiến vào kỷ nguyên mới

31/12/2024 lúc 09:36

 Năm 2024, dấu ấn đậm nét nhất trên mảnh đất Quảng Trị là lễ hội Vì hòa

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/01

25° - 27°

Mưa

05/01

24° - 26°

Mưa

06/01

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground