Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 01/07/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Huyền Trân Công chúa trong tâm thức người Quảng Trị

T

ừ khi tỉnh nhà lập lại, nhiều nhà khảo cứu văn hóa Quảng Trị vừa khắc khoải kiếm tìm vừa không khỏi băn khoăn: Bà chúa Huyền Trân vì “nước non ngàn dặm” mà ra đi, liệu có để lại chút gì trong tâm thức người dân Châu ô, Châu Lý?

Vấn đề đặt ra trong nhiều năm trở lại đây và tất nhiên là có vấn đề khi chúng ta để tâm theo dõi. Ghi nhận lúc này chưa phải là tổng kết. Cứ cho là gợi ra, vấn đề gợi ra vấn đề, chúng ta cùng tham khảo và quan tâm giài quyết.

1 - Chút lai lịch bà Huyền Trân:

Vua Trần Nhân Tông thoái vị, nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, rồi lên tu ở núi Yên Tử. Năm 1301 có phái bộ nước Chăm sang giao hảo, Thái thượng hoàng Nhân Tông mới nhận lời mời sang Chăm “du ngoạn” ngót chín tháng. Hẳn là vấn đề bang giao, đối nội cũng như đối ngoại về lâu về dài. Trước lúc trở về nuớc, ngài mới hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chăm là Chế Mân (tên tự Jaya Sinbavarman III), mặc cho Chế Mân bấy giờ đã có vợ chính thất - hoàng hậu Tapasi người xứ Java.

Chế Mân từ ấy, suốt trong vòng năm năm, thường xuyên sai sứ sang đất Việt cầu hôn. Chính thức năm 1305, Chế Mân cử sứ thần cùng đoàn tùy tùng trên cả trăm người đưa vật lạ, vàng bạc, hương liệu quý hiếm sang triều cống, nộp cheo. Tuy vậy đình thần nhà Trần nhiều quan vẫn không tán thành cuộc hôn nhân Việt - Chăm này. Tình thế bế tắc đến nỗi, Chế mân quyết định đem dâng hai Châu Ô, Lý làm lễ vật cưới. Đình thần nhà Trần đắn đo trước sính lễ to tát này và rồi đồng ý gã.

Tháng 6 năm Bính Ngọ (1306) vua Trần Anh Tông chính thức gả em gái của mình cho vua Chăm để đổi lấy hai Châu, Lý. Địa giới hành chính hai châu từ sông Cửa Việt tới tỉnh Quảng Nam. Công chúa Huyền Trân lên thuyền hoa, từ kinh đô Thăng Long đoàn đưa dâu đi bằng đường biển. Chỉ là phương tiện, là chiếc thuyền hoa ấy thôi đã thấy số kiếp người hoa, ba đào. Ô Long bấy giờ là cảng lớn, sầm uất của người Chăm. Vì đoàn đưa dâu nghỉ lại tại đây mà nhà Trần đổi cửa Ô Long ra cửa Tú Dung. Chữ Tú, Lữ Dung là ngầm khen ngợi phẩm hạnh một nguời nữ tuổi trăng tròn lẻ biết hy sinh chuyện riêng tây; biết thực hành chữ Dung (trong công, dung, ngôn, hạnh) rộng lớn hơn phạm vị cá nhân nhiều. Đó là quyền lợi quốc gia, đất nước. Người con gái hoàng tộc ấy đã biết đạp lên, dám đặt những bước chân và để lại những gót son đẹp đẽ như thế trên hình hài Đất Nước. Tiếc thay tên cửa Tú Dung sau này bị một bậc trượng phu như Mạc Đăng Dung chỉ vì kỵ húy mà đổi ra thành Tú Khách. Rồi nữa, các chúa Nguyễn khi không lại đổi ra cửa Tư Hiền như tên gọi ngày nay. Chỉ một cái địa danh thôi cũng đã truân chuyên, huống nữa người hoa sao lại không phong trần. Và vấn đề hợp lý ở chỗ là phong trần ấy, nỗi truân chuyên ấy lụy đến người hoa mà vùng đất hai Châu Ô, Lý trở thành vùng địa lý nhân văn của đất Việt.

Từ Cửa Ô Long đoàn đưa dâu lên bộ đưa Huyền Trân về nước Chăm. Công chúa được phong làm hoàng hậu, mỹ hiệu là Paramevari. Oái oăm thay là chưa tròn năm sau, tháng 5.1307, Chế Mân đột tử. Tục lệ nước Chăm vua mất thì hoàng hậu phải lên hỏa đàn tuần tang. Trần Anh Tông tìm cách bảo toàn tính mạng cho em gái đã sai Nhập nội hành khiển - Thuợng thư tả bộc xà là Trần Khắc Chung và An phủ sứ là Đặng Văn sang Chăm, lấy cớ đi điếu tang mà cứu Huyền Trân đưa về nước. Trần Khắc Chung đã làm tròn sứ mạng, cứu được Huyền Trân nhưng trên đường về lại cùng Huyền Trân tư thông, vết nhọ trên mình người ngọc vì thế không sao rửa sạch. Mùa thu 1308 Huyền Trân mới về đến Thăng Long và sống trọn cuộc đời trong cảnh quạnh hiu, bẽ bàng.

Ba năm trôi dạt phiêu bồng, vào sinh ra tử, đem cả tấm thân ngọc ngà đổi lấy nửa giang sơn. Không như đám sĩ tử Bắc hà tầm chương trích cú, loạn chữ, dám mượn cái tích Chiêu Quân cống Hồ để mỉa mai, chế giễu. Nhân dân đồng bằng Bắc bộ cũng đàm tiếu khá nhiều, đại loại họ có những câu ca dao như “Con vua lấy gã bán than/ Nó đưa lên ngàn cũng phải đi theo...” Đó chỉ là cái nhìn phiếm diện mù quáng thiếu khách quan, thiện chí. Không chỉ chính sử tôn vinh công trạng đặc biệt của Huyền Trân mà nhân dân vùng Thuận Hóa ngưỡng mộ và thờ phụng bà như một tín ngưỡng.

2-  Huyền Trân công chúa - Bà chúa của vừng đất Châu Ô:

Người dân Châu ô, Châu Lý một phần nay là Quảng Trị có đạo lý riêng của mình, đạo lý, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Chưa ai chia sẻ nỗi niềm với bà Huyền Trân sâu sắc và đánh giá cụ thể công trạng của bà như người dân Thuận Hóa trong bài ca Nam Bình này: “Nước non ngàn dặm ra đi, mối tình chi, Mượn màu son phấn đền nợ Ô, Lý... Đắng cay vì, đương độ xuân thì. Số lao đao hay là duyên nợ gì? Má hồng, da tuyết, quyết liều như hoa tàn trăng khuyết... Cho dẫu “vàng lộn theo chì ” thì cũng Vì lợi cho dân, Tình đem lại mà cân, Đắng cay muôn phần...

“Vì lợi cho dân, Tình đem lại mà cân” - người dân Thuận Hóa không chỉ cân đuợc cái tình, mà còn cân được mảnh đất mình đang đứng chân. Ấy là việc sau đám cưới Huyên Trân, nhà Trần thu hai Châu Ô, Lý. Châu Ô đổi thành Thuận Châu và Châu Lý đổi thành Hoá Châu. Theo điếu chi nhà Trần, bây giờ mới có đợt di dân thứ hai ở Quảng Trị. Từ Nam Cửa Việt, cương vực lãnh thổ hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng mới có được như bây giờ. Theo “Ô Châu Cận lục”, trong vòng 246 năm (1307-1553), Triệu Phong thành lập được 59 xã cổ và Hải Lăng 49 xã cổ. Điều ấy liên quan mật thiết đến việc tính ra năm tháng thành lập tỉnh Quảng Trị, nhưng hẵng bàn sau.

Như đã nói ở phần đầu, Huyền Trân là một cô gái tuyệt vời nhất trong lịch sử dựng nước, thiên tình sử nhuốm màu sắc chính trị của bà với vị vua Chăm là bi kịch, là tấn tuồng bi thảm số phận dội xuống cuộc đời bà, lại là niềm tự hào ngưỡng vọng của dân chúng đã và đang thừa hưởng món quà sính lễ to lớn mà bà để lại. Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, thẳm sâu trong cõi thức tâm linh, người dân Quảng Trị tôn thờ và thờ cúng bà như một vị nhân thần. Ngôi miếu thờ bà ở xóm Chùa làng Kim Đâu thuộc xã Cam An huyện Cam Lộ (nhìn ra bàu Đá, đối diện làng cẩm Thạch) cho thấy nó được xây dựng từ rất sớm. Với lối kiến trúc bằng gạch xây theo kiểu vòm cuốn thành ba tầng mái lợp ngói liệt có đường cổ diêm là kiểu đền miếu mang phong cách thời Lê (thế kỷ XVI-XVII). Tiếc rằng chiến tranh, rồi thời gian phong hoá, những câu đối bằng chữ Hán đắp ghép bằng sành sứ đã bị bong vỡ hết. Trên nền cũ rêu phong và cây cối phủ kín, nguời dân địa phương đã phát quang và xây dựng lại miếu thờ mới toanh có phần "hiện đại" trong kiến trúc nữa (xây lại mùa hè năm 1997). Biết làm sao đuợc, niềm ngưỡng vọng và xét cho cùng mọi sản phẩm văn hóa của nhân dân đều được đẻ ra từ sự sùng bái. Với bà Huyền Trân, nhân dân làng Kim Đâu vì sự tôn vinh một nhân vật có công với nước mà góp thóc gạo để xây lại miếu.  Lỗi là lỗi các cơ quan làm chức năng văn hóa, thiếu đầu tư đã đành, thiếu chỉ đạo kỹ thuật chuyên môn cộng với sắc phong và địa bộ làng đã mất thì đời sau nhìn vào chẳng ai biết là miếu bà Huyền Trân công chúa nữa.

Nhiều làng ở Quảng Trị thờ Huyền Trân và tránh gọi tên chữ, dân gian thường gọi là “bà Chúa-” hay bà “Chúa Ngọc”. Ngay cả văn bản sắc phong của các triều đại phong kiến về sau cũng nhuận sắc theo cách này. Ví dụ như sắc phong mới phát hiện gần đây ở làng Nghĩa An gọi là “Ngọc diễn phi” và phong bà Huyền Trân vào hàng “Thượng đẳng thần”. Quan sát việc thờ cúng ở làng Nại Cửu, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, trong đó có việc thờ bà Huyền Trân cũng làm cho chúng ta hết sức cảm động. Đình làng Nại Cửụ trước nằm ở Bèng, vùng đất sạch sẽ, thoáng đãng, cao ráo giáp với làng Bích Khê, xã Triệu Long. Chiến sự rồi chi khu quân sự Triệu Phong đóng đồn trú ở đây, đình làng đã phải chuyển đến một địa điểm khác. Nhưng hàng năm vào rằm tháng bảy, làng tổ chức lễ hội Kỳ Yên (cầu an) vẫn cứ phải đưa kiệu đến nền đất cũ xưa để nghinh thần. Theo lời kể của các bô lão, trưởng cái tộc họ nguyên xưa ở Bèng có miếu thờ riêng bà Huyền Trân công chúa, miếu thờ sắc phong, có bài vị ghi tên tuổi từng vị thần. Nay thất lạc hết, về đình mới, thay thế bằng lư hương, nhưng vị trí và vai vế các vị thần mà làng thờ tự vẫn không thay đổi. Có năm bàn thờ từ trái sang phài ngôi đình, thì bà thờ bà Huyền Trân được bố trí theo thứ tự sau:

- Bàn 1: Thờ thổ Thần

- Bàn 2: Thờ 4 vị tiền khai khẩn.

- Bàn 3 (chính giữa): Thờ 11 vị thần trong 7 lư hương đã được sắc phong. Năm vị ngũ hành thờ chung một lư hương, sáu vị kia mỗi vị một lư hương độc lập.

Chính ở bàn thờ này có lư hương thờ bà Chúa Ngọc (Huyền Trân công chúa) và lư hương thờ bà Hồng nương tiên phi (vú nuôi của Huyền Trân công chúa).

- Bàn 4: Thờ 3 vị hậu khai khẩn.

- Bàn 5: Thờ những vị khoa hoạn, đỗ đạt của làng (Am thờ Khổng Tử ngoài sân)

Trong một bài văn tế ở lễ hội này còn lưu lại được ở làng bằng chữ Hán đề năm: “Duy Bảo Đại thập bát niên, tuế thứ Nhâm ngọ thất nguyệt thập tứ nhật” tức năm Nhâm ngọ, Bảo Đại thứ 18, ngày 14 tháng 7, ghi rõ những dòng này:

“Chúa Ngọc sắc phong, nhân uyển gia tặng trung huy dực bảo trung hưng thượng đẳng thần. Hồng nương tiên phi gia tặng trung huy dực bảo trung hưng thượng đẳng thần.”

Điều ấy có nghĩa và độc đáo mới mẽ ở chỗ là không chỉ nhân dân thờ Huyền Trân công chúa mà vú nuôi của Huyền Trân (Hồng nương tiên phi) cũng được thờ và phong thượng đẳng thần. Tưởng cũng không bình giải gì nhiều, Huyền Trân đã thực sự có một vị trí đặc biệt trong tâm thức, tín ngưỡng của người dân Quảng Trị.

3- Thay lời kết:

3.1- Việc khảo sát và phát hiện ra các trường hợp tương tự ở các ngôi làng cổ Quảng Trị chưa nhiều, nhưng niềm nguỡng vọng, sự tôn vinh một người có công với nước như bà Huyền Trân ở châu Ô, vùng đất từ lâu đã trở thành vùng địa lý nhân văn của đất Việt cho thấy là phổ biến, hằn sâu trong đời sống tâm linh của nguời dân. Tín ngưỡng dân gian này là biểu tượng hóa, thể hiện một năng lực, phép ứng xử ở tầm cao của văn hóa. Tuy nhiên vì chiến tranh dai dẳng triền miên ở mảnh đất này mà các di tích (miếu thờ, địa bộ, sắc phong) hầu như đã bị xóa sổ. Trách nhiệm của chúng ta là phải tiếp tục phát hiện và phục chế lại các thiết chế văn hóa này ở các ngôi làng.

3.2- Bài học lịch sử nhân văn và thiết thực nhất rút ra ở đây là khi Quảng Trị ấn định cái cột mốc thời gian địa chính lịch sử như cái mốc chọn ra để kỷ niệm năm thành lập tỉnh Quảng Trị thì phải tính đến cái mốc 1306 hoặc 1037, từ khi có cuộc tình duyên mang đậm màu sắc chính trị của bà Huyền Trân và cuộc di dân thứ hai, nhà nước phong kiến sai Đoàn Nhữ Hài vào Kinh lý, vỗ về dân chúng và đặt quan cai trị. Chỉ với cái mốc này, Quảng Trị bấy giờ mới hoàn chỉnh về mặt địa giới hành chính hiện có như bây giờ.

Trước đó, ai cũng biết, năm 1075 Lý Thường Kiệt cũng đã từng ruổi ngựa đến bờ bắc Cửa Việt để vẽ địa đồ, nhưng đấy chi là một nửa địa giới của tỉnh Quảng Trị.

Vài ý kiến bước đầu đặt ra, rất mong các bậc thức giả và những ngôi làng Quảng Trị có thờ bà Huyền Trân tiếp tục đóng góp.

                                                                                     Tháng 5.1998

                                                                                               Y.T

Y Thi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 44 tháng 05/1998

Mới nhất

Tạp chí Cửa Việt - 35 năm một chặng đường

28/06/2025 lúc 16:18

Ngày 28/5/2025, Tạp chí Cửa Việt tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm tạp chí ra số đầu tiên và gặp mặt cộng tác viên năm 2025. Tại buổi lễ, Phó Tổng biên tập phụ trách Hồ Thanh Thọ đã có bài phát biểu khai mạc...

Vùng trời hoa sim

26/06/2025 lúc 23:29

Những triền sim tím đồi xaBềnh bồng nâng gót mùa qua lặng thầm

Hương xưa; Nắng sớm

26/06/2025 lúc 23:27

Hương xưa… Ta về tìm lại hương xưa

Giấc mơ đồng bằng; Về xanh trong gió thơm

26/06/2025 lúc 23:24

Giấc mơ đồng bằng Gọi em đêm qua tôi mơ

Ngủ giữa gió sông quê

26/06/2025 lúc 23:22

Hôm ấy gió sông thổi về lồng lộng. Lửa nương theo bàn tay của gió vồ lấy mái bếp, tỏa ngọn nghi ngút trên đống củi khô, tràn qua ô cửa vương tơ nhện và bụi mờ.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

02/07

25° - 27°

Mưa

03/07

24° - 26°

Mưa

04/07

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground