Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Khát vọng Văn hóa - Văn học nghệ thuật của mảnh đất Cam Lộ

1. KHÁI QUÁT VỀ  MẢNH ĐẤT VÀ CON NGƯỜI CAM LỘ

Trải qua nhiều thời đại, con người trên mảnh đất này - với tư cách là chủ thể sáng tạo đã vượt qua mọi thử thách gian nan để làm nên những kì tích hào hùng trong đấu tranh và xây dựng, để lại nhiều di tích lịch sử và di sản văn hoá truyền thống vô cùng quý báu mà ngày nay đang được phát huy hoặc vẫn còn vọng mãi trong tâm thức và đời sống của người dân nơi này.

Trong cuốn "Cam Lộ phủ chí" (bản chép tay của một viên quan làm việc ở phủ Cam Lộ) đã viết: Các vua đời trước đặt dinh Ai Lao, trong thời Gia Long đặt đạo Cam Lộ. Nguyên đạo Cam Lộ đặt tại làng Nghĩa An (Đông Thanh hiện nay). Đến năm Minh Mạng thứ Chín, xây dựng thành Vĩnh Ninh tại làng Cam Lộ; rồi sau đổi đạo Cam Lộ thành phủ Cam Lộ (Phủ Cam Lộ bao gồm cả huyện Cam Lộ, huyện Đakrông, huyện Hướng Hoá và một phần đất của tỉnh Savanakhet - thuộc nước Lào).

Phủ Cam Lộ xưa từng được mạnh danh là vùng đất lam sơn chướng khí, với địa hình khá đa dạng; vừa có gò đồi vừa có vùng núi cao xen giữa những thung lũng đất đỏ bazan cùng những cánh đồng trồng lúa nước nhỏ hẹp bị chia cắt bởi những dòng sông mà đa số bắt nguồn từ núi cao hoặc từ lãnh thổ nước Lào. Là chốn tụ cư lâu đời của nhiều dân tộc thiểu số sinh sống dưới chân dãy Trường Sơn.

Huyện Cam Lộ hiện nay có diện tích 346,9km2, chiếm 8% diện tích đất của tỉnh Quảng Trị, dân số bốn mươi tám ngàn người. Toàn huyện có chín đơn vị hành chính, bao gồm: Thị trấn Cam Lộ là trung tâm huyện lỵ, bốn xã vùng đồng bằng là: Cam An, Cam Thanh, Cam Thuỷ, Cam Hiếu và bốn xã miền núi là: Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Tuyền và đường Chín đi ngang qua trung tâm huyện là điều kiện của sự quy tụ phát triển kinh tế dân cư của huyện Cam Lộ.

Về truyền thống lịch sử và

 phong trào yêu nước của nhân dân Cam Lộ:

Ở Cam Lộ đã tìm thấy dấu vết của cư dân người tiền sử sinh sống từ 1,5 vạn đến ba vạn năm về trước. Dấu vết cư trú của người nguyên thuỷ thời hậu kỳ đồ đá cũ ở Cùa mà chủ yếu là khu vực Tân Sở. Dấu tích cư trú của người nguyên thuỷ ở Hang Dơi (Tân Lâm).

Từ thời Trần - Lê (Thế kỷ XIV - XVI) đã có người Việt vào cư trú ở Cam Lộ dọc theo bờ sông Hiếu. Chính sách khẩn hoang lập làng thời các chúa Nguyễn được đẩy mạnh hơn đã phát triển khu cư trú về phía Nam, trong đó có các làng được thành lập ở Cùa từ đầu thế kỷ XVII.

Chợ Phiên Cam Lộ là một chợ lớn lâu đời, được sử sách nhắc đến từ năm 1621. Đây là một trung tâm thương mại quan trọng thu hút khách buôn từ Lạc Hoàn, Vạn Tượng của Lào đến Trấn Ninh, Quy Hợp của miền Tây Thanh - Nghệ.

Năm 1883, trước sự uy hiếp trắng trợn của thực dân Pháp, triều đình Huế chủ trương xây dựng một căn cứ Cần Vương kháng chiến để dời đô khi kinh thành Huế bị lâm nguy. Nơi được chọn làm kinh đô thời chiến của triều đình Huế là Tân Sở ở Cùa. Tại Tân Sở, ngày 13-7-1885, Hịch Cần Vương đầu tiên được ban ra khắp cả nước kêu gọi nhân dân hưởng ứng giúp Vua cứu nước trước hoạ xâm lăng của thực dân Pháp. Nhân dân Cam Lộ không những trực tiếp đóng góp công sức, tài lực trong việc xây dựng Tân Sở, bảo vệ an toàn lộ trình vua Hàm Nghi đi qua và thời gian sống ở địa phương, mà ngay từ đầu đã nô nức hưởng ứng phong trào Cần Vương. Hàng ngàn thanh niên Cam Lộ hưởng ứng chiếu Cần Vương, tham gia nghĩa quân và đóng góp cho phong trào nhiều tướng lĩnh kiên cường.

Sau khi phong trào Cần Vương thất bại, đất Cam lộ trở thành nơi ẩn chứa, tích tụ mầm móng yêu nước, chờ thời cơ nổi lên đấu tranh chống thực dân Pháp, tiêu biểu là các nhân vật như sau: Cụ Khoá Bảo với cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916. Hồ Trọng Bá, Lê Thế Vỹ, Đỗ Doãn Võ với những cải cách Duy Tân.

Ngôi nhà nằm trên vùng đất thuộc thôn Tân Tường, xã Cam Thành cách quốc lộ Chín (tại km 17) khoảng tám trăm mét về phía Nam, trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, lợi dụng vị trí kín đáo của một cơ sở trồng dâu nuôi tằm thuộc gia đình cụ Lê Thế Vỹ, nhiều người yêu nước và cách mạng đi theo các tổ chức chính trị chống lại thực dân Pháp và chế độ Nam Triều tại Quảng Trị trong phong trào Duy Tân đã quy tụ về khu vực nhà Tằm để hội họp và bàn bạc các chủ trương, kế hoạch hành động chống thực dân đế quốc và bè lũ tay sai bán nước.

Tháng 5 - 1930, tại nhà Tằm Tân Tường, Ban chấp hành lâm thời đầu tiên của huyện Cam Lộ được thành lập do đồng chí Lê Thế Tiết làm Bí thư Huyện uỷ. Đây là mốc lịch sử có ý nghĩa lớn trong suốt quá trình phát triển của phong trào cách mạng ở địa phương. Nhân dân Cam Lộ dưới sự lãnh đạo của nhiều nhà chí sĩ, đặc biệt từ khi có Đảng đã quét sạch bọn xâm lược ra khỏi quê hương, xoá bỏ chế độ phong kiến, tay sai, đưa nhân dân từ cuộc sống tối tăm, đoạ đày nô lệ lên vị trí người làm chủ, thành công dân một nước độc lập, tự do.

Ròng rã gần ba mươi năm (1945 - 1972) kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, với tất cả sự nỗ lực phấn đấu của mình, quân và dân Cam Lộ đã góp phần xứng đáng cùng cả nước đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Ngày 2-4-1972, Cam Lộ cùng Gio Linh được hoàn toàn giải phóng làm cơ sở tiến công đánh chiếm tỉnh Quảng Trị. Lần đầu tiên một tỉnh ở miền Nam, tuyến đầu rắn chắc nhất của chế độ Sài Gòn được giải phóng nối liền với miền Bắc XHCN và tại huyện Cam Lộ đã nhanh chóng xây dựng thành căn cứ địa cách mạng trên lãnh thổ miền Nam, nơi đặt trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, tạo thế đấu tranh ngoại giao mới, cổ vũ mạnh mẽ niềm tin và ý chí chiến đấu của cả nước, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Chiến tranh đã gây ra và để lại không biết bao nhiêu đau thương, mất mát cho người và đất Cam Lộ; nhưng chiến tranh cũng đã làm nảy sinh ở đây hàng loạt sự tích anh hùng, làm xuất hiện nhiều địa danh lẫy lừng chiến công biểu trưng cho chí khí quật cường, lòng quả cảm và niềm tự hào lớn lao cho cả dân tộc.

Đường Chín anh hùng, con đường chiến lược huyết mạch, Hành lang Đông - Tây nối Quảng Trị với nước bạn Lào được người Pháp khởi xướng xây dựng và được quân đội Mỹ nâng cấp hoàn chỉnh để phục vụ cho mục đích quân sự trong ý đồ xâm lược toàn bán đảo Đông Dương đã trở thành con đường kinh hoàng đối với chính những người đã làm ra nó. Những địa danh trên đường Chín gắn với các cứ điểm, tập đoàn cứ điểm hoả lực mạnh của Mỹ - nguỵ như Tân Lâm, Đầu Mầu, Phu Lơ (544), Ca Rôn (241), Động Tri, Đồi Tròn, Tà Cơn, Khe Sanh, Làng Vây... sau những cuộc đụng độ giữa quân viễn chinh Mỹ và quân đội Sài Gòn với lực lượng quân giải phóng trong các năm 1967, 1968, 1971, 1972 đã trở thành nỗi kinh ngạc bất ngờ của Nhà trắng, thành nỗi ám ảnh về sự tuyệt vọng của lính Mỹ và thành "Hội chứng Việt Nam" của nước Mỹ những năm sau chiến tranh.

Những địa danh khác như: Tại vùng Sẫm thuộc xã Cam Chính, tháng 6/1952 du kích hai xã Cam Chính, Cam Nghĩa cùng với bộ đội chủ lực 364 bí mật, bất ngờ chặn đánh phủ đầu tiêu diệt trên hai trăm lính Pháp và thu nhiều phương tiện chiến tranh; tại km 8 quốc lộ Chín, tháng 10-1953, bộ đội chủ lực và du kích đã tiêu diệt và bắt sống gần một trăm chín mươi lính Âu Phi đi càn quét; phong trào đồng khởi ở Cùa năm 1964, đánh đồn Thượng Nghĩa năm 1966 diệt gần một trăm bốn mươi tên địch; đánh tan Tiểu đoàn "Trâu điên" ở Ngã Tư Sòng năm 1967; trận chống càn ở Rẫy Dương (Cam Thuỷ) năm 1968; đánh đồi Quai Vạc năm 1972…

 Khu trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ ra đời năm 1973 do yêu cầu của cách mạng miền Nam, trở thành nơi hội tụ tình cảm, khát vọng và quyết tâm giành độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam. Đây là trung tâm đầu não của cách mạng miền Nam để đón tiếp sứ bộ ngoại giao của nhiều nước và nhiều đoàn đại biểu của các lực lượng yêu chuộng hoà bình trên thế giới đến trình quốc thư và đặt quan hệ ngoại giao.

Lịch sử đã để lại trên đất Cam Lộ không chỉ là những di tích tầm cỡ có tiếng vang lớn như đã nói trên mà còn để lại hàng trăm địa danh ghi dấu nhiều sự kiện oanh liệt, hào hùng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Cán bộ và nhân dân Cam Lộ

quyết tâm tái thiết và xây dựng quê hương:

Sau ngày giải phóng, Cam Lộ là một vùng trắng; nhà cửa, vườn tược, trường học, cơ sở y tế, đường sá, cầu cống, đê điều bị phá huỷ 100%. Trong thời gian từ năm 1973 đến tháng 4-1975 cán bộ và nhân dân Cam Lộ với những nỗ lực lớn, vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống, vừa làm nghĩa vụ của hậu phương trực tiếp cho tuyến trước với quyết tâm đánh cho Mỹ cút, nguỵ nhào, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị và miền Nam thân yêu.

Trong hai năm 1975 - 1976 những kết quả đạt được hết sức to lớn đó là chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội ổn định, niềm tin của nhân dân vào chế độ mới được củng cố.

Giữa năm 1977 ba huyện Cam Lộ, Gio Linh và Vĩnh Linh họp nhất thành huyện Bến Hải và đến cuối năm 1981, tám xã của huyện Cam Lộ được tách ra từ huyện Bến Hải để sáp nhập với thị xã Đông Hà. Hơn mười bốn năm cùng với nhân dân Bến Hải, Đông Hà, nhân dân Cam Lộ đã lao động cần cù, đầu tư công sức, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh, từng bước thúc đẩy tình hình kinh tế - xã hội phát triển.

Ngày 1-12-1991 huyện Cam Lộ long trọng tổ chức lễ ra mắt lập lại huyện trong niềm hân hoan, phấn khởi của đồng chí, đồng bào. Mười lăm năm đã trôi qua, mười lăm năm khoảnh khắc ngắn ngủi so với chiều dài hình thành, phát triển của mảnh đất này, nhưng đó là mười lăm năm của sự kế thừa tiếp nối những giá trị truyền thống và tinh hoa cha ông để lại, gian khổ nhưng hào hùng.

Cam Lộ có thể tự hào về chặng đường đã đi qua, với những thành quả rất quan trọng, nổi bật nhất là phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, đem lại hiệu quả thiết thực. Các ban, ngành, tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở tích cực động viên nhân dân thi đua sản xuất, kinh doanh, mở rộng ngành nghề giúp nhau ngày công giống vốn, kinh nghiệm làm kinh tế. Từ năm 2001- 2006, với hơn ba trăm năm mươi lớp tập huấn cho gần bảy ngàn lượt hộ nghèo tham gia để nắm bắt về kỹ thuật trồng tiêu, thâm canh lúa miền núi, kỹ thụât ươm ghép một số loại cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm... thông qua các dự án tài trợ, các hội đoàn thể huyện đã hỗ trợ gần hai trăm con bò, ba mươi con dê, một trăm bảy mươi lăm lợn giống, bốn mươi tám đàn ong nuôi lấy mật, bảy nghìn giống cây ăn quả các loại… cho gia đình hội viên nghèo.

Công tác đào tạo nghề cũng được nhiều địa phương quan tâm nhằm giải quyết công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động. Từ năm 2004 - 2006, trên địa bàn huyện đã mở hàng chục lớp đào tạo nghề như: Mây giang đan xuất khẩu, thêu ren, may công nghiệp, điện dân dụng, thu hoạch cao su, làm chổi đót… với hơn bảy ngàn học viên tham gia. Đặc biệt là cuộc vận động đóng góp vì người nghèo. Từ 2003 - 2006 đã xây dựng và sửa chữa hai trăm ba mươi nhà "Đại đoàn kết" cho hộ nghèo với tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng; hàng năm miễn giảm học phí cho hơn tám trăm học sinh và miễn giảm kinh phí cho nhiều đối tượng khám chữa bệnh.

Đến nay huyện Cam Lộ không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm là 3,14% khoảng cách giữa hộ giàu và hộ nghèo ngày càng thu hẹp, thu nhập bình quân đầu người từ 1,95 triệu đồng năm 1992 đến cuối năm 2006 tăng lên 4,85 triệu đồng. Có 100% làng, khóm, cơ quan, trường học phát động xây dựng đơn vị văn hoá, trong đó 110/175 đơn vị đã được công nhận đạt chuẩn.

Cùng với việc phát triển kinh tế, việc phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Quy ước, hương ước của cộng đồng thường xuyên được duy trì. Nhờ vậy đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong xây dựng cơ sở hạ tầng với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Những năm qua, hệ thống trường học ngày càng được kiên cố khang trang, có một trường mầm non và mười hai trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia; tất cả các thôn đều có nhân viên y tế, hai xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, gần năm mươi kilômét giao thông nông thôn được bê tông hoá năm mươi ba trung tâm văn hoá - học tập cộng đồng được đầu tư xây dựng v.v…

Xuất phát từ tình hình bối cảnh của đất nước nói chung và Quảng Trị nói riêng, căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, Cam Lộ xác định mục tiêu phấn đấu trong năm năm tới là: “Tiếp tục phát triển kinh tế nông nghiệp một cách toàn diện, đẩy mạnh phát triển CN và TMDV, tạo sự chuyển biến tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phấn đấu sau 2010 hình thành cơ cấu: Công nghiệp, TTCN- thương mại dịch vụ- nông lâm nghiệp…”. Trong đó chú trọng phát triển CN- TTCN gắn với khai thác các tiềm năng về nguyên liệu trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác quy hoạch, tạo quỹ đất để từng bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và kêu gọi hợp tác đầu tư. Xây dựng và đưa vào sử dụng cụm công nghiệp, TTCN làng nghề tại Cam Thành, Thị Trấn và Ngã Tư Sòng. Bổ sung điều chỉnh quy hoạch trung tâm Thị Trấn và Ngã Tư Sòng phù hợp với quá trình đô thị hoá.

Xây dựng các trung tâm thương mại - dịch vụ dọc các tuyến quốc lộ Chín, đường Hồ Chí Minh; tại các điểm: Ngã Tư Sòng, Thị trấn, mỏ đá Tân Lâm, ngã ba Cùa, Nhà máy xi măng ba mươi lăm vạn tấn, Nhà máy chế biến mũ cao su… cải tạo nâng cấp chợ Phiên Cam Lộ, chợ Ngã Tư Sòng, xây dựng Khu di tích sinh thái Khe Gió - Tâm Lâm phục vụ các hoạt động văn hoá, du lịch, dịch vụ… Phấn đấu trong năm năm tới thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi so với hiện nay.

Với tinh thần phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, khắc phục mọi khó khăn, khơi dậy các tiềm năng lợi thế tạo ra động lực mới thúc đẩy sự nghiệp kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển.

2. KHÁT VỌNG VĂN HOÁ - VĂN HỌC NGHỆ THUẬT:

Cũng như các huyện khác trong toàn tỉnh, Cam Lộ là vùng quê nắng lắm, mưa nhiều. Sự khắc nghiệt của thời tiết đã từng làm cho con người nơi đây phải chịu lắm nỗi gian truân vất vả. Và cũng chính điều đó đã tạo nên những cái rất riêng của mảnh đất và con người Cam Lộ.

Ai đã từng thưởng thức hương vị ngọt chát rưng rức của chè xanh, vị nồng cay thơm thảo của hạt tiêu Cùa thì không thể nào quên được. Ai đã từng nhâm nha những hạt lạc rang của đất phù sa Thanh Tuyền chắc suốt đời vẫn nhớ. Một Khe Gió mát xanh vẫn cứ rạo rực du khách đằng xa. Những Hiếu Giang, La La suối, Rì Rì khe… rất nên thơ và giàu chất sử thi. Những suối nước nóng Tân Lâm, Hang Dơi, Tân Kim, Bến nước Đầu Mầu… mỗi khi dừng chân thì bao giờ cũng muốn trở lại!.

Có phải do sự sinh khắc chế hoá của vũ trụ, của đất trời, hay tạo hoá đã ban tặng cho vùng đất này những làn da đẹp của con gái xứ Cùa, đôi má cứ ửng hồng qua mỗi độ heo may; những ánh mắt long lanh của các thiếu nữ hai bên bờ sông Hiếu, ngắm nghía một chút thôi cũng đủ xao động lòng người! Một sông Hiếu nhỏ nhoi mà có những bến đò xưa lặng lẽ, mỗi mùa nước dâng cũng vời vợi bên nhớ, bên thương. Có biết bao đêm những chuyến đò: Quật Xá, Ba Thung, Bích Lộ, Định Xá…chở người đi đánh giặc; những sớm chiều dằng dặc chở khách sang sông, giờ vẫn sâu lắng nỗi niềm và trở thành hoài niệm. Rồi cũng chỉ nơi con sông này mới có con cá bống, cá trơn kho tộ tuyệt vời và lấy nước trong nơi sông Hiếu nấu bồ kết “Gội đầu mới trơn”…Tất cả những cơ duyên và vẽ đẹp ấy cứ hoà quyện nơi đất đai, sông nước và tâm hồn người Cam Lộ. Có lẽ muôn đời vẫn là niềm tự hào, thao thiết trong tim niềm tin yêu cuộc sống! Với mảnh đất này, có biết bao tâm hồn người nghệ sĩ đã cảm hứng tạo nên những áng văn, những vần thơ, đặc biệt là những ca khúc bi tráng, oai hùng một thời đánh giặc.

Ngay từ những ngày cách mạng còn chìm trong mưa bom bão đạn, chính những lời ca tiếng hát đã góp phần rất tích cực để cất lên tiếng gọi đàn, thức tỉnh tình thương yêu đồng bào, khêu lên ngọn lửa tự hào dân tộc. Đã có nhiều văn nghệ sĩ cả nước viết về Cam Lộ như Chế Lan Viên, đặc biệt là giới nhạc sĩ có nhiều tác phẩm viết về vùng đất này xuất sắc như nhạc sĩ Huy Thục, Trần Hoàn, Lê Anh, Lê Quang Nghệ. Đó là niềm vinh dự tự hào của chúng ta, song chúng tôi biết đó cũng là thử thách rất lớn đặt ra cho các nhạc sĩ Quảng Trị trong trại sáng tác lần này. Bởi vì trong hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật, tránh được “cái bóng” của người đi trước đã khó khăn, chưa nói đến việc đi tìm cái mới.

Và thật bất ngờ là sau ba tháng mở trại, mười hai nhạc sĩ đã trình làng 12 ca khúc, hầu hết đều đi tìm cái mới và mang đậm dấu ấn của tác giả. Tác phẩm của trại không những đa dạng về đề tài, chủ đề mà giọng điệu thật sự là đa âm, đa sắc, bộc lộ dấu ấn cá nhân rõ nét trong từng tác phẩm. Đó là “Cam Lộ yêu thương” của nhạc sĩ Hoàng Anh, “Giọt sương trong mắt em” của Võ Thế Hùng, “Cam Lộ trong tôi” của Thanh Liêm, “Mùa sim chín vội” của Đỗ Hữu Dũng, “Nhớ chợ Phiên” của Nguyễn Bình Luận, “Cam Lộ chiều nay” của Hoàng Hữu Lộc, “Đầu nguồn Hiếu Giang” của Trần Tích (Thơ Thanh Ngãi), “Về thăm Tân Sở” của Phan Anh Tiến, “Hoài hương Cam Lộ” của Xuân Vũ, “Cam Lộ quê em” của Văn Lượng, “Nhớ mẹ chiến khu” của Phan Thảng và “Cam Lộ chiều bên em” của Thanh Ngọc. Mười hai ca khúc của trại lần này đã làm sống dậy những tên đất tên làng của mảnh đất Cam Lộ, một mảnh đất đã làm nên những kỳ tích trong đấu tranh xây dựng và ngày nay vẫn còn vang vọng mãi trong tâm thức và đời sống của chúng ta.

Rồi đây những ca khúc ở trại sáng tác này sẽ được vang lên không chỉ trong huyện, trong tỉnh mà còn lan toả ra khắp cả nước. Nhưng đó cũng chỉ là sự khởi đầu. Chúng ta còn mở ra nhiều trại viết khác nữa, cụ thể là đầu năm 2008 sẽ mở trại viết văn học, vì đấy là khát vọng văn hoá, văn học nghệ thuật của một vùng đất.

    N.T.N

 

 

 

__________

* Bài phát biểu của ông Nguyễn Thanh Ngãi Trưởng phòng VHTT huyện Cam Lộ ở trại sáng tác Âm nhạc 2007.

 

Nguyễn Thanh Ngãi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 156 tháng 09/2007

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground