Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Kỷ niệm một đêm trong rừng núi…

Thời kháng chiến có lần tôi đi công tác, phải nghỉ qua đêm ở một trạm giao liên trên đường Trường Sơn. Căn nhà khách của trạm khá lớn, có thể chứa hàng chục người. Nhưng hôm ấy chỉ còn mình tôi và một anh bộ đội, người của trạm lo việc đón khách. Anh tự giới thiệu tên mình là Hồng Hải, một thanh niên miền Bắc khoảng hai mươi tuổi, dáng khỏe mạnh, vui vẻ, hoạt bát. Tôi hỏi:

Hoàng Phủ Ngọc Tường, NS Trần Hoàn và đồng đội trong chiến khu miền Tây Thừa Thiên (1969)

Hoàng Phủ Ngọc Tường, NS Trần Hoàn và đồng đội trong chiến khu miền Tây Thừa Thiên (1969)

- Trạm này sao chỉ có một mình đồng chí. Rồi khách đến đông làm sao lo nổi?

- Còn một số nữa chứ. Nhưng mấy hôm nay có công tác đột xuất, anh em đi hết.

Câu chuyện tới đó thì tạm ngừng vì ở ngoài bìa rừng có tiếng cười nói lao xao. Rồi một đoàn chín mười người bước vào trạm. Trong đoàn có mấy người đàn ông đứng tuổi, còn lại là những cô gái trẻ đẹp. Quân trang quân dụng của họ còn mới, như vừa lãnh trong kho ra. Hình như họ vừa đi qua một rừng mai. Trên mái tóc, vai áo và trên ba lô của họ có những cánh hoa mai vàng vương vít. Nguyên vùng chiến khu này thuộc thượng nguồn sông Ô Lâu, vốn có nhiều mai rừng. Bây giờ đang vào những ngày giáp Tết, hoa mai đã nở rộ.

Hồng Hải vui vẻ hỏi khách:

- Các đồng chí về đâu?

- Chúng tôi về Phòng Chính Trị Quân Khu.

Hồng Hải xem giấy giới thiệu rồi bảo:

- Về Quân Khu thì sáng mai có đường dây. Đêm nay các đồng chí nghỉ lại đây.

Một người có vẻ là trưởng đoàn nói:

- Tốt thôi. Nghỉ một đêm cho lại sức, sáng mai đường còn dài. Bây giờ anh em lo chuẩn bị cơm nước kẻo lát nữa tối không thấy đường.

Một cô ngồi bệt xuống đất, ngả lưng dựa vào ba lô nói như than thở:

- Đi suốt ngày mỏi nhừ. Giờ chỉ thèm ngủ một giấc chứ chả muốn ăn uống gì.

Hồng Hải bỗng có ý kiến:

- Các anh các chị vất vả rồi. Bây giờ hãy cứ tắm rửa nghỉ ngơi. Chuyện cơm nước để em lo cho.

- Thế thì tốt quá. Nhưng không dám làm phiền đồng chí nhiều. Chỉ cần cho chúng tôi mượn một cái soong lớn để nấu cơm và cho xin một ít củi khô của trạm.

Nhưng Hồng Hải rất nhanh nhẹn, tháo vát - chạy đi lấy soong đong gạo, thổi cơm... làm hết mọi việc. Anh còn xoay xở sao mà có thêm được một nồi canh chua lá bứa, tuy đạm bạc nhưng như thế là quá tuyệt vời đối với hoàn cảnh của khách đi đường. Trong đoàn có người mang theo gói trà nên sau bữa cơm mọi người quay quần bên bếp lửa với những bát trà nóng. Bây giờ Hồng Hải mới tò mò hỏi:

- Các đồng chí thuộc đơn vị nào ạ?

- Chẳng giấu gì đồng chí, chúng tôi là văn công.

Hồng Hải reo lên:

- Ồ hèn gì mà chị nào chị ấy trông xinh đẹp thế.

Người trưởng đoàn hỏi:

- Đồng chí đã xem văn công lần nào chưa?

- Dạ chưa hề. Lâu nay em chỉ được nghe qua đài thôi chứ làm gì được xem.

Đồng chí trưởng đoàn bảo: “Hay là bây giờ chúng tôi biểu diễn vài tiết mục để phục vụ đồng chí nhé.”

Rồi ông gật đầu ra hiệu cho cả đoàn chuẩn bị. Một cô lấy giấy bút ghi vội các tiết mục để lát nữa dẫn chương trình. Chuyến này đoàn đi tập huấn gì đó chứ không có kế hoạch biểu diễn nên không mang theo nhạc cụ. Buổi biểu diễn không hóa trang, không son phấn nhưng rất nghiêm túc và không kém phần đặc sắc. Mở đầu là tiết mục ngâm thơ. Rồi tốp ca nữ biểu diễn bài Mùa xuân chiến khu. Song ca kết hợp múa bài Hai chị em... Có một bất ngờ nhỏ là khi người dẫn chương trình giới thiệu ca khúc Ngắt một chùm hoa thắm tặng anh - sáng tác mới của Hồ Thuận An do chính tác giả biểu diễn. Bất ngờ ở chỗ là Hồ Thuận An chính là người trưởng đoàn. Không có đàn, nhạc sĩ Hồ Thuận An vừa vỗ tay vừa cất giọng trầm ấm hát rằng: “Núi rừng ơi! Nghiêng nghiêng xuống đây. Cho em ngắt của rừng một chùm hoa thắm. Em xin tặng anh. Ghi bao chiến công. Anh đã đánh tan tành lũ giặc ở Bản Đông. Bên ni Khe Sanh và bên tê Sêpôn. Thù nhà nợ nước bắt giặc kia phải đền…”. Kết thúc chương trình là màn ảo thuật Chiếc khăn tay. Cô gái cầm chiếc khăn rằn Nam Bộ vừa múa vừa hát. Chiếc khăn bay lượn trên không như cánh chim. Khi nó rơi xuống cô đưa tay đón và vỗ một tiếng bộp. Giữa hai bàn tay của người biểu diễn bỗng hiện ra một gói thuốc lá Điện Biên. Cô mở gói thuốc lá mời mỗi người một điếu.

Suốt buổi biểu diễn anh lính trẻ Hồng Hải ngồi xem mê mẩn. Kết thúc chương trình, người trưởng đoàn hỏi:

- Sao. Coi được không?

- Báo cáo thủ trưởng, em cứ ngỡ như là trong mơ.

- Còn đồng chí, có ý kiến gì không? - Ông quay sang hỏi tôi.

- Báo cáo đồng chí, thật là tuyệt vời.

Đồng chí trưởng đoàn lắc đầu:

- Khen thế là hơi quá lời. Đây chỉ là những tiết mục văn nghệ chiến trường, chất lượng bình thường thôi.

- Vâng, đúng là chất lượng thì bình thường. Nhưng tuyệt vời là ở chỗ từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ thấy có một đoàn văn nghệ nào dành cả một chương trình biểu diễn chỉ để phục vụ một khán giả duy nhất. Phải chăng những gì mà tôi thấy được trong đêm nay chính là điều mà chúng ta thường nói: một người vì mọi người - mọi người vì một người.

Đồng chí trưởng đoàn mừng rỡ khen: Cảm ơn ý kiến rất hay, rất xúc cảm nhưng hơi sai một chút. Trong số người xem hôm nay, có cả đồng chí nữa chứ. Như thế chúng tôi đã phục vụ tất cả là hai khán giả chứ không phải chỉ có một.

Đêm ấy tôi có dịp chuyện trò thêm với đồng chí trưởng đoàn. Tôi tự giới thiệu mình là sinh viên tranh đấu ở nội thành thoát ly. Và tôi cũng được biết rằng đồng chí thủ trưởng Hồ Thuận An, chính là nhạc sĩ Trần Hoàn.

Thấy tôi loay hoay vấn một điếu thuốc lá sâu kèn rớt lên rớt xuống, ông mở balô lấy một gói thuốc lá Điện Biên bao bạc hào phóng trao cho tôi và nói:

- Tặng cậu cái này hút cho thơm rồi kể chuyện nội thành cho mình nghe. Cậu cứ kêu mình bằng anh cho tự nhiên đi.

Tôi nói ở nội thành những ca khúc như Sơn nữ ca, Con chim non vẫn được phổ biến thường xuyên trên đài phát thanh mà không một lời nói nặng nói nhẹ gì về tác giả Trần Hoàn cả. Có lẽ vì đó là hình ảnh quá đẹp của âm nhạc thời tiền chiến - cũng như Thiên Thai của Văn Cao chẳng hạn… Nó vượt lên mọi lằn ranh chính trị để trở thành những tác phẩm vượt thời gian.

Ông nói:

- Thiên Thai của Văn Cao thì đúng là dòng nhạc tiền chiến. Nhưng Sơn nữ ca  Con chim non của mình là những ca khúc sáng tác trong kháng chiến chống Pháp đấy.

- Vậy đó toàn là người thật việc thật à?

- Hồi đó trong đoàn văn công do mình phụ trách có một cô người dân tộc thiểu số tên là Kon Mon. Nó khá xinh nhưng ghiền thuốc lá, miệng khi nào cũng ngậm cái ống điếu bằng bạc trề cả môi. Mình đem cái ống điếu của nó giấu đi để cho nó bỏ thuốc. Sau nó khóc quá phải trả lại. Còn Con chim non cũng là một cô bé trong đội văn nghệ thiếu nhi. Nó hát rất hay. Có lần mình đi công tác gần một tháng, ai ngờ khi trở về thì nó đã mất vì bệnh sốt rét ác tính, tội nghiệp quá! Hồi đó đâu có thuốc thang gì mà chữa được.

Ông kể những chuyện ấy bằng vài câu hời hợt nhưng giọng buồn buồn nên tôi nghĩ rằng đấy là những kỷ niệm rất sâu sắc trong đời ông. Có điều không tiện tìm hiểu thêm. Ông cũng hỏi tôi khá nhiều về những nhạc sĩ như Phạm Duy, Nguyễn Hữu Ba, Trịnh Công Sơn...

- Thế còn Hoàng Thi Thơ?

Tôi suy nghĩ một lát để cân nhắc câu trả lời sao cho khỏi thất thố:

- Lúc này ông Thơ hoạt động rất nhiều lãnh vực: viết sách dạy sáng tác hòa âm, viết nhạc kịch, lập đoàn văn nghệ dân tộc, làm phim... nên có vẻ không còn nhiều thì giờ để sáng tác ca khúc. Cho đến nay những ca khúc được nhiều người ưa thích nhất của ông vẫn là những tác phẩm từ những năm hòa bình lập lại.

Tôi cũng nói thực mình là cháu kêu nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ bằng ông. Trần Hoàn mừng rỡ hỏi thăm đến nhiều người bà con khác. Từ đó tôi được biết thêm rằng giữa ông và họ Hoàng Bích Khê chúng tôi có mối quan hệ bà con nội ngoại. Trần Hoàn người làng Câu Nhi và chúng tôi thường gọi là “ngoại Câu Nhi”.

Sau này nhạc sĩ Trần Hoàn từng giữ những chức vụ quan trọng như Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa... Hình ảnh của người bà con bên ngoại này có lúc thật gần gũi mà cũng có lúc thật xa cách. Nhưng đối với tôi, ấn tượng sâu sắc nhất mà ông để lại vẫn là hình ảnh người nghệ sĩ, giản dị trong bộ bà ba đen cùng đoàn Văn Công Giải Phóng vỗ tay mà hát bên ánh lửa hồng đêm Xuân năm ấy: “Núi rừng ơi! Nghiêng nghiêng xuống đây, cho em ngắt của rừng một chùm hoa thắm...”.

HOÀNG PHỦ NGỌC PHAN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 346

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground