Tin chắc rằng nó sẽ giẫm lên người, trong giây lát vì hoảng sợ tột đỉnh tôi ngất đi, lúc tỉnh lại thấy nó đang gặm cỏ hướng khác. Dạo ấy tôi giấu kín chuyện ngã kia, không cho ai hay phần vì sợ ba, phần vì xấu hổ.
Tác giả và em gái ruột khi đang học tập, sinh sống ở tỉnh Nam Hà (cũ) theo chiến dịch K8 - Ảnh: NVCC
Bọn trẻ làng tôi cứ thường sau buổi học lại tụ tập ngoài trảng cát dài gần cánh đồng, phía trước là con sông chơi trốn tìm quanh một vài cái miếu rất cổ. Quê tôi yên bình đến lạ, một tiếng gọi từ xa tít cuối cồn cát vẫn nghe rõ mồn một và gió từ sông, từ biển thổi vào mát rượi. Bọn con gái mót củi, hái rau chán rồi chơi ô ăn quan, đánh thẻ (chơi chuyền) bọn con trai thả dê, bò xuống bãi rồi lao ra sông tắm. Ở vùng đất đỏ có rau chua lẻ, rau má, rau cải hoang, rau sam, rau tàu bay và vùng đất mặn có rau xuýt, rau đắng mọc dày tha hồ hái. Cá, tôm thì nhiều vô kể chẳng thua gì trong tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi. Vào mùa lúa chín khoảng giữa tháng tư người ta tháo nước để ruộng khô dễ gặt, những loài cá khác theo dòng nước ra mương máng, sông hồ, riêng tụi cá lóc cứ tìm cách chui tọt vào những bụi dứa dại có nước và bóng mát. Trước khi lùa bò về, tôi cố nhổ một bụi cỏ cao rất dai, thân thẳng búi lại phía trên lá rồi cứ thế bắt từng con chen chúc trong vũng bùn đã bắt đầu sánh đặc, xâu thành một dọc dài quệt đất đưa về để mẹ nấu canh lá bứa, me đất hoặc kho với nghệ tươi.
Rồi một ngày sự bình yên quê tôi không còn nữa, máy bay Mỹ bắt đầu đánh phá, cả làng hì hục đào hầm hào, địa đạo… Thường sau bữa cơm chiều ba tôi đi trực dân quân, còn mấy mẹ con chia nhau một nửa vào hầm chữ A của bác ruột tôi gần đỉnh đồi trú ẩn và xung quanh hầm có tre mọc dày bao bọc khá an toàn. Nửa còn lại xuống địa đạo cùng bà con chòm xóm, ba tôi bảo chia ra đề phòng rủi ro… nhưng thi thoảng tôi vẫn được ra đồng vì con bò không thể bỏ đói.
Một chiều, tôi cùng bạn lẽ ra đưa bò về sớm như mọi hôm nhưng hai đứa cố chờ đoàn thanh niên đang làm thủy lợi cạnh đó về cùng vì lời hứa sẽ cho ăn một bữa dưa hấu thật đã mà họ trồng. Trời về chiều thật yên ắng, chỉ bên kia ruộng dưa tiếng khua nước rửa tay chân, cuốc, xẻng vội vã pha lẫn tiếng hát bông đùa nhau. Bỗng có tiếng ì ầm trong mây đoán chắc là có máy bay, trong tích tắc tiếng rít nghe gần hơn, rồi ầm, oàng… một loạt bom trút xuống ruộng dưa tiếng nổ đinh tai nhức óc, hai đứa ôm nhau ngồi phệt sát mô đất giữ chặt nón trên đầu và bị đất, cát tung lên phủ ràn rạt. Thả xong mẻ bom trinh thám cuối ngày, máy bay biến mất. Từ trong màn khói dày đặc tôi nghe tiếng hét lạc đi: T. ơi, H. ơi! Ba tôi lao về phía hai đứa trẻ, ngay lập tức tôi nhận luôn hai cái tát đến hoa mắt cùng với câu nói giận dữ “cái tội vì dưa này”, sợ quá đứng như trời trồng, nước mắt lăn dài mà không dám nói gì vì biết ba đang rất giận… Rất may, tôi, bạn, các anh chị làm thủy lợi cũng như hai con bò không ai bị dính bom.
Chỉ vài tuần sau con bò không được ra đồng gặm cỏ cho đến một hôm nó bị trúng một mảnh pháo từ hạm đội ngoài khơi bắn vào và chết. Nó rống lên thảm thiết vì đau đớn rồi lịm dần, làng vội vàng làm thịt chia nhau dự trữ để có thể ẩn nấp an toàn trong hầm. Hôm đó tôi nuốt chẳng nổi cơm, thương con bò quá, tôi như mất đi người bạn thân vậy.
Càng ngày bom đạn càng ác liệt, bộ đội về làng đông hơn và thương vong càng nhiều thêm. Đêm đêm vượt sông vào Nam, đánh xong lại bí mật bơi trở lại nên người ta bảo các chú “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam” là vậy. Có một hôm thấy các chú hái rau hoang mọc khắp vườn (quê tôi gọi rau chiếu) để nấu canh suông và thả một chút hạt màu trắng (mì chính) thứ này thật lạ lẫm đối với tôi. Chú bảo phải ăn có rau mới bơi qua sông vào được nơi địch ở để diệt được chúng. Chúng tôi nghe thích thú tranh nhau hái rau giùm, mong các chú ăn thật ngon miệng để có sức khỏe chiến đấu. Hôm sau tôi hỏi mẹ chú bộ đội ấy sao sáng nay không thấy ra, mẹ tôi nhìn xa xăm và đôi mắt như có nước, tôi hiểu chuyện gì đã xảy ra… Cứ thế, người đêm đêm vượt sông khỏe mạnh, hôm sau lại nằm trên chiếc võng dù được cáng chuyển ra tuyến sau, mình mẩy, võng dính nhiều máu không biết còn sống hay đã chết.
Hôm sau nữa, khi trời còn chưa sáng hẳn, một loạt bom khác dội xuống làng, địa đạo sập, tôi không ở trong hầm đó mà là gia đình ngoại và một số bà con khác, trong quang cảnh sáng tối lờ mờ người ta đào bới thật nhanh để cứu người. Những ai ở gần cửa hầm may mắn còn sống, bà ngoại tôi cùng con dâu, ba đứa cháu và sáu người khác trú sâu hơn đã chết vì ngạt. Khi đưa bà cùng hai em lên đặt ngay ngắn trên nóc hầm bằng nhà ngoại (loại hầm đào chính giữa căn nhà, nóc hầm bằng phẳng) mẹ tôi khóc ngất, bà con khâm liệm cho bà và hai em xong rồi chôn ngay kẻo sợ bom đánh lại, trở tay không kịp, rất nguy hiểm. Mợ tôi và đứa con trai đầu đành nằm lại trong lòng địa đạo, càng bới tìm đất càng sập lún vì loại bom khoan là vậy, chui tuột trong lòng đất, nổ rất nhẹ nhưng rung chuyển cả một vùng rộng lớn, sức hủy diệt khủng khiếp. Hôm đó làng tôi chết 11 người. Đến năm 1973 mới lấy được hài cốt mợ và em, khi đào xuống người ta thấy đôi tay người mẹ ôm chặt đứa con, lưng tựa vào lòng đất và chiếc cặp ba lá bằng thép không gỉ vẫn giữ chặt mái tóc dài của mợ.
Vậy là không thể chần chừ thêm nữa, những người không cầm súng tự chiến đấu bảo vệ thì phải nhanh chóng ra khỏi vùng đất ác liệt theo kế hoạch 8 (K8) của Đảng và Bác Hồ để tránh thương vong, tạo điều kiện cho người khác bám trụ chiến đấu bảo vệ quê hương.
Chúng tôi được đưa ra miền Bắc sơ tán vào tháng 7 năm 1967 chỉ sau một tuần địa đạo bị đánh sập, lúc đó tôi tròn 10 tuổi.