T |
ạp chí Cửa Việt số 49 vừa đăng bài "Đôi điều về địa danh chợ Cạn" của ông Nguyễn Tiến Trình bác bỏ cách giả thích chữ Cạn của ông Trần Quốc Tiến trong bài "Ven vùng sa mạc" và nhân đó có đưa ra mấy tư liệu về làng Đạo Đầu, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong. Theo ông Tiến, sở dĩ có tên là Cạn là vì nó nằm trong một vùng khô cạn, không có đường thủy giao thông như nhiều chợ khác, còn ông Trình thì cãi lại rằng bởi chợ họp trên vùng "cạn" của làng Đạo Đầu. Vậy thì ai đúng ai sai? Theo tôi, thật là khó phân giải, vì biết đâu một ông "xạ" cãi cho làng lại có lý lẽ, có căn cứ xác đáng hơn một ông huyện nhận xét chung toàn địa hạt. Tôi chỉ nghĩ rằng đã làm công tác nghiên cứu thì phải cho đến nguồn đến đáy của sự việc, giả dụ như ông Trình đưa ra được bằng chứng nhân dân các làng lúc đầu thường gọi, không phải chọ Mai như ông viết, mà là chợ vùng cạn chẳng hạn thì có lẽ dễ thuyết phục hơn. Nhân đây, tôi xin cung cấp thêm cho hai ông một chút tư liệu rút từ sách Đại Nam Nhất Thống Chí in vào đầu đời Duy Tân (1909). Chợ Đạo Đầu: dựa bên động cát, không có đường nước để giao thông, tên tục thường gọi là chợ Cạn (Đạo Đầu thị: ỷ bàng sa động, vô hữu thủy đạo khả thông, tục danh chợ Cạn.)
Cũng nhân tạp chí Cửa Việt đang phát động đợt nghiên cứu địa danh làng xã, thấy bài của hai ông đã đi vào ruột của vấn đề nhưng lại có một số điểm còn lầm lẫn, tôi xin mạn phép trình bày thêm đôi điều. Trước hết, xin đi vào bài Ven cùng sa mạc:
1- Ông Tiến cho rằng Quảng Trị ta có hai vùng cát, một vùng gọi là Đại Trường Sa, tức là dải cát "chạy suốt cả bề dài tỉnh, lại là bề dài của biển" và "một cùng nữa gọi là Tiểu Trường Sa, tức là vùng cát nhỏ chỉ nằm gọn khoảng từ múi thị xã Quảng Trị vào quá Diên Sanh một ít, khoảng hơn chục cây số". Theo tôi, viết vậy là lầm lẫn mất rồi. Xin chép ra đây hai đoạn từ sách Đại Nam Nhất Thống Chí: "Từ địa giới huyện Bố Chánh (tức từ phía Nam Đèo Ngang - NLT chú) vào Nam, thẳng đến cửa biển Minh Linh (tức là Cửa Tùng - NLT chú), động cát liên tiếp chập chồng như hình thành quách, tục gọi là Đại Trường Sa" và "Trước kia từ Cửa Việt hải (tức Việt Hải môn, Cửa Việt - NLT chú) đến cửa Tư Dung (tức cửa Tư Hiền - NLT chú)gọi là Đại Trường Sa. Đến đời Hồ Năm Khai Đại 1 (1403), chỗ thắt eo bị vỡ (tức Cửa Thuận cũ, nay gọi là Cửa Lấp - NLT chú), lấy quân sĩ kinh thành đắp lại, đến đời Cảnh Thống nhà Lê (1498 - 1504) lại vỡ to, mới gọi là Tiểu Trường Sa".
2- Theo chỗ tôi biết, Chợ Cạn nằm trên đất hai làng Đạo Đầu và Thượng Trạch, không phải trên đất Thượng Trạch và An Lưu. Đại Nam Thống Nhất Chí không nói có chợ An Lưu.
3- Sau đây là mấy chi tiết nhỏ: Ông Tiến viết "Đường có cái tên rất hữu nghị - đường Bạn". Viết vậy không đúng, chữ "Bạn" ở đây xuất xứ từ chữ Hán Việt "bạn", có nghĩa là bờ ruộng. Việt
Bây giờ, tôi xin đi vào bài Đôi điều về địa danh chợ Cạn của ông Trình. Ngoài phần "vùng cạn, vùng sâu", ông có đưa ra một số điểm về làng Đạo Đầu mà tôi muốn trao đổi thêm ý kiến. Ông viết: "Đạo Đầu là một trong những làng hình thành sớm nhất của huyện Võ Xương (1307)". Viết như vậy có nghĩa là làng thành lập và có tên ngay sau lúc đất Châu Ô vừa trở về trên bản đồ nước Đại Việt và được đổi tên là Châu Thuận. Xin nói thật là tôi không tin cái thời điểm 1307 này. Nếu quả thật ông có được tư liệu quý giá đó thì rất hoan nghênh và mong được sớm đem công bố.
Về lịch sử làng Đạo Đầu, ông còn viết: "Từ trước năm 1836, làng có tên gọi là Thuận Đầu, về sau trong làng có nhiều người nghiên cứu đạo (Khổng, Phật) và đã thành danh nên tên làng được đổi lại là làng Đạo Đầu". Tính chính xác của chi tiết này thật đáng nghi ngờ, một là vì từ danh sách làng, xã, huyện Võ Xương trong sách Ô châu cận lục (1555) qua danh sách làng xã huyện Đăng Xương (Nguyễn Hoàng đổi tên huyện Võ Xương thành Đăng Xương) trong sách Phủ biên tạp lục (1776) và cho đến nay, không thấy làng đổi tên, hai là vì làng Thuận Đầu đã thành lập trước năm 1836 cũng thuộc tổng An Lưu (1837 mới cùng với làng Phương Lang được chuyển về tổng An Nhân, huyện Hải Lăng), vậy chả lẽ có hai làng cùng tên trong một tổng, một huyện? Làng Thuận Đầu là một làng biển, giáp với Gia Đẳng, nhân dân thường gọi chệch là Thôn Đầu, cũng như đã gọi chệch làng Cổ Lũy thành làng Cu Lũy, làng Kim Lung thành làng Kim Lông hoặc Kim Long vậy.
Ở đây, tôi cũng xin được lưu ý ông về một câu mà không chỉ mình ông lầm với sách Ô châu cận lục: "Đạo Đầu có công học đạo". Đây không phải là việc thật của làng đâu. Chính Dương Văn An đã nói rõ sau hai bài tổng luận về hai phủ nhưng lại ít người chú ý đến: "Đại để lấy tên làng đặt thành câu văn, tựa trung tuy đúng tên nhưng không đúng sự thực, được đằng này hỏng đằng kia". Cho nên không chỉ câu ông trích mà phần lớn các câu khác cũng được viết theo hướng "làm chơi" (chữ của tác giả) ấy. Ví dụ: "Làng Đa Nghi lễ cúng linh đình (Đa Nghi nghĩa là nhiều nghi lễ), chốn chốn được nhờ ấy làng Vĩnh Lại (Vĩnh lại nghĩa là nhờ mãi)…
Thiết nghĩ trong viện nghiên cứu cần phải thận trọng trong mọi tư liệu, điểm nào chưa thấy có căn cứ xác thực thì phải gia công tìm hiểu thêm qua sách vở, qua điền giả, qua dân gian, còn nghi ngờ thì chưa nên khẳng định. Vì tính khách quan lịch sử trước hết là phải chính xác, tính khoa học.
N.L.T