R |
ổ rá, thúng mủng, giần sàng, nia nẽn… là các loại dụng cụ không thể thiếu được hàng ngày của nhà nông. Bởi vậy mà trên mỗi làng quê Viêt
Ở xã Gio Phong, huyện Gio Linh tỉnh Quảng Trị có một làng nằm bên con sông Rào Cầu, ngăn cách với xã Gio Mỹ về phía Đông, nghề đan lát không còn là cổ truyền nữa mà đã trở thành chuyên nghiệp tồn tại với làng từ bao đời nay. Đó là làng đan Lan Đình.
Làng đan Lan Đình cách thị trấn Gio Linh chừng hơn cây số, thoai thoải về phía Đông
Theo cụ bà Nguyễn Thị Thỉu, người làng, năm nay đã tám mươi tư tuổi cho biết, nghề đan lát ở Lan Đình có từ xa xưa, khi bà còn nhỏ ở làng đã phát triển nghề đan. Tới bây giờ qua bao biến đổi của cuộc sống, nhiều nghề khác mai một dần rồi mất hẳn. Riêng nghề đan ở Lan Đình chẳng những không mất đi mà trở thành một nghề hàng hóa phát triển. Người nông dân ở làng ngoài nguồn thu từ nghề nông, còn lại thu nhập chính của họ vẫn là từ nghề đan lát.
Nghề đan không khó, chỉ cần tính chịu thương chịu khó, sự tỉ mẫn, nên ở làng, nghề đan được truyền từ người lớn đến trẻ con. Ông truyền cha, cha truyền con, lớp trước nối tiếp lớp sau miệt mài chặt, chẻ, vót, đan làm nên bao thúng mủng, rổ rá, giần sàng… Người nông dân tận dụng thời gian nông nhàn sau mùa vụ, người già không làm được việc nặng thì chuyển sang đan lát giúp con cháu thu nhập thêm để có tiền chi tiêu trong gia đình. Anh Nguyễn Dũng, con cụ Thỉu còn cho biết, hiện tại ở làng nghề đan phát triển đến một trăm phần trăm hộ gia đình. Dù đi đâu, làm gì, người dân Lan Đình cũng không bỏ nghề đan của mình. Trẻ em ngoài giờ học cũng có thể đan, thậm chí đi chăn trâu cũng mang theo cả tre đan lên đồi để tranh thủ đan. Trong làng có đến hơn hàng chục hộ gia đình bỏ nghề nông chuyên sống bằng chính nghề đan.
Hàng năm cứ đến rằm tháng Sáu Âm lịch, làng Lan Đình lại tổ chức cúng giỗ làng. Việc cúng giỗ làng được tổ chức một ngày, một đêm tại đình làng. Trước đây làng cúng heo, gà, nay tổ chức theo nếp sống mới chỉ tế lễ, nhang đèn và hoa quả. Người dân Lan Đình coi ngày cúng giỗ làng là ngày hội văn hóa và coi như việc cúng giỗ nghề đan vậy, vì thực ra nghề đan ở đây không có ngày cúng tổ nghề như một số nghề khác.
Các sản phẩm từ nghề đan
Sản phẩm làm ra từ nghề đan vô cùng phong phú, có đủ các chủng loại. Nào thúng mủng, rổ rá, giần sàng, nẽn, nống, trác, oi, lồng đựng vịt gà, gàu sòng, nò đơm tép, ghe thuyền…
Thúng: Thúng thì có thúng dên, thúng lường, thúng nhỏ hơn hai loại trên gọi là mủng. Thúng dên dùng để dên lúa và đựng thóc gạo. Thúng lường đựng cỡ 60-65 lon lúa, tương đương với mười hai kg hiện nay. Ngày xưa khi chưa có cân, người nông dân dùng thúng lường để mua bán trao đổi thóc gạo. ở làng, hiện nay một người đan giỏi, một ngày đan được một đôi thúng, tính từ khi chặt cây tre xuống đến khi hoàn thành. Đôi thúng như vậy bán với giá 15.000 đồng, giá hạ là khi đã xong mùa vụ, chỉ còn lại 8-9 nghìn đồng. Kỹ thuật đan thúng gọi là đan lồng thúng.
Rổ: Rổ cũng có nhiều loại: rổ sảo, rổ con với đủ các kích cỡ theo yêu cầu của khách hàng. Rổ được đan bằng kỹ thuật đan lồng mốt, hoặc đan lồng hai.
Nẽn, nống, trẹt: thuộc một bộ. Nống là loại to được đan tròn có đường kính một mét năm, hoặc một mét sáu, thường đan loại tre ruột. Nẽn nhỏ hơn nống, thường đan có đường kính cỡ một mét; Trẹt thì nhỏ hơn nẽn. Dù thuộc cùng bộ với nhau nhưng nống và trẹt có cách đan giống nhau là đan lồng thúng và cùng đan loại tre ruột. Còn nẽn phải đan bằng tre cậtvà vót tre cũng như cách đan kỹ xảo hơn. Kỹ xảo đan nẽn gọi là đan lồng thia. Các loại nẽn, nống, trẹt chủ yếu dùng để phơi các loại nông sản, dên sảy thóc gạo…
Rá: Gồm nhiều cỡ, chủ yếu phục vụ trong việc nội trợ gia đình như rá vo gạo, rá vo nếp kích cỡ khác nhau; rá đựng cơm có chân, rá không chân, lại có loại đan có nắp đậy…
Sịa: Sản phẩm dùng để sấy cau, to bằng nẽn nhưng thưa hơn. Sản phẩm này thường bán ở những vùng có cau tươi như Mỹ Chánh, Huế…
Giần sàng: Là hai loại dụng cụ không thể thiếu được của nhà nông. Muốn có được hạt gạp sạch sẽ từ hạt thóc khi xay ra không thể không có giần sàng. Ngày nay khi cơ khí phát triển có máy xay xát nhiều, giần sàng ít được dùng đến nhưng cũng không thể không có.
Gàu, sòng: Là hai dụng cụ tát nước cho đồng ruộng của nhà nông. Giờ đây hệ thống thủy lợi, mương máng phát triển, người nông dân ít có dịp dùng đến nữa.
Ghe thuyền: ở Lan Đình còn có sản phẩm độc đáo là những chiếc ghe. Ghe có nhiều kích cỡ. Bà con vùng sông nước và vùng biển cần những chiếc ghe đi lại và làm nghề . Lan Đình lại cung cấp cho họ những chiếc ghe đan bằng tre. Một chiếc ghe vừa phải đan cỡ năm ngày là xong, bán với giá theo thời điểm bấy giờ với giá 200 đến 250 ngàn đồng. Những chiếc lớn hơn cói thể đan trong khoảng một tuần đến mười ngày, bán với giá năm trăm đến bảy trăm ngàn đồng…
Cấu tạo kỹ thuật
Nghề đan lát vô cùng đa dạng. Sản phẩm làm ra từ nghề đan hết sức phong phú. Để có một chiếc rồ, hay thúng mủng… vừa ý với khách hàng, nghề đan đã có những khuôn mẫu kỹ thuật riêng Như đan lồng mốt, đan lồng hai, đan lồng thúng, đan lồng thia. Đan lồng mốt tức là đan rổ thưa, còn đan các loại rổ khác là đan lồng hai. Đan lồng mốt rất khó, kỹ thuật đan lồng mốt cần đến sự khéo léo, tỉ mỉ đến từng đường tre, phải chia từng ô trên rổ thật đều đặn. Còn lồng hai thì đan dễ hơn, ai cũng có thể đan được… vì thề mà trong dân gian có câu: “Thông đan lồng mốt, dốt đan lồng hai”. Đan thúng, mủng nống, trẹt… là đan lồng thúng. Riêng nẽn được đan kỹ xảo hơn, tre đan nẽn được dùng loại tre cật, kỹ thuật đan nẽn gọi là đan lồng thia.
Cây tre được đẵn xuống, người thợ tùy theo kích cỡ, khúc đoạn của từng loại cần đan theo yêu cầu mà tra mực rồi cưa tre theo từng khúc. Sau đó, người thợ chẻ tre, vót tre, đan tre và nức vành là những thao tác tiếp theo để hoàn thành một sản phẩm. Cấu tạo của mỗi loại sản phẩm đều có các bộ phận chẻ giống nhau nhưng khác nhau về kích cỡ, bao gồm: Tre gòng, tre đan, tre đát, tiếp đến là vành, hai nẹp trong, ngoài, tiến, lợi. Tre gòng được chẻ to, vừa phải; tre đan nhỏ hơn tre gòng, tre đát chẻ công phu và nhỏ hơn tre đan. Người thợ sau khi thực hiện xong phần đan, đát, uốn vành cũng cần một kỹ xảo nhà nghề nhất định làm sao cho tròn miềng vành, cân đối, nhìn đẹp mắt, người thợ dùng bộ phận nẹp trong, nẹp ngoài, tiến, lợi áp lên vành để che bộ phận tre thừa, đây là những phần phụ để làm tăng độ thẩm mỹ cho hàng đan. Việc cuối cùng là nức vành. Trước đây thợ thường nức vành bằng mây. Nay được thay bằng dây cước, dù không đẹp bằng, nhưng vì mây hiện nay khai thác khó nên đã hạn chế dần.
Giá cả và thị trường tiêu thụ
Với giá cả vừa phải, hợp với túi tiền người tiêu dùng, hàng đan lại là dụng cụ không thể thiếu trong sinh hoạt gia đình, trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, sản phẩm từ đan lát làm ra không hề dôi dư. Người buôn vào tận từng nhà để thu gom hàng. Hiện nay, ở Lan Đình, làng xuất bán ra thị trường trên năm trăm đôi thúng, rổ. Hàng được người buôn đưa lên bán ở chợ Phiên (Cam Lộ) và các huyện thị trong tỉnh. Ngoài ra, hàng được đưa vào Huế cạnh tranh với loại thúng “Bao la” và ăn đứt loại thúng này ở Huế. Hàng lại theo người buôn vào tận Sài Gòn, Phan Thiết, lên tận Đắc Lắc phục vụ cho những mùa cà phê bội thu.
Chúng tôi vào nhà anh Hùng, một trong những gia đình chuyên sống bằng nghề đan. Anh vừa đi mua tre Lồ ô ở Gio Sơn về, cách nhà khoảng bảy đến tám km. Anh kể, nguyên liệt tre ở làng cũng có nhưng hiện nay đã khai thác gần hết. Muốn làm được hàng đẹp phải đi mua nguyên liệu từ vùng khác về. Nhất là theo kinh nghiệm của thợ đan, thời điểm cữ tháng hai là lúc sản phẩm nghề đan bán được giá và bán chạy nhất vì cây tre vào độ này, nhất là vào thời điểm không trăng, ,tối trời cây tre mới thực sự không bị mối mọt, lại gặp lúc mùa vụ vào người nông dân cần nhất các sản phẩm đan bền đẹp. Vì vậy mà gia đình anh phải tích cực đan thêm thật nhiều. Trong nhà vì ốm đau luôn nên anh nghỉ việc làm ruộng chuyển hẳn sang sống bằng nghề đan mà lại sống dễ dàng hơn. Điều đó chứng tỏ, nghề đan nhẹ nhàng, không nhọc công bằng nghề làm nông nhiều lần.
Hai vợ chồng anh cùng hai đứa con nhỏ, một cháu trai đang học lớp chín, cháu gái tiếp theo phải nghỉ học ở nhà phụ nghề đan với bố mẹ. Với một cơ ngơi chưa lấy gì làm đàng hoàng, sức khỏe không đảm bảo, đời sống gia đình anh chưa có gì dôi dư cả. Nhưng theo anh Hùng: một cây tre lồ ô như anh mua về đan được cỡ ba đôi thúng. Sức lao động chính như vợ chồng anh và cháu phụ giúp sẽ đan xong trong ngày rưỡi. Giá một cây tre ba ngàn đồng, có khi tăng lên bốn ngàn đồng. Trong khi đó, ba đôi thúng anh đan bán ra thị trường được bốn mươi lăm ngàn đồng. Nếu trừ đi tiền tre cộng với cước vận chuyển, còn lại tính bình quân mỗi người làm được mười ngàn đồng trên ngày kể cả công lao động bỏ ra. Tôi ước tính, với ba lao động như với nhà anh Hùng một tháng thu nhập từ chín trăm nghìn đến một triệu đồng. Nếu trời cho sức khỏe, không ốm đau bệnh tật, với một nghề không nhọc công lắm như nghề đan thì người dân ở đây có thể sống đầy đủ, sung túc bằng chính nghề của mình.
Thực tế hiện nay, chất lượng và giá cả sản phẩm hàng đan không hề thua kém các sản phẩm làm ra từ đồ nhựa. Dù sản phẩm hàng nhựa có phát triển nhiều đến mấy cũng không thể thay thế được hàng tre đan. Nhất là đối với vùng nông thôn đồng bằng thì tre đan lại không thể thiếu được. Hàng đan từ tre có thể làm từ đơn giãn đến cầu kỳ và tùy theo tính năng sử dụng của từng loại mà làm khó hoặc dễ. Anh Hùng đưa ra cho chúng tôi xem một đôi thúng thật là đẹp. Hàng được làm bằng loại tre được chọn lựa kỹ lưỡng, cặp thúng tròn vành vạnh. Miệng vành được nức thật đẹp, đường nức đều tăm tắp, rất công phu. Anh Hùng bảo hàng đặt của khách hàng. Với đôi thúng này anh bán được bảy đến tám mươi ngàn đồng, đắt gấp mấy lần loại thúng đại trà nhưng dùng vừa bền vừa đẹp gấp nhiều lần. Điều này cũng chứng tỏ, nghề đan càng kỹ xảo, tinh vi, tăng thêm nhiều họa tiết hoa văn trang trí, tre được chọn lựa kỹ càng thì khách hàng càng ưa chuộng, cho dù giá có tăng lên hai ba lần.
Với một thực tế như hiện nay, hàng đan không thể thiếu đối với sinh hoạt của mọi gia đình, phục vụ được cho mọi nhu cầu, nghề đan ở Lan Đình nếu được chú ý và có hướng đầu tư với một dự án “Xóa đói giảm nghèo” nào đó, sẽ trở thành một nghề tiểu thủ công mỹ nghệ, bán ra thị trường hàng hóa sẽ chẳng khác gì hàng mây và các mặt hàng tiểu thủ công mỹ nghệ khác. Thị trường tiêu thụ cũng từ đó được mở mang thêm. Ví như sản phẩm là những chiếc túi xách bằng tre, giỏ tre, hộp đựng nữ trang, rá có đế chân, có nắp đậy, nôi tre… bằng kỹ thuật tinh vi đặc biệt hơn, chắc chắn rằng nghề đan cổ truyền ở Lan Đình sẽ không mất đi mà sẽ được nhân rộng, phát huy thành một ngành kinh tế, nâng cao đời sống cho đa số bộ phận cư dân nghèo nơi vùng quê Gio Linh, Quảng Trị.
T.S
Gio Linh, tháng 6- 2000