Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Làng Thủy Ba chuyên nghề bắt cọp

Bây giờ thì chuyện bắt cọp hay bất cứ loài thú rừng nào tương tự đều đã bị cấm kỵ nghiêm ngặt. Từ lâu, ít ra cũng từ trước cuộc kháng chiến chống Pháp làng Thủy Ba không ai làm nghề săn bắt cọp nữa. Sự việc chỉ còn trong dư âm.
 

Đất chi đất lạ đất lùng, sinh ra cái nghề còn lạ lùng hơn là nghề săn bắt cọp. Tiếng là đi thực địa nhưng đến nơi chúng tôi cũng chỉ quẩn quanh có vài giờ ở phòng truyền thống xã Vĩnh Thủy, tìm hiểu, phân tích, ngắm nghía cho thỏa thích vài ba chứng tích còn giữ lại được của một thời thượng võ. Loanh quanh trong làng, nhiều cụ ông, cụ bà còn thuộc những đoạn vè dài về săn bắt cọp như là huyền tích. Thanh niên trai tráng trong làng chẳng còn mấy ai quan tâm. May mà còn tìm được dăm bảy “cựu binh” - những cụ già tuổi từ 80 - 90 rỗi rãi công việc, đêm đêm bên ngọn lửa bập bùng sơn cước, kể về thời trai tráng của mình. Hơn nửa thế kỷ trước, họ là những tráng đinh tham dự vào những cuộc “săn bắt cọp chuyên nghề” (chữ dùng của học giả Dương Văn An).

1. Gốc tích ngôi làng

Tọa lạc trên vùng đất bán sơn địa, Thủy Ba ngày nay thuộc về xã Vĩnh Thủy, cách trung tâm huyện lỵ Vĩnh Linh chừng 8 km về phía Tây Nam; cách con sông Hiền Lương lịch sử không quá 9 km về phía Tây Bắc; Nam giáp địa giới xã Vĩnh Sơn; Bắc giáp làng Lại Đức; Đông giáp cánh đồng ba xã Lâm - Sơn - Thủy và Tây giáp hồ La Ngà. Chiếm gần ¾ dân số cũng như diện tích toàn xã (số liệu điều tra năm 1996, diện tích đất đai tự nhiên toàn xã Vĩnh Thủy là 40km2 trong đó đất nông nghiệp gần 1000 ha với hơn 1.000 hộ và 5.000 nhân khẩu - Theo Lịch sử Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Thủy).

Theo gia phả một số dòng họ sống lâu đời ở Vĩnh Thủy thì tổ tông của họ là những người ở các tỉnh Nghệ  An, Thanh Hóa, Ninh Bình, vượt Hoành Sơn vào khai phá vùng đất này lập nghiệp. Đầu tiên có các họ Lê, Nguyễn, Trần rồi tiếp đến Cao, Văn, Thái, Đinh, Phạm... Xưa, nơi đây là một vùng rừng hẻo lánh, rậm rạp. Những cánh rừng từ chân Trường Sơn choãi dài ra tận các rìa làng. Làng mạc, thôn xóm nằm rải rác trên các ngọn đồi, có xóm bị rừng vây cả bốn phía. Rừng rậm, có nhiều lâm sản quý, nhiều loại muông thú, chim chóc trú ẩn sinh sống vì địa hình nơi đây xen kẽ nhiều đầm hồ, lau lách. Những cái tên như cồn Đống, cồn Thộ, đồi Roọc, đồng Láng, đồng Mây, choi Khanh, choi Mùng, choi Hạnh xen kẽ với xóm Bàu, Bàu Giời, xóm Cồn, và đặc biệt La Ngà (nay là đại thủy nông) dân dã, hoang sơ lưu truyền cho đến ngày nay chính là những tên gọi có từ thuở sơ khai ấy. Và chính cái môi trường địa lý đặc thù này mới sinh ra cái nghề bắt cọp chuyên biệt.

Cuộc sống người dân từ nghề đốt than, kiếm củi, phát triển dần lên, người từ các nơi quần tụ về đây đông hơn theo chiều hướng khai phá mở mang đất đồi và ruộng nước. Làng xóm, ruộng nương phát triển dần lên phía Tây Bắc, sát với chân núi Linh Sơn để hình thành nên làng Thủy Ba. Ngày xưa, vùng đất này có ba hồ nước lớn (Bàu, Hồ Sen và Bàu Giời). Dân chúng quần cư theo ba hồ nước trên để hình thành nên làng xóm. Khởi thủy, Thủy Ba có tên là Ba Thủy (cái tên này liên quan đến tên cổ của làng Thủy Ba, sẽ bàn sau), sau không rõ vì lý do gì đổi ngược lại là Thủy Ba. Từ một làng  Thủy Ba ban đầu, về sau dân cư đông dần lên tách ra thành hai thôn Thủy Ba Hạ và Thủy Ba Thượng. Trong quá trình phát triển, Thủy Ba Thượng lại chia tách thành hai nửa gọi là Thủy Ba Tây và Thủy Ba Đông. Như vậy, trên thực tế Thủy Ba Thượng đã bị triệt tiêu không còn tên trên bản đồ hành chính. Làng Thủy Ba chỉ có ba thôn: Thủy Ba Hạ, tiến dần lên phía Bắc - Tây Bắc là thôn Thủy Ba Tây và thôn Thủy Ba Đông (không phải bốn thôn như nhiều người viết trước đây nhầm lẫn). Dưới thời thực dân phong kiến, cả vùng dân cư ba xã Vĩnh Lâm - Vĩnh Sơn - Vĩnh Thủy bấy giờ được gọi là Tổng Thủy Ba. Tháng 2 năm 1946, địa giới hành chính Tổng Thủy Ba có phân chia lại, theo đó thì xã Thủy Ba gồm có ba thôn như đã trình bày (khít với làng hiện nay). Mãi cho đến tháng 5 - 1955, địa giới các xã được xác định lại thêm một lần nữa, Thủy Ba thuộc về xã Vĩnh Thủy, địa giới được giữ ổn định cho đến ngày nay. Theo đó, Thủy Ba đã là ngôi làng cổ trong vùng.

Trở lại cái tên Ba Thủy, liên quan đến ngọn núi Linh Sơn địa linh anh kiệt. “Đại Nam nhất thống chí” viết thời Tự Đức tả ngọn núi này như sau: “Núi Linh Sơn ở phía Tây huyện Minh Linh. Hình núi như con voi phục, cao hơn ngàn trượng, bốn mặt bằng rộng, ngọn núi tròn đẹp, có sông chảy ở phía Đông Bắc, các núi chầu ôm ở phía Tây, thật là một thắng tích ở Linh Châu”. Trong khi dân gian trong vùng còn gọi tên núi là Lòi Reng và Bất Nghĩa Sơn liên quan đến Gia Long. Sách “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Thủy” xuất bản tháng 10 năm 1996 có ghi: “Tương truyền, vua Gia Long trên đường tiến quân ra Bắc diệt Trịnh, khi đi ngang qua Hồ Xá nhìn thấy con voi núi chầu về hướng Bắc thì đùng đùng nổi giận. Bèn sai quân dùng gậy lớn đánh phạt 100 gậy ngang lưng rồi đổi tên là Bất Nghĩa Sơn” (trang 15). Truyền thuyết này chắc chắn có sự nhầm lẫn về niên đại, sự kiện. “Ô Châu cận lục” của học giả Dương Văn An viết  từ 1555 thấy đã nhắc đến một làng bắt cọp có tên là Ba Nguyệt và được tác giả chú rất rõ trong mục phong tục tổng luận rằng: “Tài bắt cọp chuyên nghề”. Làng Ba Nguyệt nằm ở chỗ nào? May thay làng ấy được tác giả Dương Văn An xếp bên cạnh một địa danh khác: “Núi mang tên Bất Nghĩa” chữ Hán gọi là Bất Nghĩa Sơn. Trong khi sách “Chuyện Triều Nguyễn” của Bửu Kế ghi làng bắt cọp Thủy Ba nằm chính ở chân núi Lòi Reng. Cứ lý mà suy thì tên chữ Bất Nghĩa Sơn đã có từ thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (theo Dương Văn An) chứ không phải xuất hiện muộn mằn vào thời Gia Long theo truyền thuyết mà dân gian trong vùng truyền tụng. Điều đáng chú ý ở đây là cái tên Ba Thủy (ba hồ nước lớn sau đổi là Thủy Ba) có liên quan gì đến tên làng Ba Nguyệt trong sách “Ô Châu cận lục”? Ba Nguyệt nằm ở cạnh núi mang tên Bất Nghĩa kia có phải là tên cổ của làng Thủy Ba ngày nay không, đó là một tồn nghi cần phải tiếp tục làm sáng tỏ. Song, xét cho cùng nghề bắt cọp ở đất Thuận Hóa này có từ rất sớm và xưa nay cũng chỉ độc nhất vô nhị, có mỗi một làng Thủy Ba bắt cọp đó thôi.

2. Tổ chức cuộc vây ráp, giăng ải1

Từ rất xa xưa, trong dân gian đã truyền đời nhiều câu phương ngữ mang ý nghĩa so sánh, gần như “Cọp Thủy Ba, ma Trộ Rớ”, hoặc giả xa hơn “Cọp Thủy Ba, ma Bình Thuận”. Trộ Rớ ở miền Tây Quảng Bình cũng như Bình Thuận đều là những địa danh nổi tiếng về hùm beo, rừng thiêng nước độc. Không rõ cọp ở Thủy Ba có nhiều hơn ở Bình Thuận không nhưng táo tợn và dữ dằn thì ở Thủy Ba gấp bội. Cọp ở nơi khác quá lắm cũng chỉ bắt trâu bò, còn ở Thủy Ba chủ yếu bắt người. Ngày cũng như đêm chúng quẩn quanh làng để rình mồi nên chẳng phải đi đâu xa, dân Thủy Ba cứ tổ chức những cuộc săn bắt ngay trên địa bàn làng mình cư trú. Từ xa xưa là bao lâu, có bao nhiêu mạng người đã bị chúng vồ và ngược lại dân làng tóm được bao nhiêu con vật hung dữ này, đã sáng tạo ra bao nhiêu cách săn bắt chúng thì chẳng ai biết, chẳng sử sách nào ghi lại cả. Chỉ biết từ cuộc sống khốc liệt, phải thường xuyên chống chọi với thú rừng hung dữ, người Thủy Ba đã sáng tạo ra cách giăng ải, vây ráp, bắt sống cọp vừa dũng cảm, sáng tạo và cũng không kém phần thông thái. Khi ý thức được về giá trị truyền thống khá đầy đủ thì tất cả đã chìm trong quên lãng. Bây giờ, cả xã Vĩnh Thủy cho gom lại tất cả các vật dụng bắt cọp ngày xưa trưng bày ở phòng truyền thống xã thì tất cả quá khứ chinh phục thú dữ hào hùng kia chỉ còn  vỏn vẹn tay lưới, mấy lưỡi mác, đinh ba, nạng chống, phèng la  mõ trống đã ố màu thời gian, im lìm bất động. Đáng chú ý nhất là trong những vật dụng này vẫn là tay lưới.

Lưới được bện bằng thân sót, một loại dây leo có quả to bằng đốt ngón tay, ăn béo và bùi. Kinh nghiệm những kẻ sơn tràng cho biết, cọp rất thích ăn quả sót này, ăn xong thải ra những đống hạt như cà phê chồn. Bóc vỏ cây sót về, người ta dùng chày gỗ đập dập, ngâm vào nước vôi chừng khoảng hai tuần cho bột gỗ rữa hết còn trơ lại sợi. Sợi ấy được bện xoắn lại thành kiểu như dây dừa, dây to bằng cỡ ngón tay cái, đem đan thành lưới. Càng dùng càng săn nhỏ lại và dai vô kể. Mắt lưới rộng 20 phân, triêng lưới luồn song mây mỗi tay dài khoảng 8 - 10 mét, cao 3,5 mét, nặng đến hai đòn khiêng. Vì hoạt động rê, kéo trong địa hình phức tạp nên lưới không thể dài hơn. Vả lại, vật liệu thô nên mỗi tay lưới rất nặng. Khi sử dụng lưới được căng đứng lên bởi 5 - 7 nạng chống. Nạng là thân cây to bằng bắp tay, có chạng ở đầu để giữ triêng lưới khỏi tuột. Cách bố trí như vậy dĩ nhiên không thể gọi là kiên cố so với sức lực của mãnh thú. Có khi cọp lao mạnh, lưới săn bị đẩy lùi đến 10 mét. Bởi thế bên cạnh những người cầm nạng chống, còn có những người khác lăm lăm lao, giáo mác, thậm chí cả thân cây vót nhọn để trợ chiến, phòng khi con thú tấn công, nhảy lên bấu giằng lưới.

Trên thực tế, khi tổ chức một cuộc giăng ải, vây ráp thì quy mô và náo nhiệt, sinh động hơn ta tưởng nhiều. Không giống các phường săn truyền thống chỉ tập hợp những người có tay nghề cao. Ở đây lực lượng tham gia là tất cả tráng đinh 3 làng Hạ, Đông, Tây (có câu ba làng đứng dậy cho đều). Họ tổ chức thành giáp họ, tiếng địa phương gọi là xâu (ngày nay có thể gọi là tổ). Biên chế một xâu từ 12 đến 16 người, toàn bộ ba thôn Thủy Ba có khoảng 20 xâu. Trang bị vũ khí mỗi xâu có từ 2 - 4 tay lưới, hai lưỡi mác và hai nạng sắt có cán dài. Ngoài ra, mỗi xâu còn có 4 nữ thanh niên mạnh khỏe, tháo vát được cử đi theo để phục vụ hậu cần trong quá trình giăng ải. Trai đinh trong làng từ tuổi 17 - 45 đều phải tham gia, được biên chế vào các xâu gần như thường trực cố định. Khi nghe thấy tiếng thanh la, mà thanh la của Thủy Ba thì ngân xa ra khắp vùng, mọi thành viên dù đang làm việc gì ở đâu đều phải cấp tốc tập trung về để tham gia công việc. Nhìn chung, đấy là một tổ chức hoạt động có tính tự giác trước lẽ sinh tồn hơn là phân công xã hội. Thôn nào phát hiện có cọp về rình rập vồ người, bắt súc vật thì phải cấp tốc phi báo ngay cho các chức sắc trong làng. Sau ba hồi chiêng báo hiệu, các trưởng xâu được mời đến để bàn kế hoạch, đồng thời cử người có kinh nghiệm dạn dày lần theo dấu vết để xác định khu vực, vị trí cọp đang ở, tiếng địa phương gọi là dọi dấu. Người dọi dấu lần theo dấu vết con vật để đoán định một cách chính xác rằng con vật xuất hiện ở đây bao lâu, đang về khu rừng nào, theo hướng nào, hiện ở cách họ bao xa. Thậm chí người dọi dấu còn biết được con vật này lành hay dữ, vây bắt và hạ thủ nó cách nào thuận nhất. Khi đã xem xét cụ thể, người dọi dấu về báo lại với chỉ huy, lập tức có ba hồi chuông phát lệnh và trống mõ, đồng la nổi lên, các xâu tập trung mang theo đầy đủ dụng cụ khí giới, tiến về địa điểm bủa vây. Vùng bủa vây được gọi là ải rộng đến bốn mẫu rừng...

Cuộc săn ráp bắt đầu và đây là cả một nghệ thuật phối hợp khéo léo, mưu trí, dũng cảm, thông minh, sáng tạo. Ngay từ đầu, do số lượng tay lưới và lực lượng tráng đinh có hạn nên không thể khép kín trên một diện tích lớn. Các điểm chặn, đón được tính toán kỹ dựa trên hình thể địa bàn vây bắt và đặc tính con thú. Chẳng hạn thú dữ khi biết bị vây bắt không bao giờ chạy qua các chỗ trống. Ở đấy, không cần rả lưới và bố trí đủ lực lượng. Vì thế lưới được giăng bao ở đầu hướng và cuối hướng gọi là lưới đơm, cố định, nối liền với rọ lớn theo cách gài bẫy theo hình cánh cung, khu rừng trong ải được phát quang ba đường thẳng, cắt ngang, phân cắt diện tích khu ải nhỏ ra. Các cây cao trong ải được phát đi, đề phòng cọp vọt lên nhảy ra bên ngoài lưới. Ở hai đầu mút mỗi con đường bố trí người canh gác theo dõi. Từ phía đầu hướng hò reo xua đuổi, và khi thấy cọp băng qua đường trục, những người canh gác la lớn: "Bớ dân làng Thủy Ba - Cọp đã rúc sang lùm rú thứ hai...". Lập tức người ta nhổ toàn bộ lưới đẩy chặn ngang ở con đường trục. Cứ thế cho đến lúc cọp bị dồn vào khoảnh rừng thứ ba trong ải. Vòng vây thực sự có hiệu lực khi các tay lưới đâu vào nhau. Cuộc giao tranh thực sự quyết liệt khi các tay lưới khép lại. Những người dũng cảm, thao lược nhất được cử vào trong lưới phát quang, phá những lùm cây cọp ẩn náu. Để tránh những đòn phản công bất ngờ của mãnh thú, những người phát quang bên trong ải bao giờ cũng có người hộ tống đi kèm với lao, mác sẵn sàng đánh trả. Ở giai đoạn này hai bên chưa giáp mặt, cọp còn ẩn mình thủ thế. Bên ngoài những người cầm rựa thò tay qua lưới chặt phá những lùm cây còn lại, cây cối được phát tới đâu, lưới thu hẹp tới đấy, trong phạm vi khống chế cọp và tương ứng với lực lượng vây bắt. Bấy giờ cùng với tiếng phèng la thúc giục, những hồi trống đổ dồn, các thứ giáo mác khua vang, mọi người nhất loạt hô to: "Thủy Ba đứng dậy cho đều - Nghe tiếng la reo, hùm vọt dậy...". Tiếng đế theo "Reo! Reo! Reo!..." hòa tiếng phèng la, mõ, trống náo loạn cả khu rừng. Đây là thời điểm phấn khích nhất, hào hứng nhất của cuộc giăng ải. Bao nhiêu nhọc nhằn, lo sợ, phút chốc quên hết, bừng bừng khí thế trong men say của tinh thần thượng võ, vì con mãnh thú đã hoảng loạn, thúc thủ xuất đầu lộ diện, lộ nguyên hình sức mạnh  hoang dã, vừa hộc, vừa gầm vừa lao ra để giằng xé dữ dội. Song, cọp lao tới đâu đều bị lưới và lao, giáo mác tua tủa ở vòng ngoài chặn đến đấy. Một cái bẫy bằng gỗ dày kẹp vào nhau, bên ngoài có lưới bao bọc gọi là rọ kẹp im lặng nằm chờ ở phía góc ải. Trong tiếng reo hò, cọp càng túng quẫn, cùng đường, tìm lối thoát thân cọp chui đầu vào rọ, sập bẫy, hùng thiêng sa lưới, được dồn sang một cái cũi nhỏ hơn. Những hồi trống thúc giục nhanh hơn, tiếng chiêng thong thả đổ hồi, cuộc chiến đến đây chấm dứt.

Cụ Hòa (ở Thủy Ba Hạ) kể, có nhiều trường hợp người ta không cho cọp vào rọ ngay, cứ quây trong lưới cho mọi người đến xem. Những ải như vậy rất vui, vì dân trong vùng kéo nhau đến xem đông vô kể. Đêm đến, đèn đuốc sáng choang, người ta bày bán quà hàng khắp nơi như một cái chợ nhỏ. Người ta đến để chiêm ngưỡng sức mạnh, lòng can đảm và mưu trí của con người. Những phút giây đó, tựa như hồn thiêng sông núi, hào khí, tinh thần thượng võ của tổ tiên được thổi bùng dậy.

3. Trẩy kinh bắt cọp2

Người Thủy Ba bắt cọp ngay trên địa bàn cư trú của mình đã không bình thường thì việc trẩy kinh để bắt cọp lại càng không bình thường hơn. Thử xem sự việc này ra sao qua một bài vè 66 câu hiện đang lưu hành rộng rãi ở xã Vĩnh Thủy. Bản thân bài vè kể lại khá tường tận rằng:

"Mùng sáu sắc hạ vua ra

Tư tờ xuống huyện đòi xã Thủy Ba đi liền

Đòi vô làm ải Thừa Thiên

Dữ ma độc nước không yên chăng là..."

Mùng tám tháng giêng dân làng Thủy Ba hạ heo làm lễ tế, chẳng là tế ông tổ nghề để cầu may rồi mới xuống đò vào kinh đô Huế. Từ Huế lên rừng dọi dấu mấy ngày liền vẫn không thấy ông ba mươi, phải chia ra thành hai nhóm. Năm mươi người quay trở về quê vì thiếu lương thực:“Bận này xiết đã khúc nôi - Cơm gạo hết rồi chẳng thấy dấu beo”, năm mươi người ở lại kéo lên phía Tuần tiếp tục dọi dấu. Đoàn săn lại phải hạ thêm con heo hiến tế thần linh phù trợ, bói quẻ. Quẻ chỉ lên hướng Thiên Thọ, đến đây đoàn phải dùng cả một con trâu làm mồi nhữ cọp, quả nhiên đêm ấy cọp về. Bài vè thuật lại chi tiết cuộc cãi vã giằng co với ông Lý trưởng, phải chứng minh, chỉ cho nhìn tận mắt dấu chân cọp, ông Lý trưởng này mới ra sắc chỉ điều dân sở tại hỗ trợ cho đoàn Thủy Ba bắt cọp. Cũng khảo sát thực địa, khoanh vùng ải, giăng lưới bài bản như ở Thủy Ba không khác: “Bốn bề tiếng dậy như sao, hùm kia trong trộ ào ào hôộc ra”. Bài vè theo đó còn kể lại nhiều sự kiện khác, ví như cuộc giăng ải thu hút đông đảo nhân dân trong vùng đến xem: “Nhân dân vô số hằng hà"; người dân sở tại phải phát dọn đường để vua quan từ kinh thành đến xem: Cắt dân vén hết hai bên, vua quan ngài ngự cùng lên ải này!.

Kết hợp với nguồn sử liệu thì những sự kiện vừa kể trên tuy là dân dã nhưng hoàn toàn chính xác. Sách “Chuyện Triều Nguyễn” Bửu Kế ghi mỗi một sự kiện này thôi tưởng cũng đủ để lưu danh: “Ở Huế riêng có đội lính vọng thành là dân làng Thủy Ba chuyên nghề đi bắt cọp". Cũng trong mục này, tác giả kể thêm, rằng hổ bắt về được thả vào Hổ Quyền cho đấu với voi. Triều Nguyễn cho xây Hổ Quyền làm nơi rèn luyện voi chiến kết hợp với việc giải trí cho vua chúa trong triều. Do có nhu cầu trên nên dân làng Thủy Ba mới được điều vào kinh, trẩy kinh bắt cọp. Cho dù vậy vẫn chưa thể lấy năm mà triều đình nhà Nguyễn xây dựng Hổ Quyền để làm mốc, lấy đó là năm dân làng Thủy Ba vào kinh bắt cọp. Chỉ biết chính xác rằng cuộc săn bắt cọp cuối cùng của dân làng Thủy Ba ở Huế xảy ra vào năm Thành Thái thứ 17 (1906), theo bài viết của ông Laborde, một nhà nghiên cứu người Pháp viết về tỉnh Quảng Trị, đăng trong tạp chí Đô Thành Hiếu Cổ (B.A.V.H) năm 1921. Bấy nhiêu năm trời cũng thấy được nỗi thống khổ mà người dân Thủy Ba phải gánh chịu trong việc vào kinh bắt cọp. Sương vác nặng nề (Laborde cho biết: Người Thủy Ba phải mang theo đủ dụng cụ săn) trèo đèo, leo ải, xa vợ, xa con, bỏ bê công việc đồng áng, lâm cảnh đói nghèo. Bài vè ca thán: Đời xưa nỏ có mô ri - đời nay dân phải cu ly bắt hùm. Cho dẫu hàng năm đàn ông Thủy Ba được miễn thuế thân (theo ký ức các cụ) có chút trợ cấp khi vào kinh đô thì vẫn: Khổ như người được cháo mất rau, được cơm mất mắm ngẫm đau sự đời!... Cũng theo các cụ già ở làng Thủy Ba cho biết: Ông Nguyễn Chẻng được vua ban tặng “Ngân Vàng”, ông Cao Dẫn được tặng “Ngân Bạc”. Năm 1705, ông Lê Bằng một trong những người chỉ huy bắt cọp giỏi của làng Thủy Ba được nhà vua phong chức đứng đầu đội lính Vọng Thành v.v... cũng không thấm tháp gì nỗi thống khổ mà người dân Thủy Ba phải gánh chịu.

4. Thay lời kết

Còn có một điều mà bất cứ ai khi tìm hiểu về làng nghề truyền thống đều muốn biết đó là ông tổ nghề. Ai đã truyền dạy cho dân làng Thủy Ba nghệ thuật bắt sống cọp? Các cụ già ở Thủy Ba hiện nay đều không rõ lai lịch, chỉ biết có một nhân vật quyền uy thờ ở miếu Cây Dưới ở Thủy Ba Đông (trước mặt trụ sở của Ủy ban xã, gọi là miếu thờ ông tổ nghề. Cụ Hóa ở Thủy Ba Hạ dẫn tôi đến chỉ trỏ vị trí, chứ miếu thì đã bị chính gốc Cây Dưới trùm bám rễ lên làm cho miếu hoang hóa, biến dạng. Đến cả gốc cây dưới cổ thụ kia trốc gốc biến khỏi mặt đất từ lúc nào thời bom đạn thời chiến tranh chống Mỹ cũng không ai rõ.

Cách đây 70 năm, cũng theo tài liệu của Laborde vừa dẫn, cho biết nguồn gốc của vị tổ nghề này. Có con quạ đen bay qua nhả xuống làng này một mẩu xương người. Cốt đồng lên cho biết mẩu xương ấy của người có tên Mai Quý Dõng. Dân làng bèn lập miếu thờ, và chính vong linh này nhập vào cốt đồng dạy cho người dân Thủy Ba bắt cọp. Màu sắc câu chuyện hoang đường, nhưng phù hợp với một thực tế rằng khởi đầu những cuộc đi săn, dân làng cúng lễ thượng vong (cúng gà và trầu rượu, kết hợp xem giò gà) và bao giờ kết thúc cuộc săn thắng lợi cũng làm lễ hạ vong (cúng heo, gà xôi) để tạ ơn. Cả hai lễ này đều hiến tế cho vị tổ nghề bắt cọp. Chữ vong trong lễ thượng vong, hạ vong này quả là phù hợp với nguồn gốc vị tổ nghề, vốn không phải là thần linh mà là một người trần mắt thịt chết oan, chết bởi cọp vồ.

Cuối cùng trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, cả nước ta ai cũng biết đến tinh thần quật khởi của nhân dân xã Vĩnh Thủy nói chung và dân làng Thủy Ba nói riêng. Chiến khu Thủy Ba, căn cứ địa nổi tiếng thời chống Pháp lưu danh mãi trong lời ca của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương: “Hướng về Nam... Ai đã vô Đông Hà, đã đi Ngô Xá, đã qua Thủy Ba, Bích La, Triệu Phong...”. Trong kháng chiến chống Mỹ, Vĩnh Thủy là xã được tuyên dương Anh hùng LLVT đầu tiên. Cả thế giới không ai không nhớ đến cái ngày 11-11-1966, cái ngày mà lực lượng dân quân xã Vĩnh Thủy đã phát huy cao độ trí thông minh, lòng dũng cảm cùng với tiểu đoàn 6 pháo cao xạ bắn tan xác tại chỗ 6 máy bay, bắt sống 4 phi công Mỹ. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ đã cay đắng thú nhận trước toàn thế giới: “Những tổn thất về phi cơ và người lái ở Bắc vĩ tuyến 17 hôm nay được coi là nặng nề nhất trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Đây là một ngày đen tối nhất của không lực Hoa Kỳ”. Nếm phải mùi thất bại thảm hại đến phải thảng thốt lên như vậy, chắc chắn đối phương trước đó không hề biết đến dưới mặt đất có ngôi làng cổ Thủy Ba trước đây đã từng bắt sống cọp và nay thì việc bắn rơi máy bay, bắt sống giặc lái với họ chẳng thấm tháp, khó khăn gì. Qua đó thì thấy: Tinh thần thượng võ cũng là vốn quý của truyền thống và ở ngôi làng cổ này thì thời điểm nào cũng phát huy lên được.

 

T.Đ.T

____________

(1), (2): Xem thêm: Thủy Ba bắt cọp của Cao Hạnh (Văn hóa Quảng Trị số 2 - tháng 9 - 1991 và Người Thủy Ba trẩy kinh bắt cọp của Hoàng Phủ Ngọc Tường (Văn hóa Quảng Trị số 4 - tháng 1 - 1992).

Trương Đình Thi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 62 tháng 11/1999

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

11 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground