B |
ấy giờ là năm 1947.
Mấy tuần rồi tôi đang ở vùng hậu địch, làm việc với mấy cơ sở quanh vùng Linh Yên ở Triệu Phong. Tình hình các làng xã, giữa mình và địch lẫn lộn nhau, người ta gọi đó là thế "cài răng lược". Trong một xã, có thôn là của mình hoàn toàn, có thôn là của nó trực tiếp chiếm, đóng đồn, đóng bốt. Nhưng phần nhiều ban nagyf là của nó, ban đêm là của mình. Đêm đến mình có thể về họp hành đàng hoàng, có dân quân gác, thậm chí có nơi làm được cả mít tinh. Ban ngày có nơi là lý tưởng là tề ngụy của nó, đi lùng sục từng nhà và tìm từng vết nghi vấn có hoạt động của Việt Minh. Nhưng có nơi tề ngụy, lý tưởng đều là của mình nên có thôn nó chiếm đóng mình cũng có thể đi qua được nhờ có cơ sở riêng bí mật, hoặc đi vào thời điểm nó sơ hở hoặc ngụy trang nhiều cách. Hôm nay tôi họp với chị em ở thôn Linh Yên, một thôn tự do nhưng xung quanh là vùng cài răng lược - từ chỗ đồn nó đóng đến làng này chỉ nửa giờ là tới. Hôm ấy mới 9 giờ sáng, được tin giặc đi càn - ở vùng khác không thu được gì - bất thình lình khi trở về quét qua thôn Linh Yên. Vì vậy, mọi người không được báo trước và chuẩn bị trước, nên mạnh ai nấy chạy. Phần lớn là chạy ra rú biển hoặc tản mác ra đồng quê biện giới làng khác. Ở Triệu Phong có một con đê biển chạy dài theo chiều dài bờ biển, cách bờ chừng 5-7 cây số - người ta trông lên đó từ đời nào không biết những cây sú, cây vẹt… mọc tùm lum, rậm rạp như rú - người ta gọi là đe rú. Chạy qua khỏi đê rú là một đồng cát bao la chạy dài từ huyện này sang huyện khác. Thường là bọn địch không làm gì được, khi đồng bào đã chạy được ra đồng cát trắng.
Hôm đó, rủi cho tôi đang đau bụng vì bị hành kinh, lại phải lo thu dọn tài liệu gói vào "mo nang" để đi dấu dưới gốc bụi tre xong thì người ta chạy đi gần hết, chị còn lại chị Xá đang chờ. Bọn địch hình như đã vào đến đầu làng, tiếng súng nghe gần lắm mà không nghe tiếng súng cản địch của quân ta. Tôi và chị Xá chạy hướng ra rú biển. Đang chạy, không hiểu sao hai chân tôi ríu lại, không đi được nữa. Có lẽ do mấy ngày qua đã mệt sẵn. Chị Xá tổ trưởng phụ nữ tên thật là Lê Thị Đam (vợ của anh Xá Bí thư Huyện ủy) thấy thế liền kéo tôi đến một cái ao rộng, xung quanh có nhiều bụi cây mọc um tùm, bảo tôi tụt xuống góc ao có bụi cây che lấp. Cả người tôi dầm xuống ao bùn bê bết, còn đầu thì gối lên bờ, khỏi mặt nước, rồi chị kéo mấy cành sen, lấy lá che lấp vào mặt tôi, bảo tôi nằm yên đừng nhúc nhích. Chị hẹn khi về sẽ đưa tôi lên. Tôi nằm đó hai tay cố víu thật chặt hai gốc cây không nhúc nhích - mà nhúc nhích cũng không nổi vì bùn nhiều nhão nhoét từ cổ xuống chân, tất cả người tôi như nằm trong một khuôn bùn. Tôi nằm đó, nửa nằm, nửa ngồi, rất khó chịu giữa không gian rộn ràng, ầm ĩ tiếng người chạy, gọi nhau, tiếng súng, tiếng đi sầm sập của nhiều quân địch, tiếng giảy nặng gót nện lên đất đâu đấy như trên đầu mình. Tiếng lẻng kẻng của lưỡi lê và bao súng, bao đạn, rồi tiếng của một thằng Tây vang lên: A lê, a lê, vít tờ, vít tờ… Tôi vẫn nằm đó như một cành cây được cắm chặt xuống đất sét. Hai tay từ vai, cổ trở xuống đầy bùn, hai bàn tay víu chặt gốc cây ở mép ao. Vừa lo, vừa nghĩ mông lung, vừa tập trung theo dõi bước đi của chúng… Tiếng rầm rập, la hét xa dần rồ mất hút. Mãi mới nghe tiếng của người mình về lẻ tẻ, tiếng la nhà cháy, rồi tiếng chân người chạy gọi nhau… Tôi buông hai tay, cố xoay tư thế để có thể bò lên bờ ao, nhưng cả người như bị đóng khuôn, không bám chặt thì chỉ có tụt dần xuống. Sợ quá, tôi lại bíu chặt lại như cũ, miệng khô cứng. Biết có người của mình đi gần bên đầu mình mà không gọi được cứ ú a ú ớ. Có mấy em bé choai choai đi qua, chúng bảo nhau: "Hình như có người ở dưới ao". Tôi muốn hét lên: "Chị ở đây" mà không tài nào há mồm được. May quá, vừa lúc thì chị Xá về, chị gọi tên tôi và dở lá sen ra - nhìn tôi. Tôi nhìn lại - không nói được, rút một tay ra vẫy lên. Chị cúi xuống ra sức kéo tôi lên nhưng không kéo nỗi. Chị liền gọi: "Bà con ơi, có ai đó lên giúp tôi kéo chị Hà lên đây nì". Thế là mọi người chạy lại, người tụt xuống ao nhấc hai chân lên, nguxoif ôm đầu, người kéo tay, tất cả hè nhau lôi lên, dìu tôi vào nhà chị Xá ở cách đó mấy chục mét. Họ trao đổi với nhau một lúc, rồi phân công hai chị Hội viên Phụ nữ và chị Xá dìu tôi về nhà chị Xá. Các chị nấu nước tắm rửa, thay quần áo và đốt lửa sưởi ấm cho tôi. Nằm nghĩ đến gần tối, các chị cho ăn một bát cháo tía tô và uống một bát nước gừng tươi.
* * *
Các bà mẹ trong làng đến thăm khá đông. Bà thì cho bơ nếp, bơ đậu xanh, nắm lá ngải… Có bà cho cả ổ trứng gà đang ấp. Tôi đã tỉnh người hẳn, nhìn thấy các chị, các mẹ, mỗi người thăm hỏi một tiếng, hơ ngải cứu xoa bóp tay chân cho… Tự nhiên, tôi bật lên tiếng khóc hu hu như trẻ nhỏ. Tôi nhớ nhà, và cảm thấy mình như đứa trẻ được gia đình chăm sóc yêu chiều… thật sự, tiếng khóc ngoài ý muốn của tôi nên tôi cũng có phần xấu hổ… Chợt có tiếng cười. Tôi ngẩng đầu lên. Đồng chí Bí thư chi bộ đứng đó nhìn tôi: "Sao chị khóc? Chẳng sao đâu, khỏe ngay thôi mà! Bây giờ thì chị thấy trong người thế nào? Hay có đau ở đâu nữa không?" Tôi cảm động quá, không giấu được sự thật vội vã trả lời ngay: "Đồng chí và các chị, các mẹ ơi, tôi không bị đau nữa đâu, chỉ có xúc động quá vì sự chăm sóc của các chị, các mẹ đó thôi". Thật là sự chăm sóc quan tâm tận tình. Đúng như vậy, sau này ở lâu trong dân, càng ngày tôi càng thấm thía tất cả các bộ hoạt động ở hậu địch hồi đó đều được dân tin, che chở, đùm bọc, đưa đi lánh nạn khi gặp gian nguy, lúc đau ốm được chăm sóc, còn cho ăn uống, để dành cho những thức ăn ngon mà con cháu trong nhà chưa chắc đã được ăn. Sống với nhau thân thiết hơn cả ruột thịt, khi đi, khi về là gặp nhau mừng vô hạn… Suốt đời tôi không bao giờ quên được những giây phút ấy, giây phút hoàng kim của cuộc sống tinh thần trong cuộc chiến đấu, của bản thân mình ở tuổi còn là thanh niên đầu tiên xa nhà, thoát ly theo cách mạng.
* * *
Từ khi quê hương giải phóng, tôi về que cũng cố gắng đi tìm một số cơ sở để thăm hỏi nhưng dấu cũ còn đâu! Phần đông họ đã quy tiên và con cháu có người còn nhưng nhiều người đã đi tản mác làm ăm nơi khác. Chị Xá thì mất từ năm 1950. Anh Bùi Hỷ người Hà My về ở chợ Cạn là cán bộ từ năm 1930, gia đình anh chị là nơi tôi thường xuyên đi về trú ngụ. Hôm tôi về tìm chỉ có người con trai, mà đi làm vắng. Viết tới đây, tôi xin cúi đầu mặc niệm tất cả bà con đã mất, lòng các anh các chị là lòng dân đối với cán bộ, với Đảng, đã động viên, giúp đỡ thúc đẩy chúng tôi thêm yêu nước, yêu dân, động viên chúng tôi dũng cảm thêm trong chiến đấu, có chỗ dựa vững chắc - càng tin tưởng thêm thắng lợi nhất định sẽ đạt được. Hình ảnh từng người, cử chỉ từng người, đường đi lối lại trong mỗi thôn xóm… vẫn còn in đậm trong mắt tôi. Tôi luôn luôn tâm niệm rằng hòa bình, tự do, thống nhất mà chúng ta có được ngày hôm nay là nhờ sự đóng góp lớn lao của toàn dân trong đó có các anh, các chị và sự hy sinh của nhiều người không tên tuổi, kể cả các em bé thiếu niên, nhi đồng.
Đó là sức mạnh vô biên, là truyền thống yêu nước của dân ta hàng nghìn năm hun đúc làm cơ sở cho sự toàn thắng của nước ta trong sự nghiệp cách mạng chống quân xâm lược…
* * *
Sáng suốt biết bao câu nói của Bác Hồ: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Cuộc kháng chiến của dân tộc ta suốt ba mươi năm qua thực sự là một cuộc kháng chiến của toàn dân, trường kỳ, khó khăn và vô cùng gian khổ. Do đó, sự nghiệp xây dựng đất nước ngày nay về mọi mặt tất yếu phải vì dân, do dân, đồng thời phải bồi dưỡng sức dân để dân có đủ sức tham gia xây dựng Tổ quốc giàu, đẹp, vững bền. Khẩu hiệu mà Chính phủ và Trung ương Đảng đề ra: "Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra" dù khó khăn mấy, chúng ta đều phải cố gắng thực hiện cho được.
T.T.T.H