Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lưu giữ lễ tục dựng cây nêu ngày Tết

Từ bao đời nay, trong tâm thức của mỗi người dân Việt, tết Nguyên Đán được xem là một ngày quan trọng nhất trong năm.

Mặc dù cả năm làm ăn vất vả, cực nhọc, cho dù có đi xa chăng nữa thì trong dịp này, mọi người cũng đều cố gắng trở về đoàn tụ bên gia đình và chuẩn bị đầy đủ các lễ vật để dâng cúng ông bà tổ tiên, các loại lễ vật đó đã được dân gian đúc kết thành cặp câu đối đầy ý nghĩa:

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”

Hình ảnh cây nêu được coi là biểu tượng thiêng liêng nhất của ngày Tết. Nó là biểu tượng của cây vũ trụ nối liền Trời với Đất, chuyên chở những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp, với mong muốn xua tan vận hạn của năm cũ, cầu mong an lành, hạnh phúc đến với mọi người trong năm mới. Đồng thời, cây nêu còn là sự hiện thân giữa cái thiện và cái ác, của lòng hướng thiện. Vì thế, từ xa xưa, người dân đã có tục trồng cây nêu trong dịp Tết nguyên đán.

Dựng cây nêu  tại một ngôi chùa ở Hải Lăng  - Ảnh: Trần Phong

Dựng cây nêu tại một ngôi chùa ở Hải Lăng - Ảnh: Trần Phong

Theo thời gian, theo địa phương, theo dân tộc và tập quán của cộng đồng, ý nghĩa của việc trồng cây nêu ngày Tết đã trải rộng hơn. Dựng nêu ngày tết bao gồm trong nó cả các dụng ý để trừ ma, quỷ, thờ phụng thần linh và vong hồn tổ tiên, tảo trừ những điều xấu xa của năm cũ để đón năm mới.

Lễ dựng nêu làng Võ Xá (xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) cũng không nằm ngoài ý nghĩa đó. Theo những bậc cao niên trong làng cho biết, tục lệ này có từ khi làng đã được hình thành, ngày Tết cây nêu được dựng lên nhằm để trừ tà ma trong những ngày đầu năm, đồng thời ghi nhớ công ơn những vị tiên hiền đã công lao trong việc khai phá đất đai, tạo lập làng xóm.

 Làng Võ Xá là một trong những làng quê được thành lập khá sớm vào khoảng nửa cuối thế kỷ thứ XV trên vùng đất Quảng Trị, nguồn gốc dân cư từ những đợt di dân khai phá vùng đất mới dưới thời nhà Lê. Trong tập sách Ô châu cận lục viết vào giữa thế kỷ XVI đã nhắc đến Võ Xá là 1 trong 65 xã/làng thuộc châu Minh Linh (huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, tỉnh Quảng Trị ngày nay).

Làng có chợ Kênh là một ngôi chợ cổ bên dòng sông Bến Hải, ngôi chợ xưa nằm cạnh đình làng, có bến đò chợ nơi các thuyền buôn tấp nập hàng hóa. Trong khu vực chợ có các cửa hiệu (Bông, Bút, Hóa Thiệu..) buôn bán thuốc bắc của người Tàu. Đến nay chợ chuyển qua địa điểm khác, gần đó nhưng quy mô và vai trò lịch sử của nó bị phai nhạt dần. Các thiết chế văn hóa cổ truyền của làng Võ Xá đều được con dân trong làng coi trọng. Đình làng Võ Xá là một ngôi đình lớn có tiếng quanh vùng với câu ca “Đình nào to bằng đình chợ Tréo (Quảng Bình). Đình nào khéo bằng đình chợ Kênh (Võ Xá)” phần nào đã nói lên quy mô và nghệ thuật của ngôi đình. Đáng tiếc ngôi đình đã bị phá trong phong trào tiêu thổ kháng chiến năm 1947. Năm 2003, đình được xây dựng lại như hiện nay.

Khi cây nêu được dựng lên, tất cả mọi hoạt động khác đều dừng lại nhường chỗ cho các công việc đón Tết. Cây nêu đã tạo nên thế cân bình trong sự vận hành thay đổi giữa năm cũ và năm mới, con người yên tâm vui chơi, cả cộng đồng sinh hoạt vui vẻ, quên đi những ưu phiền của năm cũ.

Nghi lễ dựng nêu ngày tết (trước khi đình bị phá) được diễn ra đều đặn hàng năm. Trong hai cuộc kháng chiến bị gián đoạn một thời gian. Thế nhưng kể từ sau ngày đất nước giải phóng nghi lễ được con dân trong làng khôi phục lại và diễn ra thường xuyên hơn.

Lễ dựng nêu làng Võ Xá là một nghi lễ mang tính tâm linh, có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng làng mỗi dịp Tết đến xuân về. Mặc dù nghi lễ này không quan trọng bằng Lễ Đại tự (trong nghi lễ này có các tiết mục múa đăng và múa đồng náp rất hoành tráng), nhưng với ý nghĩa tâm linh của nó nên rất được coi trọng.

Ở các làng quê, Tết Nguyên đán mở đầu cho một năm mới nên các nghi lễ về tâm linh luôn được coi trọng: cúng tất niên, cúng đầu năm… đều có thắp hương ở các đình, đền, miếu và có ban trị sự để chăm lo các công việc; lễ dựng nêu cũng nằm trong chương trình này. 

Thông thường trước ngày diễn ra lễ khoảng mười ngày đến nửa tháng, các vị chức sắc trong làng và đại diện các họ tộc tập trung tại đình làng để họp bàn và bầu ra các bộ phận, các ban phụ trách các công việc liên quan, bao gồm:

- Ban trị sự: Hội chủ, trưởng các họ tộc và trưởng thôn.

- Ban nghi lễ: Hội chủ (trưởng ban); trưởng 2 khu vực dân cư làm phó ban (làng có hai xóm: trên và dưới chia thành hai khu dân cư) lo việc chọn tre và lễ vật; đại cổ (1 chiêng và 1 trống); 1 người rót trà, rượu.

Trang phục của các bộ phận tế lễ

+ Chủ tế bên trong mặc bộ bà ba trắng, ngoài áo dài rộng màu xanh viền đỏ, chân đi tất trắng, đầu đội mũ thần màu vàng.

+ Các vị còn lại trong ban nghi lễ mặc áo dài màu đen khăn đóng.

Chọn tre làm cây nêu: Cây tre được chọn phải là cây tre thẳng, nguyên đọt, càng dài càng tốt, tre được róc hết cành chỉ để lại ngọn cây, đầu ngọn có lá. Sau khi chọn tre xong, chuẩn bị một dải vải đỏ dài khoảng 2m, rộng khoảng 20 cm đến 25 cm để buộc vào ngọn cây.

Lễ vật: Lễ vật đơn giản chỉ cau trầu, rượu trà và vàng mã.

 Sau khi hoàn tất công tác chuẩn bị, sáng sớm ngày 25 tháng chạp, Ban trị sự làng tập trung tại đình bắt đầu tiến hành lễ dựng nêu.

Lễ tục dựng cây nêu trải qua các bước sau

- Lễ cáo giang sơn: Diễn ra tại sân đình. Giữa sân đặt 2 bàn thượng - hạ; lễ vật đơn giản hoa quả, trầm trà, vàng mã. Nội dung lễ này là báo cáo và xin phép thần linh về việc làng tổ chức lễ thượng nêu đồng thời mời thần linh về chứng giám.

- Lễ cáo thành hoàng bổn thổ: Diễn ra trong đình. Nội dung báo với thành hoàng về việc dân làng làm lễ thượng nêu và cầu thành hoàng bảo vệ cho dân làng tránh khỏi quỷ dữ trong những ngày tết.

- Lễ thượng nêu: Sau khi cáo thành hoàng bổn thổ xong, Ban trị sự làng tập trung tại sân đình để tiến hành dựng nêu.

- Lễ hóa vàng mã. Kết thúc lễ thượng nêu.

 Cây nêu  ở một nhà dân  huyện Triệu Phong  - Ảnh: TA

Cây nêu ở một nhà dân huyện Triệu Phong - Ảnh: TA

Sau Tết, đến ngày Khai hạ (mồng 7 tháng Giêng âm lịch), làng tiến hành làm lễ hạ nêu. Từ khi cây nêu được hạ xuống thì mọi công việc trong làng mới trở lại bình thường.

Ngày nay, phong tục dựng cây nêu ngày tết đã dần mất đi trong cộng đồng người Việt và thay vào đó là các trào lưu chơi hoa đàohoa mai, cây cảnh. Cây nêu chỉ còn bắt gặp lác đác tại một số vùng quê, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng thượng du Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ hay Tây Nguyên. Phong tục này còn được lưu giữ tại hai làng Võ Xá và An Xá là một điều đáng trân trọng và cần nhân rộng trong cộng đồng.

HOÀNG NGỌC THIỆP

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/04

25° - 27°

Mưa

23/04

24° - 26°

Mưa

24/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground