Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mặt trận văn nghệ Tết năm ấy

N

gày 27 tháng 1 năm 1973 Mỹ và chính quyền miền Nam lúc bấy giờ đã chịu ký kết hiệp định Pari, ngừng bắn vô điều kiện trên toàn lãnh thổ nước Việt Nam. Vào thời điểm này tỉnh Quảng Trị đã được giải phóng, nhưng còn một số địa phương, bộ đội của ta và địch đang tạm thời giữ nguyên vị trí đóng quân của mỗi bên theo thế cài răng lược.

Ở huyện Triệu Phong có những tuyến chốt giữa ta với địch chỉ cách nhau gang tấc, gọi là vùng “xôi đậu”. Cụ thể ở tuyến chốt Long Quang xã Triệu Trạch, có nơi bộ đội của ta và địch dùng chung một giếng nước, đi chung một con đường, một nhịp cầu tre bên ni bên nớ sớm chiều lại qua, có khi một bánh lương khô cùng chia nhau một nửa, điếu thuốc cùng châm lửa mời nhau hút.

Tôi còn nhớ rõ ngày Quốc Khánh mồng 2 tháng 9 năm 1973 lúc ấy tôi phụ trách đội văn nghệ cùng với anh Trương Văn Cẩn phó ban văn hoá tuyên truyền xã Triệu Phước. Được sự đồng ý của cấp trên, do ông Dương Vĩnh Quang - Bí thư huyện uỷ, ông Lê Ánh trưởng phòng văn hoá thông tin huyện Triệu Phong. Chúng tôi đưa đội văn nghệ xã Triệu Phước vào tiếp cận tuyến chốt Long Quang xã Triệu Trạch, để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền và làm công tác binh vận, kêu gọi binh lính trong hàng ngũ của địch, thực hiện đúng hiệp định Pari, bỏ súng trở về với gia đình, quê hương. Toàn thể đội văn nghệ vỏn vẹn 10 người, tôi phụ trách đội trưởng, kiêm kỹ thuật âm thanh, sáng tác hò bình vận, lời kêu gọi. Anh Quốc Dũng đàn măng đô lin, anh Trần Nhơn Quang đàn ghi ta. Người lớn tuổi nhất là mẹ Đờn 60 tuổi hò binh vận và nhỏ tuổi nhất là em Thuý Diễn 8 tuổi hát múa. Đội văn nghệ chúng tôi tiếp cận chiến hào của địch, chọn một mô đất rộng khoảng 16m, tạm thời sử dụng làm sân khấu để biểu diễn. Một phong màn trắng được căng lên, chương trình văn nghệ nhanh chóng được mở màn, những tiết mục đặc sắc ca, múa, hò binh vận liên tục diễn ra một cách hấp dẫn, các anh lính Sài Gòn lúc bấy giờ, kéo nhau đến xem càng lúc càng đông giữa ban ngày, họ dùng chiếc mũ đồng kê ngồi xem văn nghệ một cách say sưa và vỗ tay cổ vũ, tán thưởng nhiệt tình.

Mẹ Đờn có câu hò binh vận, mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in:

- “Con nghe ai mà hoá ngây hoá dại,

Con nghe ai mà phản lại giống nòi,

Đêm mằm nghĩ kỹ mà coi,

Con đi hướng đó chẳng khác thể rước voi đạp mồ”.

- “Hoà bình rồi sao con còn đi mãi

Cha mẹ đã già trăm tuổi nay mai

Vợ hiền nét sắc tàn phai

Trẻ thơ mong đợi con theo ai không về”.

Mẹ Đờn nay đã tròn 95 tuổi hiện đang sống ở làng Cao Hy xã Triệu Phước.

Em Thúy Diễn hát bài: Ánh trăng hoà bình, bài hát có câu: “Bóng trăng tròn lướt qua rặng tre/ Trăng lấp lánh ánh vàng xóm quê/ Trong trăng thanh sáng ngời em hát cười/ Trăng trông em đang múa hát trăng cũng cười...” Trước micarô lời em hát cứ thánh thót vang lên một cách ngọt ngào, trong sáng và những lời kêu gọi đầy quyến rũ đối với những người cha đang lầm đường lạc lối, đứng bên kia chiến tuyến hãy mau mau trở về với vợ con, gia đình, quê hương. Trong lời kêu gọi có câu: “Hoà bình rồi sao ba còn đi mãi, không về với con, ngoài vùng giải phóng, ngày đêm mẹ và các con đang mong đợi ba từng phút, từng giờ, ba hãy về với các con. Các con nhớ ba nhiều lắm...”

Em Thuý Diễn hiện nay đã 43 tuổi đang làm ăn sinh sống ở làng Dương Xuân xã Triệu Phước.

Thông qua các tiết mục văn nghệ của mẹ Đờn và cháu Thuý Diễn, có nhiều anh lính Sài Gòn hình như đã đồng cảm, vừa chú ý lắng nghe và nét mặt đăm chiêu, hằn nỗi buồn trên khoé mắt, gương mặt. Hẵn các anh ấy cũng nhớ mẹ già, vợ hiền và các con thơ dại nhiều lắm! Hơn 30 phút văn nghệ trôi qua hai bên chiến hào bắt tay nhau thân mật giữa những anh bộ đội giải phóng và các anh lính Sài Gòn, họ mời nhau ăn từng bánh lương khô, mời nhau những điếu thuốc Sa Lem, Tam Đảo, Điện Biên. Vài anh lính Thuỷ quân lục chiến của địch có tính tò mò hỏi: - “Sao máy phóng thanh của các anh chỉ có một micarô, một đàn ghi ta, một đàn măng-đô-lin , mà âm thanh người hát lẫn tiếng đàn đều được vang lên hay đến vậy?” Tôi vui vẻ trả lời: - Do yêu cầu cơ động thuận tiện, máy phóng thanh được chúng tôi cải tiến từ một máy thông tin C10 của các anh lính Sài Gòn, công suất chạy bằng hai con sò, đủ sức phóng thanh cho hai loa sắt, được hàng ngàn người nghe rõ còn micarô được buộc vào cần đàn ghi ta, do vậy mà cùng một lúc giọng hát tiếng đàn được chuyền vào một micarô, âm thanh hoà quyện vang lên nghe rất hay chẳng khác gì đàn ghi ta điện tử. Các anh Thuỷ quân lục chiến và Địa phương quân xúm lại nghe mê say và hết lời thán phục. Một anh lính Sài Gòn khác lại bồng em Thuý Diễn ngồi trên chân, tay em đang cầm cờ giải phóng cứ vẩy vẩy trên đầu anh lính Sài Gòn kia. Ước gì lúc đó tôi có được một ống kính hoặc máy quay phim tôi sẽ ghi lại những khoảnh khắc diệu kỳ, đầy ý nghĩa về sự hoà hợp hoà giải dân tộc ấy.

Sau buổi biển diễn văn nghệ tuyên truyền binh vận đó, đêm hôm sau dọc theo tuyến chốt Long Quang xã Triệu Trạch, Vân Hoà, An Lộng xã Triệu Hoà, đã có hàng chục anh em binh lính Sài Gòn mang súng đạn trở về với cách mạng, với nhân dân.

Vào khoảng trung tuần tháng 9 năm 1973 đội văn nghệ tuyên truyền xã Triệu Phước được Ty văn hoá thông tin tỉnh Quảng Trị điều động lên biểu diễn phục vụ chào mừng đón Đoàn đại biểu do bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng bộ Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đang có mặt tại thị xã Đông Hà. Trong đội văn nghệ cũng có em Thuý Diễn với bài hát “Ánh trăng hoà bình” và nhiều tiết mục hấp dẫn khác của Đội văn nghệ vang lên chào mừng hàng trăm đại biểu và khán giả. Sau buổi biểu diễn, em Thuý Diễn được bà Nguyễn Thị Bình tặng hoa và bồng lên ôm hôn thắm thiết.

Đội văn nghệ xã Triệu Phước huyện Triệu Phong không những làm nhiệm vụ biểu diễn tuyên truyền binh vận, chào mừng lãnh đạo các cấp, mà còn thường xuyên biểu diễn phục vụ động viên bà con quần chúng nhân dân phấn khởi, đoàn kết cùng nhau hàn gắn lại vết thương chiến tranh, phục hoá khai hoang, tái sản xuất xây dựng quê hương sau ngày hoà bình vừa được lập lại.

Tiếng hát lời ca của đội văn nghệ xã Triệu Phước còn trải dài theo các tuyến kênh thuỷ lợi, lan rộng vang xa ra cánh đồng muối, nở rộ nhiều hoa lúa vàng nặng hạt, cho những đoàn thuyền rẽ sóng ra khơi tìm luồng cá bạc. Văn nghệ xã Triệu Phước đã thực sự đi vào lòng người, đã và đang để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, đã góp phần đánh thắng giặc ngoại xâm và dựng xây quê hương đất nước. Có nhiều vị lãnh đạo đã có lời khen rằng. “Tiếng hát đã một thời làm át tiếng bom, làm lung lay ý chí của quân thù. Hôm nay đội văn nghệ chúng ta “hát ra lúa, múa ra khoai”...

Năm 1981 Sở văn hoá thông tin tỉnh Bình Trị Thiên tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá phong trào tổ chức xây dựng và hoạt động của Nhà văn hoá, Câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ cấp huyện thị tại thị xã Đồng Hới. Lúc này tôi đang là Trưởng ban văn hoá thông tin xã Triệu Phước, được báo cáo điển hình hoạt động Nhà văn hoá, Câu lạc bộ của xã Triệu Phước. Nổi bật là công tác tuyên truyền văn nghệ và sáng kiến cải tiến phương tiện kỹ thuật, phục vụ có hiệu quả, thông qua câu chuyện kể về việc đội văn nghệ xã Triệu Phước đánh địch trên mặt trận văn hoá nghệ thuật được hội nghị chú ý, xôn xao bàn luận, đã trở thành bài học kinh nghiệm cho công tác văn nghệ trong thời kỳ xây dựng.

Ngày nay xã Triệu Phước không ngừng phát huy những thành tích đã đạt được,  Triệu Phước đang đổi mới đi lên, xứng đáng một xã đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Triệu Phước luôn luôn là lá cờ đầu về phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, là một trong bốn xã điển hình văn hoá của huyện Triệu Phong. Xã Triệu Phước đang nổ lực phấn đấu xây dựng một xã vững mạnh về chính trị, an ninh, quốc phòng, giàu về kinh tế, đẹp về văn hoá, có lối sống văn minh tiến bộ, mãi mãi xứng đáng với câu ca đầu miệng của mọi người dân ở đây:

“Ai về Triệu Phước quê em,

Tôm, cua, cá bạc đồng thêm lúa vàng.

Chung tay xây dựng xóm làng

Điểm tô quê mẹ đẹp trang sử vàng”

T.K.Q

 

Trương Kim Quy
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 172 tháng 01/2009

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground