Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mẹ

N

ói về Mẹ. Tôi đoán chắc không ai trong chúng ta trái tim không khỏi rung lên niềm cảm xúc biết ơn vô hạn và lòng yêu thương vô bờ. Nhất là những người đã từng mặc áo lính. Cho dù có đi đến chân trời góc bể, cho dù thành bại vô thường thì những khi yếu lòng ta vẫn muốn ngả đầu vào lòng mẹ như thuở ấu thời… mà khóc.

Mẹ bạn tôi (anh là một người lính xe tăng) vừa qua đời! Hôm đưa mẹ về Cõi, không ai bảo ai chúng tôi đều tề tựu đông đủ như ngày nào đóng quân tại nhà mẹ. Trong cuộc chống Mỹ, mẹ đã cho bốn người con nhập ngũ trong các quân binh chủng anh hùng. Thế nhưng, ít ai biết được một điều bí mật: Mẹ còn có một người con lớn, theo chồng cũ di cư vào Nam, là lính thuỷ quân Lục chiến của quân đội Việt Nam Cộng hoà (VNCH). Sau ngày 30/4/1975 tôi qua thăm mẹ, thấy mẹ đối xử với anh không khác các con khác… Lại hình như có phần thương hơn. Sau này anh qua Mỹ, làm biên tập một tờ báo và viết sách. Cuốn tiểu thuyết hồi ký “Tháng 3 gãy súng” chính là của anh. Tôi đọc, thấy những đoạn tả đơn vị anh đóng quân trong làng, gần giống bọn tôi. Tôi vẫn muốn một ngày nào đó, anh về thăm quê hương, bọn tôi sẽ mời anh ra Hồ Tây uống bia đàm đạo về văn nghệ… và cả những ngày quân hai bên chạm súng ở Quảng Trị… vào cái Tháng 3 đáng nhớ ấy! Một kỷ niệm khác, đó là về Tung, bạn học trường Mỹ thuật cùng tôi, nửa chừng nhập ngũ vào đặc công. Trong một trận ác chiến, không may sa vào tay giặc. Hè 1973, từ trong địa đạo Gio Linh, tôi nghe từ chiếc OV10 tiếng loa vọng xuống rõ ràng tiếng của anh kêu gọi chúng tôi hồi chánh về với quốc gia… Từ mặt trận trở về, tôi ghé thăm mẹ anh, liều tiết lộ với mẹ tin dữ đó. Mẹ nghe rồi lặng đi: “Chắc nó bị đánh dữ lắm, mẹ biết, ngày bé nó chịu đòn dạn lắm mà không khóc, thế mà nay…”. Trường hợp khác tôi được biết trong lần đi công tác năm 2005, tôi gặp mẹ N… năm đó mẹ đã hơn 90 tuổi, lưng còng, tóc bạc trắng… mẹ tu ở một cái am nhỏ, sống bằng hảo tâm của những người đến cúng bái. Tôi hỏi về đường con cái của mẹ, mẹ bảo: “ Cũng có một người con trai theo Việt Cộng làm đến đại tá, nhưng hắn vất vả về đường quan lộ và cả vợ con, lâu lâu hắn lại đến than thở với tôi…”. Chỉ tuần sau, tôi đã thấy ông đại tá con trai của mẹ… Đó là một người đàn ông trên 60 tuổi, da sạm mầu thời gian, từng trải, can trường. Những vết sẹo dọc ngang trên mặt làm chứng tích cho những chiến công sinh tử của ông… Lạ thay, trước mẹ, bước chân ông trở nên khấp khểnh, dáng dấp bơ phờ, bao nhiêu đau khổ trong chốn quan trường, bao nhiêu bực dọc với hai bà vợ và lũ con… ông bù lu bù loa tồng tộc ra hết, ông khóc tức tưởi như ngày bé bị bắt nạt, bị oan uổng, ông kể lể nỗi niềm… Chờ cho ông hết xúc động, mẹ vuốt vai ông, cho ông vài chục đồng bảo mua quà cho các cháu. Rồi ông lại khấp khểnh ra về trong hạnh phúc… Tôi biết ông, tôi, và bao nhiêu người đàn ông khác, dẫu có hùng hổ đâu đâu, dẫu có oai phong lẫm liệt đến nhường nào… thì trước mẹ, chúng tôi vẫn chỉ là lũ con nít ngày nào mà thôi.

Ngày 8/3 hàng năm, là ngày Quốc tế Phụ nữ và cũng là ngày luôn làm tôi nghĩ nhiều về mẹ. Chưa có dân tộc nào trên thế giới phải chịu đau thương của chiến tranh dài như dân tộc Việt Nam. Cũng vì thế, mẹ Việt Nam cũng là người chịu nỗi đau nhiều nhất. Trong giai đoạn chống Pháp, ở Việt Nam hình thành các vùng “tề” và vùng “tự do”. Thanh niên vùng tề thường bị bắt lính, xung vào đội quân đánh thuê phục vụ cho đạo quân xâm lược ngoại quốc. Do hạn chế về không gian và thời gian của cuộc chiến, cộng với các hành vi bạo ngược ỷ thế súng đạn và cường quyền đàn áp dân lành nên đội quân người Việt chống người Việt bị nhân dân gọi là “Nguỵ” và bị tẩy chay. Còn cuộc chống Mỹ có khác. Nó dài quá! Do tính chất ác liệt về mọi phương diện đã để lại hậu quả… không bút nào tả xiết! Có mẹ nhà bốn con trai, hai theo “giải phóng” hai theo “Quốc gia”. Có mẹ khi chồng tập kết ra Bắc mang theo người con trai, ở lại bị ép lấy viên sỹ quan VNCH. Tới đầu những năm 1970 những đứa nhỏ sinh ra đã có thể cầm AR15 được rồi, đương nhiên những khẩu súng đó rất có thể nhả đạn vào ông anh ruột chúng đang vượt Trường Sơn vào B với khẩu AK47 trên vai. Sau Hiệp định Pari, miền Nam hình thành thế “da báo”. Những trận đánh giành đi giật lại từng mảnh đất, từng người dân diễn ra khốc liệt. Bọn lính chúng tôi vào đóng tại một nhà dân ở Long Quang - Thanh Hội (Quảng Trị)… Nhà còn mỗi một mẹ già. Trong lúc bọn tôi lỉnh kỉnh súng đạn, quân trang quân dụng, hò hét khiêng vác, đi lại rầm rập… Bà cụ cứ ngồi im một chỗ, đứa nào cần gì, hỏi mẹ chỉ cho ngay. Nhìn mẹ ngồi, tôi thấy giống như một khúc củi khô, đen cháy, sắt lại. Ngó lên bàn thờ (làm bằng miếng đuya ra thùng đạn). Tôi thấy ảnh hai thanh niên giống nhau như đúc, một đội mũ tai bèo, một đội kê - pi có bông mai. Tôi không dám hỏi nhưng đoán đó là hai người con mẹ. Nhìn mẹ già ngồi bất động trong góc tối, giữa một lũ trai lộc ngộc, rổn rảng súng đạn, mạ mạ con con… Tôi rất muốn biết trong đầu bà cụ đang nghĩ gì? Vì chỉ mới hôm qua thôi, chính tại cái sân nhà này cũng rầm rập, rổn rảng mấy đại đội thuỷ quân lục chiến của VNCH. Chắc bà cụ vẫn ngồi góc đó nhìn những người lính mặc rằn ri, lủng củng AR15, M79 khiêng khiêng, vai vác, hò hét vang trời… Cuộc chiến quá dài, quá ác liệt trên vùng đất cỗi cằn bỏng rát làm chai sạn tất cả… Tôi đoán cụ đang muốn… ngừng súng! Những gói lương khô quân hai bên để lại dù là B71, B72 hay Quân tiếp vụ thì cũng thế thôi. Súng ngừng! Lũ trai ngồng ngỗng, huỳnh huỵch kia chắc chắn sẽ là những tay cày khoẻ của mẹ. Chiến tranh đã làm những trai cày của mẹ đen nhẻm, khô cháy, người lúc nào cũng đặc sệt mồ hôi và khói bụi. Đầu tôi mông lung một bức tranh, khổ to, hình vuông, chính giữa là mẹ già khô quắt đang nghiền trầu, xung quanh mẹ là những người trai trần trụi, còn vương những mảnh quân phục rách bươm với gương mặt lưu lại dấu vết của tổ tiên Việt tộc: hàm vuông, trán rộng, môi dầy, lông mày lưỡi mác, mắt đen, sâu, tóc dày và thẳng, cổ to, mũi hơi hếch… Gương mặt biểu lộ sự trung thực, chất phác, dễ tin, can trường, dám yêu hết mình…

Tôi đi ra biển Cửa Việt. Suốt mấy dặm không một bóng người, nước biển xanh một màu kỳ lạ, cát thì trắng đến kinh người, trời xanh thăm thẳm, từng cọn mây khổng lồ trôi nhanh qua! Để nguyên quân phục, tôi từ từ lội ra đến ngập đầu, mặc cho nước mắt hoà cùng nước biển, thấy vị hai thứ cũng mằn mặn như nhau.

 

L.T.D

 

Lê Trí Dũng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 168 tháng 09/2008

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/04

25° - 27°

Mưa

23/04

24° - 26°

Mưa

24/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground