Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một bài văn tế của ông Nguyễn Vức

Ô

ng Nguyễn Vức (1906 - 1971) quê ở Đại Áng, Triệu Lương, Triệu Phong nay thuộc thị xã Đông Hà, Quảng Trị. Cán bộ thời tiền khởi nghĩa, tham gia cách mạng rất sớm trong các tổ chức yêu nước như Ái Hữu Dân Đoàn sau hợp nhất thành Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội trước năm 1929. Bí thư đầu tiên của Chi bộ Đại Áng, một trong mười sáu chi bộ đầu tiên ở Quảng Trị do đồng chí Trần Hữu Dực thành lập “khoảng giữa tháng ba -1930” (Theo Hồi ký “Bước qua đầu thù”, T1, Tr.106 của Trần Hữu Dực).

“Được bầu vào Ban chấp hành Tỉnh Đảng bộ tháng 6 - 1937. Sau khi đồng chí Trần Mạnh Quỳ bị bắt (9-1939), đồng chí Nguyễn Vức được Tỉnh ủy Quảng Trị bầu làm Bí thư” (theo Thanh Sơn, “Biên niên các Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị”, tạp chí Văn hóa Quảng Trị, sô 17). Nhưng cũng có nguồn tư liệu đáng tin cậy khác cho biết: “Tháng 8 - 1937, đồng chí Nguyễn Vức (Đại Áng) được cử vào Tỉnh ủy và đến tháng 10 - 1938, làm Bí thư thay đồng chí Hoàng Hữu Chấp bị bắt…”  (theo “Sơ thảo lịch sử Đảng thôn Lập Thạch” do tập thể tác giả Trần Hữu Dực, Lê Thị Diệu Muội, Hoàng Thị Ái, Lê Hoạch, Nguyễn Xuân Trâm biên soạn).

Do hoàn cảnh hoạt động thời tiền khởi nghĩa, về căn bản dựa trên nguyên tắc bí mật nay khó có thể xác minh, tìm tòi tư liệu đầy đủ về cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Nguyễn Vức một cách liên tục. Nhất là giai đoạn sau 1954, ông ở lại hoạt động bí mật ở miền Nam mà theo ông Lê Hoạch cho biết là theo chỉ thị của đồng chí Trương Công Kinh (Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị bấy giờ). Dưới chế độ cũ, từ năm 1954 - 1971, ông thường xuyên bị địch bắt giam, quản thúc. Nay chỉ còn chi bộ bí mật ở địa phương là cơ quan nắm rõ và xác minh hoạt động của ông thời kỳ này. Cho đến lúc hy sinh ông vẫn là Đảng viên, được truy tặng liệt sỹ, do đợt ra tù cuối cùng năm 1971, địch tra tấn hết sức dã man, về nhà chưa đầy tháng sau lâm bệnh nặng và mất như bài viết ông Lê Hoạch cung cấp trên Cửa Việt số 8.

Sinh thời ông làm rất nhiều thơ phong phú, câu đối yêu nước và cách mạng cả khi hoạt động lẫn ở trong tù, nay nhiều người còn tuyền tụng. Cũng một phần vì thơ phú bày tỏ chí khí, tâm huyết của mình mà ông bị tù tội. Ông Nguyễn Bái, cháu gọi ông bằng chú ruột, trước lúc gia đình bị chế độ Ngô Đình Diệm “trục xuất” ra Bắc, kể lại một trong những câu đối ông dán ở cổng và bị bắt:

Ngày Tết như ngày thường, chẳng có của ngon vật lạ

Chơi xuân không chơi lắm, chớ quên cuốc bẩm cày sâu.

Đang cày ruộng giữa đồng, chiều ba mươi Tết, ông bị tên Tháo cảnh sát về bắt cho rằng làm câu đối công khai bôi nhọ chế độ. Vào quận Triệu Phong, ông Nguyễn Vức đấu lý với tên Quận trưởng Ngô Đình Hoàng, con nuôi Ngô Đình Diệm: “Thưa ông Quận, hôm ni tui bị bắt vô đây lần thứ ba. Lần thứ nhất họ nói tui làm sai, họ bắt (ý nói làm cách mạng). Lần thứ hai họ nói tui đi sai, họ bắt (ông bị quản thúc không ra khỏi địa phương). Lần thứ ba họ nói tui nói sai, họ bắt”.

“Thôi ông về đi”… Quận Hoàng nói sau hồi đấu lý, ông còn lấy cớ trời tối, phải bố trí chỗ ở lại qua đêm giao thừa “ăn tết” ở quận sáng hôm sau mới về. Anh Nguyễn Văn Liên ở Lập Thạch cho biết bài thơ sau do ông Nguyễn Vức làm: “Vận nước trăm khe chảy về HỒ. Qua cầu không khéo bổ trúc NGÔ. Bổ trúc ngô cũng nhờ người CỌNG. Người cọng vững vàng khó mà XÔ”.

(Hồ: ý chỉ Cụ Hồ, Ngô: Chỉ gia đình họ Ngô. Cọng: Tiếng địa phương là cõng nhưng ngữ hàm ý Trung cộng cũng như Xô, hàm ý Liên Xô). Ông bộ Thúy đem bài thơ này phổ biến, cả hai đều bị bắt. Về sau bài thơ này cũng như bài: “Đồng khô hồ cạn”. Vượt tuyến ra đến Vĩnh Linh, nhiều người biết. Cũng như câu đối ghi ở đình chợ Thạch Hãn Quảng Trị tu sửa sau khi cướp chính quyền, người cho tác giả là ông cử Luyện, lại có người cho là của ông Nguyễn Vức: Bán mỡ, bán dầu đừng bán nước. Buôn ngàn buôn vạn chớ buôn dân.

Tôi biết ông Mai Chiếm Lương, Phan Quốc Sắc người Đồng Lai nay đã ở xa thuộc rất nhiều thơ phú của ông. Nhân một chuyến công tác, may mắn tôi lại gặp ông Nguyễn Trưng, một sĩ quan quân đội nghỉ hưu ở Lập Thạch đưa nguyên cho tôi bài văn tế bằng bút tích của ông Nguyễn Vức viết vào ngày 26 tháng tư năm Giáp Ngọ (tháng 5- 1954), đọc công khai trong lễ truy điệu mẹ ông Nguyễn Trưng. Đương nhiên ông Vức là chỗ bà con, khóc người đang mất bằng cô (tiếng địa phương gọi O, và mụ là gọi thay con). Bà có năm con trai tập kết, tham gia vào chiến dịch Điện Biên Phủ.

Một chút lai lịch, hoàn cảnh ra đời bài văn tế, để thấy lý tưởng mà ông gọi là “tấm lòng đỏ”, khí phách cũng như tài nghệ văn chương của ông  Nguyễn Vức bàng bạc trong một bài văn tế.

Những mong bạn đọc viết qua diễn đàn Cửa Việt góp thêm nhiều tư liệu vốn dĩ hiếm hoi này.

Hỡi ôi!

Luận tiến hóa cớ sao chẳng chuyển, giống da vàng chưa khỏi bước gian nan,

Cuộc tuần hoàn lắm nỗi đau thương, đám mây bạc trông xa chừng vò vọ.

Sáo ngã thuyền vừa lướt đập, trách ông xanh chỉ mà khéo vô tình,

Cóc kêu trời nỏ thấu cho, tấm lòng đỏ biết cùng ai bày tỏ .

Trên đời ai khỏi kiếp tồn vong,

Nháy mắt đã chia người kim cổ.

Nhớ O xưa:

Ngôn hạnh có thừa, công dung sẵn đủ

Lối xã giao, đường xử thế, dưới trên đều hiểu lẽ thị phi.

Tình bác ái, nghĩa tương thân, ăn ở cũng vào hàng quy cũ.

Đóa hoa thơm nở miền Đại lãnh, chứ vu quy vịnh khúc đào yêu

Chiếc thuyền tình ghé bãi Thạch Giang, hoa cỏ rước (?) làm đôi ông mụ.

Hai mốt tuổi kết duyên cầm sắt, đạo tề gia cũng đúng bạc khuê nghi,

Năm mươi năm xây dựng tảo tần, tiếng khen ngợi đã vẻ vang làng họ

Cũng lắm lúc thức khuya dậy sớm, giáp gia nương nở mặt nở mày,

Đã nhiều phen tay lấm chân bùn, dựng gia thất nên giàu nên có.

Phận chính thứ trên hòa dưới thuận, lòng thương yêu rất đúng mực phân minh.

Bảo các con xử thế tùy thời, gương gia huấn cũng nên trang tiến bộ.

Dạy ba gái làm nghề canh cửi, phận nữ nhi khuya sớm ân cần,

Khuyên năm trai lo việc học hành, thân nam tử làm tròn nghĩa vụ

Những ước: O là vàng mười đúng chữ, nấu nung nào sợ lửa than,

Ai ngờ: Mụ như trái chín trên cây, bỗng chốc rơi theo mưa gió.

Hăm sáu tháng tư đã vội từ trần

Tuổi bay mươi ba vào hàng trúng thọ

Cuộc trăm năm thâu lại một ngày

Ơn ba sinh chưa đền (?) tấc cỏ.

Đoái là tiếc: ba năm khói lửa O không gắng thêm vài ba tháng, hòa bình trổ lại mạ gặp con, O thấy cháu, gia đình đầm ấm vẻ vinh quang.

Luống thương cho: Mấy đoạn gian nan Mụ không chờ đợi bấy nhiều ngày, chiến tranh chấm dứt, người đi Bắc, kẻ về Nam, tranh đấu đập tan cơn giông tố.

Hay là O thấy chuyện đời rắc rối, quyết riêng mình vui thú tự do

Hay là mụ ghét cuộc thế bất công, mong lánh bước tìm phương tế độ.

Thôi thôi!

Sao lặn mây tan, trăng mờ tuyết ủ

Hạc lánh non tiên, châu về Hiệp phố

Nghĩ lại càng buồn nói ra thêm khổ

Cảm là cảm: Ông Huynh trưởng da đồi mồi tóc bạc, việc gia đình còn mong thế cậy em,

Thương vì thương: Mấy em dại còn tuổi trẻ đầu xanh, đường sự nghiệp vẫn nương nhờ bóng Mụ.

Mai sáng trông ra đường cái, thiếu tiếng O mà tấc dạ ngậm ngùi.

Buổi chiều xem bến đò ngang, vắng bóng Mụ lụy càng rơi lổ đổ,

Bữa nay: Các cháu từ tha hương đi xuống thăm O, bâng khuâng tưởng tình cốt nhục, ôm quan tài mà năn nỉ với hòm săng.

Ngày mai: Mấy em ngoài quan ải trở về viếng Mụ, lạnh lùng nhớ đức cù lao, ngắm mộ địa mà thở than cùng cây cỏ.

Ngày hôm nay: Gặp tiết tiểu tường, chén rượu miếng trầu, lớn nhỏ gái trai thảy đều chiếu cố.

Thở than: Biết mấy cho cùng, thô thiển ba tuần rượu lạt, dưới tuyền đài O thấu cho chăng.

Nỉ non: Nào chẳng thấy chi, gọi là một nén hương thơm, ngoài bồng lai ơi có rõ,

Cơ huyền diệu thăng trầm chưa được rõ, sắc là không, không là sắc, nguyệt Phật đài xin siêu độ Hương linh.

Chữ trung thành, sinh tử cũng như nhau, sống thì khôn, thác thì thiêng, tình miêu duệ cố gắng công phù hộ.

Hỡi ôi thương thay!

A.T

Anh Thi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 18 tháng 03/1996

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground