Đ |
ạo diễn Lê Quang Phú “phôn” cho tôi:
- Điện ảnh Công an nhân dân mời anh viết lời bình cho cái phim về Quảng Trị.
Tôi đã nghĩ về vụ án nào đó vừa xảy ra ở đất miền Trung này.
- Dựng xong chưa? Tôi hỏi lại
- Xong.
- Mang phim sang. Cả bản phân cảnh tỉ mỉ nữa nhé.
Tôi toan buông máy. Phim công an phá vụ án thì chỉ một, hai đêm là “tiêu diệt gọn”. Tôi đã từng được “bình” vào phim về một vụ án trong vòng 16 giờ. Chợt nhớ là giọng Lê Quang Phú nghiêm trang lắm. Tôi hỏi vội:
- Phim về cái gì vậy?
- Về một người. Lê Quang Phú trầm giọng. Một người anh ạ.
- Ai?
- Ông Lê Tri Kỷ.
Trong hai ngày chờ Lê Quang Phú đưa phim sang. Tôi đọc. Đọc Lê Tri Kỷ. Đọc những gì tôi có trên giá sách. Giấy xấu, chữ mòn. Toàn sách Lê Tri Kỷ tặng. Sách in thời khốn khó nên trang nào cũng tù mù. Căng mắt đọc. Và đọc được là mệt lắm.
Lại là, từ cái truyện ngắn đến cuốn tiểu thuyết, từ chuyện tác giả kể với lòng vị tha như biển trời về một trưởng ty công an cứu anh thuế vụ vì anh thuế vụ giữ lời sau khi khai hết tội rồi cải tà quy chính đến chuyện tổ điệp báo A13 đánh đắm chiến hạm Amyot D’Inville ở vùng biển Sầm Sơn. Từ một phóng sự điều tra về một việc đến cả cuốn sách viết về con người, mà con người đó ngắn với công việc ở một phố chỉ có một số nhà. Nhà giam người. Giam người ở phố Hỏa Lò, Hà Nội.
Lạ là, sách đọc lại, chuyện đọc lại như một cuốn phim. Tắt phim. Từ chuyện bước ra một người. Cứ nhìn chằm chằm vào tôi trong đêm. Mảnh mai, nhỏ nhẹ. Những âm tiết Triệu Phong, Quảng Trị không phải dù Lê Tri Kỷ xa quê ngót nửa vòng thế kỷ. Cái bóng hay cái hồn Lê Tri Kỷ mang sắc phục sĩ quan cao cấp ngành công an đến đầu giường tôi. Bàn tay lành lạnh nắm lấy tay tôi: “Ông viết giúp về đời tôi à? Cảm ơn nhiều lắm!” Nói vậy rồi Lê Tri Kỷ bay ra vườn tôi. Gió vườn tôi lượn trở vào. Trả cho tôi một mùi hương hoa mộc. Thơm sâu mà kín đáo.
* * *
Phim chân dung nhà văn Lê Tri Kỷ mở đầu bằng cảnh dưới vòm trời Quảng Trị là cát cháy, sống chồm xa… Thế thôi, một lớp nhà văn tuổi chúng tôi ít lên phim, lên ảnh. Thời chưa có giao lưu, hội thảo, đối thoại và truyền hình trực tiếp. Nhưng rõ ràng là của Lê Tri Kỷ. Mảnh trời, trảng cát và sóng chồm ngang.
Tôi viết câu mỡ đầu cho cuộn phim.
“Trời vẫn xanh… rất xanh mầu Quảng Trị”. Cát vẫn mênh mang nghiêng sóng bạc đầu. Chúng tôi tìm về rẻo đất miền Trung này và bất chợt nhớ một vài câu thơ… không phải tìm gì như tiền năng kinh tế (…) cũng chẳng phải men theo bờ con sông chia cắt đất nước này để tìm thêm dữ liệu. Nhưng những gì chúng tôi đã gặp đều mách bảo một sự hình thành, một sự nuôi trồng tự cội rễ để Quảng Trị có thêm một cốt cách, văn học Cách mạng Việt Nam có một tài năng. Đó là Lê Tri Kỷ. Người dành một đời cho một nghề. Gắn bó mọi tâm sức với lực lượng người cầm súng. Người đã xong một đời cống hiến mà thấy mình chưa xong nợ đáp đền. Đó là Lê Tri Kỷ. Nhà văn Lê Tri Kỷ của Công an Nhân dân Việt Nam.
Phim “đi qua” đoạn nhà quê của nhà văn chỉ có vậy. Có vậy mà lắng sâu. Không một bóng hình của cậu bé có tên “Hinh” ở một làng Triệu Phong nghèo, ở một miền quê Quảng Trị chân chất mà kham khổ. Dám phất một ngọn cờ cách mạng trên một tên làng Phường Sắn nghèo khó. Lại dám đi tiếp 10 năm rồi 10 năm máu lửa ngập tràn để dành lại cho đất nước một Quảng Trị anh hùng. Ở cái đoạn cam go này, Lê Tri Kỷ tham gia việc đoàn thể sau khi học hết bậc thành chung thời tháng 8 năm 1945. Lê Tri Kỷ bén duyên với ngành an ninh từ khi chưa biết an ninh là một nghề. Làm anh bảo vệ của làng rồi được “đề bạt” lên an ninh xã. Vào Hải Lăng làm trưởng công an huyện rồi vì thuộc lớp người có chữ mà được điều lên tỉnh. Lại ví sớm bọc lọ tâm chí yêu nước và có khát vọng trưởng thành mà Lê Tri Kỷ ra Liên khu Bốn rồi men dần lên Việt Bắc. Đường thì dài nhưng đường anh chọn là “Vì an ninh tổ quốc”. Từ cái chức vụ cỏn con ở xóm đến viên chức, cán bộ của Chính phủ, Lê Tri Kỷ chỉ gắn bó với ngành công an.
Tôi “vào” phim rất nhẹ nhàng mà da diết nhớ Lê Tri Kỷ. Tôi là anh làm thơ trữ tình. Chẳng có ràng buộc gì với những cuốn sách về vụ án và phá án, về bắt bớ, giam giữ và những tội lỗi mà con người bị bắt, bị giam đã gây ra. Lê Tri Kỷ viết loại sách đó và phụ trách xuất bản những sách đó với cương vị lúc cao nhất là Phó giám đốc. Tuy thế, gặp nhau là tri âm, tri kỷ như bút danh của anh đã tỏ bày. Chúng tôi nói chuyện Quảng Trị. Tôi là dân Hà Tĩnh nhưng thuộc Quảng Trị chẳng kém gì Lê Tri Kỷ. Thuộc sống, thuộc biển, nhưng hơn thế nữa, tôi thuộc người. Tôi kể cho Lê Tri Kỷ nghe một anh lính Quảng Trị. Tôi đọc cho Lê Tri Kỷ nghe một vài bài thơ mà tác giả là ông tướng chỉ huy ở chiến trường. Những chuyện ấy không giúp gì Lê Tri Kỷ nhiều về viết văn nhưng để đắp bồi vào nỗi nhớ quê hương Quảng Trị suốt đời da diết ở nhà văn này.
- Ông có hay về đồng bằng không? Lê Tri Kỷ hỏi.
- Có
- Những đâu?
- Khi Mỹ Thủy, Khâm Khê bên Hải Lăng, khi Cùa bên Cam lộ.
- Tôi ở Triệu Phong
Sau ngày giải phóng Đông Hà năm 1972, Lê Tri Kỷ có về thăm quê một lần. May sao, có tổ quay phim nào đó ghi được vào băng nhựa. Lê Tri Kỷ đi trong một tốp người. Quần áo quân phục, mũ cối, xà cột đeo bên hông. Tốp người qua cầu Hiền Lương. Từ quốc lộ số một rẽ xuống đường nhỏ, lội theo đường ruộng vào thôn. Máy quay phim cận vào Lê Tri Kỷ. Khuôn mặt Lê Tri Kỷ tràn cả khuôn hình. Ngơ ngác, rưng rưng, tê tái. Quê hương ư? Tan nát đến ngỡ ngàng. Đau thương đến thắt cháy. Ngày ấy đã làm gì có phim chân dung. Vì một sự tình cờ nào đó mà Lê Tri Kỷ lọt vào trường đoạn phim đen trắng này. Khoảng 45 giây thôi. Vậy mà quý giá. Như có cái hạt trong vườn cây đang ươm trồng trong khát vọng Lê Tri Kỷ trong đoạn phim tài liệu ngắn này như chết lặng trước một khuôn giếng bị bom đạn xô nghiêng. Tôi viết lời bình theo:
“… Mấy chục năm sau ông mới có nhịp bước chân về. Bỗng dội lên một niềm xúc động. Bóng nắng in dấu chân ông qua cây cầu Hiền Lương reo lên nhịp điệu mừng tủi của một người trở về quê hương… đã có nhà văn viết Quảng Trị là đất cháy… ông nghĩ mức tan hoang đến vậy là cùng. Giờ tất cả đã tan hòa buốt nhói vào tâm thức chia sẻ vơi quê hương. Ông cất tiếng gọi thời gian. Rồi ông thức tỉnh “Còn! Còn! Còn cái nền móng trên đất và cái khí phách trong lòng người. Nghĩ vậy để có cái lực mà cầm bút".
* * *
Đạo diễn Lê Quang Phú mời các nhà văn, mời các sĩ quan công an cũ, mới, mời những người cộng tác trong cơ quan xuất bản nói một đôi lời về Lê Tri Kỷ. Ông là chân dung nhân hậu, cốt cách rắn rỏi mà điềm đạm, bút pháp bao dung, đại lượng. Nhà văn Xuân Thiều quý mến Lê Tri Kỷ như bạn bè. Ông nhắc bạn xem phim rằng: “Lê Tri Kỷ vào nghề văn khá muộn màng. Nhưng ý tưởng nhân đạo đã giúp Lê Tri Kỷ có những trang viết hay về mảng đề tài an ninh vũ trang. Ông (Lê Tri Kỷ) khai thác rất công phu phía con người, phía tình người ở những tình báo, điệp viên, cảnh sát, quan tòa. Ông (Lê Tri Kỷ) không chạy theo những nút thắt đầy tính kịch ở sự kiện mà lăn lội vào những bi kịch, thân phận để giúp con người biết hoàn thiện mình”. Các nhà văn khác như Ma Văn Kháng, Văn Phan, Ngô Vĩnh đều có chung ý nghĩ tốt đẹp và kính mến Lê Tri Kỷ. Ma Văn Kháng cho rằng “Lê Tri Kỷ là nhà văn ở thể loại truyên ngắn có ưu điểm nổi bật”. Văn Phan nhớ Lê Tri Kỷ là “Tấm gương chăm sóc tình nghĩa bạn bè. Những năm là một trong những người lãnh đạo nhà xuất bản Công an, Lê Tri Kỷ đã góp công sức để mảng văn học về đề tài an ninh có vị trí vững chắc trong văn đàn bằng những cuốn sách in ra”.
* * *
Lê Tri Kỷ là ngọn đèn cháy kiệt đến giọt dầu cuối cùng trên công việc. May sao, những năm cuối thế kỷ, chúng ta không e ngại khi phải nói đến phần riêng tư của chính chúng ta. Điện ảnh công an nhân dân lăn xe vác máy vào tận đầu giường bệnh của Lê Tri Kỷ mà ghi cho chúng ta được một đoạn hình ít ỏi? Bà Lê Tri Kỷ với các con túc trực chăm sóc ông. Ta thấy ông đã gầy yếu đến rã rời. Nhưng ông gắng gượng ông luôn nhắc đến “món nợ chưa đáp đền”. Có phần quan trọng và luôn túc trực trong tâm thức ông là mảnh đất Quảng Trị quê nhà. Là thôn Lưỡng Kim. Là xã Triệu An. Là Triệu Phong, Quảng Trị. Lê Tri Kỷ đã từng nói với tôi “Ra đi từ tuổi hai mươi, tôi chưa có chi góp về”. Ông lại nói “Vì Quảng Trị mình rất nghèo nên mình nghĩ vậy”.
Ngày bạn bè tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng, tôi không có mặt. Tôi đi làm một cái phim chân dung khác. Tôi chỉ kịp nhắn về Hà Nội để Lê Quang Phú lưu ý những chi tiết cuối cùng cho phim Lê Tri Kỷ sẽ làm. Đừng vào phim những chi tiết lễ nghi rườm rà để ông không an bài nơi chín suối. Có nói với Lê Tri Kỷ rằng có một giải thưởng văn học mà Nhà nước, Quân đội, hội Nhà văn trao cho ông thì cũng muộn rồi. Nhưng nói với bạn bè, đồng nghiệp giúp ông điều ông trăn trở suốt một đời thì ông sẽ thỏa nguyện hơn.
Năm tháng đã trôi qua. Cuốn phim vài chục phút của chúng tôi chỉ mới là một gợi ý. Dẫu rằng đó là một gợi ý đáng được nghi nhận. Song, quả là ít ỏi, quả là nghèo nàn. Chỉ một mảng về quê hương Lê Tri Kỷ, phim chỉ mới lướt qua. Phải có dịp khai thác trở lại một cách chu đáo hơn nữa để giải thích cội nguồn xuất xứ đã hun đúc, nuôi cấy mầm tài năng và phẩm chất của nhà văn Lê Tri Kỷ. Có lẽ các cơ quan, lãnh đạo, chính quyền, các cơ quan quản lý văn hóa ở Quảng Trị cũng sẽ nghĩ đến việc này.
P.N.C