Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một người lính Cụ Hồ

Đ

ại tá Trần Văn Thà, nguyên Đảo trưởng đảo Cồn Cỏ, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn bộ binh 47, Trung đoàn 270 từng lập nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nay tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng ông vẫn hàng ngày giúp chữa bệnh cho người nghèo bằng các bài thuốc đông y. Và không chỉ chữa bệnh, ông còn giúp đỡ tiền bạc, vật chất cho những người nghèo khổ.

"Người anh hùng của chúng tôi"

Những năm tháng tôi còn ở đảo Cồn Cỏ, câu chuyện về người đảo trưởng Trần Văn Thà thời chiến tranh chống Mỹ can đảm, mưu trí chỉ huy bộ đội đánh trả máy bay, tàu chiến Mỹ, đã trở thành huyền thoại đối với cánh lính đảo. Rồi cuộc chiến đấu của Tiểu đoàn 47, Trung đoàn 270 ở Cửa Việt diễn ra vào năm 1968 mà cũng chính Trần Văn Thà là Tiểu đoàn trưởng chỉ huy đã bẻ gãy nhiều mũi tiến công của Thủy quân lục chiến Mỹ; trận "Bạch đằng giang" quân ta đóng cọc tre chặn đánh tàu địch trên sông Hiếu do ông chỉ huy đã đi vào lịch sử… Sự thôi thúc muốn được gặp gỡ, hỏi chuyện người cựu chiến binh già đã dẫn tôi đến số 62 Phù Đổng, thành phố Nha Trang vào một buổi chiều mùa đông se se lạnh.

Cuộc đời chiến đấu của Đại tá Trần Văn Thà của ông mãi còn tươi rói. Và để kể lại, có lẽ phải cần đến một cuốn sách, tôi chỉ xin được liệt kê theo kiểu "trích ngang lý lịch": Tháng 2-1945, khi mới 16 tuổi Trần Văn Thà tham gia Việt Minh tại huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, năm 1946 gia nhập quân đội, tham gia hàng trăm trận đánh. Năm 1954 tập kết ra Bắc, từ tháng 5-1965 đến tháng 12-1967 là Đảo trưởng đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị); từ tháng 1-1968 đến năm 1976 giữ các chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 47 đến Trung đoàn trưởng Trung đoàn 270, Phó chỉ huy trưởng Đặc khu Vĩnh Linh, tham gia chiến đấu trên khắp địa bàn tỉnh Quảng Trị. Những trận đánh do ông chỉ huy, đặc biệt là 108 ngày Tiểu đoàn 47 bám trụ tại Cửa Việt đã trở thành một phần "tư liệu sống" cho nhà viết kịch quân đội Đào Hồng Cẩm xây dựng nên tác phẩm nổi tiếng "Đại đội trưởng của tôi". Đó là một trận đánh mà đến bây giờ, sau 43 năm vẫn còn là điều day dứt trong tâm trí ông…

Ngày 19-1-1968, Tiểu đoàn 47 hành quân từ Vĩnh Linh vào tổ chức đánh địch tại bờ bắc sông Hiếu, huyện Gio Linh, Quảng Trị. Sau ba ngày chiến đấu, đơn vị bắn cháy sáu tàu vận tải, năm xe tăng và tiêu diệt hàng trăm tên địch, nhưng ta cũng thương vong lớn, điện đài hư hỏng, mất liên lạc với cấp trên. Hai phóng viên Báo Quân đội nhân dân là Nguyễn Ngọc Nhu và Lê Đình Dư bám theo đơn vị đã hi sinh anh dũng trên chiến hào… Đại tá Trần Văn Thà kể: "Khi tôi đang mai táng nhà báo Lê Đình Dư thì được gọi về họp Đảng ủy Tiểu đoàn tại làng Lâm Xuân Đông. Phiên họp căng thẳng diễn ra suốt 5 tiếng đồng hồ, đến 11 giờ đêm. Đồng chí Bí thư đặt vấn đề bàn xem nên rút quân hay tiếp tục ở lại chiến đấu? Tôi phát biểu cần bàn xem ngày mai tổ chức đơn vị chiến đấu như thế nào, không được rút quân. Đồng chí phái viên quân sự đi cùng đơn vị cũng cho rằng nếu trụ lại thì đơn vị sẽ bị tiêu diệt, không còn phiên hiệu, nên cho rút lui. Vì ý kiến của tôi là thiểu số nên Đảng ủy Tiểu đoàn biểu quyết nhất trí rút quân…"

Đêm tối, mưa se lạnh. Đoàn quân bám theo những bờ ruộng, triền cát bị cày nát bởi bom đạn, lầm lũi ngược ra bắc dưới ánh pháo sáng địch chập chờn hắt lên từ phía Cửa Việt, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Đông Hà. Tiểu đoàn trưởng Trần Văn Thà cảm thấy không thể nào yên lòng được… Anh vượt lên trước hàng quân, trèo lên trên một cồn cát cao, nói to:

- Anh em Tiểu đoàn 47 dừng lại! Tôi là Trần Văn Thà, Tiểu đoàn trưởng, đảng viên. Nhiệm vụ của chúng ta là "bóp cổ" Cửa Việt chưa hoàn thành, tại sao lại rút lui? Nhục nhã quá! Tôi xin lỗi anh em là đã ra lệnh rút lui. Còn bây giờ, ai dám hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ thì ở lại Cửa Việt cùng tôi. Tôi không ra lệnh nữa. Tôi xin hứa là sẽ tổ chức, chỉ huy anh em ngày mai chiến đấu thắng lợi!

Hơn 100 cán bộ, chiến sĩ trong đoàn đã ở lại chiến đấu dưới sự chỉ huy của người Tiểu đoàn trưởng can trường. Những ngày sau đó, đơn vị được bổ sung, tăng cường quân số và vũ khí, bám trụ Cửa Việt 108 ngày đêm chứ không phải là 10 ngày như dự kiến ban đầu.

Năm 1969, Trung đoàn 270 có ý định xây dựng tấm gương Trần Văn Thà trở thành Anh hùng LLVT nhân dân, song khi nghe kể chi tiết Đảng ủy Tiểu đoàn 47 đã biểu quyết rút lui, không hiểu vì lý do gì mà gác lại. Đến năm 2007, trước đề nghị của các cựu chiến binh Trung đoàn 270, đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị, Huyện ủy Cồn Cỏ đã triển khai hoàn thiện hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Đại tá Trần Văn Thà. Song, khi đọc bản báo cáo thành tích, nhiều cựu chiến binh và các đồng chí lãnh đạo đã đề nghị Đại tá Trần Văn Thà nên "sửa" chi tiết quyết định rút lui của Đảng ủy Tiểu đoàn 47 ngày 21-1-1968 thành "quyết định của tập thể cán bộ đơn vị", vì đó là chi tiết "tế nhị", "nhạy cảm"…

Thành phố Nha Trang đã lên đèn, tiếng sóng biển rì rầm, mang mác. Đại tá Trần Văn Thà xúc động:

- Chúng tôi đã chiến đấu anh dũng, bao nhiêu đồng đội, đồng bào của tôi đã hi sinh, nằm xuống trên mảnh đất Cồn Cỏ, Cửa Việt, Quảng Trị thân thương. Thành tích của tôi là thành tích chung, nếu chỉ vì một chi tiết trong bản báo cáo thành tích đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân của tôi mà còn ảnh hưởng đến các cá nhân, tập thể, thì tôi xin được từ chối vinh dự cao quý này…

          Chúng tôi được biết, ngày 23-5-2011, Đại tá Trần Văn Thà đã viết thư gửi Ban Thường vụ Huyện ủy huyện đảo Cồn Cỏ, xin phép được từ chối việc xét danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Nhà văn Xuân Đức, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 47 tâm sự với tôi rằng: "Đại tá Trần Văn Thà mãi mãi là người chỉ huy can trường, là người anh hùng của chúng tôi, của quân và dân Quảng Trị".

Nặng lòng với đồng đội đã hi sinh

Năm 1983, Đại tá Trần Văn Thà được nghỉ hưu. Lúc này hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, với phẩm chất người lính không chịu khuất phục, ông tích cực lao động sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Từ làm xà phòng, sản xuất dầu gan cá, làm bánh kem, sữa chua. Khi đã dành dụm được một chút tiền, cộng với tiền lương hưu ít ỏi, ông liền lên đường đi tìm hài cốt các đồng đội đã hi sinh.

Ông kể: "Tiểu đoàn 47 có hơn 300 liệt sĩ được mai táng trên chiến trường Quảng Trị, trong số đó vẫn còn nhiều đồng chí chưa được tìm thấy; những đồng chí đã được quy tập về các nghĩa trang thì có đồng chí bị ghi sai tên, tuổi, thông tin trên các bia mộ… Những thân nhân của các liệt sĩ thường xuyên viết thư, gọi điện hỏi tin tức. Chính vì thế, từ năm 1989, tôi đã hàng chục lần tìm về Quảng Trị, có lúc đi một mình, có lúc đi cùng thân nhân liệt sĩ, mỗi chuyến từ mười ngày đến một, hai tháng và tìm được 125 hài cốt liệt sĩ của đơn vị, trong đó có 30 hài cốt xác định được tên tuổi, quê quán".  Đại tá Trần Văn Thà đã kể lại câu chuyện về sự hy sinh của hai phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã hi sinh anh dũng trên chiến hào, với câu nói của nhà báo Lê Đình Dư giữa trận đánh ác liệt: "Người chiến sĩ có thể nằm bắn, quỳ bắn hay đứng bắn, còn đối với nhà báo thì phải đứng thẳng mới hoàn thành nhiệm vụ!". Chỉ vài phút sau thì Dư trúng đạn ngã xuống trước mắt tôi. Chiếc máy ảnh vỡ tan, chỉ còn lại cái ống kính…". Người cựu chiến binh chợt dừng câu chuyện. Ông khóc, nước mắt người lính già thấm vào những nếp nhăn trên khuôn mặt ông…  Tháng 6-1999, bà Hồ Thị Kim, vợ của nhà báo Lê Đình Dư gọi điện cho ông, nức nở: "Em nghe người ta nói anh ấy hi sinh mất xác rồi". Đại tá Trần Văn Thà khẳng định: "Chính tôi đã chôn cất anh Dư, đã bỏ vào trong phần mồ anh ấy cái ống kính máy ảnh". Sau đó, Đại tá Trần Văn Thà cùng với mẹ con bà Kim về Quảng Trị, tìm đến chiến trường xưa, trải qua bao nhiêu khó khăn vất vả nhưng cuối cùng đã tìm được chính xác hài cốt nhà báo liệt sĩ Lê Đình Dư…

Cứ như vậy, bằng đồng lương hưu và chút ít hỗ trợ của các con; bằng quyết tâm của một người cựu chiến binh nặng tình đồng đội, Đại tá Trần Văn Thà cố lục tìm trong trí nhớ của mình, trí nhớ một người chỉ huy thao lược, những chi tiết, dấu hiệu ngày xưa khi chôn cất đồng đội, rồi tiến hành xác minh, dò hỏi thông tin và lặng lẽ đi tìm... Nhờ thế, 125 đồng đội của ông đã được về với gia đình, người thân, được nằm trong các nghĩa trang liệt sĩ. Ông nói: "Tôi phải làm việc này thật gấp, vì tuổi càng ngày càng cao, sức càng ngày càng yếu, trí nhớ ngày càng kém, trong khi vẫn còn nhiều đồng đội chưa tìm được hài cốt hoặc xác định được tên tuổi, quê quán…".

Chữa bệnh cứu người

Câu chuyện Đại tá Trần Văn Thà trở thành lương y không phải là ngẫu nhiên. Bà Nguyễn Thị Thu, vợ ông bị đau cột sống, thần kinh tọa phải nằm một chỗ một thời gian dài, ông nghĩ rằng cần phải học nghề đông y để chữa bệnh cho vợ và cho những người nghèo. Việc này vốn xuất phát từ hồi kháng chiến chống Pháp, ông từng được một người dân tộc thiểu số bày cho bài thuốc chữa rắn cắn, nhờ đó đã cứu được nhiều đồng đội… Từ đó, nghe ở đâu có người có bài thuốc hay là ông tìm đến xin học hỏi, rồi áp dụng chữa bệnh, cứu người. Năm 1992, ông quyết định và thi đỗ vào Trường trung học Y học cổ truyền thuộc Bệnh viện y học cổ truyền Thành phố Hồ Chí Minh. Giáo sư, bác sĩ Bùi Chí Hiếu lúc đó là giám đốc ưu tiên cho ông học "miễn phí". Sau hai năm học xong, ông tình nguyện ở lại làm việc thêm 6 tháng không lương để tích lũy kinh nghiệm rồi mới trở về, bắt tay chữa bệnh cho vợ ông. Bằng các thang thuốc Nam do tự tay ông kê đơn, sắc thuốc, một thời gian sau bà Thu đã đỡ bệnh, đi lại được. Bà con nghe tiếng ông Đại tá đi học nghề thuốc về chưa khỏi bệnh nan y cho vợ, liền tìm đến rất đông, ông đều nhiệt tình giúp đỡ, không lấy tiền công. Từ ý tưởng của ông, Hội CCB tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị tỉnh cho phép  mở Phòng khám đa khoa Hội CCB tại số 31 Trần Quý Cáp, Thành phố Nha Trang, trong đó có Khoa Đông y do ông phụ trách.

Tôi tìm đến nhà cháu Thảo Vy tại phường Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang. Chị Diễm Vân, mẹ cháu Thảo Vy kể: "Cách đây bốn năm, cháu bị mắc bệnh bạch cầu cấp, chỉ định của bác sĩ cần phải hóa trị nhưng gia đình không có tiền. Cháu phải nghỉ học một năm, Báo Khánh Hòa đã đăng bài viết về hoàn cảnh gia đình em, kêu gọi mọi người giúp đỡ. Cho đến một hôm thì có bác bộ đội già tìm đến…".

Đại tá Trần Văn Thà kể: "Tôi đọc bài báo về cháu Thảo Vy, liền viết một đơn thuốc đông y chữa bệnh này gửi đăng lên báo. Nhưng tôi vẫn không yên tâm vì biết gia đình có đọc được không, liền tìm đến nhà cháu Thảo Vy, thuyết phục gia đình cho cháu uống thuốc…". Cháu Thảo Vy khoe với chúng tôi rằng nay cháu đã khỏe, đã khỏi bệnh rồi và học rất giỏi, được nhận học bổng của nhà trường. Chị Diễm Vân cũng đưa ra cho tôi xem các kết quả xét nghiệm vào ngày 24-11-2011 của Trung tâm huyết học Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy sức khỏe của cháu Thảo Vy đã bình phục, không phải điều trị bằng thuốc Tây nữa…

Không chỉ chữa bệnh cứu người, Đại tá Trần Văn Thà còn trích tiền lương hưu và vận động mọi người quyên góp giúp đỡ những người bệnh nghèo. Chị Nguyễn Thị Thoa ở xã Diên Hồng, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa mắc bệnh xơ gan cổ trướng, chồng mất sớm, hai con còn nhỏ. Năm 2006, Đại tá Trần Văn Thà biết tin, tìm đến tận nhà khám bệnh, kê đơn thuốc cho chị. Nhà chị Thoa nghèo quá không còn một lon gạo, lấy đâu ra tiền mua thuốc? Đại tá Trần Văn Thà liền trở về thành phố Nha Trang rút tiền tiết kiệm và vận động bạn bè, các cựu chiến binh ủng hộ mua thuốc, mua gạo mang lên cho gia đình chị Thoa. Năm 2010, Đại tá Trần Văn Thà trở lại thăm chị Thoa, thấy chị đã khỏe, lao động bình thường. Lúc chia tay, chị Thoa nước mắt lưng tròng, cứ cầm mãi tay Đại tá Trần Văn Thà mà không nói nên lời…

Tôi không thể nào kể hết được những người bệnh nghèo đã được Đại tá Trần Văn Thà giúp đỡ, chữa khỏi bệnh nan y… Cuốn sổ dày cộp ghi cảm tưởng của bệnh nhân ở Khoa Đông y, Phòng khám đa khoa Hội CCB tỉnh Khánh Hòa dày đặc những trang tri ân được viết bởi những người dân nghèo, những đồng chí bộ đội, cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn. Những dòng chữ nguệch ngoạc, vụng về nhưng thấm đẫm tình người, tình đồng chí, tình đồng đội ấy rất cảm động và vinh danh người thầy thuốc âm thầm, lặng lẽ nhưng luôn sáng ngời phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ!

T.H

 

TRẦN HOÀI
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 208 tháng 01/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground