M |
ột số cán bộ lão thành của tỉnh Quảng Trị kể lại: “Năm 1954, trước khi ra Bắc tập kết, chúng tôi chia tay Ba Lòng với tất cả sự quyến luyến. Chúng tôi nhìn kỹ lại những mái nhà, dòng sông, nương dâu, nương bắp, núi đồi... Nhìn kỹ vì không biết bao giờ mới trở lại... Ra Bắc, nhớ về Quảng Trị, chúng tôi thường nhớ sâu sắc về Ba Lòng...” (1)
Trong bài hồi ký “Văn nghệ khu Bốn và con đường từ Trị Thiên ra Thanh Nghệ”, nhà văn, nhà báo Hồng Chương kể lại: “Cuối năm 1947, tôi được điều động về công tác tại Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị, cơ quan Tỉnh ủy, cùng các cơ quan Chính quyền và đoàn thể tỉnh Quảng Trị đóng tại Ba Lòng, dọc theo sông Thạch Hãn, ở vùng núi phía tây Quảng Trị”.
Không chỉ là người Quảng Trị, mà trong kháng chiến chống Pháp, người ở nhiều tỉnh trên cả nước đã biết đến miền đất chiến khu nổi tiếng của vùng đất hẹp miền Trung, đã đọc và nhớ những câu thơ giản dị nhưng rất hay, rất sâu nặng của nhà thơ Lương An:
Đò em lên xuống Ba Lòng
Chở người cán bộ qua vùng chiến khu
...Người ta giết giặc bắt tù
Em thì kháng chiến đưa đò trên sông...
Về bài thơ “Cô lái đò” nói trên cùng với tác giả của nó, nhà thơ Lưu Trọng Lư có nhận xét: Lương An hồi đó là một trong những nhà thơ tuyến lửa có bản sắc. Bài “Cô lái đò” của Lương An đến giờ... (sau năm 1975) tôi vẫn nhớ. (2)
Ba Lòng bên bờ sông Thạch Hãn tuy chưa phải là vùng đất thật sâu, thật xa so với những vùng núi khác, nhưng suốt từ năm cuối 1947 đến 1954, là nơi tập trung cơ quan đầu não kháng chiến của Quảng Trị. Ở đây không chỉ có cơ quan Tỉnh ủy mà còn có cơ quan phân khu bộ Bình Trị Thiên. Nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc đều ghé lại Ba Lòng. Có lần đồng chí Lê Duẩn đã dừng lại ở đây, trao đổi, dặn dò Tỉnh ủy cố gắng phát động tăng gia sản xuất, giải quyết lương thực. Đất tốt Ba Lòng rất hợp với sắn, ngô, nhất là đậu xanh. Không ít cán bộ ra Bắc tập kết vẫn không quên mùi thơm hấp dẫn và chất ngọt bùi mát mẻ của đậu xanh Ba Lòng.
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh thường về công tác tại chiến khu Ba Lòng thời kháng chiến chống Pháp. Đã mấy lần gặp Pháp tấn công hòng làm cho Ba Lòng tan tác để mong đè bẹp cuộc kháng chiến Quảng Trị. Nhưng mấy lần kéo quân lên thì mấy lần bị đánh tơi bời. Trong những năm 1948, 1950, Ba Lòng đứng vững không chỉ để chỉ đạo cuộc chiến đấu ở Quảng Trị mà cả phong trào kháng chiến của Bình Trị Thiên.
Trong ký sự lịch sử: “Trận đánh 30 năm , tập II” của Ban ký sự lịch sử Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam do Đại tướng Hoàng Văn Thái và Trung tướng Trần Độ chủ biên, có ghi lại một sự kiện rất đáng nhớ. Mùa đông năm 1950, Bình Trị Thiên bị lụt lớn. Nhiều kho lúa của Nhà nước và của dân cất dấu dưới hầm bí mật hư thối nhiều. Đời sống của nhân dân và bộ đội gặp rất nhiều khó khăn. Chính vào thời điểm đó, Bình Trị Thiên phải giải đáp một vấn đề lớn trên con đường tiến lên: đất hẹp, địch đông, liệu có thể đẩy mạnh vận động chiến được chăng?. Giữa tháng 1 năm 1951, Hội nghị các Phó Bí thư Tỉnh ủy và Bí thư Huyện ủy ba tỉnh họp ở chiến khu Ba Lòng. Vấn đề gay gắt đặt ra trước mắt mọi người là làm sao có gạo để mở chiến dịch? Sau trận lụt cuối năm qua, liệu đồng bào có còn gì để đóng góp? Hàng trăm năm nay chưa có trận lụt nào to đến thế. Mưa gió kéo dài suốt mười ngày đêm liền. Những cánh đồng lúa mẩy bông vàng bỗng chốc hóa thành biển nước. Rồi nước tràn vào bên trong các lũy tre làng, nơi cao nước liếm mái nhà, chỗ thấp nước trùm cả nóc. Có gia đình bị nước cuốn trôi đi cùng với nhà cửa. Nhiều người leo lên cây, cây bị nước xối bật gốc. Sau nạn lụt là nạn đói. Nhân dân đói, bộ đội và cán bộ còn đói hơn. Giặc Pháp thừa cơ cho máy bay và xe lội nước chở quân đi đánh phá các vùng du kích”. Sự thảo luận với tinh thần trách nhiệm cao và với niềm tin vào sức mạnh quần chúng đã cho phép đồng chí Bí thư phân khu ủy Hoàng Anh kết luận: “...Chúng ta đang đứng trước một thử thách lớn. Địch sẽ còn cố khoét sâu vào khó khăn của ta. Nhiệm vụ của chúng ta là phải vượt qua mọi khó khăn thử thách. Gian khổ, thiếu thốn đến mấy cũng quyết đánh, cũng quyết mở chiến dịch, giành bằng được thế chủ động, phối hợp với chiến trường chính... Việc kiếm đủ cái ăn cho bộ đội mở chiến dịch lúc này hết sức nan giải. Nhưng nếu không mở được chiến dịch thì khó khăn càng tăng lên gấp bội”(3).
Quyết tâm và niềm tin của các Bí thư Đảng từ chiến khu Ba Lòng theo chân họ đã tỏa về các thôn xóm, các bản làng, trở thành quyết tâm của nhân dân. Từng đoàn cán bộ và dân công gồng gánh lên miền rừng núi phía tây quyên góp ngô, sắn. Thừa Thiên sôi nổi phong trào góp gạo nuôi quân. Quảng Trị với Quảng Bình rất nhiệt tình với cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ”. Nhiều mẹ, chị nuôi quân, giúp đỡ các chiến sĩ bộ đội như con em của mình, dành dụm từng hạt gạo, củ khoai, đồng bạc để ủng hộ bộ đội. Vào thời gian này, nhiều bà con rất thuộc bài “Ca dao về tình quân dân” của Hồng Chương:
Hội: ”Mẹ chiến sĩ” lập ra
Có bà lắm cháu, có bà đông con
Có bà góa bụa héo hon
Lấy con Chính phủ làm con của mình
Tháng ngày góp nhặt từng chinh
Gửi ra mặt trận chút tình mẹ con
Quyết định của Hội nghị tại chiến khu Ba Lòng (01- 1951) được nhân dân Bình Trị Thiên hưởng ứng đã tạo ra sức mạnh mới và đã đưa đến chiến thắng vang dội trên đất Bình Trị Thiên và nam Quảng Trị – chiến thắng Thanh Hương – Mỹ Xuyên.
Trong bức thư đầy tình thân ái gửi ngày 18-3 năm ấy (1951) Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi trận thắng Thanh Hương là “một trận khá”.
Là nơi làm việc của cơ quan đầu não lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp Quảng Trị, cũng là nơi hình thành những quyết định quan trọng cho cuộc chiến đấu của cả Bình Trị Thiên (1947-1954), Ba Lòng trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp có cuộc sống sáng sủa, lành mạnh và sinh động. Sự giao lưu, trao đổi giữa chiến khu với vùng tiền chiến khu, vùng đồng bằng tạm bị chiếm và các vùng núi miền tây vẫn thường xuyên được đảm bảo.
Ở chiến khu Ba Lòng trong những ngày chủ nhật hoặc ngày nghỉ, các cơ quan quân, dân, chính đảng phối hợp cùng nhau tổ chức các cuộc “lửa trại”. Trong các cuộc “lửa trại” này, các cây văn nghệ tha hồ khoe tài, khoe tiếng; người hát kẻ hò, người ngâm thơ, kẻ diễn kịch tất cả đều “tự biên tự diễn”(4).
Ngày 5.5.1949, tỉnh Quảng Trị tổ chức cuộc “họp bạn” văn nghệ tại chiến khu Ba Lòng. Cuộc "họp bạn" văn nghệ về hình thức gần giống như một cuộc "lửa trại" của Hướng đạo sinh. Tại các cuộc "họp bạn", những người tham gia trình diễn những bài thơ, bài ca, bản kịch... mà mình mới sáng tác.
Cuộc sống và chiến đấu của quân - dân Quảng Trị ở Ba Lòng là nguồn cảm hứng, tạo điều kiện cho sự ra đời của những tác phẩm thơ. Tại chiến khi Ba Lòng, tháng 2-1949, Trường Sinh (Lê Chưởng) viết bài thơ Hoang tàn. Tác phẩm ra đời sau lúc tác giả về thăm nhà khi làng xóm đã bị giặc càn quét. Bài thơ phản ánh hiện thực "hoang tàn" do quân xâm lược gây nên, không chỉ có giá trị tố cáo mà còn thấm đượm tinh thần nhân văn:
...Vắng tiếng yêu kiều
Của bầy chim sáo
Vắng o con gái
Giặt áo bên dìa
Vắng đàn em dại
Trưa hè hát ca...
Cuộc "họp bạn" văn nghệ ngày 05.5.1949 ở chiến khu Ba Lòng đã gây cảm hứng cho Trường Sinh làm bài thơ "Rừng quê". Cũng tại Ba Lòng, Hồng Chương đã sáng tác bài thơ dài "Chiến khu", miêu tả căn cứ địa kháng chiến chống Pháp ở tỉnh Quảng Trị. "Họp bạn" văn nghệ tại chiến khu Ba Lòng là một hình thức tập họp lực lượng văn nghệ.
Từ thời kháng chiến chống Pháp, địa danh Ba Lòng đã in đậm ấu ấn trong ký ức, trong tình cảm, trong sự mến yêu trân trọng của nhiều người trong tỉnh và ngoài tỉnh.
P.H.V
_____________
(1) Lời kể của bác Vũ Soạn đang nghỉ hưu tại Huế;
(3) "Trận đánh 30 năm" - Ký sự lịch sử tập 2, Hà Nội, 1985, tr 158, 159.
(2,4) Xem "Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học", tập 2 nxb. Tác phẩm mới, 1987, tr166