Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một vế đối - Mối nợ văn chương xuyên hai thế kỷ

X

uân năm 1973, trên báo Quân đội nhân dân số xuân Quý Sửu có đăng một vế đối, mời đối:

Pháo thủ pháo tầm xa, đánh địch gần, tay thủ thêm thủ pháo.

Người viết và ra “đề” là một người lính từng chiến đấu trên chiến trường, nên từng từ trong vế đối đều “dính dáng” đến hình ảnh người lính, súng đạn Đặc biệt, với vỏn vẹn 13 từ trong một vế đối, đơn giản và kiệm từ, tác giả đã qua một tình huống tác chiến cụ thể xảy ra trong cuộc chiến, nhưng lại biểu đạt rất cô đọng và sắc sảo về một sự biến đổi đột biến trạng thái chiến tranh ở tầm chiến lược.

Tác giả đó là Liệt sĩ Nguyễn Tử Mạch (sinh: 1948, Quê ở xã Thọ Trường, Thọ Xuân, Thanh Hoá). Nhập ngũ năm 1966, năm 1972, khi đang là phóng viên báo Tiền Tuyến (Mặt trận B5), Nguyễn Tử Mạch xin được về trực tiếp chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 27 Xô Viết Nghệ Tĩnh (nay là Trung đoàn 27 - Triệu Hải) và đã hy sinh anh dũng tại Cam Lộ vào ngày 1/4/1972 - 1 ngày sau trận đánh mở màn chiến dịch giải phóng Quảng Trị của Trung đoàn 27 tại Cam Lộ (30/3/1972).

Trở lại câu chuyện vế mời đối của Nguyễn Tử Mạch. Do hồi ở đơn vị, thoảng khi có chút điều kiện, tôi vẫn viết đôi ba bài thơ gửi đăng trên “Văn nghệ Đường 9” nơi Nguyễn Tử Mạch từng là phóng viên. Biết và quý nhau qua chuyện chiến đấu, văn chương, chúng tôi vẫn thường liên lạc và thăm nhau khi có thể. Khoảng trung tuần tháng 3/1972, trên đường vào khu tứ giác (Cam Lộ) nhận nhiệm vụ chiến đấu, Mạch qua trạm phẫu thuật trung đoàn, nơi tôi điều trị vết thương để thăm. Một cuộc viếng thăm hối hả cho kịp bước người dẫn đường về đơn vị, Mạch đọc nhanh cho tôi nghe bài thơ “Tiểu đội” của anh, rồi khoe:

- Dương ơi, tớ vừa từ trung đoàn pháo về. Thấy cánh lính pháo lần này đang áp sát vào mặt trận không khác chi bộ binh, xem chừng chiến dịch này “to chuyện” đấy. Nhìn cánh lính pháo binh, tớ nảy ra được vế đối mới toanh, hiện còn “nóng hôi hổi, vừa thổi vừa đọc”. Dương cũng là tay chơi vế đối, thử đối cho vui.

- Cũng chẳng cần để tôi kịp lấy giấy bút ra ghi, Mạch đọc ào cả vế đối rồi khoác ba lô, với tay lấy khẩu AK rồi bước hút theo người dẫn đường. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy Mạch, quần xắn cao trên gối, để lộ bắp chân ngắn tròn săn chắc cứ căng cứng hơn mỗi khi bàn chân bấm vào lớp bùn đất đỏ trên đường vào tuyến trong.

Thực lòng lúc đó, cái chiến dịch mà chúng tôi đang nhận diện qua những cuộc di chuyển quân, pháo với đủ “ba thứ quân” hàng ngày không biết “to chuyện” như thế nào, nhưng chắc chắn phải là một chiến dịch tầm cỡ Mậu Thân trở lên. Không ai đoán chắc, nhưng khi chiến dịch tổng tiến công giải phóng Quảng Trị diễn ra, chúng tôi mới thực sự hiểu không chỉ là “to chuyện” mà hơn thế, hình thái chiến tranh đã vượt quá hình dung của những người lính chúng tôi bấy giờ. Riêng vế đối, phần sau đó thử đi thử lại mấy lần không xong, phần mãi lo trốn viện về đơn vị tiếp tục thọc sâu vào giải phóng hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng Bẵng đến khi kết thúc chiến dịch ra, sẵn có mấy nhà báo trên đường về hậu phương, tôi đọc bài thơ và vế đối của Mạch (lúc đó đã hi sinh) nhờ các anh có điều kiện đăng như một nén hương cho người lính tài hoa đã ngã xuống. Sau này, khi ra Thanh Hoá, đọc trên báo, thấy vế mời đối, vừa mừng (vì vế đối của Mạch được đăng) vừa xót xa (khi tác giả đã không còn để nhìn thấy). Tuy nhiên, cũng như tôi và mấy anh em đồng đội từng cố tìm từ, gạn nghĩa mà chưa thể tìm ra vế đối chỉnh từ, chỉnh nghĩa, sau khi báo Quân đội đăng vế mời đối, qua theo dõi các số báo sau tết và cả đến hết năm, không những không thấy có ai đưa ra được vế đối lại chỉnh sát với câu chữ, thanh vần và đặc biệt cótầm về ngữ nghĩa như vế ra, mà ngay cả vế đối lại đơn giản cũng không thấy xuất hiện. Có lẽ về câu từ, thanh bằng đều có thể đối được. Nhưng cái khó của vế đối là ngữ nghĩa trong toàn bộ vế đối qua hình ảnh anh pháo thủ thành bộ binh (đánh địch gần) cả khối hoả lực vốn ở phía sau (tiền phi hậu pháo) nay do thay đổi cơ bản về hình thái chiến tranh nên khối hoả lực phía sau cũng đã đột biến áp sát vào chiến dịch đó là một vế khó về ngữ nghĩa ở tầm vĩ mô. Vậy nên, cho dù sau đó cả chục năm, báo Quân đội cũng đã từng trở lại trên số báo xuân vế mời đối trên. Tuy nhiên, cũng như lần mời đối trước, vế mời đối của Mạch đã lại trở thành món nợ văn chương tiếp tục đi hết những năm cuối thế kỷ XX, qua những năm đầu thế kỷ XXi, trở thành món nợ văn chương xuyên thế kỷ.

Vâng, cứ tưởng như vậy. Bất ngờ cuối tháng 11/2007, một người cháu của liệt sĩ Nguyễn Tử Mạch (tên là Long) qua đọc bài viết của tôi trên mạng, có nhắc đến tên Nguyễn Tử Mạch. Linh tính mách bảo, Long đã tìm được địa chỉ và gửi mail liên lạc với tôi. Thời may, mấy đồng đội cũ cũng vừa gửi cho tôi nguyên bản mấy tập “Văn nghệ Đường 9” của mặt trận B5 ấn hành những năm chiến tranh, trong đó còn nhiều bài thơ, câu đối của Nguyễn Tử Mạch với các bút danh: Tử Mạch, Long Linh Ngoại, Ngoại Thôn Với ý nghĩ trao lại cho gia đình Mạch một chút di vần trận mạc làm kỷ niệm, tôi đã sao chụp các bài thơ, vế đối của Mạch và gửi cho Long. Không thể nói hết niềm vui của Long, và đặc biệt bố Long, người anh đã cùng em Nguyễn Tử Mạch chăn trâu cắt cỏ nuôi nhau ăn học và trưởng thành. (Nguyễn Tử Mạch mồ côi bố từ nhỏ. Nhưng với bản tính hiếu học, Mạch đã từng tự học tiếng La Tinh, tiếng Nga nhờ vậy, đã có lúc Mạch dịch cả tài liệu từ tiếng La Tinh cho nhà thờ để thêm tiền ăn học). Với sự cảm phục lớp cha chú tài hoa và dũng liệt, trong bức thư gửi cho tôi mới đây, cùng với việc bổ sung một số thông tin về người chú của mình, Long đã mạnh dạn gửi cho tôi một vế đối như cách nói của Long- Cháu tuy không theo được nghiệp văn chương như các chú, nhưng có lẽ nhờ anh linh chú cháu chỉ bảo, nên cháu có được một vế đối được tạo nên từ vị trí, và cách nhìn nhận của chúng cháu ở thì hiện tại để các chú tham khảo. Vế đối lại như sau:

Vế ra: Pháo thủ pháo tầm xa, đánh địch gần, tay thủ thêm thủ pháo

Vế đối: Học sinh học tại chức, học từ xa, phát sinh môn sinh học

Như vậy, lần đầu tiên vế đối ra đã có vế đối lại. Có thể với nhiều người, vế đối lại trên của Long, vẫn chưa thật “chỉnh” để được coi là vế đối xoá nợ văn chương, song với tôi, từng từ ngữ, thành vần, ngữ nghĩavế đối của Long- người cháu của liệt sĩ Nguyễn Tử Mạch cũng đã thể hiện được sự tiếp nối các thế hệ trước sau, giữa chiến tranh giải phóng với phát triển xây dựng đất nước trong thời bình, ít nhất có thể coi đó là vế đối “đáo hạn” món nợ văn chương quá hạn xuyên thế kỷ. Và được như vậy, món nợ văn chương âu cũng đã có được kết có hậu.

           L.B.D

Lê Bá Dương
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 164 tháng 05/2008

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground