Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một ý kiến về cuốn "Văn học dân gian Triệu Hải"

L

ần đầu tiên tôi được đọc cuốn văn học dân gian sưu tầm và biên soạn khá đầy đủ, bao quát về văn học dân gian của vùng đất Triệu Hải(1).

Nhân danh là con dân Triệu Hải, tôi chân thành cảm ơn tác giả và những người cộng sự, biết ơn các nhà làm văn hóa huyện Triệu Hải và Bình Trị Thiên (cũ) đã tích cực tạo điều kiện cho tập sách cũ ra đời. Về giá trị và ưu điểm của tập văn học dân gian đã thể hiện qua nội dung được trình bày cũng như lời nói đầu của Sở Văn hóa thông tin Bình Trị Thiên và bài mở đầu của tác giả, không ai phủ nhận và nghi ngờ được.

Sau đây tôi xin trao đổi với người sưu tầm, biên soạn và bạn đọc - nhất là  những người  yêu thích văn học dân gian về một số điểm mà theo tôi, người sưu tầm và biên soạn cần bỏ công thêm nghiên cứu kĩ hơn, thận trọng hơn chút nữa để giữ cho cái hay, cái đẹp của văn học dân gian vùng đất này được trọn vẹn hơn.

Sách gồm hai phần,dưới đây tôi chỉ góp ý về phần II gồm thơ, ca, hò, vè:

I - VỀ NỘI DUNG Ý NGHĨA:

1. Do chưa thu thập đầy đủ và dày công so sánh đối chiếu nên chưa chọn được câu đúng bài hay:

Ví dụ: về tục ngữ sách dẫn câu:

Sa chân gượng lại, sa lưới ai hay (tr101) đáng ra nên dẫn câu thay thế: Sa chân gượng được, sa lời khốn ngăn.

Ý nghĩa của câu này là muốn khuyên người đời phải biết thận trọng trong lời ăn tiếng nói.

+ chuyện đố cái mo cau, sách dẫn:

Hình năm tấc đuôi dài thước năm

Rớt xuống khí âm dương

Nhiều lần trắc trở

Không biết về ai (tr 113)

Vừa thiếu thực tế, vừa không có văn (cái mo cau mà hình bằng một phần ba đuôi là không đúng). Nên dẫn chuyện sau:

Hình một thước đuôi dài thước năm

Sa cơ rớt xuống thì nằm

Lụy âm dương nhiều đường trắc trở

Bận nầy duyên nợ biết gởi về ai!

+ Đố con tôm, sách dẫn:

Đầu rồng đuôi cũng rồng

Sanh bạch tử hồng

Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông đều có cả (tr 118)

Con tôm mà bảo đầu rồng mà đuôi cũng rồng là sai. Nên dẫn chuyện tương tự:

Đầu khóm trúc lưng uốn khúc rồng

Sanh bạch tử hồng

Xuân, hạ, thu, đông bốn mùa đều có

2. Chưa chú ý đến nghĩa của từ nên dùng từ trong câu không phù hợp, đôi khi thành phản nghĩa:

+ Sách dẫn câu đố chiếc cầu vồng:

Xanh xanh, đỏ đỏ, vàng vàng

Bắc cầu địa lý nằm ngang giữa trời

Đáng lẽ phải viết: “Bắc cầu thiên lý” tức là cầu dài ngàn dặm (rất dài)

+ Câu đố nhổ cái gai mắc ở bàn chân (tr. 115), câu cuối sách dẫn: “Khi nớ duyên kiếp nợ nàng ngái xa”. Đáng ra phải ghi: “Khi nớ duyên thiếp nợ chàng ngái xa”. Thiếp với chàng ở đây ý chỉ cái gai và bàn chân. Trong câu đố dân gian cũng thích dùng từ, dùng ý đối xứng, dí dỏm.

+ Câu dẫn: (125)

Hoa tàn mới tới tay anh

Cớ chi ba búp thì để dành tới nơi

Từ “ba” vùng này cũng gọi thay cho từ “hoa” nhưng câu trên dùng hoa, câu dưới dùng ba là không thống nhất. “Cớ chi?” dùng để hỏi lý do. Phải đổi lại là “cơ chi” có nghĩa là “giá như”. Chữ “tới nơi” dùng ở đây không đúng. Phải nói là “có nơi”

Vậy đúng ra phải ghi như sau:

Hoa tàn mới tới tay anh

Cơ chi hoa búp (thì) để dành có nơi!

+ Cũng trang 125, câu:

Giàu sang em không mộ

Em mộ cái nơi ái, ố, mỹ miều

Ái là yêu, ố là ghét, mỹ miều là đẹp. Em mộ cái nơi “yêu, ghét đẹp” là thế nào? Tôi cho là dẫn không chính xác.

+ Câu dẫn:

Thân nhau người tới kẻ lui,

Gió bâng khuâng gió nhớ, đây bùi ngùi đây thương.

Phải thay “gió” bằng “đó” để có hai từ đối nhau “đó” và “đây” chỉ người yêu và mình; hoặc thay “đây” bằng “mây” để có “mây” đối với “gió”, ám chỉ hai chủ thể yêu nhau.

3. Chưa chú ý tính lôgích về ý nghĩa:

+ Câu dẫn:

Tới nơi đây bỡ ngỡ hữu tình

Ai có đôi chẳng biết, ai một mình chẳng hay (140)

Đã hữu tình thì phải hữu ý, có đâu mà thờ ơ đến thế! Phải thay vào là “bỡ ngỡ vô tình” mới hợp lý.

+ Câu dẫn: Nước mắm ngon dầm con cá bẹ

Anh thương em không mẹ không cha

Mai đây cha yếu mẹ già

Chén cơm đôi đũa, bộ trà ai dâng (141)

Em đã không mẹ không cha thì làm chi có chuyện mai sau “cha yếu mẹ già”?

+ Câu dẫn: Dẫu mà đó có nơi mô

Cho em đón nàng trước ngõ phân phô đôi lời (170)

Người dân bình thường xưng hô bóng gió “đó”, “đây”. Khi đã nói đó chỉ người mình yêu thì phải dùng “đây” để chỉ mình chứ không dùng anh em nữa. Em mà đón nàng thì hóa ra mình đón mình chứ có phải đón người yêu đâu! Cho nên đáng ra phải dẫn câu sau:

Dẫu mà đó có nơi mô

Đây cũng đón đường chặn ngõ (để) phân phô đôi lời

+ Câu dẫn: Ai lại bắt tay châu sa ngang má

Mặt lại nhìn mặt thảm quá ơi chàng

Lụy sa lụy nhỏ hai hàng

Áo năm thân em trải ngã ba đàng ngồi chơi (171)

Không phải “ai” lại bắt tay. Đúng ra phải ghi “tay” lại bắt “tay” để có sự đối xứng “mặt lại nhìn mặt” ở câu dưới. Có ai đâu khổ đến thế mà lại trải áo ra ngã ba đàng ngồi chơi! Đáng ra phải ghi “Áo năm thân em trải ngã ba đàng ngồi than!”

Câu dẫn: Chim buồn chim bay về cội…

Em buồn nhá miếng trầu không nể lòng (170)

Đúng ra là:

Chim buồn thì chim bay về cội

Cá buồn thì cá lội về sông

Chàng buồn thì chàng uống chén rượu nồng

Thế thì: Em buồn đành nhai miếng trầu không (để) “giải buồn” chứ sao lại “nể lòng”?

+ Câu dẫn: Ngồi buồn trách phận hận tình

Sớm thành đôi bạn duyên mình lửng lơ (171)

Đã sớm thành đôi bạn còn trách phận hận tình làm gì nữa? Mà đã thành đôi bạn sao duyên còn lửng lơ?

Vậy đáng ra phải ghi là:

Than thân, trách phận, hận tình,

Số (chi) người ta sớm thành đôi bạn, duyên mình (lại) lửng lơ?!

+ Câu dẫn lời đáp ở phần Hò đối trí ở trang 214 không đúng nguyên tắc và không hay, không hợp lý:

Cô gái hỏi: Chữ chi chôn xuống đất?

Chữ chi cất lên tra…?

Mà sách dẫn lời người con trai đáp lại:

Chữ “thiên” anh chôn xuống đất

Chữ “địa” anh cất lên tra…

Là chưa hiểu tâm lý người hỏi và người đáp. Ở đây, cô gái muốn hỏi về đạo lý làm người, thử xem người con trai có phải là người quân tử hay kẻ tiểu nhân chứ không phải hỏi đố vốn liếng chữ Hán để rồi phải đáp là chữ Thiên, chữ Địa. Hơn nữa đã gọi là thiên thì người bình dân nào cũng hiểu là trời, và chữ địa là đất. Thế mà chữ trời chôn xuống đất, đem chữ đất cất lên trên tra thì thật là ngược đời. Vậy để tỏ ra mình là người quân tử biết trọng nghĩa khinh tài, người con trai đã đáp như sau:

Hai chữ “tiền tài” anh chôn xuống đất (coi khinh)

Hai chữ “nhân nghĩa” anh cất lên trên tra (coi trọng)

Chữ “hiếu” chữ “trung” anh na không nổi

Hai chữ “sắt cầm” gió thổi không bay…

+ Có câu đáng là lời đáp, tác giả đã ghi làm câu hỏi:

Ví dụ: Hỏi: Anh muốn giơ chàng lên chấn mộng

Thầy mẹ bên em khoát tay riết róng xin đừng.

Để khi lỡ cơ móc áo, lỡ chừng treo khăn (194)

Đúng ra là câu đáp của anh con trai, còn câu sách ghi là câu đáp: Qua bên nhà ông thợ mộc…

Trách tấm lòng… đề thò lò mộng ra!

Mới chính là câu hỏi xấc xược của cô con gái.

Do chưa quan tâm đúng mức về mặt ý nghĩa nên để sót lại những nhược điểm như thế. Nếu chú ý hơn thì chắc không ghi như câu sau:

Cầu ao ván mỏng cong vòng vòng

Anh đi mộ trợn tròng trợn trạc trăn cổ xuống sông (133)

Anh đi chiếc cầu ván mỏng trong ao mà trăn cổ ra ngoài sông thì cũng lạ! Đáng ra phải ghi “cầu cao ván mỏng”.

Về vè, tôi xin tập trung góp ý với vè “O Hiên, trò Siêu” mà tác giả trích dẫn từ trang 269.

Đây là chuyện vè rất dài và hay, vì nó có bố cục, tình tiết và tâm lý nhân vật như là một tiểu thuyết. Tiếc rằng tác giả chưa có được cả truyện. Đoạn trò Hoán xin cưới O Hiên, O Hiên từ chối rất khéo. Phần cuối chuyện kết thúc bằng một phiên xử án kẻ tham của bán duyên, ai nghe cũng hả hê. Vè dài không tiện dẫn ra đây. Tôi xin trao đổi về những ý, những lời mà tác giả Quốc Hùng đã dẫn, có chỗ không chính xác làm giảm giá trị về nội dung và nghệ thuật:

Giá như hết câu cuối của đoạn trích đầu (trang 270):

“Vái xong dắt nhau ra về”

Mà chắp tiếp được đoạn này:

“Trò Siêu mặt ủ, mày ê,

Buồn phiền trong dạ không hề nói ra.

Phần thì con mồ côi: có mẹ không cha,

Phần thì phận bạc, cửa nhà cheo leo!”

Thay cho mấy câu đã dẫn đầu trang 271 thì hay hơn

Đoạn dẫn: Tui đi có một lời nguyền,

Lời nguyền tui chẳng nói ra

Thử đi han vợ cho con miệng cười…

Không hay bằng: Ông Hiên hỏi: “Mụ đi mô đó?

Hay là mụ đi vay ló, tạm tiền?”

- Tui có lời nguyền, tui không dám nói

- Hay là mụ muốn hỏi con tui?

Mụ Siêu chúm chím miệng cười.

Ông Hiên gan sôi sục sục!

Mụ nói được điều muốn nói thấy sướng trong bụng nên chúm chím miệng cười, ông thì cả giận vì như bị xúc phạm nên “gan sôi sục sục” phản ánh rõ nét tâm lý nhân vật.

Đoạn dẫn tiếp của sách không hay:

“Đục lại tìm đục

Trang lại tìm trang

Ai cho tắt lộn với bòng

Thuyền rồng đem sánh kẻ khùng người chê” (271)

Người kể đã sai, người biên soạn còn thiếu thận trọng nên ngỡ “đục” là cái đục, dụng cụ của ông thợ mộc để đục gỗ, và giải thích “trang” là dụng cụ làm bằng gỗ để cào lúa.

Thực ra nguyên văn của nó là:

“Đục lại tìm đục, trong lại tìm trong”

Ý ông Siêu muốn mình thanh cao như dòng nước trong, còn mụ Hiên là kẻ bẩn thỉu, hà tiện như vững nước đục, không xứng kết nghĩa sui gia với nhau. Hơn nữa từ “trang” không hợp với từ “bòng” ở câu dưới.

Câu tiếp “tắt” và “bòng” là hai loại quả, tính chất và giá trị sử dụng khác nhau. Người sáng tác đem quả so với quả nên câu dưới phải đem thuyền so với thuyền mới đúng. Ai lại đem “thuyền rồng mà sánh với “kẻ khùng”. Thực ra ở đây lại một lần nữa O Hiên muốn ví mình sang trọng như chiếc thuyền rồng của vua đi ở trong khi mụ Siêu chỉ như chiếc tròng (thuyền nhỏ) của dân đánh cá nghèo hèn, không thể sánh hợp được. Vậy 4 câu trên đáng được ghi đúng nguyên tác như sau:

… Đục lại tìm đục

Trong lại tìm trong

Ai cho tắt lộn với bòng

Thuyền rồng đem sánh với tròng thá chê

Đã hay về ý nghĩa lại có vần hẳn hoi.

II - VỀ NGHỆ THUẬT:

1. Người biên soạn chưa chú ý đúng mức đến đặc điểm của dân ca nói chung và dân ca Triệu Hải nói riêng nên đưa vào sách những câu không đúng nguyên tác, làm giảm giá trị nghệ thuật và cả về nội dung ý nghĩa.

Nghệ sĩ dân gian rất thích dùng vần điệu và nhờ thế mà người ta dễ nhớ, dễ truyền miệng cho nhau. Điểm thứ hai là thích dùng ý, dùng lời đối xứng nhau.

Cho nên, đáng ra khi gặp những câu có vần điệu trúc trắc, có những ý, lời đáng hoài nghi thì nên để tìm hiểu lại.

Ví dụ:

Câu dẫn: Anh muộn vợ gặp nỗi cực khổ

Em muộn chồng gặp chỗ con quan (172)

Đáng ra phải thay từ “nỗi” bằng từ “nơi” mới vừa hợp thanh, lại vừa được ý và lời đối xứng: “nơi cực khổ” đối lại với “chỗ con quan”.

+ Câu dẫn: Có thương thì cột tìm trâu

Trâu đâu tìm cột, gái đi tìm chồng! (145)

Nếu ghi cho đúng “Gái đâu tìm chồng” thì vừa hợp vần vừa đúng lôgic .

+ Câu dẫn: Đập đất nhỏ, luống đánh to

Xung quanh trồng đậu, trồng bắp xen vào (100)

Ở địa phương Triệu Hải vẫn dùng từ “ngô” thay cho “bắp” nếu cần có vần.

Vậy đúng ra phải ghi:

Đập đất nhỏ, luống đánh to,

Xung quanh trồng đậu, trồng ngô xen vào.

Câu dẫn:

Thân anh như cò trắng bay cao

Chín mươi thục nữ không biết nơi mô đậu vào

Đáng ra phải ghi:

Thân anh như cò trắng bay cao

Chín mươi thục nữ không biết nơi nào đậu vô

Để có từ nào vần với từ cao ở câu sáu

+ Câu dẫn:

Đêm nằm nghe vạc kêu quanh

Giơ tay vỗ gối dạ sầu thầm nợ duyên (149)

Tôi ngờ là người kể đã “Bắt râu cha nọ đặt vào cằm mệ kia”

Đấy là hai câu thơ của hai bài khác nhau. Đúng ra phải ghi:

Đêm nằm nghe rế (dế) kêu râm,

Giơ tay vỗ gối dạ sầu thầm nợ duyên

Và bài kia là:

Đêm nằm nghe vạc kêu canh (canh đêm)

Nghe chuông gió sáo, nghe anh dỗ nường.

Nếu đưa về nguyên tác thì ta có được hai bài. Bài nào cũng hay mà có vần điệu hẳn hoi.

2. Nghệ sĩ dân gian có khả năng dùng chữ Hán hoặc từ Hán Việt và thích đưa vào tác phẩm của mình để diễn đạt tư tưởng, tình cảm, hoặc để đấu trí trong lối hò hỏi – đáp.

Ngày xưa, các ông khóa sanh, tú tài ở nông thôn đã hòa mình vào mọi sinh hoạt của nhân dân lao động và họ đã sáng tác đóng góp đáng kể cho nền văn học dân gian. Lối chơi chữ là một nghệ thuật phổ biến trong dân ca. Nếu ta không chú ý sẽ làm giảm giá trị của nó:

Ví dụ: + Câu dẫn ở trang 157:

Mẹ bồng con ra cầu Ái Tử

Vợ thương chồng đứng ngó vọng phu…

Cần phải được ghi lại là:

Mẹ thương con ra ngồi cầu Ái Tử

Vợ trông chồng lên đứng núi Vọng Phu

“Ái Tử” là thương con, “Vọng phu” là trong chồng. Ở đây, nghệ sỹ dân gian dùng từ, dùng ý đối xứng rất tài tình.

+ Câu dẫn ở trang 166

Chàng đem mấy lời sâm nhung…

… cao ly sâm bên Tàu

Nếu được dẫn chuyện sau thay vào thì hay hơn nhiều cả lời lẫn ý

Họa hổ, họa bì, nan họa cốt,

Tri nhơn, tri diện, bất tri tâm

May thay chút nữa em nhầm

Khoai lang xắt lát, em ngỡ cao ly sâm bên Tàu!

Ở phần hò đối trí, tác giả có dẫn chuyện hỏi, đáp trong đó cả hai bên đều phải dùng đến lối hội ý trong cách cấu tạo chữ Hán để thử tài nhau (tr. 217), nhưng còn đơn sơ quá. Nếu dẫn đúng hai lời hỏi đáp sau đây thì chỉnh hơn và hay hơn nhiều.

Hỏi: Trai Kỳ Sơn lên đứng núi Kỳ Sơn, sơn sơn; xuất

Gái vọng nguyệt ra chơi hồ Vọng Nguyệt, nguyệt nguyệt bằng.

Nam nhơn chàng mà đối đặng mới gọi rằng tài cao!

Đáp: Anh xách đèn dầu hỏa lên xe hỏa: Hỏa hỏa: viêm;

Ông thợ rìu cầm rìu phạt mộc: mộc mộc: lâm

Nam nhơn chừ đối đặng, thiếp phải gá nghĩa sắt cầm một ngàn năm!

(Hai chữ sơn ghép lại thành chữ xuất, hai chữ nguyệt ghép lại thành chữ bằng. Hai chữ hỏa ghép lại thành chữ viêm, hai chữ mộc ghép lại thành chữ lâm. Đây là lối tạo từ theo cách hội ý trong chữ Hán).

3. Có những chuyện, những câu vần điệu trúc trắc, nghe như những lời nói rất đời thường của người bình dân, đáng ra tác giả nên đặt nghi vấn là tìm hiểu thêm, chưa vội dẫn vào, ví dụ:

+ Chuyện dẫn:

Giàu chi bên anh mà chính chính, hầu hầu,

Bựa qua em đi qua cửa ngõ thấy anh ăn bầu chơ giàu chi mà giàu (tr 206)

Đáng ra nên dẫn chuyện sau có vần có điệu hơn:

Giàu chi bên anh mà chính chính, hầu hầu

Một ngày ba bữa ăn canh bầu thay cơm!

+ Chuyện dẫn: Anh là con nhà hào phú hỏi không chi

Thứ làm ăn ấy cho nên một năm mười hai tháng trên Cùa ai đi (tr 206)

“Hỏi không chi?” là hỏi thế nào, câu dưới không có vần với câu trên, nên thay bằng câu: “Một năm mười hai tháng ai đi trên Cùa?” còn nghe được hơn. Thực ra truyện trên có nguyên tác như sau:

Hỏi: Tiếng đồn anh con nhà đa đinh hào phú

Răng anh không chí thú làm mùa;

Từ Bát Phường, Mai Xá đến tổng Cùa em (cũng) thấy anh (ý nói anh chàng đi làm thuê khắp chốn)

Đáp: Anh đây vốn con nhà đa đinh hào phú, phụ mẫu song tuyền,

Tai nghe chốn này có con chim phượng hoàng lạc cảnh non tiên.

Anh chếch niềm thê thiếp nên băng miền đến chơi!

Ngoài ra việc giới thiệu, chú thích về nhân vật, địa danh hoặc nghĩa của từ có chỗ thiếu chính xác hoặc giản đơn, gây băn khoăn cho người đọc hoặc giảm giá trị về văn học nghệ thuật.

Ví dụ:

Nói về “Thợ Thiềm và giai thoại” mở đầu, tác giả viết: “Vào nửa đầu thế kỷ này ở vùng Hải Lăng cũ có tay hò nổi tiếng… tục gọi thợ Thiềm. Thợ Thiềm tên gọi là Trần Thiềm…” Sau đó tác giả ghi: Ông quê ở Triệu Độ, lên sinh sống ở Đông Hà (tr 89). Thực ra tác giả đã dẫn sai về tên họ và quê quán của nhân vật. Quê của nghệ sĩ dân gian này là thôn An Trú, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, Da Độ. Nay thuộc huyện Triệu Phong thuộc xã Triệu Độ. Thợ Thiềm tên thật là Nguyễn Thiềm chứ không phải là Trần Thiềm.

+ Chú thích về sự tích chợ Thuận (tr 33), tác giả ghi “Đại Hào và Võ Thuận nay là đất của Triệu Thuận: là không đúng. Đại Hào là đất của Triệu Đại.

+ Ở tr 220 tác giả chú thích: “Bích La Đông thuộc xã Triệu Ái” là sai. Thôn này thuộc xã Triệu Đông.

+ Sòng mà ghi địa danh của huyện Triệu Hải là sai. Sòng thuộc huyện Cam Lộ.

+ Sông Hiếu chú thích sông Thạch Hãn là nhầm.

+ Kể chuyện đô vật, tác giả ghi làng Thượng Trạch thuộc xã Triệu Trạch là sai. Làng này thuộc xã Triệu Sơn.

Giải thích nghĩa của từ được dùng ở Triệu Hải có chỗ thiếu chính xác. Ví dụ: Trong câu:

“Thương chi, thương chạ, thương ngày” (tr 153), tác giả ghi “chạ” là “chung chạ”. Thực ra ở Triệu Hải từ “chạ” có nghĩa là “bậy bạ”, “sai trái”. Ví dụ: trong vè “O Hiên trò Siêu” có câu:

Hai ta đắc chắc vào đây

Thề cho hẳn dạ,

Đạo cương thường ai mần chạ nấy mang”

Hoặc khi một người định làm một việc gì sai trái, người ta thường can ngăn: “Đừng mần chạ mà chết chừ!”. Còn từ “chung chạ” có cả nghĩa tốt lẫn xấu và được dùng trong trường hợp khác.

Trong câu “Có mô tắt lộn với bòng” (tr 27) ở bài vè “O Hiên, trò Siêu”, tác giả chú thích “bòng” là “bưởi”. Thực ra “bòng” thuộc họ nhà bưởi. Nhưng ở Triệu Hải người ta dùng 2 từ này theo cách riêng, có một ý nghĩa khác nhau, nhất là trong văn học. Ở vùng này người ta thường kể tên 4 loại quả này là đi liền nhau: Cam, quít, bưởi, bòng. Ta hãy nghe anh con trai có lời nhắn gửi rất dễ thương như sau:

Ai ra ngoài Sãi, ngoài Sòng

Nhắn cô bán bưởi, bán bòng vô đây!

Cũng do chưa chú ý hết về ngôn từ địa phương nên tác giả dẫn chuyện sau đây và cho là dân ca Triệu Hải:

Con cóc ăn trầu đỏ môi

Ai muốn lấy lẽ bố tôi thì về… (tr 179)

Thực tế dân Triệu Hải nói riêng, và Quảng Trị nói chung, người ta không dùng từ “bố” để gọi cha mình. Một số nơi xưa kia có dùng từ “bọ” như ở Quảng Bình, nay dường như đã bỏ hết. Chuyện này tôi cho là từ các tỉnh miền Bắc đưa vào.

Sưu tầm văn học dân gian rất khó biết được bao nhiêu gọi là đủ. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là còn nhiều chuyện rất hay vẫn chưa được dẫn vào.

Văn học dân gian Quảng Trị rất phong phú, đa dạng, biết bao người đã đầu tư công sức và cả tâm huyết để sưu tầm và biên soạn. Ngoài “Văn học dân gian Triệu Hải”, chúng ta còn được đọc “Văn học dân gian huyện Bến Hải”, và gần đây chúng ta vui mừng đón nhận “Văn học dân gian Quảng Trị tập I”. Đây là tập sách tổng hợp được nhiều nét độc đáo trong văn học dân gian của nhiều địa phương trong toàn tỉnh. Mời chúng ta cùng đọc và cùng tìm ra nhiều điều mới lạ trong tập sách này.

                                                                                       V.Q

__________________________

(1) Hồ Quốc Hùng – Văn học dân gian Triệu Hải – Sở VHTT Bình Trị Thiên, 1985.

Văn Quang
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 4 tháng 01/1995

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground