T |
ôi cúi đầu tạ ơn trời đất cho được sống lâu hơn để dẫn dắt những kỷ niệm này sang chào thế kỷ mới. Chắc chắn loài người không lặp lại. Khoa học khảo cổ có sử dụng đến biện pháp tân kỳ nhất cũng chẳng tìm ra. Chúng tôi có chọn gì vào đất đâu. Chúng tôi gửi vào trái tim con người. Một tiếng đàn, giọng hát,. Một câu văn, một câu thơ. Người ngồi nghe say đắm ở Đá Nỗi, ở Cùa giờ đã khuất dạng gần hết vào hư vô. Người đẻ ra câu thơ, giọng đàn cũng đã lần lượt tìm về nơi thiên cổ. Phần còn lại trên giấy trắng mực đen là cái xác, là biên lai của một thời. Sau mùa bắp ấy ở Ba Lòng còn lại một phần tư thế kỷ chiến tranh khốc liệt. Còn là nửa thế kỷ tiếp theo dày đặc cam go. Con sông ở đầu nguồn, bãi đất đã dầm dề mưa lũ.
Còn. Còn tôi là một người tôi biết là còn. Gài cái danh hiệu nghệ sĩ nhân dân lên mái tóc màu mây Cửa Việt. Soi vào gương, chẳng biết đôi mắt có còn gặp lại mùa bắp ở Ba Lòng…
***
Năm 1952 ở chiến khu Ba Lòng. Có tờ thông báo của chỉ huy trưởng Mặt trận Trần Quý Hai gửi các cơ quan “Cơ quan nghỉ một ngày. Áo quần tươm tất. Chụp ảnh. Ký tên: Hai”. Đã là mùa áp Tết. Ai cũng hí hửng sẽ thấy chân dung mình trong tuổi mới. Từ cơ quan Tham mưu qua Chính trị mới đến Hậu cần. Thợ ảnh là một cán bộ Tuyên Huấn. Sau trân Thanh Lam Bồ, Trung đoàn 101 nộp chiến lợi phẩm lên trên. Có chiếc máy ảnh “Dét Ikông vuông” (cỡ phim 6x6). Kính ngắm từ trên xuống. Anh Nguyễn Hữu Cự được cử ra Nghệ An học chụp, thuốc hiện, thuốc hãm, phim dự trữ. Xin một dân công và thầy trò trở về mặt trận.
Mỗi bộ phận trong cơ quan chỉ được chụp một kiểu ảnh. Cuộc sắp xếp đội hình khó nhọc như xếp dàn tốp ca, hợp xướng trên sân khấu. Có một ngoại lệ. Ông chủ nhiệm chính trị Nghiêm Kinh (sau này Nguyễn Minh Châu chọn ông làm nguyên mẫu để sáng tạo nhân vật chính ủy trong “Dấu chân người lính”) có mặt trong các đội hình của cơ quan. Ai cũng muốn đứng gần ông. Hóa thành khó cho việc sắp xếp.
Tôi không nhớ lúc anh Nguyễn Hữu Cự bấm máy thì mình có cười không. Hóa thắc thỏm mất mấy ngày ngồi chờ có ảnh. Công việc chuẩn vị Tết rộn ràng. Nhưng ai cũng ghé mắt sang nhà cụ Lý ở bờ sông. Chân dung cả cơ quan Mặt trận đang được “nhốt” vào máy, vào phim, vào thuốc hiện, thuốc hãm của anh Cự. Vào cái buồng tối được che bằng chăn trấn thủ.
Giao thừa năm ấy, chúng tôi đón xuân ở tả ngạn sông Ba Lòng. Một ca-men bắp hầm với đậu xanh. Gác lên phần lương thực ấy là một “khúc thực quản”. Cá sông Ba Lòng. Đáng nhớ hơn là cả cơ quan Mặt trận được cười thay pháo Tết. Người có công châm ngòi là “phóng viên nhiếp ảnh mặt trận” Nguyễn Hữu Cự. Cái loại máy ảnh cổ lỗ sĩ này phải bấm xuống. Và 54 kiểu ảnh là do cuộc biểu dương chân cẳng toàn mặt trận. Từ chỉ huy trưởng Mặt trận Trần Quý Hai đến tôi. Tấm ảnh khá nhất là từ đầu ngồi xuống. Phim đen trắng nên đôi ống quần và dép cao su giống nhau. May mà đoàn văn công của anh Đình Quang có một nữ diễn viên nên không ai nhận nhầm đôi chân chị Minh Tịnh. Đâu đâu cũng chuyền tay tấm ảnh mà nhận, mà cãi “chân mi, chân tau”. Cười rung sạp, cười thót ruột. Cười từ năm cũ sang năm mới. Nhà nhiếp ảnh “trốn” vào cơn sốt giả đồ. Anh Cự vùi chăn ngủ suốt một ngày đầu năm.
Xin thế kỷ đừng cười. Chúng tôi ra mặt trận với chức danh Văn hóa gửi trên lưng nhưng ngô nghê như “chúa thổi kèn”.
Ngày ngày, chúng tôi tránh con mắt cú vọ của máy bay Hen-cát “cỗ ngỗng” bằng cách lội ngược suối vào lán rừng tập kịch. Tắt mặt trời, quay ra bờ sông. Ăn bắp hầm và gối vào gió sông Ba Lòng mà ngủ. Anh Đình Quang dàn dựng cho tôi, Minh Tịnh, Xuân Đàm vào vở kịch “Con heo”. Tôi không ngờ vở kịch giản dị ấy sau đó là lời chào tạ ơn dân Quảng Trị, đồng bào các dân tộc ít người miên tây Quảng Trị để các trung đoàn 95, 101 và 18 ra Hà Tĩnh thành lập đại đoàn 325.
Sau này Nhà nước xét những gì để phong chức tước, danh hiệu cho anh Đình Quang, Xuân Đàm tôi không rõ. Những dấu ấn đêm lửa trại dọc sông Ba Lòng là đáng nhớ chúng tôi diễn “Con heo”. Bộ đội và dân vừa xem vừa ăn bắp nướng. Lòng dân thơm thảo, từ bi nhưng lòng dạ ngất trời. Giặc Pháp “tới” đủ lọai vũ khí giết người hiện đại nhất dọc con sông và bãi bồi Ba Lòng. Cuộc hù dọa thét lửa ấy thua cái giọng ngâm thơ nữa nam, nữa bắc của Đình Quang vào tai dân, tai lính. Cả vùng Ba Lòng thuộc rồi hát lại với Đình Quang “Đêm nay bác không ngủ. Đêm nay bác ngồi đó. Vì một lẽ thường tình…” (*)
Phần văn hóa của cuộc chiến tranh mà chúng tôi được mang vào Quảng Trị quá đơn sơ và nghèo nàn. Phải “ngắm” mãi mới “tìm” được đích. Tốp Phạm Duy vào từ năm 1949. Tốp Bữu Tiến mạnh mẽ hơn. Có cao xuân hạo, Tân nhân nhưng chỉ nhăm nhăm về Huế. Tốp Đình Quang năm 1952 mới vào. Vừa ca hát vừa ngây dựng. Như ai đó bớt ăn no mà gieo trĩa xuống bãi bồi BA Lòng từng hạt bắp. Để rồi có mùa, có hạt mà cuộc trường kì đánh Tây.
Tốp chúng tôi là tốp sau cùng và khôn lớn với lính Bình Trị Thiên sắp xếp lại đội hình đại đoàn 325 chủ lực.
Xin thế kỷ sau đừng cười. Phần căn nghệ sĩ mặc áo thường dân ở đâu đó, Tôi không rõ lắm. Phần nhà bình vẻn vẹn có ba người ba chàng ngự lâm pháo thủ cảu văn nghệ chiến tranh thời đánh Pháp ở Ba Lòng. Hai cây bút nhúng vào mực và một cây bút đuôi thỏ nhúng vào màu nước. Ba chàng lãng tử hát rong. Họ ở cơ quan tuyên truyền, tuyên huấn gì đó của mặt trận. Tôi mới mười tám tuổi, nhìn lên “Ba ngôi” mà ao ước và kính nể. Một là anh Nguyễn Khắc Thứ xuất thân từ trưởng tàu, ăn lương gạch đường sắt toàn sứ Đông Dương. Anh thứ là con dân làng An Cư Quảng Trị. Vỡ mặt trận năm 1947, chạy ra Hà Tĩnh, nhập ngũ ở trung đoàn 103 rồi tình nguyện ở lại quê nhà. Hai là Vĩnh Tôn, cháu, chắt, chút, chit mấy chục đời của Đức Vua Gia Long. Cũng chạy giặc qua Thanh Hóa rồi theo tốp Phạm Duy về lại Xứ mình. Cách Huế 14km mà không thèm “dinh tê”. Không thèm nhắn bố là quan chức của chính phủ Nguyễn Văn Tân ra đón. Ở lại Dương Hòa, Câu Nhi rồi Ba lòng. Ăn bắp, ăn rau để kí cho được cái tên Hải Bằng dưới mỗi bài thơ về cơn mưa ở Huế. Ba là Trần Quốc Tiến, cội rễ ở Triệu Sơn, Triệu Phong. Tôi không thông thuộc lắm xuất sứ quê hương tôi mê những bức tranh. Tôi nể cái lần gặp lại Trần Quốc Tiến ở Đông Hà năm 1973. Trần Quốc Tiến chỉ chưa nhúng cây cọ vẽ lên cát Cửa Việt những bức hoành tráng. Trần Quốc Tiến vẽ tranh phụ Quảng Trị nhiều hơn số phụ nữ của quê anh vừa giải phóng. Đến nỗi có lần anh Lương An với tư cách người lãnh đạo đã nhắc khóe “ Răng mà toàn phụ nữ rứa? Không có chi cho mi vẽ nữa à!”
Trần Quốc Tiến cười:
- Thế tại sao anh không viết “Đò ông lên xuống Ba lòng”(**) mà mấy chục năm ni vẫn cứ là “Đò em… đò em”!.
Ngày ấy Ty Văn hóa Quảng Trị ở tầng dưới những ngôi nhà đổ nát ở Đông Hà. Chúng tôi ngồi rung chăn chiếu.
Trần Quốc Tiến vẽ. Bức sơn dầu của anh mà tôi được ngắm nhìn lâu nhất, kĩ nhất là người phụ nữ tựa vào của sổ. Người phụ cầm dưới tầm mắt một cuốn sách. Chắc là cuốn “Trận Thanh Hương” của Nguyễn Khắc Thứ. Anh Thứ mang theo cuộc đời sống gió, ẩn dật, bi thương của mình. Anh sống với người trong tranh. Sống với người tình trắc ẩn.
Họ là ba ông đầu rau. Tôi nghĩ vậy. Ba ông đầu rau nặn bằng đất bãi sông Ba Long. Họ là một trong những cái bếp lửa hoang cổ góp cho Quảng Trị ngày nay một chút ấm áp không to lớn nhưng giàu dư vị.
Hai người đả la thiên cổ. Còn một Trần Quốc Tiến nhưng tôi bị đứt mạch thông tin. Nhưng cả ba anh hòa mạng vào đời tôi. Được bao ngày,bao tháng, bao năm ở thế kỷ sau, khi nhắc đến là tôi còn được gặp. Gặp từ chân dung, tính nếp. Gặp cả tài, cả tật và đủ kỷ niệm vui buồn…
* * *
Ba chàng lãng tử này cũng là ba con chim núi can trường. Lâu lâu, cả ba người lại rủ nhau đi. Khi vượt sông, leo dốc sang Cùa. Khi xuôi sông để từ bến Trấm mà xuôi nữa. Ra khỏi nơi trú quân ở Ba Lòng, cả ba người biến dạng. Chẳng khác gì một người Quảng Trị ở xuôi lên. Từ bộ quần áo bà ba đen. Từ lời ăn tiếng nói. Căn nhà tuyên truyền của mặt trận im ắng khi vắng họ.
Và đồng bằng Do, Cam , Triệu, Hải theo họ lên rừng. Ba người là ba kho chuyện. Thứ viết được thành văn, thành thơ, cả ba người hì hục viết ngược lên đá. Ba anh chàng trấn trùi truị như thợ đá Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng bây giờ. Cả mặt trận có mỗi tờ báo in li-tô. Vậy mà rồi, chuyện đồng bằng in ra thành dăm bảy trăm bản, có tên gọi; có hình vẽ, có nhạc điệu như những cánh chim bay vào Thừa Thiên cho trung đoàn 101. Ở lại với Quảng Trị cho trung đoàn 95. Bay ra Quảng Bình cho trung đoàn 18. Nghe đâu còn ngự lên vai dân công ra Liên khu Bốn,ra Việt Bắc.
Nhờ thế mà ngoài Việt Bắc được đọc chuyện Bình Trị Thiên. Có chuyện viết hay nên chọn làm giải thưởng. Nguyễn Khắc Thứ là tác giả Quảng Trị đầu tiên lên ngôi thứ vinh quang ở văn đàn. Chuện ấy sau này tôi mới biết. Điều tôi thú vị là theo cả ba người ra mép sông Ba Lòng. Ba người ngắm sông.Tôi ngắm họ. Tôi muốn hóa thân thành họ thật. Ba con chim núi mỏ vàng, cánh đen bay lượn ở cuộc đời này. Tôi ví cả ba người là chim.Tôi sang xin Vĩnh Tôn mấy tờ giấy. Đêm ở chiến khu, tôi che đèn bớt sáng, mở cái nắp bút, vẽ lên đó những dòng chữ như cái lồng chim. Rồi nguệch ngoạc vẽ ướm đường bay cho mình.
* * *
Năm 1998, tôi về Quảng Trị nhân lễ thông cầu Hiền Lương. Tú Anh, Cao Hạnh và bạn bè rủ lên Ba Lòng. Tôi không thu xếp được chuyến đi vì trở về Hà Nội là bấu víu vào trăm việc.
Nhưng rồi như một người hối lỗi, tôi chắp nối bao người bao việc của một thời chưa xa.Tôi thắp hương ngày rằm, mồng một là khấn vái anh Nguyễn Khắc Thứ, Vĩnh Tôn và bao người cho tôi được kể lại. Cho tôi dắt chuyện sang thế kỷ sau ở lúc giao thừa.
Cả vùng núi dựng và sông sâu là đất anh hùng. Cả cây mít, cây tiêu bên Cùa, cả vạt rau, vườn quả bên Đá Nổi là đất anh hùng. Tôi đến có một mùa, ở một mùa rồi biền biệt đi xa. Tôi cũng thơm lây phẩm chất vinh quang này. Bởi sự hình thành nên một lớp thế hệ chúng tôi có vị hương và dinh dưỡng mùa bắp ở Ba Lòng.
Cuối năm 1999
P.N.C