Vài nét về lịch sử hình thành làng Hà Trung
Đây là một trong những ngôi làng được hình thành từ rất sớm trên vùng đất phía bắc của tỉnh Quảng Trị, có thể từ nửa cuối thế kỷ XV, sau lần vua Lê Thánh Tông chinh phạt Chiêm Thành năm 1471. Trong tác phẩm “Ô châu cận lục”, khi liệt kê danh mục làng/xã hình thành dưới thời Lê, làng Hà Trung cùng với Hà Thanh có tên là Hà Lạc Hạ là một trong 65 xã thuộc châu Minh Linh, phủ Tân Bình(1). Điều này được gia phả họ Trần Văn - dòng họ khai khẩn làng Hà Trung biên chép về ngài thủy tổ của dòng họ mình trong phần lời tựa cuốn gia phả như sau: Họ ta nguyên người tỉnh Thanh Hóa, ngài thủy tổ là Nguyễn Văn Đông, ông nguyên người làng Hà Mát, tổng Du Tường, huyện Hậu Lộc, phủ Hà Trung. Theo vua Lê Thánh Tông đánh dẹp nước Chiêm Thành, lập làng Hà Trung thuộc tỉnh Quảng Trị, phủ Triệu Phong, huyện Gio Linh, tổng An Xá(2). Dưới thời các chúa Nguyễn, khi Lê Quý Đôn biên soạn tập sách “Phủ biên tạp lục” thì làng Hà Trung là 1 trong 17 xã, 1 thôn, 7 phường của tổng An Xá, huyện Minh Linh(3). Dưới thời Nguyễn, làng Hà Trung là 1 trong 20 xã, thôn, phường thuộc tổng An Xá(4).
Từ sau Cách mạng tháng Tám, các đơn vị hành chính cấp phủ được đổi thành cấp huyện, cấp tổng bị bãi bỏ; nhiều làng nhỏ hợp lại thành các xã và mang những tên mới. Lúc này toàn huyện Gio Linh có 9 xã, bao gồm Linh Mai, Linh Sơn, Linh Thượng, Linh Tiên, Linh Phong, Linh Giang, Linh Hưng, Linh Phùng, Linh Hà; làng Hà Trung thuộc xã Linh Giang(5). Ngày 20/8/1950, thực hiện Quyết nghị số 1069-QN/P5 của Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu IV, các xã thuộc huyện Gio Linh hợp nhất thành 4 xã, làng Hà Trung thuộc xã Linh Châu cùng với các thôn: Lan Ðình, Lạc Tân, Lễ Môn, An Xá, Tân Lịch, Tân Hà, Gia Môn, Hồng Phát, Tân An, Hà Thượng, Hà Thanh, Trúc Lâm, Kỳ Lâm(6).
Năm 1954, theo Hiệp định Genève, vĩ tuyến 17 trở thành biên giới chia cắt Việt Nam thành hai miền Nam - Bắc. Huyện Gio Linh thuộc miền Nam của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Ngày 26/8/1954, theo Nghị định số 1908-NĐ-PC của Ủy viên Chính phủ tại Trung Việt, quận Trung Lương được thành lập. Trên địa bàn huyện Gio Linh có 2 quận là: Trung Lương và Gio Linh. Quận Trung Lương có 3 xã, 19 thôn; quận lỵ đóng tại thôn Cao Xá, xã Trung Giang. Quận Gio Linh có 8 xã 71 thôn; quận lỵ đóng tại thôn Hà Thượng, xã Gio Lễ(7). Xã Gio Lễ gồm các thôn: Hà Thượng, Hà Trung, Hà Thanh, Tân Hà, Tân Lịch, An Xá, Lễ Môn, Gia Môn, Lan Đình, Lạc Tân, Trúc Lâm(8).
Tháng 5/1972, một phần đất của tỉnh Quảng Trị từ phía bắc Thạch Hãn trở ra, trong đó có huyện Gio Linh được giải phóng và đặt dưới sự quản lý, điều hành của chính quyền cách mạng huyện Gio Linh. Các đơn vị hành chính xã, huyện không có gì thay đổi cho đến ngày giải phóng miền Nam.
Tháng 2/1976, theo chủ trương tách xã, xã Gio Lễ được tách thành xã Gio Châu và Gio Phong(9).
Sau khi đất nước thống nhất, từ tháng 2/1976, tỉnh Bình Trị Thiên mới được thành lập, huyện Gio Linh thuộc tỉnh Bình Trị Thiên. Ngày 11/3/1977, các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ được hợp nhất và mang tên mới là huyện Bến Hải(10). Sau khi tỉnh Bình Trị Thiên tách thành 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế (1/7/1989), ngày 23/3/1990, theo Quyết định 91-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, huyện Bến Hải tách thành 2 huyện là Gio Linh và Vĩnh Linh. Sau khi chia tách, huyện Gio Linh gồm 16 xã(11); xã Gio Châu có 3 thôn: Hà Trung, Hà Thượng, Hà Thanh.
Đình làng Hà Trung-nơi làng tổ chức múa đồng náp vào những ngày tế lễ lớn của làng- Ảnh H.N.T
Ngày 1/8/1994, theo Nghị định số 79-CP của Chính phủ, thành lập thị trấn Gio Linh thuộc huyện Gio Linh trên cơ sở một phần đất đai và dân số của xã Gio Châu, xã Gio Phong, xã Gio Bình(12). Theo Nghị định này, một phần đất phía đông làng Hà Trung sáp nhập vào thị trấn Gio Linh, đình làng Hà Trung cũng theo đó thuộc địa phận quản lý của thị trấn Gio Linh.
Những người đầu tiên đến khai phá, dựng đặt hương hiệu và lấy tên làng Hà Trung ngày nay lần lượt thuộc về các vị thủy tổ của các dòng họ Nguyễn, Trần Văn, Trần Ngọc. Thủy tổ của các dòng họ này là Nguyễn Văn Lân, Trần Văn Đông, Trần Ngọc Thả được coi là những người tiên phong đặt chân đến lập làng, được nhân dân suy tôn là tiền khai khẩn, cho dựng miếu thờ trong khuôn viên đình.
Công lao của lớp người tiền nhân đến sinh cơ lập nghiệp, xây dựng làng xóm và những hậu bối đã làm rạng danh làng Hà Trung được sử sách ghi chép lại tương đối đầy đủ. Họ được triều đình phong kiến ghi nhận bằng những bản sắc phong và được chính dân làng ngưỡng vọng, ghi nhớ, phụng thờ. Song, qua nhiều biến cố xã hội, nhất là hai cuộc chiến tranh, nhiều văn tự, sắc phong đã bị hư hại, mất mát. Hương phả của làng cũng như gia phả của các dòng họ đều đã bị thất lạc và mất mát trong chiến tranh, thật là một điều đáng tiếc. Để ghi nhớ công lao khai khẩn đất đai, dựng đặt hương hiệu của các bậc tiền nhân, lớp thế hệ con cháu về sau của làng thực hiện đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn bằng những ngày lễ tế. Hằng năm, dân làng Hà Trung lấy ngày mồng 9, mồng 10 tháng 7 Âm lịch làm ngày Đại tự kỳ an (còn gọi là lễ kỳ phước) để tế ngài thành hoàng làng, cùng với các phúc thần và các vị tiền khai khẩn, thủy tổ của các dòng họ đã có công tạo lập làng xóm.
Múa đồng náp/múa đăng hèo
Hà Trung là một làng quê vốn có bề dày về truyền thống lịch sử và văn hóa, với các công trình văn hóa, tín ngưỡng phản ánh quá trình khai phá vùng đất mới của lưu dân Việt trong lịch sử, nổi tiếng với các danh nhân tài hoa dưới thời quân chủ của dòng họ Trần Đình như: Trần Đình Ân, Trần Đình Khánh, Trần Đình Túc, Trần Đình Phác... Ngày nay, ngôi làng này vẫn bảo lưu được khá nguyên vẹn nhiều nghi thức tế tự, nhiều lễ hội dân gian hết sức đặc sắc, hấp dẫn và không kém phần trang nghiêm. Múa đồng náp (hay còn gọi là múa đăng hèo) là một trong số đó.
Theo những người lớn tuổi trong làng cho biết, múa đồng náp làng Hà Trung xuất hiện từ rất lâu và được diễn ra vào những ngày tế lễ lớn của làng như Đại tự kỳ an, tế thành hoàng làng… Ngoài ra, các họ lớn của làng khi giỗ họ (kỵ ngài thủy tổ) nếu có yêu cầu thì sẽ tổ chức múa. Múa đồng náp là một thành tố cấu thành lễ hội của làng Hà Trung. Nó là một hình thức biểu hiện, một trò diễn trong phần hội của làng Hà Trung, tái hiện lại không khí hào hùng mà ông cha của họ đã tham gia trong các đoàn binh chiến đấu giữ yên bờ cõi năm xưa.
Múa đăng nghĩa là múa đèn, tượng trưng cho văn phong, sự đẹp đẽ, tao nhã và thanh cao. Các diễn viên trong đội múa cầm đèn trên tay và thực hiện các bài múa. Đèn ngày xưa được đan bằng khung tre, mặt ngoài dán giấy quyến, bên trong gắn nến. Về sau, do những vật liệu trên cháy quá nhanh, không đủ thời gian để múa hết bài nên người ta cải tiến đèn bằng cách dùng cái chén, bên ngoài cắt giấy màu hình cánh sen dán vào và bên trong thắp nến. Múa đăng có 2 bài là Truyền lệnh và Phước đẳng. Trong bài Phước đẳng có 14 vát: Cải chữ, Nhất xà, Nhị xà, Hòa móng nhất, Hòa móng nhị, Hòa móng tam (Tam lăng), Tứ trụ, Ngũ trụ, Vận thân, Vấn thân, Liên đằng, Tặng ba lầu, Sắt nút (Thắt nút), Phóng hỏa.
Múa hèo tức là múa lỗ bộ (lục bộ) và gậy, tượng trưng cho võ, thể hiện sức mạnh và sự cường tráng. Các diễn viên trong đội múa cầm lỗ bộ và gậy để thực hiện các bài múa. Lỗ bộ người Hà Trung còn gọi là náp. Theo quan niệm đó là các loại vũ khí của các binh lính sử dụng trong chiến đấu năm xưa, gồm giáo, mác, đại đao, chùy, câu liêm, hèo (gậy)... Múa hèo có 3 bài là Tấn thối (Tiến thoái), Nhất xà, Nhị xà và 13 vát.
Một đội múa đồng náp thường có 17 người gồm 1 ông cai và 16 quân chia làm 2 hàng. Trong đó 2 người đứng đầu 2 hàng gọi là hai ông thủ, 2 ông đứng cuối 2 hàng gọi là hai ông vỹ.
- Trang phục trình diễn
Ông cai: Chân đi hia, mặc quần trắng quấn xà cạp đỏ (hoặc xanh, đen). Mình mặc áo đỏ sọc vàng, trước ngực có hình đầu rồng, sau lưng có hình đầu hổ, hai bên có dây tua thòng xuống. Lưng thắt dây lụa đỏ hoặc xanh. Đầu đội quan mão (mũ quan võ).
Quân: 8 người mặc áo đỏ sọc xanh (hoặc vàng) có viền ở lai, tay và cổ; 8 người khác mặc áo xanh sọc đỏ có viền ở lai, tay và cổ. Quần trắng, chân quấn xà cạp đỏ hoặc xanh. Chân đi giày trắng. Đầu đội mũ xuân thu.
Các dụng cụ sử dụng trong quá trình múa: Ông cai tay cầm huyền, tức là một cái lục lạc hình bánh xe, đường kính chừng 5 - 7 cm, khi rung phát ra âm thanh. Quân nếu múa đăng thì cầm đèn. Nếu múa hèo thì 6 người đứng đầu cầm lỗ bộ theo thứ tự như sau: 2 người đứng đầu 2 hàng cầm đại đao, 2 người tiếp theo cầm chùy, 2 người tiếp theo cầm câu liêm, 2 người tiếp theo cầm mác, 2 người tiếp theo cầm giáo. Những người còn lại cầm hèo (gậy). Ngày nay do không có lỗ bộ nên tất cả đều cầm hèo.
- Quy trình thực hành
Sau khi đội hình múa chuẩn bị xong mọi thứ ở bên ngoài. Nếu múa đăng thì người múa tay cầm đèn, nếu múa hèo thì cầm lỗ bộ và gậy. Ông cai và 2 ông thủ vào trong sân xin múa được múa đăng hoặc múa hèo và bắt đầu bài múa Truyền lệnh.
Múa Truyền lệnh chỉ có ông cai và 2 ông thủ vào múa, những người còn lại vẫn ở bên ngoài.
Ông cai xướng: “Lệnh mật, lệnh mật tốc bôn hành, bôn hành. Hành đàn sứ giả tiếp linh quan. Uế khí mật tích khủng vị hoàn. Ngưỡng trượng thần linh tiêu tuân sắc mạng. Thôi cang thúc bộ tiến ba đăng. Kính chúc tiên linh an vị cho chúng tôi lui gót. Phần đẳng ba ban tài tử đình tiền tiến vũ ba đăng đội”.
Các vị quân sau khi đã nhận lệnh này rồi thì hô to: “Thừa mạng”!.
Sau đó ông cai vào trong gian giữa của đình lạy 4 lạy và quay ra ngoài sân dẫn 2 ông thủ ra phía đội quân để dẫn quân vào. Lúc này đội hình quân được ông cai dẫn vào sân và xếp thành 4 hàng.
Nếu múa đăng thì ông cai bắt bài Phước đẳng. Ông cai xướng rằng: “Phước đẳng hà sa vô số phật. Hồi đầu vọng bái tọa giai ư tiên”. Ông cai rung huyền và toàn bộ đội quân quỳ lạy theo cách rung huyền của ông cai. Sau đó đội hình chạy chỗ và tách thành 2 hàng (chia hàng 2). Ông cai tay cầm huyền rung và điều khiển đội hình múa các vát theo thứ tự gồm: Cải chữ, Nhất xà, Hòa móng nhất, Hòa móng nhị, Hòa móng tam (Tam lăng), Tứ trụ, Ngũ trụ, Vận thân, Vấn thân, Liên đằng, Tặng ba lầu, Sắt nút (Thắt nút), Phóng hỏa.
Kết thúc bài múa đội hình xếp thành hàng 4 và lạy tạ sau đó rút lui.
Lúc này nếu múa hèo thì ông cai bắt thẳng vào bài Tấn thối (Tiến thoái). Ông cai hô, đội hình trình diễn múa các vát theo trình tự như sau:
“Tấn (tiến) nhất bộ hề khai song kiếm
Thối (thoái) nhất công hề khai diệt thiên binh
Hành lẫm lẫm bất dư (như) hổ tịch
Tẩu hoàn hoàn thế dược (nhược) long tranh
Võ (vũ) vô thiết toả năng liêu (lưu) khách
Sắc bất ba đào dị nịch (địch) nhân”
Kết thúc bài Tấn thối thì đến bài Nhất xà. Ông cai tiếp tục lắc huyền và xướng, đội hình múa theo các vát như sau:
“Ba vương ba hậu chiếm nhiêu phù hội chi xuân
Mai đệ mai huynh cận đấu phiền
Ba chi nhật
Tận thị thích thời chi hảo cảnh
Khả cung lạc sự chi gia nhân”.
Xong bài Nhất xà, ông cai chỉ huy đội hình chuyển qua múa bài Nhị xà theo trình tự các vát như sau:
“Biến hóa khuất thân xà lưỡng lộ
Vãng lai thăng giáng võ song khai”.
Kết thúc bài múa, đội hình xếp thành 2 hàng lạy tạ, sau đó rút lui.
Múa đồng náp/múa đăng hèo là một trò diễn chủ yếu phục vụ trong nghi lễ mang tính cộng đồng, sự có mặt của nó góp phần tăng thêm tính long trọng, trang nghiêm trong quá trình diễn ra lễ tế, tạo được không khí vui tươi thoải mái và mang lại cho người xem sự thích thú, tò mò. Đặc biệt, dưới thời Nguyễn, trong làng có Trần Đình Túc từng giữ trọng trách Lễ bộ Thượng thư, vị quan này đã mang nghi thức tế tự từ triều đình Huế về áp dụng cho quê hương nên nhiều nghi tiết trong nghi thức tế tự của làng ngày càng hoàn thiện, chỉn chu và đi vào quy củ hơn. Trải qua thời gian, cùng với những lo toan của thời cuộc, những người am hiểu về múa đồng náp cũng dần ít đi, do đó cần có sự định hướng nhằm bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tốt đẹp này.
H.N.T
Chú thích
1. Dương Văn An. Ô châu cận lục. Văn Thanh - Phan Đăng dịch và chú giải. Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội. 2009. Tr.47.
2. Gia phả họ Trần (quyển nhất) được viết trên giấy dó, ghi chép từ ngài thủy tổ của dòng họ đến đời thứ 13 do Hiệp biện Đại học sĩ Trần Đình Túc cẩn tự vào năm Tự Đức thứ ba mươi sáu (1883). Bản dịch chữ Quốc ngữ được viết trên giấy kẻ ngang, bao gồm 170 trang do ông Trần Văn Thành nguyên tộc trưởng tộc Trần Văn phụng sao vào năm 2002. Hiện cả hai bản này đang được lưu giữ tại nhà ông Trần Văn Hoản, trưởng làng, trưởng tộc Trần Văn làng Hà Trung.
3. Lê Quý Ðôn. Phủ Biên tạp lục. Nxb VHTT. Hà Nội. 2007. Tr.103.
4. Quốc sử quán triều Nguyễn. Ðồng Khánh địa dư chí. Sách điện tử. Bản dịch của Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin. Tr.1390 - 1391.
5. Ban Chấp hành Đảng bộ thị trấn Gio Linh. Lịch sử Đảng bộ thị trấn Gio Linh (1930 - 2010).Nxb Thuận Hóa. Huế - 2011. Trang 11.
6. Quyết nghị số 1069-QN/P5 ngày 20/8/1950 của UBKCHC Liên khu IV. Nguyễn Quang Ân. Việt Nam - những thay đổi về địa danh và địa giới các đơn vị hành chính 1945 - 1997. Sđd. Tr.42.
7. Nghị định số 1908-NĐ-PC ngày 26/8/1954. Dẫn theo: Nguyễn Đình Tư. Non nước Quảng Trị. Nxb Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. 2011. Tr.109.
8, 9. Ban Chấp hành Đảng bộ xã Gio Châu. Lịch sử Đảng bộ xã Gio Châu (1930 - 2015). Quảng Trị. 2019. Tr.12.
10,11,12. Quyết định 62-CP ngày 11/3 /1977 của Hội đồng Chính phủ; Quyết định số 91-HÐBT ngày 23/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng; Nghị định số 79-CP của Chính phủ ngày 1/8/1994. Dẫn theo: Nguyễn Quang Ân. Việt Nam - những thay đổi về địa danh và địa giới các đơn vị hành chính 1945 - 1997. Tlđd. Tr.242, 507, 604.