V |
ĩnh Kim một trong những xã nằm trên vùng đất đỏ bazan của huyện Vĩnh Linh. Từ trung tâm huyện lỵ Hồ Xá xuôi theo đường Cáp Lài về phía Đông, đi dọc theo rừng nguyên sinh Rú Lịnh cỡ hơn chục cây số là đến xã Vĩnh Kim. Vĩnh Kim trước đây có tên là ấp Kim, được chia tách ra từ xã Vĩnh Tùng cùng với các ấp Đông, ấp Tây, ấp Sơn, ấp Thuỷ những năm đầu sau cải cách ruộng đất. Nay là các xã Vĩnh Giang, Vĩnh Quang, Vĩnh Thạch, Vĩnh Tân và Vĩnh Kim. Người dân nơi đây gọi vùng quê mình là vùng bán sơn bán địa. Bởi thiên nhiên đã ban tặng cho nơi này một địa hình hết sức lý thú. Một bên biển, một bên rừng. Rừng Rú Lịnh như cánh tay cô gái choàng ra biển ôm lấy xã Vĩnh Kim từ hai phía Đông Nam. Lên phía Tây, Vĩnh Kim giáp với thôn Mỹ Hội xã Vĩnh Trung; phía Bắc giáp thôn Tân Thuận, xã Vĩnh Thái. Địa hình Vĩnh Kim thoải dần ra biển, sát với mũi Si, mũi đá xanh nhô ra biển, nơi đây, trong những năm đánh Mỹ ác liệt, ta đặt trạm ra đa dò máy bay địch, phục vụ cho những chuyến hàng ra khơi tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ anh hùng. Là vùng đồng bằng nằm sát với biển Đông nhưng Vĩnh Kim lại là nơi có độ cao nhất trong huyện so với mực nước biển, 96 mét. Trong khi đó các vùng đồng bằng miền tây của huyện độ cao so với mực nước biển chỉ là 74 mét, lấy Đồi 74 ở Vĩnh Thuỷ làm mốc. Vừa thừa hưởng biển, vừa thừa hưởng nguồn đất đỏ bazan lại sát với những mũi đá nhô ra biển, Vĩnh Kim như một vùng trung du thực thụ. Bao quanh xã là những hệ thống vỉa đá tổ ong lớp xếp lớp trải dài cả một vùng rộng lớn. Có lẽ do kiến tạo của thiên nhiên mà lớp đá non này đã trở thành nguồn tài nguyên phong phú, làm tăng trưởng nền kinh tế của Vĩnh Kim một thời. Với một địa hình cấu tạo đa dạng như vậy về địa lí mà Vĩnh Kim hưởng được lợi thế của kho báu rừng vàng biển bạc. Dù nằm trên một vùng đất đai màu mỡ, tiềm năng trong lòng đất thật là lớn nhưng những năm trường kì kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Vĩnh Kim phải chịu cảnh sống khổ cực bởi chiến tranh tàn phá, diện tích đất canh tác cũng chỉ xấp xỉ con số bốn trăm héc ta. Dân số Vĩnh Kim toàn xã có sáu trăm sáu mươi sáu hộ với hơn ba ngàn nhân khẩu, chỉ tương đương với một thôn lớn của xã khác. Dân số tuy ít nhưng được phân bố đều ở mười hai thôn. Nhân dân Vĩnh Kim làm ruộng, làm hoa màu là chủ yếu, vì vậy đời sống nhân dân đã vất vả lại khó khăn thêm. Từ ngày phát triển hợp tác xã bậc cao, Ban quản lý hợp tác xã cũng như lãnh đạo UBND xã Vĩnh Kim đã biết khai thác triệt để lợi thế của địa phương, thay đổi nhiều mô hình sản xuất, tạo ra nhiều ngành nghề, giải quyết được công ăn việc làm cho nhân dân trong xã. Từ chỗ chỉ trồng lúa, trồng hoa màu, đi lên trồng cây khoai dong để chế biến miến dong đến khai thác đá tổ ong. Công việc khai thác đá tổ ong trở thành một nghề chính của xã. Thu nhập của người dân ngày càng tăng, đời sống của nhân dân càng ngày càng đi lên rõ rệt. Nhờ vậy, Vĩnh Kim một thời nổi tiếng là lá cờ đầu trong phong trào hợp tác hoá nông nghiệp của nông thôn miền Bắc những năm 1957 - 1958. Đến năm 1959, xã Vĩnh Kim lại được Bác Hồ tặng một chiếc máy cày. Vinh dự và trách nhiệm lớn lao, nhân dân Vĩnh Kim không ngừng phấn đấu vươn lên, xây dựng hợp tác xã ngày càng phát triển, nâng cao đời sống cho nhân dân toàn xã. Nghề chẻ đá cũng phát triển rực rỡ nhất trong thời kỳ này.
Khảo sát nghề chẻ đá tổ ong
Dụng cụ khai thác
Gọi là nghề chẻ đá vì đúng với công việc thủ công của nó. Dụng cụ chẻ đá rất thô sơ và đơn giản. Gồm 3 loại: một cái choòng cỡ 70 - 90 phân có tra cán gỗ ngang tầm người sử dụng. Choòng dùng để chia từng viên đá theo kích cỡ; Một con dao đào đá cùng để đẽo, gọt viên đá cho vuông vức. Dụng cụ cuối cùng là một que móc bằng sắt dùng để móc viên đá lên và xén phần đất thừa. Quy trình khai thác đá thật là đơn giản qua các công đoạn như vậy, chỉ cần thợ có sức khoẻ tốt bởi đào đá là một công việc nặng nhọc.
Cách khai thác
Do thiên nhiên kiến tạo sẵn mà hệ thống đá tổ ong nằm rải rác cả một vùng rộng lớn, trải dài từ Vĩnh Trung, Vĩnh Kim đến Vĩnh Hiền. Tuy vậy, các mỏ đá tổ ong nằm dày đặc ở Vĩnh Kim hơn, sát từ thôn Mỹ Hội, Vĩnh Trung kéo dài xuống tận mũi Si, mũi đá xanh mà nhân dân làng Thạch Bàn của xã Vĩnh Thạch khai thác làm cối đá và đá táng đỡ chân cột nhà tránh mối. Đá tổ ong có hai loại. Một loại màu vàng, một loại màu đen. Theo kinh nghiệm của những người thợ khai thác thì loại đá màu vàng là loại đá tốt nhất, còn loại đá màu đen kém chất lượng hơn dù đá khai thác xong rất đẹp mắt. Khách hàng khi mua đá, gặp thợ giỏi gọt vuông thành sắc cạnh viên đá màu đen làm viên đá ánh lên dưới nắng dễ bị nhầm. Mỏ đá cũng có hai loại, mỏ lộ thiên và mỏ chìm sâu dưới lòng đất thường mềm, dễ khai thác hơn.
Người thợ sau khi chọn được vùng mỏ ưng ý để khai thác thì đào bỏ lớp đất phong hoá trên mặt sâu từ 0,5 - 1 mét. Khi đã loại bỏ lớp đất phong hoá, phần mỏ đá lộ ra bằng phẳng nhìn như một tổ ong khổng lồ, vuông chằn chặn. Người thợ có thể khai thác tiếp theo bằng hai cách. Một là dùng choòng và móc sắt lật luôn cả tảng đá to rồi sau đó mới chia riêng từng viên một. Cách hai là đo trước kích cỡ từng viên, dùng choòng phân chia đá theo kích cỡ, sau đó dùng móc sắt lật viên đá lên, công đoạn cuối cùng là dùng dao đẽo, gọt làm sao cho viên đá vuông thành sắc cạnh. Viên đá đẹp hay xấu là nhờ vào con dao trong tay người thợ có lành nghề hay không.
Một viên đá tổ ong thường có kích cỡ bằng viên blô hoặc dài hơn 10 phân. Cỡ trung bình 20x15x6 (cm). Tính từ lớp đá trên mặt đến lớp đá dưới cùng là 10 đến 11 lớp như thế. Như vậy, mỏ đá sâu cỡ 2m - 3m thì đến lớp đất đá gan gà. Hai lớp đá trên cũng thường được xếp riêng, vì những lối đá trên mặt thường kém chất lượng hơn những lối đá phía dưới, có thể dùng để xây các công trình phụ trong gia đình. Số còn lại, khai thác xong người thợ xếp xung quanh theo thứ tự hàng ngang hàng dọc cho thẳng, dễ đếm mỗi khi có xe về chở đá tại nơi khai thác.
Mấy dòng hồi ức của người Vĩnh Kim
Ông Anh, nguyên là bí thư Đảng uỷ xã Vĩnh Kim nay đã nghỉ hưu cho biết: Thiên nhiên hào phóng tặng cho Vĩnh Kim một nguồn nguyên vật liệu xây dựng khổng lồ, có thể khai thác quanh năm không hết, đó là đá tổ ong. Nghề chẻ đá tổ ong ở Vĩnh Kim có từ xa xưa, bởi những lăng mộ, đình miếu, chùa chiền sót lại trong chiến tranh nói lên điều đó, tất cả đều được xây dựng bằng loại đá tổ ong này. Thấy được lợi thế của đá tổ ong, xã đã chú trọng đến việc khai thác. Trước đây khai thác lẻ tẻ, sau này hợp tác xã cho thành lập một đội chuyên. Đội gồm 30 người, phần lớn là thanh niên có sức khỏe tốt, vì công việc khai thác đá là một công việc nặng nhọc. Dù vậy, nhiều thanh niên cố xin cho được để vào đội khai thác đá. Tính về giá trị kinh tế, tuy công chẻ đá nặng nhọc, vất vả một chút nhưng bù lại thu nhập bình quân rất lớn. Cứ một công chẻ đá bằng hàng chục ngày công làm ruộng làm màu. Nghề chẻ đá thời kỳ này trở thành một nghề hàng hóa, không những cung cấp cho nhân dân sở tại mà còn cung cấp cho nhân dân quanh vùng xây dựng nhà cửa, các công trình phúc lợi tập thể. Gio Linh, Triệu Phong cũng tìm ra Vĩnh Kim đặt mua. Những ngôi nhà tranh vách đất được thay dần bằng những ngôi nhà xây mái ngói. Nhân dân quanh vùng về đăng ký mua đá. Xe về chở đá nườm nượp. Xã Vĩnh Kim phải huy động làm một con đường riêng về các khu mỏ phục vụ cho việc khai thác và vận chuyển. Có lẽ đây là nghề chẻ đá ở Vĩnh Kim phát triển mạnh nhất. Đá khai thác bao nhiêu cũng hết. Trong hợp tác xã, mỗi hộ chỉ được mua từ 1.200 - 1.500 viên xây đủ ngôi nhà ba gian với giá ưu tiên. Còn các địa phương ngoài bán với giá cao, tuỳ theo nhu cầu mà tăng và hạ giá cho phù hợp. Nền Kinh tế trong toàn xã Vĩnh Kim cũng nhờ đó mà khấm khá dần lên, đời sống nhân dân đi vào ổn định, bộ mặt làng quê ngày một khang trang. Toàn bộ các công trình phúc lợi của xã từ trụ sở UBND đến các cửa hàng, hội trường đều được xây dựng khang trang. Đặc biệt, xã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi trâu bò kiên cố bằng đá tổ ong. Đến nay đã vài chục năm trôi qua, những công trình đó dù không hề có sắt thép, không giằng móng vẫn vững chãi, chỉ duy nhất một hội trường hợp tác xã bị sập do bão năm 1985. Điều này có thể thấy rằng, đá tổ ong thiên nhiên ban tặng là nguồn vật liệu xây dựng quý giá, chất lượng không kém gì blô, gạch tuy nen qua công nghệ kỹ thuật hiện đại của con người.
Bác Nguyễn Đình Thùy, Chủ nhiệm hợp tác xã trong thời kỳ này cho biết, lợi nhuận từ nghề khai thác đá đưa về cho hợp tác xã rất lớn. Thu nhập từ đội khai thác đá bằng một phần ba tổng thu nhập của toàn xã. Ở Vĩnh Kim có điều đặc biệt là số lượng dân không đông, nên toàn xã thành lập nên một hợp tác xã duy nhất, có chung một ban quản lý điều hành dưới sự lãnh đạo của UBND xã. Từ chỗ nghề chẻ đá phát triển, trong đội khai thác đá của hợp tác xuất hiện nhiều thợ giỏi, thợ lành nghề, có kỹ năng, kỹ xảo như anh Nguyễn Viết Ngọc ở xóm Xuân, anh Lương ở xóm Roọc…Bình quân mỗi ngày một người thợ đào được 20 viên đá. Trong lúc đó, anh Lương, anh Ngọc đào được gấp đôi, gấp ba lần. Nếu là đá thô, chưa gọt đẽo, có ngày chẻ được hàng trăm viên.
Giá thành lúc bấy giờ bán ưu tiên cho nhân dân trong xã 1.000đ/viên, bán ra ngoài là 1200đ/viên. Như vậy các anh thu mỗi ngày 50 - 60.000đ. Ông Anh kể rằng, anh Ngọc đã dùng tiền từ công điểm khai thác đá để xây nhà, mua một đàn bò gần vài chục con để chăn nuôi. Lúc bấy giờ, làm được như anh Ngọc ở một vùng quê nghèo như Vĩnh Linh thì kinh tế đã được gọi là giàu lắm.
Bất luận là nghề gì cũng có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Trong thời đại đất nước đang chuyển mình đi lên Công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nhiều vấn đề đã nảy sinh, ảnh hưởng đến nghề chẻ đá ở Vĩnh Kim. Nghề chẻ đá ở Vĩnh Kinh chững lại trước thách thức của cơ chế thị trường. Vĩnh Kim là một xã xa trung tâm huyện lỵ, giao thông đi lại thời bấy giờ cũng còn khó khăn. Trong lúc công nghệ vật liệu xây dựng ngoài thương trường đang ngày một phát triển mạnh mẽ. Một loạt nguyên vật liệu hình thức hấp dẫn, mẫu mã đẹp, chỉ cần một cú phôn là có xe chở đến tận nơi… Sản phẩm đá khai thác ra không còn trao đổi mua bán với khắp nơi được nữa, cho dù nhu cầu xây dựng ngày một nhiều hơn…
Thay cho đoạn kết:
Bây giờ chúng tôi đến Vĩnh Kim, vào nhà bác Ngọc thì ngôi nhà bác xây bằng đá tổ ong khi xưa cũng như nghề khai thác đá tổ ong đã giải nghệ từ lâu rồi. Bác Ngọc đã bước vào tuổi thất thập mà sức vóc trông vẫn tráng kiện lắm. Bác đã đập bỏ ngôi nhà cũ để xây nhà bếp. Thay vào đó là ngôi nhà ba gian đổ bằng, ốp đá, lát gạch liên doanh loại cao cấp sáng lên dưới nắng.
Bác kể với chúng tôi: Không phải vì chê nhà xây bằng đá tổ ong mà bác đập bỏ ngôi nhà cũ, mà vì nhà bác xây quá lâu, vừa chật, vừa thấp. Trong lúc bác muốn thiết kế ngôi nhà mới khang trang hơn, để còn lên tầng nữa. Kinh tế nhà bác khá vững vàng bằng cải tạo vườn tạp, trồng hồ tiêu, trồng lạc. Mỗi năm gia đình bác thu vài chục triệu đồng… Nhưng cho dù làm nhà đẹp bằng công nghệ vật liệu xây dựng mới, bác vẫn cho rằng công nghệ đúc blô vẫn không qua đựơc đá tổ ong khi xây dựng một công trình. Bác nói rằng, dù sao đá tổ ong cũng là kết cấu sẵn từ thiên nhiên, còn blô, gạch chỉ là do kỹ thuật của con người mà ra. Lý do đó có thể chưa xác đáng lắm, nhưng phần nào cũng thấy được kinh nghiệm từ bác qua những năm làm nghề chẻ đá. Rồi bác so sánh lợi thế khi xây một ngôi nhà mua vật liệt mới và một ngôi nhà tự bỏ sức ra khai thác đá tổ ong. Thời điểm bấy giờ, giá thành một viên blô cũng bằng giá thành một viên đá tổ ong là 1.000đ/viên. Để làm được ngôi nhà ba gian hết cỡ 1.500 viên đá, bác phải bỏ sức lao động chẻ đá nặng nhọc trong gần một tháng để khai thác đá, khỏi phải bỏ ra một triệu rưỡi mua blô. Trong khi đó, với thời gian một tháng, gia đình bác có thể thu nhập số tiền lớn hơn rất nhiều bằng vào những công việc nhẹ nhàng khác, vừa thừa tiền để mua blô, hoặc gạch tuy nen, vừa có tiền chi tiêu và làm những việc phụ khác nữa.
Điều đó thì dĩ nhiên rồi, bởi từ trước đến nay, việc khai thác đá tổ ong chỉ là lao động thủ công với những dụng cụ khai thác thô sơ đúng với nghĩa đen của nó là chẻ đá. Nếu như biết cải tiến để khai thác đá tổ ong bằng kỹ thuật hiện đại thì một ngày không những khai thác năm mươi đến một trăm viên mà có thể năm ngàn đến hàng triệu viên… Lúc đó, không cần nhiều sức lao động mà nguồn nguyên vật liệu xây dựng thì phong phú vô cùng, giá thành lúc đó chắc sẽ rất rẻ. Mà nhân dân trong vùng thực ra nhiều hộ đang còn nghèo, cũng còn nhiều mái nhà vách đất, sẽ tạo điều kiện cho bà con nghèo ở quê thay dần đi những ngôi nhà như thế.
Tìm được cách khai thác mới, nghề chẻ đá truyền thống của làng sẽ không bị triệt tiêu, mà biết đâu, lại trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phấn cung cấp nguồn nguyên vật liệu xây dựng trong kiến thiết cơ bản của xã cũng như trong toàn huyện, vươn ra các vùng ngoài ngang tầm với những ngành vật liệu xây dựng hiện đại khác hiện nay.
Vĩnh Kim, năm 1999
T.S