Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nghề đóng cối xay lúa làng Đại Hào

Làng Đại Hào thuộc xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong. Đây là làng quê có bề dày về truyền thống lịch sử và văn hóa, được hình thành từ rất sớm trên vùng đất Triệu Phong.
Từ khi thành lập cho đến nay, làng Đại Hào vẫn tồn tại các thiết chế văn hóa như: đình, chùa, các miếu thần hoàng, miếu cao sơn, cao các, miếu bà thủy, bà hỏa, đền âm hồn, đền văn thánh, võ thánh, nhà thờ các dòng họ...

Là một làng quê thuần nông, Đại Hào đã hình thành và lưu giữ một số nghề thủ công truyền thống như: chằm nón, làm tơi, đan lát; đóng cối xay lúa...  

Cối xay lúa là một vật dụng phổ biến trong các gia đình nông thôn ngày trước. Hầu như gia đình nào cũng dành một góc nhà để đặt cối xay chế biến lúa thành gạo phục vụ cuộc sống hàng ngày.  Nghề đóng cối xay lúa được truyền lưu qua nhiều thế hệ và trở thành nghề truyền thống của con dân trong làng. Với tinh thần sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo, tính cần mẫn trong lao động, lòng yêu nghề, những người thợ làng Đại Hào đã làm ra rất nhiều chiếc cối xay lúa, phục vụ cuộc sống người dân khi chưa có máy xay xát hiện đại ngày nay.

Cối xay lúa cấu tạo hình trụ tròn, được tạo nên từ chất liệu tre, gỗ và đất. Nó có các bộ phận: thớt dưới (trên đó có các chi tiết; áo cối, răm cối, ngõng cối, bồn cối, lòng cối); thớt trên (có cổ cối, tai cối, thanh quét, răm cối, lòng cối, giằng cối).

Nguyên vật liệu chủ yếu dùng để làm cối xay thường chọn những loại gỗ có đặc tính cứng, bền như: táu, lim, dẻ, nhãn, cuống tàu, trâm ná... và tre già thường chọn đoạn gần gốc để làm dăm (còn gọi là răng cối) đóng ken dày vào hai mặt thớt nhằm tác dụng cạt lúa khi xay. Nứa hoặc tre bánh tẻ để làm vành và đan hình cối xay. Gỗ xoan (sầu đâu) hoặc gỗ mít (không mối mọt) để làm chân và then ngang có tay xay. Một ít đất sét có độ dẻo cao cùng với mạt cưa, muối, phân bò, lá bời lời, dâm bụt... để làm đáy thớt.

Công cụ để đóng cối xay gồm có dùi (đùi) vồ cầm tay làm bằng gỗ táu; dao, rựa chẻ dăm, vót nan để đan vành và lòng cối. Vài chục chiếc nêm bằng tre hoặc gỗ dẻ, gỗ lim, cuống tàu, trâm ná… để nêm dăm (răng) cối. Ngoài ra còn có các loại cưa, đục, chàng, dùi cui... phục vụ cho các công đoạn khi đóng cối xay.

Về cách chế tác, trước hết người ta chọn tre làm nan để đan thân cối và bồn cối, tre được chẻ thành từng nan dài, dày, to bản, sau đó phơi nan cho hơi héo. Tiếp theo, người ta chọn tre làm đế cối. Đế cối là hai đoạn tre đực to, già, ở chính giữa có cắt khấc để chồng khít lên nhau theo hình dấu cộng (+). Ở mỗi phía của đế cối có đục một số lỗ để đóng cái chốt tre vào nhằm cố định với phần thân cối và để lắp bốn chân cối ở phần cuối của đế cối. Chân cối được làm bằng gỗ, thường chọn gỗ xoan để chống mối mọt. Tiếp nữa là khâu lắp ngõng cối. Ngõng cối là một đoạn gỗ có đặc tính cứng, bền như táu, lim, dẻ, nhãn, to bằng bắp tay, chiều dài bằng chiều cao của hai thớt cối xếp chồng lên nhau cộng với phần ghép với đế cối (khoảng từ 70 đến 75cm). Ngỗng cối được lắp vào lỗ mộng ở chính giữa dấu cộng của đế cối xuyên lên phía trên theo phương thẳng đứng.

Cối xay lúa được trưng bày bên hiên nhà cổ thôn Bắc Phước - Ảnh: H.T.T

Cối xay lúa được trưng bày bên hiên nhà cổ thôn Bắc Phước - Ảnh: H.T.T

Công đoạn tiếp là đan thân cối ở thớt dưới và thớt trên. Trước khi đan, người ta khoanh một vòng tròn nhỏ dưới mặt đất, có đường kính đáy bằng đường kính ngoài của hai thớt. Sau đó, người ta chẻ những nan cái to bằng cái đũa cả nhưng mỏng hơn, dài bằng chiều cao của thớt cối được vót nhọn một đầu để cắm xuống vòng tròn đã vạch dưới mặt đất rồi dùng sợi nan con đã chẻ và đan. Đối với thớt dưới, sau khi đan cao khoảng 15cm, cách một nan, người ta lại bắt một nan cái choãi rộng ra để ken nan con theo chiều rộng và bắt cuốn dần lên để tạo bồn cối. Bồn cối là vòng tròn đồng tâm với thân cối, có đường kính dài hơn thân cối khoảng 20 - 30cm. Từ lòng bồn cối đến mép trên của thành bồn cối cao khoảng 9 - 10cm, ở phía trên của thành bồn, người ta phải ken đúp các sợi nan con và cố định đầu nan cho đẹp và bền. Trong quá trình đan bồn cối, ở dưới bồn cối chừa một lỗ như cái mỏ (cửa thoát lúa) để cho trấu và gạo từ đó chảy về thúng hứng.

Đối với thớt trên, khi đan cao còn cách miệng cối khoảng 9 - 10cm, người ta phải chừa hai lỗ hình chữ nhật theo đường kính của vòng tròn thân cối để xỏ tai cối vào, rồi đan tiếp cho đến miệng cối. Ở miệng cối, người ta cũng phải dùng sợi nan nhỏ ken lồng và cố định các đầu nan lại để cho bền và tạo vẻ đẹp.

Công đoạn tiếp là luyện đất và nhồi đất vào lòng cối. Đất để làm cối xay là loại đất tơi, đập kỹ, bỏ hết tạp chất, trộn đều với muối, dằm dăm phân bò và lá cây dâm bụt hoặc lá bời lời (đã giả nhuyễn) sao cho thật dẻo nhằm tạo độ ẩm cần thiết, đảm bảo chắc bền, không nứt khi nện chặt vào hai thớt cối. Sau đó người ta đổ đất vào lòng cối, lèn thật kỹ. Trước khi lèn đất, người thợ phải cắm một cái que giữa lòng cối để xác định tâm. Từ tâm này, để trống một lỗ vuông, mỗi cạnh khoảng 15cm để lồng cổ cối. Cổ cối là bốn thanh gỗ có kích thước 0,5cm x 3,5cm được lắp mộng với nhau thành khung vuông. Lèn đất xong, dùng nạo sắt nạo thật kỹ lồng cối tạo thành hình lòng chảo rồi người thợ lồng tai cối vào. Tai cối thường được làm từ đoạn gỗ xoan, có đường kính bằng hoặc gần bằng đường kính đế cối, dài bằng đường kính bồn cối. Ở giữa tai cối có đục một lỗ tròn để xỏ ngõng cối vào. Trên tai cối đục bốn lỗ nhỏ để ghim tai cối với thân cối, hai lỗ ngoài xỏ con xỏ của giằng cối và hai lỗ nhỏ sát thân cối để tra cái que quét gạo.

Tiếp đến, úp mặt thớt trên xuống, làm sạch phần đất ở đáy thớt và đóng dăm cối. Dăm cối làm bằng gỗ nghiến, gỗ nhãn, dăm cối phải chẻ theo thớt gỗ, dày khoảng 7cm, dài khoảng 10cm, rộng từ 3 - 5cm. Dăm cối đóng theo hình tia lửa, bắt đầu từ bốn góc cổ cối ra dần đến phía ngoài thân cối, các rãnh giữa hai hàng dăm đều hướng chảy ra ngoài thân cối và phải thẳng hàng, dăm phải được đóng chặt nêm chỉ nhô lên khỏi thớt cối khoảng 1cm. Đối với thớt dưới, công đoạn làm đất và đóng dăm cũng giống như thớt trên. Nhưng phải chú ý là ở đáy thân cối, nơi tiếp xúc với đế cối phải lót một tấm mê để đất khỏi rơi và xung quanh ngõng không đóng dăm mà để một phần đất hình tròn, đường kính khoảng 12cm thoải dần từ chân ngõng ra bên ngoài. Tiếp theo, dùng đất sét đã qua xử lý như trên trát vào xung quanh thân của hai thớt và vành cối. Vành cối là một vòng tre đan uốn thành máng tròn và được bện vào quanh thớt dưới để hứng gạo chảy ra trong quá trình xay.

Công việc cuối cùng là tạo giằng xay. Cấu tạo của giằng xay khá đơn giản, gồm một thanh gỗ tròn (hoặc tre), một đầu lượn dáng khuỷu tay (người ta hay gọi là nghẹo giằng xay), dưới có đóng một chốt sắt để mấu vào cái lỗ ở tay xay, đầu kia gắn vào một thanh ngang để làm tay cầm và treo lên xà nhà khi tiến hành xay lúa.

Một chiếc cối xay lúa được coi là đạt yêu cầu khi hạt gạo xay ra không bị gãy và còn nguyên vỏ trấu; cối không bị câm tức là khi xay lúa phải phát ra âm thanh; trong quá trình xay đầu giằng không bị bật ra ngoài; que quét hoạt động bình thường, không bắn gạo trấu ra ngoài. Để đạt được những yêu cầu đó, những người thợ có kinh nghiệm phải biết xác định độ dày của các hàng dăm, độ cao, độ phẳng của bề mặt dăm, chất lượng gỗ dăm, con xỏ có độ dài to hợp lý, que quét được tra chắc chắn...

Cối xay lúa hoạt động theo nguyên tắc thớt dưới đặt cố định, thớt trên qua sự tác động của sức người, quay theo chiều kim đồng hồ mà trục là ngõng cối. Dưới tác dụng của lực ly tâm, lúa chảy qua cổ cối, xuống giữa hai thớt cối, bị chà sát,  làm bật võ trấu ra, sau đó theo các rãnh giữa các hàng dăm cối chảy ra bồn cối, bị cái que quét, quét qua cửa bồn cối xuống thúng.

Cối xay lúa là một trong những loại hình công cụ mang tính đặc trưng của cư dân nông nghiệp trồng lúa, nó đã tham gia tích cực vào đời sống của cư dân Việt trên địa bàn Quảng Trị nói riêng và trên đất nước nói chung trong các thế kỷ trước. Ngày nay, trước sự ra đời của các loại máy xay xát hiện đại, nên cối xay lúa đã không còn sử dụng. Cũng vì thế mà nghề đóng cối xay làng Đại Hào hiện nay đã đi vào quên lãng, có chăng chỉ còn nằm trong các gian trưng bày của bảo tàng. Tuy nhiên, có thể nói rằng đây là một nghề thủ công truyền thống hết sức độc đáo đã từng tồn tại trong một thời gian khá dài ở các làng quê. Với sự ra đời của nghề đóng cối xay lúa đã phản ánh một cách sinh động khả năng vượt khó, tinh thần sáng tạo, sự tài hoa, khéo léo của con người trong quá trình sinh sống và lao động.

 

NGUYỄN THANH TÙNG

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground