1. Lai lịch ngôi làng:
Vôi được tôi từ vỏ hến nên ở Quảng Trị những ngôi làng làm nghề vôi thường ở gần làng làm nghề cào hến. Ví dụ như ở đầu nguồn sông Thạch Hãn có lò vôi Phường Hến, bên cạnh sân bay Ái Tử. Ở phía tây chợ Đông Hà, từ ngã tư Sòng lên khoảng 6 km có làng vôi Phổ Lại. Sở dĩ người ta biết chọn ngôi làng này để khảo sát, vì ngoài việc làm vôi ra còn có liên quan đến nhiều nghề thủ công khác.
Phổ Lại bây giờ có 90 hộ dân, với gần 500 nhân khẩu. Phía Đông giáp làng Kim Đâu, phía Nam giáp thôn Bằng An, nơi có hói Sòng lượn qua; Bắc giáp thôn An Bình và Tây giáp thôn Cam Lộ Hạ thuộc xã Đông Thanh. Diện tích tự nhiên phần lớn là đất đồi, không lớn. Đất nông nghiệp bình quân trên đầu người thấp. Ngoài nghề nông người làng Phổ Lại làm khá nhiều nghề phụ khác như làm vôi, làm hương, làm mộc, hàng mã, xưa kia có cả nghề làm giấy bổi và buôn bán mà chủ yếu là ra chợ tiêu thụ sản phẩm nghề thủ công của mình như bán hương, bán sĩ bán lẻ vôi bột. Nhiều người làm nghề phụ thành đạt, giàu lên không nhận ruộng khoán. Tuy vậy số lượng còn lại chia đều cho các lao động mỗi người chưa đến một sào Trung bộ, ruộng lại chỉ làm được một vụ, năng suất thấp, chưa vượt 4 tạ/sào. Nếu chỉ làm thuần nông không thôi thì ngay đến gạo ăn vẫn chưa trang trải đủ. Nghề, bảo rằng phụ nhưng thu nhập đôi khi đóng vai trò chính ở Phổ Lại như nghề vôi, hàng mã không những không bị mất đi trong cơ chế thị trường mà còn đeo đẳng họ như có gốc sâu, rễ bền, nhọc nhằn cam chịu.
Đến làng Phổ Lại gặp cụ ông Nguyễn Nậy năm nay đã 98 tuổi người còn phương phi, làn da bóng mẩy đỏ au, trí tuệ còn rất minh mẫn, hoạt bát khẳng định với chúng tôi rằng: nghề vôi ở làng có từ lâu đời nhưng trước đây sản lượng làm ra không hiều, nghề vôi chỉ để phục vụ cho một nghề đặc biệt khác là ghề làm giấy bổi. Quả đúng như vậy thì ngày xưa ngã tư Sòng có tiếng sầm uất, trên bến, dưới thuyền thương giao với cả chợ Phiên, vùng Cùa, người Nguồn và xuống tận cửa Việt Yên đi nữa thì đa phần nhà dân, kể cả nhà giàu đều là nhà tranh vách đất. Lâu lâu trong vùng mới có vài nơi xây chùa chiền, đình làng, đình chợ thì lấy đâu ra tường nhà xây như bây giờ để quét vôi, tiêu thụ sản phẩm vôi? Cũng theo cụ ông Nguyễn Nậy cho biết, nghề làm giấy bổi, tôi vôi ở Phổ Lại bây giờ là do người làng Tuy Đợi, gốc gác ở Quảng Bình đưa vào. Lúc mới đến lập nghiệp ở đây, họ đổi tên làng là làng Tuy An. Tuy An làm giấy nên có tên gọi là Phường Giấy. Gần đây Tuy An mới sát nhập với Phổ Lại mới có cái tên là Phổ Lại. Nghề làm giấy Tuy An không cò hoạt động cách đây đã sáu mươi năm nhưng bằng chứng còn lưu lại ở tên gọi chiếu cầu bên nách làng là cầu Phường Giấy. Cầu bắc qua hói Sòng chỉ mấy nhịp cầu tre lắt lẻo, thế nhưng cái tên còn lưu giữ mãi ở vùng quê này thật là thú vị.
2. Nghề giấy bổi:
Giấy bổi được làm ra từ cây gió. Cây gió thu gom ở tận rừng sâu, đầu nguồn do những tộc người Vân Kiều, Pa Cô, Cà Tu cung cấp, đưa về bán ở chọ Phiên Cam Lộ. Từ năm 1555 trở về trước, nghề làm giấy ở làng Phường Lang đã được học giả Dương Văn An ghi nhận trong Ô Châu cận lục: “Giấy làng Phường Lang to hơn bức tường”. Chẳng hiểu lý do gì tiệt tự, nhưng những năm trước 1945, làng còn trồng cây gió và thu gom trong vùng cung cấp cho làng Phổ Lại, bán ở chợ Sòng. Cây gió ngâm với nước vôi, trong cái chả gang lớn chừng hai đến ba trăm lít nước, đun sôi sung sục cả ngày đêm. Mỗi lần đun một chảo lớn như thế phải mất từ mười đến mười hai gánh củi nặng. Đun xong, người ta vớt cây gió ra, rửa sạch nước vôi, đem giả nhỏ. Cây gió xơ, tơi, để lại bột gió. Người ta cho thêm vỏ cây bời lời làm chất dính, giã tiếp với bột gió hòa loãng ra. Đổ nước loãng bột gió và vỏ cây bời lời qua lần lưới thua, nước đọng lại đều tăm tắp trên chiếc khay gỗ có kích cỡ sẵn. Lớp nước loãng ấy khô, bóc lên sẽ có tờ giấy bổi. Đương nhiên với một thao tác vừa tỉ mẩn, vừa chính xác như thế các tờ giấy được chồng lại thành tệp, thành xấp rồi nén chặt cho chúng phẳng lì nhưng không dính vào nhau mới là thủ thuật nghề. Giấy bổi ấy ngày xưa dùng viết chữ Nho nay chúng ta vẫn có thể bắt gặp, tiếp xúc ở những cuốn gia phả. Ai có nhu cầu thì đến đặt hàng. tương tự làng cũng cung cấp giấy cho các làng khác làm quạt và giấy để làm đồ hàng mã, giấy tiền, giấy bạc cúng cho người âm. Không ai dùng giấy ấy để viết văn tự nữa từ khi có chữ Quốc ngữ. Nhiều khi không phải vì công phu (nghề thủ công nào mà không phải công phu) vì giá thành đắt đỏ (cụ Nguyễn Nậy không quy ra được giá thành tờ giấy gió bấy giờ nhưng cứ xem qua giấy vàng mã thì cực rẻ), mà không ai mua, nhưng vì xã hội không có nhu cầu, nên nghề giấy bổi ở làng Phổ Lại mai một rồi chết, nghề phụ là nghề tôi vôi trở thành nghề chính.
3. Nghề tôi vôi:
Như đã trình bày vôi được làm ra từ vỏ hến, nên nghề tôi vôi vốn là nghề của những làng ven sông. Phổ Lại ở vùng trung du, bao quanh chỉ có con hói vắt vẻo trên chiếc cầu tre mang tên Phường Giấy chưa đầy mấy sải chân, chưa nắng đã cạn, chưa mua đã lụt họ phải hợp đồng mua vỏ hến ở thôn Giang Hến và Mai Xá. Những làng này làm nghề cào hến, sau khi đãi hến lấy ruột, vỏ hến giữ lại đóng thành bao, thành bãi như dự trữ thóc, đợi khách quen làng Phổ Lại đến chở đi, giá cả quanh năm ổn định. Chỉ tính riêng ở làng Mai Xá, hàng năm bán từ 400-500 tấn vỏ hến, mỗi kg chừng 500 đồng sản phẩm vôi tôi ra do vậy là đáng kinh ngạc.
Vỏ hến sau khi đưa về, tuy đã sạch nhưng cũng phải chao vút lại cho sạch hơn, rồi trộn với than củi, đưa vào lò đốt liên tục cho đến khi than cháy chết, vỏ hến bạc trắng. Chọn bỏ những vỏ còn sống, người Phả Lại gọi là vỏ sượng và một ít phần than chưa cháy hết (than cặn), đưa vào bể, đổ nước nguội vào, đảo mạnh, hỗn hợp sẽ tự sôi lên sung sục và ta thu được vôi chín sau khi hỗn hợp nguội. Cả hai lần làm sạch trước và sau khi đun sẽ làm cho vôi tinh khiết, không lẫn với vôi sống, lẫn bụi đen, trắng phau, mịn màng. Thợ hồ dùng vôi này không cần lắng lọc, quét lên tường chất lượng như sơn không ố ỉn.
Ở Phổ Lại hiện nay, ngót một phần ba số hộ làm nghề tôi vôi. Lò cá thể của họ đều là lò đúc bằng đất, to nhỏ khác nhau. Một cái bể có dung tích tương ứng với lò xây bằng gạch thô tháp, một chiếc quạt gió hệt như quạt dùng ở lò rèn. Dù làm bằng phương tiện thủ công đơn giản, mỗi ngày cho ra lò ít nhất cũng đượn trên một tạ, nhiều thì năm ba tạ hoặc hơn. cứ 150kg vỏ hến, giá thị trường năm nay khoảng 21.000 đồng sẽ thu được 150kg vôi chín, giá bán sĩ ở chợ Đông Hà sẽ là 105.000 đồng. Tính già dặn mất một công đốt, một công chế biến thu được khoảng 30.000 đồng, một giá công không thể chấp nhận được ở làng quê ít ruộng, năm làm được mỗi một vụ mà sản lượng thấp.
4. Mạo muội mà kết:
Ai bảo “Bạc như vôi?” thì nghề tôi vôi ở Phổ Lại chưa bạc, hàng năm nuôi sống được rất nhiều gia đình làm nghề tôi vôi, chỉ có điều không ai làm giàu lên được ở cái nghề này. Có người bảo rồi đây thị trường sơn sẽ thay vôi, xóa trắng vôi vữa thì tôi vẫn tin vôi còn hiện hữu tuy là nhỏ nhoi dùng để têm trầu. Đâu có trên bàn thờ nghi ngút khói hương của ông bà tổ tiên, còn có tý vôi, cũng như giàn trầu cây cau không hề bị tuyệt diệt trên trái đất này.
T.Đ.T