Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/07/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nghề trồng lúa nước ở Quảng Trị

T

ừ thế kỷ XVIII trở về trước, Quảng Trị đã có truyền thống trồng lúa, mà lúa nước chiếm ưu thế của vùng Thuận Hóa xứ Đàng Trong. Có những huyện trồng lúa nổi tiếng như Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Do Linh…Nhân dân ở các vùng này có nhiều kinh nghiệm chọn giống hợp với vùng đất cho năng suất cao như: lúa Hẻo Vàng, Nhự, Tám, Trĩ thuộc vùng đất Vĩnh Linh; lúa Xá, Chiện, Xung, Nhé, Viên, Bát Nguyệt…thuộc vùng Triệu Phong, Hải Lăng. Có những giống lúa nếp: Kỳ Lân, Hương, Trầu, Nứa, Cau, Hương Bầu, Sáp, Đen…đều thích hợp ở vùng đất của ba huyện trên. Đặc biệt Vĩnh Linh có giống lúa nếp Kỳ Lân, hạt tròn, màu đỏ sọc, có râu, gạo trắng, ngọt thơm. Loại nếp này hàng năm thường đem cống nạp cho nhà Vua.

   Nhờ phát triển nông nghiệp, ưu tiên là cây lúa nên đời sống nhân dân được giữ vững và vượt qua những năm tháng giáp hạt. Truyền thống trồng lúa ở Quảng Trị được sử sách ghi lại rằng:

   “…Các huyện phủ Triệu Phong lúa nếp có thứ tên là nếp Mây, có thứ tên là Kỳ Lân, mùi thơm, chất dẻo, tháng 9 gieo mạ, tháng 11 cấy, đến tháng 4 năm sau thì gặt. Ruộng thì cấy vào tháng 12; có thứ nếp Hương Bầu, hạt gạo lớn, vị ngon thơm; có thứ tên là nếp Ông Lão, cũng gọi là nếp âu, thơm và dẻo, đều cấy tháng 5 và gặt tháng 9. Giống lúa tẻ thì có thứ tên là lúa Sá, hột gạo đỏ, tháng 11 cấy, tháng 4 gặt; có thứ tên là lúa Chiên, hạt to mà đỏ, tháng 11 cấy, tháng 3 gặt; có thứ tên là lúa Hẻo, hợp với ruộng cao, có hai hạng đỏ và trắng; có thứ tên là lúa xung, hạt hơi đỏ hợp với ruộng sâu, đều cấy tháng 11, gặt tháng 4; có thứ gọi là lúa Nhé, hợp với ruộng cao, hột nhỏ và dài, rất thơm, nửa tháng 10 cấy, nửa tháng 3 gặt; có thứ tên là lúa Tám, hợp với ruộng cao, hột nhỏ, sắc xanh trắng, vị ngọt, thơm, tháng 5 cấy, tháng 8 gặt; có thứ tên là lúa Đốc, hột gạo to mà đỏ, vị đặm, rất thơm, tháng 5 cấy, tháng 8 gặt; có thứ tên là lúa Viên, cũng gọi lúa nước mặn, hợp với ruộng sâu, hột to, tháng 12 cấy, tháng 4 gặt; có thứ tên là lúa Bát Nguyệt, tháng 5 cấy, tháng 8 gặt.

   …Huyện Minh Linh các thứ lúa nếp mùa hạ có thứ tên là nếp Bò, lúa vàng, gạo trắng, hột to mà thơm dẻo, tháng 11 cấy, tháng 4 chín; có thứ tên là nếp Mít, lúa gạo đều trắng, hột nhỏ mà cứng, tháng 11 cấy, tháng 2 chín; có thứ tên là nếp Ông Lão cũng gọi là nếp râu, lúa trắng có râu, gạo tròn lớn mà thơm dẻo, tháng 11 cấy, tháng 4 chín. Các thứ lúa Tẻ có thứ tên là lúa Ba Bả, lúa đỏ, vỏ mỏng, hột tròn, gạo vàng, không mọt, có thể chứa lâu, làm cơm thì dẻo, tháng 11 cấy, tháng 3 chín; có thứ tên là lúa Chiện, gạo đỏ, thơm dẻo rất mau chín, tháng 11 cấy, thang 2 chín. Nơi đất thấp thì cấy lúa Ba Bả, nước mặn cũng cấy được, nơi khô ráo thì cấy lúa Chiện. Có thứ tên gọi là lúa Nước Mặn, thóc gạo đều đỏ, hợp với chỗ nước mặn và chỗ nước hai (lợ), tháng 11 cấy, tháng 3 chín, nấu cơm thì cứng. Vụ thu các thứ lúa nếp có thứ tên là nếp Trứng, thóc đỏ, hạt dài, gạo trắng, hợp với đất thấp, tháng 5 cấy, tháng 9 gặt. Các thứ lúa tẻ, có thứ tên là Chăm bạc, hợp với đất thấp, thóc vàng, gạo trắng; có thứ tên là lúa Chăm xa, Chăm hót, thóc gạo đều vàng, tháng 5 sau tết Đoan Ngọ thì cấy, tháng 8 gặt; có thứ tên là lúa Vãi, hợp với đất khô ráo, không hợp với ruộng nước, cày qua rồi vãi, lại bừa qua là mộc, thóc đỏ gạo trắng mà dẻo, tháng 5, tháng 6 vãi, tháng 9 chín.

   ...Tổng Bái trời và xã Mai Xá thuộc huyện Minh Linh, có thứ lúa tẻ tên là lúa Hẻo, lúa vàng, tháng 11 cấy, tháng 3 chín, hột gạo nhỏ, dài, trắng, vị ngọt; có thứ tên là lúa Nhự, thóc có râu, gạo hơi to mà trắng; có thứ tên là lúa Tám thóc đỏ, gạo xanh trắng; có thứ tên là lúa Trĩ, gạo nhỏ mà trắng, tháng 5 cấy, tháng 11 chín, đều vị thơm, ngọt; có thứ tên là lúa Bánh Lá, gạo nhỏ mà trắng, tháng 5 cấy, tháng 10 chín dẻo mà không thơm. Giống lúa nếp thì có thứ tên là Bầu Hương, gạo tròn trắng; có thứ tên là nếp Bột, thóc đỏ gạo trắng, hột to, cấy tháng 11, gặt tháng 3; có thứ nếp tên là Kỳ Lân, tròn, lớn, có râu, thóc đỏ, gạo trắng, tháng 5 cấy, tháng 10 chín cũng đều ngọt, thơm, đều để cung vào nội trù... Hỏi thì địa phương nói rằng lúa tẻ thì năm giống: Hẻo, Vàng, Nhự, Tám, Trĩ, chỉ đất tổng này là hợp, còn nơi khác đất không màu mỡ thì cấy không thành bông...” (Phủ biên Tạp Lục trang 377, 378, 379 NXB Khoa học – 1964).

   Những dẫn chứng nêu trên cho thấy, ông cha ta ngày trước đã có kinh nghiệm trong sản xuất lúa, tạo ra những giống lúa mới, ngắn ngày: 6 tháng, 5 tháng, 4 tháng ổn định, chịu hạn, chịu kháng rầy tốt trên đồng ruộng Quảng Trị này.

   Bước sang thời đại chúng ta, mà đặc biệt từ khi có cuộc cách mạng xanh được phát triển trên thế giới đến nay, thành tựu khoa học ứng dụng cho cây lúa được nhiều quốc gia chú ý. Những năm gần đây, Nhà nước ta đã chú trọng trong việc áp dụng tiến bộ khoa học trong nông nghiệp mà mũi nhọn là tạo ra được những giống lúa ngắn ngày năng suất cao. Nhiều chính sách khuyến nông thích hợp, nhất là nghị quyết Trung ương lần thứ X ra đời đã làm thay đổi căn bản nông thôn toàn quốc không những sản xuất lúa gạo đủ ăn cho nhân dân trong nước còn xuất khẩu hàng triệu tấn ra nước ngoài.

   Đối với Quảng Trị, việc áp dụng tiến bộ khoa học vào đồng ruộng, đã có từ những năm trước đây. Các giống lúa cũ dài ngày năng suất thấp được thay thế bằng những giống lúa ngắn ngày năng suất cao, đặc biệt sau những năm lập lại tỉnh Quảng Trị, việc đầu tư tiến bộ khoa học vào trong nông nghiệp được chú ý. Cơ cấu giống lúa mới chủ lực trên đồng ruộng tỉnh ta hiện nay là: YR38, 13/2 vụ Đông Xuân; CR203, MTL61, CN2 vụ Hè Thu trên vùng ruộng Hải Lăng, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị. Giống VN10, một ít IR38, 13/2 vụ Đông Xuân; CR203, MTL61 vụ Hè Thu trên đồng ruộng Vĩnh Linh, Do Linh. Giống 13/2, IR38 và VN10 cho vụ Đông Xuân; CR203 vụ Hè Thu trên vùng đất Đông Hà, Cam Lộ. Giống IR38 và giống địa phương cả hai vụ cho vùng đất huyện Hướng Hóa. Chỉ tính năm 1990 đến vụ Đông Xuân 1992, tỉnh ta đạt năng suất lúa tương đối khá:

   - 1990: diện tích 35.085 ha, năng suất bình quân 19,85 tạ/ha, sản lượng đạt 82.216 tấn.

   - 1991: diện tích 40.626 ha, năng suất bình quân 25, 49 ha, sản lượng 105.878 tấn.

   - Đông Xuân 1992, diện tích 20.095 ha, năng suất bình quân 31.41  tạ/ha. Sản lượng 63.103 tấn. Vụ Hè Thu 1992, cấy xong gặp thời tiết tốt, lúa phát triển đều, đưa sản lượng lúa cả năm lên 120.000 tấn.

   Để thực hiện thắng lợi mục tiêu 15 vạn tấn lương thực đến năm 1995, ngay từ những năm 1993-1994, tỉnh áp dụng mọi biện pháp khoa học vào trong nông nghiệp để mở rộng các giống lúa có triển vọng nhân đại trà trên đồng ruộng Quảng Trị như: DJ10, C71, CB44...v.v.. Mặt khác thực hiện chương trình khuyến nông đồng bộ rộng khắp tạo đà, tạo thế cho nông nghiệp phát triển toàn diện như làm mô hình khảo nghiệm, trình diễn, giống, bảo vệ thực vật, thâm canh tăng vụ, tạo cho nông dân hiểu rõ đặc tính từng giống lúa. Bên cạnh tỉnh đầu tư cho nông dân vay vốn mua giống mới, củng cố hệ thống giống, nên đến năm 1995 đã vượt chỉ tiêu 15 vạn tấn lương thực.

   ...Trong 5 năm (Từ 1996-2000), tỉnh Quảng Trị đã đưa vào khảo nghiệm 10 loại giống lúa mới, trong đó đã chọn ra 6 loại có tiềm năng triển vọng nhân rộng ra nhiều địa bàn trong tỉnh. Nếu đặt mốc 1995, xác định giống mới là 0%, thì đến năm 2000, tỉ lệ giống mới chiếm 50% và duy trì 6 loại giống chủ lực năng suất cao tăng 25% so với giống cũ. Diện tích sản xuất giống lúa mới chiếm 60 % trên phạm vi áp dụng toàn tỉnh. Nhờ vậy, sản lượng lương thực năm 1999 tăng 31% so với năm 1995. Kết quả tổng sản lượng lương thực quy thóc là 198.916,8 tấn, đạt 145,08% so với năm 1998. Đây là năm sản lượng lương thực cao nhất kể từ ngày lập lại tỉnh Quảng Trị. Sở dĩ đạt được kết quả năng suất sản lượng cao đối với giống lúa mới trên đồng ruộng Quảng Trị, trước tiên là yếu tố thời vụ. Thời vụ là trục xoay chính của các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất 2 vụ lúa. Các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh, một số hợp tác xã nông nghiệp Do Quang, Do Mai (Do Linh) là những đơn vị thực hiện tốt lịch thời vụ. Yếu tố thứ hai là chất lượng giống đóng góp quan trọng bậc nhất trong việc nâng cao năng suất lúa. Năm 1999, tỉnh Quảng Trị áp dụng 90% lượng giống chất lượng cấp 1, có độ thuần cao, chống chịu sâu bệnh, trổ chín tập trung, cho năng suất sản lượng cao và đồng đều như X21, XI23, Khang dân, NX30 mới, cho 7-8 tấn/ha vụ (của viện khoa học Việt Nam). Ngoài ra yếu tố chọn phân bón và cách bón phân giữ vai trò không nhỏ trong năng suất lúa. Đặc tính chất ruộng Quảng Trị đa phần đất chua phèn cao (độ PH từ 4 - 4,5), nên chỉ dùng phân lân Ninh Bình là phù hợp bởi nó có thể cung cấp cho đất 30% lượng vôi và các nguyên tố vi lượng giúp cho đất bổ sung được sự thiếu hụt do cây trồng lấy đi hàng năm. Mặt khác làm cho cây sinh trưởng, phát triển tốt, tăng cường khả năng chống chịu sâu bệnh, cho năng suất, chất lượng cao; kết hợp sử dụng phân N-P-K đa dinh dưỡng 10-10-5 bón đại trà góp phần tăng năng suất chất lượng đáng kể. Thực hiện thay đổi quy trình bón phân: Trước đây quy trình bón lót 50%, bón thúc đợt một 30%, bón đón đồng 20%. Nay thực hiện quy trình mới, bón lót 70%, bón nuôi đồng 30%, tạo điều kiện thâm canh cây lúa ngay từ đầu, lúa sinh trưởng phát triển tốt, vượt qua được giai đoạn rét đầu vụ, hạn chế sâu bệnh, cho năng suất cao. Bên cạnh phải điều chỉnh hợp lý lượng giống và mật độ gieo cấy phù hợp từng chân ruộng cho từng loại giống. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất lúa, nên năm 1999, ở Hải Lăng vụ Đông Xuân 1998-1999, đạt 48 tạ/ha (tăng 7,6 tạ/ha so với vụ Hè Thu 1998)...

   Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học vào đồng ruộng, nên Quảng Trị không những giải quyết được lương thực tại chỗ mà còn góp phần ổn định kinh tế - xã hội, cung cấp lúa hàng hóa đồng thời là chỗ dựa vững chắc cho ngành nghề nông thôn. Kết quả ấy là sự gắn chặt vai trò quản lý điều hành sản xuất của lãnh đạo tỉnh, của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn và sự nỗ lực vượt bậc của hàng vạn bà con nông dân Quảng Trị.

   Tuy nhiên một số địa phương thiếu mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống, thực hiện lịch thời vụ không nghiêm, công tác quản lý chất lượng và đăng ký kinh doanh dịch vụ giống chưa được tiến hành một cách chặt chẽ nghiêm túc, hệ số an toàn trong sản xuất chưa cao, an ninh lương thực chưa chắc chắn.

   Rút từ kinh nghiệm này để chỉ đạo các vụ sản xuất tới. Hy vọng vụ Đông Xuân 1999-2000 và năm 2000, dưới sự chỉ đạo của tỉnh, của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Trị sẽ đưa sản lượng lúa của tỉnh ta năng suất cao hơn nữa.

H.T

Hữu Tiến
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 73 tháng 10/2000

Mới nhất

Tạp chí Cửa Việt - 35 năm một chặng đường

28/06/2025 lúc 16:18

Ngày 28/5/2025, Tạp chí Cửa Việt tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm tạp chí ra số đầu tiên và gặp mặt cộng tác viên năm 2025. Tại buổi lễ, Phó Tổng biên tập phụ trách Hồ Thanh Thọ đã có bài phát biểu khai mạc...

Vùng trời hoa sim

26/06/2025 lúc 23:29

Những triền sim tím đồi xaBềnh bồng nâng gót mùa qua lặng thầm

Hương xưa; Nắng sớm

26/06/2025 lúc 23:27

Hương xưa… Ta về tìm lại hương xưa

Giấc mơ đồng bằng; Về xanh trong gió thơm

26/06/2025 lúc 23:24

Giấc mơ đồng bằng Gọi em đêm qua tôi mơ

Ngủ giữa gió sông quê

26/06/2025 lúc 23:22

Hôm ấy gió sông thổi về lồng lộng. Lửa nương theo bàn tay của gió vồ lấy mái bếp, tỏa ngọn nghi ngút trên đống củi khô, tràn qua ô cửa vương tơ nhện và bụi mờ.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/07

25° - 27°

Mưa

04/07

24° - 26°

Mưa

05/07

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground