Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nghĩ về nghề từ một chuyến đi

N

hư một tất yếu: Khi đã cùng sống, cùng sẻ chia trong gian khó thì sự cảm thông và gắn bó thường rất sâu đậm. Ta gặp điều đó khi nhà thơ Hữu Thỉnh viết bài thơ tặng thầy mình nhân ngày 20 - 11, có đoạn:

… Đời mau quá, tóc thầy khói phủ

Giáo án mong manh, bão giật đời thường

Cây trước cửa, gió ở ngoài trang vở

Thầy một mình vật vã với văn chương

Đang mưa bão, đường về ngập nước

Giở trang Kiều thầy giảng, chạnh lòng đau!

Thương cái đau của Thúy Kiều, từ sự liên tưởng, nhà thơ “chạnh lòng đau” cho thầy mình giữa đêm lạnh “vật vã” với giáo án cùng những gian khó thường nhật. Tôi không có vinh dự được dạy nhà thơ nhưng cũng là thầy giáo ở thời điểm nhà thơ Hữu Thỉnh là học trò nên với những gì đã trải nghiệm, tôi hiểu được nỗi lòng của thế hệ học sinh “mang mũ rơm đi học trên đường dài” của bốn mươi sáu năm trước. Đúng là đã có “một thời bom đạn”, “khoai sắn qua ngày” mà tình thầy trò thật đẹp!

Tháng 11 năm nay, trong tâm trạng đó, tôi háo hức vượt hơn 700km để về dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập của trường cấp 3 Hạ Hòa – Phú Thọ. Đây là nơi tôi đã dạy và cũng đã học được rất nhiều điều quý giá. Với tôi đây là nơi gắn với hai sự khởi đầu to lớn: Khởi đầu nghề nghiệp với những kỷ niệm sâu sắc và khởi đầu cuộc sống gia đình với những kỷ niệm ngọt ngào. Vì vậy tôi xem mảnh đất trung du này là “quê hương thứ hai” hay nói như Chế Lan Viên:

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn

Quả thật: Tình đồng nghiệp, tình thầy trò và tình dân đã là một tài sản tinh thần quý giá “kết tủa” trong tôi, một động lực cho tôi đi tới trong những năm tháng sau đó khi đi B, đi K và làm các công vụ khác nhau. Năm tháng đã không thể xóa nhòa kí ức đó.

Ở tuổi đời 50, trường đã có những đóng góp to lớn nên Nhà nước đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Từ mái nhà chung này, hàng vạn học sinh đã bước vào cuộc sống, không ít em đã trở thành cán bộ cao cấp, tướng lĩnh, nhà khoa học, danh nhân tên tuổi và biết bao em khác đang là cán bộ, chiến sĩ, người lao động xuất sắc, tin cậy trên các mặt trận. Nửa thế kỷ với một mái trường bị bom Mỹ đánh sập 1965, rồi mười năm phải vượt sông sơ tán vào tận chân núi và rồi mái trường cao tầng to đẹp hôm nay, có biết bao điều xúc động tại nơi này. Lễ kỷ niệm đã được tổ chức trang trọng và thấm đẫm nghĩa tình. Trong hai ngày lưu lại mái trường xưa, tôi được dự nhiều hoạt động và nhiều cuộc tiếp xúc. Đã có thật nhiều xúc động mà cho đến lúc cầm bút viết những dòng này vẫn còn nóng hổi trong tôi. Vì “Niềm vui được chia sẻ là niềm vui được nhân đôi” nên tôi muốn thuật lại một số điều lắng đọng để bộc bạch với mọi người mà chủ yếu là với các đồng nghiệp và học sinh thân thiết của mình.

1 - Trước lễ một ngày, nhà trường tổ chức viếng Đền Mẫu Âu Cơ. Sau 43 năm trở lại nơi này, trước mắt tôi ngôi đền nhỏ, đơn sơ ngày trước nay đã là khu đền lớn (2 ha) đẹp và trang trọng. Theo cổ sử, Mẹ Âu Cơ đã chọn Hạ Hòa làm nơi cư trú, nuôi dạy khôn lớn năm mươi người con trai để rồi họ góp phần làm nên thời kỳ lịch sử Hùng Vương sáng chói. Đền thiêng đã có ba lần được sắc phong của Triều Lê và Triều Nguyễn. Tôi cùng các học sinh cũ mà tôi chủ nhiệm bốn mươi sáu năm trước kính cẩn dâng hương, vái lạy người Mẹ Dân Tộc. Lòng tôi dâng lên niềm tự hào khi nghĩ rằng: Không mấy nước có huyền thoại về người Mẹ chung của cả dân tộc để rồi mỗi con dân Đất Việt dù ở bất kỳ đâu cũng là “đồng bào” (cùng từ một bào tại). Nên đoàn kết dân tộc đâu chỉ là yêu cầu chính trị mà còn là đạo lí, là tình cảm tự nhiên của mỗi người. Tôi nói với các thầy ở trường cùng đi “Ở bên cạnh Đền Mẫu, phải chăng đang có một sự tương đồng về sứ mạng khi nhà trường đang đào tạo một thế hệ cho sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước”. Các thầy rất đồng tình, trả lời: “Vì thế mà trước các hoạt động lớn của trường, chúng em thường làm lễ viếng ở đây”. Tôi tự nói với mình: Thì ra lịch sử về phương diện nào đó là lịch sử đào tạo các thế hệ Người để rồi kế tục nhau làm phận sự của mình với Tổ quốc. Quả có lý khi xem “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Niu – tơn đã từng nói, đại ý: Thế hệ sau được đứng trên vai thế hệ trước để nhìn xa hơn, phát triển cao hơn. Vinh quang của nghề dạy học trước hết vì chúng ta dùng “đôi vai” của mình làm “điểm tựa” để thế hệ sau bay cao hơn, xa hơn. Tôi đã nghĩ như vậy khi đứng trước Đền Mẹ Âu Cơ.

2 – Tối hôm đó, tôi quyết định đi thăm một số em mà theo các bạn là “khó khăn nhất” trong số học sinh cũ của tôi. Bốn mươi sáu năm trước các em là những học sinh ngoan, chăm học, có em được tập thể tín nhiệm bầu làm cán bộ Đoàn (lúc ấy tôi là Bí thư Đoàn trường). Trong bốn mươi ba năm xa cách, tôi hình dung về các em nếu không thành đạt thì cũng phải vào loại khá. Nhưng trước mặt tôi hôm nay là những khuôn mặt khá gầy, có phần yếu với cái tuổi ngoài 60 của mình và đặc biệt là có em sống độc thân – không chồng - không con và có em quá thiếu thốn. Nhìn và hình dung về cuộc sống của các em, tôi thấy lòng nao nao thương cảm và xuất hiện một nỗi buồn man mác trong lòng. Sợ các em buồn, tôi không dám hỏi nguyên nhân. Nhưng qua các bạn cùng lớp cũ, tôi được biết các em bị lỡ làng quá nhiều, từ việc học đến chuyện lập gia đình và rồi với khó khăn của gia cảnh, những cơ hội cứ tuột dần khỏi tay. Các em đến dự lễ và chủ động đến thăm tôi một cách thân tình. Nghĩa là các em hoàn toàn không trách cứ gì nhà trường và các thầy cô. Trong cuộc sống đúng là ở bất kỳ đâu cũng có một số cá biệt gặp những rủi ro như vậy. Vậy mà tôi cứ trằn trọc với câu hỏi: “Không biết có điều gì cần làm cho các em lúc ấy mà nhà trường và thầy cô đã không làm hoặc không kịp làm không? Nếu là không thì chí ít cũng cần thấy: Chúng ta không làm điều gì sai trái nhưng đã không thành công khi hình thành cho các em một khả năng đủ lớn để vượt qua thách thức”. Chia tay các em, tôi lặng lẽ nghĩ: Cũng như bao nghề khác, nghề thầy có thành công mà cũng có chưa thành công; có kỷ niệm vui và cũng có kỷ niệm buồn. Người thầy không trực tiếp quyết định được số phận của mỗi học sinh nhưng dấu ấn để lại trong đời họ khá rõ nét. Vì thế khẳng định tính cao quý của nghề là đúng nhưng cũng cần nhấn mạnh trọng trách khi dạy người.

3 – Hôm sau trên đường về, tôi đi cùng xe với bốn học sinh cũ. Trong số đó có một em là nhà khoa học Nông nghiệp. Em đã học đại học và lấy bằng tiến sĩ ở Liên Xô, đã được phong PGS. Sau khi dạy đại học em về Bộ Nông nghiệp làm Giám đốc Trung tâm tư vấn về chuyển giao công nghệ. Trong số học sinh cũ, rõ ràng em là người khá thành đạt. Em đã nghỉ hưu và nay ở tuổi sáu mươi tư đang sử dụng tri thức của mình đi giúp đỡ các tỉnh phát triển nông nghiệp. Đến nhà em, tôi nói: “Thầy ghen với em đó, vì sáu mươi tư tuổi rồi mà còn được chăm sóc mẹ chín mươi chín tuổi”. Em cười thật hiền, đáp: “Thầy nên nói là ghen với em vì sáu mươi tư tuổi rồi mà vẫn được mẹ chăm mới đúng”. Bên ấm trà, trong không khí ấm áp cùng gia đình, em tâm sự: “Từ 1968 sang Liên Xô học đến hôm nay, em vẫn nhớ như in hình ảnh thầy say sưa, hùng hồn giảng cho bọn em về “Dáng đứng Việt Nam”. Không biết em có “dáng đứng” đó không nhưng quả thật là hình ảnh anh Trỗi, chị Sứ, những người cộng sản bất khuất trong ngục tù Côn Đảo luôn luôn cổ vũ, thôi thúc chúng em. Rồi em nói tiếp: “Sau khi nghỉ hưu em đã đi giúp quê em, các tỉnh phía Bắc, mấy tỉnh Tây Nguyên; sắp tới, em muốn vào Quảng Trị vì đây là mảnh đất anh hùng nhưng đau thương và cũng là quê hương của thầy mình. Có thể em không làm được điều gì lớn nhưng sẽ cố gắng làm cho được một số việc hữu ích”. Tôi vốn có thói quen là rất thiện cảm với những ai thiện tình với quê mình nên tôi vừa mừng cho em về thành đạt và cũng rất cảm kích trước câu nói ân tình đó. Tôi nghĩ cuộc đời sẽ thú vị biết bao khi những điều tốt đẹp được giữ gìn và được sinh thành trong tiến trình đi tới. Vì sắp tới ngày 20/11, em nhất quyết mời tôi đi ăn cơm chia tay. Vừa bước lên xe thì em có điện thoại, nghe xong em nói: “Đó là Hưng – sinh viên em dạy ngày trước nay là Tiến sĩ đang dạy tại trường. Hưng lại thiết tha mời em đi ăn cơm (có lẽ cũng vì sắp 20/11). Vậy ta đến đó thầy nhé”. Đến nơi mới biết, thì ra người mời là một cô sinh viên đã là Thạc sĩ mà thầy Hưng dạy mời cơm. Cô thạc sĩ trẻ tươi cười với cốc bia trên tay thân tình nói với tôi: “Thầy dạy thầy Vinh, Thầy Vinh dạy thầy Hưng và thầy Hưng dạy em. Trong đạo nghĩa thầy trò em xin mời và chúc mừng 3 thầy”. Thật ngẫu nhiên nhưng là sự ngẫu nhiên hạnh phúc nó chứa đựng vẽ đẹp của tình nghĩa thầy trò.

4 – Trong ngày ở Hà Nội, tôi và bốn em học sinh cũ đi thăm hai thầy cùng dạy trước đây đang lâm bệnh nặng. Người thứ nhất là thầy Hiệu trưởng ngày đó nay đã tám mươi ba tuổi vừa bị xuất huyết não. Thầy gầy và đã quá yếu, nhưng vẫn rất tỉnh táo và đầy nghị lực. Thầy nói với sự bình tĩnh vốn có: “Mình rất thanh thản – nếu có đi sẽ đi trong sự thanh thản đó. Bởi vì về gia đình, các cháu đã trưởng thành; về nghề nghiệp, gần sáu mươi năm mình đã tận lực cống hiến”. Nhưng khi nắm tay chúng tôi thì nước mắt thầy tràn ra, chắc chắn là thầy xúc động lắm. Người thứ hai là thầy dạy Sử, là người bạn thân nhất thời cùng dạy của tôi. Thầy đã bảy mươi sáu tuổi, bị bệnh tim và nay phổi đã xẹp đang phải mệt nhọc thở ô xy. Nước mắt thầy trào ra, môi liên tục mấp máy nhưng không phát được thành tiếng. Chúng tôi hiểu là thầy muốn nói rất nhiều nhưng không thành lời được. Năm chúng tôi đều ý thức rằng sự xúc động mạnh sẽ rất nguy hại cho hai thầy nên đã cố tự kiềm chế nhưng rồi mắt cứ nhòa đi và lệ chảy… Chúng tôi chào tạm biệt hai thầy trong một tâm trạng buồn. Đứng trước sân của nhà cấp cứu bệnh viện Việt Xô, tôi trấn tĩnh nói với các em: “Các em biết không, đã có hai loại nước mắt đấy – Còn nước mắt của chúng ta là nước mắt của thương cảm. Nước mắt của hai thầy là nước mắt của hạnh phúc khi ở giờ phút này được nắm bàn tay ấm áp của đồng nghiệp và học trò”. Rồi tôi lại nói tiếp như một dòng suy nghĩ: “Có một điều nhiều người đã nói, thầy cũng đã hơn một lần nói nhưng chính giờ phút vừa qua làm thầy thấm thía quá. Đó là: Có nhiều thứ quý nhưng có gì quý hơn tình người – có lẽ đó là thứ quý nhất, đẹp nhất và cũng sang trọng nhất nữa. Điều đó chỉ có thể có khi ta sống với sự trong sáng nhất của chữ Tâm vậy”. Lên xe ra về, cả năm chúng tôi đều yên lặng, mỗi người đều đang theo đuổi suy nghĩ của riêng mình…

5 – Tiễn tôi về lại Quảng Trị, gần ba mươi em học sinh cũ ở Hà Nội (hầu hết đã nghỉ hưu) tổ chức một buổi gặp với lí do: Ngày 20/11 không gặp được thầy. Nhớ lại những ngày tháng gian khổ thời chống Mỹ rồi đối chiếu với sự trưởng thành của các em hôm nay tôi thấy mừng và xúc động quá. Tôi tự nói với lòng mình: Người ta nói hạnh phúc của người thầy là ở sự phát triển của học trò – điều ấy thật đúng. Trước mắt tôi là các em đã lên ông, lên bà nên tôi nảy ra đề xuất mới “Từ nay, thầy đề nghị các em gọi thầy là “anh” cho gần gũi”. Một em nữ (là nhà báo) đáp ngay: “Xin thầy đừng bắt chúng em làm điều trái với lòng mình. Chúng em hiểu, chữ “Thầy” không đồng nghĩa với quyền lực, càng không đồng nghĩa với tiền bạc. Khi chúng em gọi  “Thầy”, đằng sau đó là tình cảm kính trọng và biết ơn; và khi thầy xưng “Thầy” là cả yêu thương và trách nhiệm. Vì vậy xin thầy rút lui ý kiến”. Cả tập thể vỗ tay và “ra nghị quyết” phản đối. Tôi lặng đi trong xúc động và rồi bộc bạch chân thành với các em: “Điều hạnh phúc lớn của người về hưu là sự thanh thản. Mười một năm thầy nghỉ hưu, một trong các nhân tố quan trọng làm nên sự thanh thản trong thầy là kỷ niệm tốt đẹp về những ngày dạy học và tình cảm của các em đó. Thôi, thì thầy xin rút lui đề xuất này”. Các em ùa tới, em thì tặng hoa, em thì tặng quà… Tôi thấy thật hạnh phúc với nghề “Trồng người” giàu đạo lý và tình thương mà mình là một thành viên.

6 – Ngày tôi trở lại Đông Hà là ngày Hội Cựu giáo chức tỉnh tổ chức kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam. Trong buổi đó, Hội chúc thọ các vị cựu giáo chức ngoài tuổi tám mươi và trao quà tặng cho các cựu giáo chức có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Được dự, tôi rất cảm kích với việc làm của Hội và là người đã từng hoạt động trong một tổ chức xã hội nên tôi hiểu Hội phải xoay chạy vất vả lắm mới chu tất được công việc của nghĩa tình này. Tại đây, tôi được một người bạn già cho bài thơ của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi viết tặng thầy mình là giáo sư Hoàng Như Mai. Tôi cũng là học trò của thầy Mai nên say sưa đọc. Thế là trong bốn ngày tôi đã ở hai vị thế: Ba ngày trước là thầy để tiếp nhận tình cảm của học trò còn hôm nay là học trò hướng tâm về thầy cũ của mình. Tôi đồng cảm sâu sắc với nhà thơ khi anh nói: Thầy gắn bó với mình suốt đời.

Cái giọng nói một đời không quên được

Cái ánh lửa cháy lên trong cặp mắt

Suốt bao năm rồi ấm mãi trong lòng con.

Và thật sự chia sẻ với anh về nỗi niềm khi thầy trò tái hợp:

Con ngước lên gặp ánh mắt thầy

Đầm ấm quá, con thành trẻ nhỏ.

Cho nên anh hoàn toàn đúng khi khẳng định:

Con nghe rất nhiều trong lặng im

Thầy thấu cả những điều con chưa nói

Phút giao cảm thầy là tia nắng rọi

Con – cây xanh đang nẩy lộc trong đời

Là một học trò không biết làm thơ, tôi cảm ơn các nhà thơ đã viết những bài thơ nặng trĩu nghĩa tình của các thế hệ trò – trong đó có tôi để dành cho những người thầy kính yêu của mình. Cũng là một người làm thầy, tôi cảm ơn các lớp học sinh đã dành cho tôi và các đồng nghiệp của tôi tình cảm tốt đẹp khi đang dạy cũng như giờ đây đã là cựu giáo chức. Trên cả hai vị thế đó, tôi hiểu rằng: Tình cảm thầy trò phải đi từ tấm lòng của cả hai phía và nó là tài sản tinh thần quý giá của thầy và cũng là của trò. Nói cách khác, đó là quà tặng ngọt ngào rất đổi tự nhiên của cuộc sống dành cho hai chủ thể của trường học: Người dạy và Người học vậy.

Tiếc rằng, gần đây đã có một số hiện tượng không hay, không đẹp trong quan hệ này. Nhưng đó là hiện tượng cá biệt của một bộ phận rất nhỏ do ngộ nhận hoặc lệch lạc trong nhận thức về giá trị. Môi trường trường học vẫn là môi trường lành mạnh. Quan hệ tốt đẹp Thầy – Trò vẫn là hiện thực phổ biến. Rất nhiều người đã nghĩ như nhà thơ Hữu Thỉnh từng nghĩ “Và em tin, qua cay đắng vẫn tin” (Trong bài thơ trên.) Tin rằng: Cái đẹp về bản chất không gắn với mục tiêu vụ lợi là cái đẹp vĩnh hằng.

Riêng tôi, đã từng tin và qua chuyến đi vừa qua lại càng tin rằng: Tình cảm tốt đẹp Thầy – Trò được khẳng định từ bao đời không những sẽ được giữ gìn mà còn được phát triển với những nét đẹp mới. Và đó sẽ là một đóng góp quan trọng cho việc xây dựng một xã hội lành mạnh, dân chủ, văn minh và hướng thiện mà tất cả chúng ta đang hướng tới.

T.S.T

 

TRƯƠNG SĨ TIẾN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 208 tháng 01/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground