Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ngôi trường của chúng tôi

T

ôi không rõ ngày ấy những bạn cùng lớp 8D với mình có bao nhiêu người mơ ước trở thành kỹ sư, bác sĩ, nhà báo, nhà văn? Riêng tôi cứ mơ ước âm thầm và nồng nhiệt rằng mình nhất định sẽ trở thành một giáo viên dạy văn. Mười sáu tuổi ai cũng tóc xanh, mắt biếc, còn là học sinh cấp III trường huyện. Tự hào lắm!

Trong màn sương hồng kỷ niệm của tuổi mười sáu, trường cấp III còn lưu giữ trong tôi hình ảnh ngôi trường hai tầng toạ lạc trên đồi cao giữa thị trấn Hồ Xá, trước mặt là cánh đồng và dòng sông Sa Lung trong xanh. Trường cấp III Vĩnh Linh ngày ấy, ngôi trường trung học phổ thông đầu tiên của miền Bắc XHCN ở đầu cầu giới tuyến, mang tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của cả một vùng đất. Học sinh của trường không chỉ người Vĩnh Linh mà còn có con em của đồng bào miền Nam từ Thừa Thiên Huế trở ra. Và trong từng giờ học, giọng giảng bài, đọc thơ của các thầy các cô đã thấm vào trí não trong trẻo và da thịt hồng hào của chúng tôi. Ngọn gió nào thổi vào lớp học của chúng tôi cũng nhuốm màu lãng mạn và trong ngọn gió lãng mạn ấy còn nguyên tươi một cuộc chia ly màu đỏ của Nguyễn Mỹ...

Mười bốn giờ ba mươi phút ngày 8/2/1965 máy bay Mỹ dội bom xuống xưởng chế biến chè Bến Hải, xưởng gỗ Lê Thế Hiếu, Trường cấp III và Đài anh hùng. Thầy Lê Duy Minh của chúng tôi, thầy giáo dạy văn giỏi của Trường và tám bạn học sinh đã bị bom Mỹ giết hại. Đã năm mươi năm trôi qua, nhưng tôi vẫn còn nhớ mãi cái khung cảnh bi thương và da diết khi cùng các thầy các cô, bạn bè và phụ huynh đưa thi hài thầy Lê Duy Minh và tám bạn học sinh về nơi an nghỉ cuối cùng.

Ngày thống nhất đã đến 34 năm rồi. Trường cấp III Vĩnh Linh đến mùa thu này tròn năm mươi năm tuổi. Thầy Lê Duy Minh, tám học sinh và trên năm ngàn người dân Vĩnh Linh đã ngã xuống cho cầu Hiều Lương nối nhịp. Có nơi nào trên trái đất này mỗi người dân phải gồng mình gánh chịu trên bảy tấn bom đạn để tồn tại và tái sinh như ở Vĩnh Linh không? Và cũng chưa có một huyện nào được làm nhiệm vụ chiến lược của một đặc khu hơn 20 năm, được Nhà nước phong tặng 23 đơn vị anh hùng, 18 cá nhân anh hùng, được Bác Hồ tám lần gửi thư khen. Mảnh đất nghèo nhưng bao hy sinh và anh hùng đã cùng cả nước làm tất cả để bắt nhịp cầu cắt chia thành những nhịp cầu vui nối liền mãi mãi.

Sau sự kiện máy bay Mỹ ném bom xuống thị trấn Hồ Xá, trong tình trạng cả nước có chiến tranh, để bảo vệ nguồn lực, thực hiện chủ trương của Khu uỷ, trường cấp III Vĩnh Linh chia thành ba phân hiệu sơ tán về học ở xã Vĩnh Trung gọi là phân hiệu 1, Vĩnh Long phân hiệu 2 và Vĩnh Tân phân hiệu 3. Bạn bè cùng lớp mới quen biết nhau qua một học kỳ nay lại phải chia tay, nên ai cũng lưu luyến, bịn rịn. Tôi nhớ mãi hình ảnh Nguyễn Thị Bích Hải cứ ôm lấy Nguyễn Thị Nghĩa một bạn gái cùng lớp người xã Vĩnh Tân vừa cười, vừa khóc trông thật tội nghiệp. Trước khi về Vĩnh Tân, các lớp thuộc phân hiệu 3 phải học nhờ trường trung cấp nông nghiệp huyện tại xã Vĩnh Hoà vào ban đêm. Thế là suốt học kỳ II cứ bốn giờ chiều là học sinh thuộc các xã vùng đông Vĩnh Linh, ăn cơm sớm mang theo đèn dầu đi lên xã Vĩnh Hoà để học. Buổi học ban đêm thường bắt đầu từ 5h30 đến 9h30. Những hôm trời tạnh và có trăng thì không sao, nhưng những lúc gặp trời mưa, đường trơn lại phải leo dốc thì vất vả không tưởng tượng được. Có đêm trời mưa, học xong cả bọn bám vai nhau mò mẫm về đến nhà thì đã 12h đêm. Đấy là chưa kể trường hợp có đứa trượt chân ngã lấm lem cả quần áo, sách vở, đèn dầu, hôm sau phải vào chợ Do mua lại. Có một câu chuyện buồn cười mà đến giờ các học sinh cũ của lớp 8D ngày ấy vẫn còn nhớ là trường hợp Ngô Thị Huệ người cùng làng với tôi, sau khi nghe thầy Tình giáo viên dạy môn Sinh kể câu chuyện khoa học viễn tưởng: “Đầu giáo sư Oen” sợ quá, đêm nào cũng bắt cả bọn đem về tận nhà. Thế là hàng đêm bọn con trai phải thay nhau đưa Huệ về tận ngõ mới thôi. Bù lại, cả bọn chiều nào cũng được ăn ổi, vì nhà Huệ trồng rất nhiều ổi.

Năm học lớp 9, phân hiệu 3 chuyển về xã Vĩnh Tân, sát đường 70 về bãi tắm Cửa Tùng bây giờ. Để chuẩn bị cho năm học mới trong điều kiện chiến tranh, sau khi dựng xong phòng học, lớp nào cũng lao động một tháng để đào hầm hào phòng tránh. Phòng học là những hầm lán sâu một mét, có trần trát bằng đất để tránh bom bi. Hai bên phòng học có những đường giao thông hào ăn liền với hệ thống hầm ếch, hầm chữ A, địa đạo để thầy trò ẩn nấp khi có máy bay ném bom hoặc pháo hạm của Mỹ từ biển bắn vào. Tôi nhớ có bạn đang giờ ra chơi, bất thần pháo hạm của Mỹ từ biển bắn vào, cả lớp ùa nhau chạy xuống giao thông hào để tìm hầm ẩn nấp. Hết đợt pháo kích, mọi người lại vào lớp tiếp tục học thì thấy thiếu hai người là Ngô Thị Huệ và Ngô Thị Thành.  Tưởng hai người có mệnh hệ gì, cả lớp nháo nhào chạy đi tìm. Mãi lúc sau mới phát hiện cả hai người đang cố tìm cách leo lên trong cái giếng cạn của nhà ông thợ rèn. Thì ra vốn đã nhát, khi nghe pháo hạm nổ, cả hai người phát hoảng, không chạy xuống giao thông hào để tìm hầm tránh mà chạy tuốt vào xóm nhà dân và nhảy đại xuống giếng lấp trong vườn nhà ông thợ rèn. Thật là một phen hú vía!

Mặc dù phải sơ tán đi học ở nhiều nơi, học cả ban đêm dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu, học dưới hầm, nhưng được sự dìu dắt dạy bảo của các thầy các cô, cộng với sự nỗ lực vượt khó của mỗi người, nên đến cuối cấp, một trăm phầm trăm học sinh vẫn thi đỗ tốt nghiệp, nhiều người thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trong đó có nhiều người được ưu tiên đi học đại học ở nước ngoài. Năm lớp 10, trường cấp III Vĩnh Linh vẫn tổ chức hai đội học sinh giỏi toán, giỏi văn tham gia thi học sinh giỏi toàn miền Bắc. Tôi, Nguyễn Thị Bích Hải, Dương Quyết, Nguyễn Văn Xuân được chọn vào đội học sinh giỏi văn của trường. Trong kỳ thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc năm 1967, đội học sinh giỏi văn của trường cấp III Vĩnh Linh đạt giải khuyến khích, riêng Nguyễn Thị Bích Hải đạt giải ba. Sau khi tốt nghiệp, Dương Quyết thi vào trường Đại học Hàng hải, Nguyễn Thị Bích Hải thi vào trường đại học Sư phạm Vinh, hiện Hải là phó giáo sư tiến sĩ chủ nhiện bộ môn văn học Trung Quốc tại Đại học Sư phạm, thuộc Đại học Huế. Còn tôi thi vào khoa Ngữ văn, thuộc trường Đại học tổng hợp Hà Nội, ra trường làm báo cho đến giờ chứ không được làm thầy giáo dạy văn như mơ ước từ đầu đời.

Năm lớp 10, do yêu cầu của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, nhiều giáo viên học sinh của trường cấp III Vĩnh Linh phải ra trận. Trong đó nhiều người như thầy giáo dạy tiếng Nga Nguyễn Văn Hân, bạn Phùng Xuân Khoái đã mãi mãi nằm lại ở chiến trường để đến hôm nay trong tôi và bạn bè vẫn còn thắm tươi cái màu đỏ của những cuộc chia ly. Bởi vì, đến giờ tôi vẫn nhớ khung cảnh cả lớp say mê háo hức nghe thầy Lê Duy Minh nói về vẻ đẹp của văn chương, thầy Nguyễn Văn Hân nói về sự phong phú của tiếng Nga và nền văn học Nga, thầy Vũ Hùng dạy chúng tôi phải biết tôn trọng lịch sử và cô Mai người Hà Nội thường kể cho chúng tôi nghe về sự tích gò Đống Đa và chùa Một Cột...

Năm 1987, trong chuyến ra Hà Nội công tác ở Đài tiếng nói Việt Nam, tôi có ghé thăm cô Mai. Cô đã về hưu và vẫn ở vậy, không lập gia đình. Dường như sự ra đi của thầy Hân đã để lại một khoảng trống vắng không gì bù đắp được trong cuộc đời cô. Và điều làm tôi vô cùng ngạc nhiên và xúc động là trên đầu giường ngủ của cô lúc này vẫn treo bức ảnh chụp giáo viên học sinh trường cấp III Vĩnh Linh trong buổi chào cờ đầu tuần. Cô Mai đứng cạnh thầy Hân trông tươi trẻ làm sao!

Năm 1999, trường cấp III Vĩnh Linh kỷ niệm 40 năm thành lập. Đông đủ các thế hệ học sinh của trường đang sinh sống và công tác khắp mọi miền Tổ quốc đã về dự. Và cảm động xiết bao khi gặp lại nhiều thầy giáo cô giáo ở Hà Nội, Thái Bình, Thanh Hoá, Khánh Hoà, thành phố Hồ Chí Minh tuy đã già nhưng vẫn vượt hàng ngàn cây số để trở lại Vĩnh Linh- mảnh đất đầu cầu giới tuyến năm xưa để dự lễ thành lập trường với những người học sinh thân yêu của mình. Nhiều mái đầu của học sinh cũng đã trắng bạc bên cạnh mái đầu bạc trắng của các thầy các cô. Lần ấy tôi bất ngờ được cử làm “Hướng dẫn viên du lịch” tại di tích cầu Hiền Lương. Khách của tôi là thầy Quang, người Thanh Hoá, cô Mai người Hà Nội, thầy Vũ Hùng người Vĩnh Phú... Tôi đã đến đây hàng trăm lần mà lần nào cũng thấy mới, lần nào cũng nhớ về một điều gì đó chưa trọn vẹn.

Sau thế hệ chúng tôi, tháng 8 năm 1967 để tránh những cuộc ném bom huỷ diệt của đế quốc Mỹ, nhằm bảo vệ nguồn lực cho Vĩnh Linh, Quảng Trị sau này, thực hiện chủ trương của Trung ương trường cấp III Vĩnh Linh sơ tán ra huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Năm 1970 đang học đại học ở Hà Nội tôi và nhiều bạn học sinh cũ của trường vào nghỉ hè với gia đình đang sơ tán ở Tân Kỳ cùng nhau đến thăm trường. Được gặp lại các thầy, các cô chúng tôi rất mừng, nhưng cũng rất đau đớn khi biết tin trên đường đưa học sinh đi sơ tán, thầy Nguyễn Văn Cát đã bị bom Mỹ giết hại ở Đồng Hới còn thầy Đạm, thấy Long bị bom Napan làm cháy cả mặt mày. Trước khi chia tay trở ra Hà Nội, thầy Nguyễn Hữu Bành hiệu trưởng đã căn dặn chúng tôi:

- Các em được may mắn ra Hà Nội học, cố gắng phát huy truyền thống của trường, học cho thật tốt để sau này trở về xây dựng quê hương.

Khắc sâu lời dạy bảo của thầy hiệu trưởng, chúng tôi đã khắc phục mọi khó khăn thiếu thốn, phấn đấu học tốt và hoàn thành xuất sắc chương trình đại học. Sau khi tốt nghiệp đại học, do yêu cầu đào tạo nguồn lực cho đất nước, nhiều người được gửi đi tu nghiệp ở nước ngoài. 50 năm qua, trường cấp III Vĩnh Linh đã đào tạo hàng chục ngàn lượt học sinh tốt nghiệp Phổ thông trung học, trong đó có hàng ngàn học sinh đã tốt nghiệp bậc đại học trong và ngoài nước hiện đang công tác khắp mọi miền đất nước.

Đến nay nước nhà thống nhất đã 34 năm qua, cầu Hiền Lương nối lại những bờ vui và trường cấp III Vĩnh Linh đã trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành. Cuộc sống thời kỳ đổi mới và hội nhập của đất nước hôm nay đang đòi hỏi những nguồn lực rất lớn từ con người. Chính vì vậy ở Vĩnh Linh hiện nay không chỉ có một trường cấp III mà có đến bốn trường cấp III, đó là trường cấp 3A và trường cấp 3B, Trường THPT Nguyễn Công Trứ và Trường THPT Bến Quan với một đội ngũ giáo viên hùng hậu, có trình độ đại học và trên đại học. Nhờ vậy những năm qua nhiều học sinh của trường cấp III Vĩnh Linh đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

Viết những dòng này, tôi muốn gửi đến các thế hệ học sinh trường cấp III Vĩnh Linh đừng bao giờ quên ngôi trường mà mình được đào tạo trưởng thành, để mình được đem tài năng trí tuệ xây dựng quê hương đất nước trong thời kỳ đổi mới hội nhập.

N.N.P

 

Ngô Nguyên Phước
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 179 tháng 08/2009

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

7 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

7 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

7 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

7 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground