Cụ Hảo (nay đã 84 tuổi) triển khai các hoạt động tuyên truyền về thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước: Ảnh - T.Đ
Người có uy tín nói đi đôi với làm
Cụ Hồ Văn Hảo - Người có uy tín thôn A Máy, xã Lìa, huyện Hướng Hóa được dân bản gọi với cái tên trìu mến là Ăm Hùng. Cụ là “pho sử sống”, người giữ hồn bản làng mang trong mình bao ký ức và kinh nghiệm cả một đời gắn bó cuộc sống với núi rừng nơi biên giới. Như đã hẹn, chúng tôi đến văn phòng UBND xã Lìa ngồi đợi cụ hơi lâu và bắt đầu nóng lòng vào ra thì được ông Hồ Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã trấn an, cụ Hảo không bao giờ lỡ hẹn trong công việc. Quả thật, chốc lát đã thấy cụ Hảo khoan thai bước vào bắt tay chào mọi người rồi bảo, vừa đi thăm rẫy về. Nhân đó chúng tôi hỏi, mùa vụ năm nay có được mùa không cụ? Cụ nở một nụ cười hiền rồi bảo: Gia đình tôi năm nay thu được 80 tấn sắn củ, 150 gùi lúa (mỗi gùi khoảng chừng 50 kg), 20 con bò và 5 con trâu...
Vừa ngắt lời cụ Hảo quay sang thấy vẻ mặt chúng tôi hơi ngạc nhiên và như đoán được ý nghĩ của chúng tôi nên cụ tiếp lời: Toàn bộ diện tích gieo trồng, gặt hái, thu hoạch đều nhờ anh em họ hàng giúp đỡ và thuê nhân công làm chứ già rồi sức đâu mà quán xuyến hết công việc. Nhưng muốn dân hiểu, dân tin thì mình phải làm gương, tiên phong đi trước, làm trước trong phát triển kinh tế để mọi người thấy được hiệu quả rồi thì sẽ học tập làm theo. Trong cuộc sống thường ngày, với bà con dân bản mình cứ chân thành, cái gì biết thì tuyên truyền, chia sẻ, cái nào thấy chưa đúng thì bằng kinh nghiệm mình phân tích, góp ý cho mọi người hiểu để cùng nhau làm điều có ích, xây dựng bản làng ngày càng phát triển đi lên.
Năm 2006, sau khi Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa được xây dựng tại địa phương, được sự động viên từ các cấp chính quyền, cụ Hảo là người đi đầu trong việc khai hoang, phục hóa đất trống, đồi núi trọc để trồng sắn. Vụ sắn đầu tiên, gia đình cụ Hảo thu hoạch được khoảng chừng 30 tấn sắn thương phẩm bán được 30 triệu đồng. Từ số tiền thu được cụ mua liền 3 con bò giống sinh sản, số tiền còn lại gia đình tiếp tục mở rộng diện tích đầu tư trồng sắn và các loại hoa màu khác. Cứ thế, hàng năm số tiền lợi nhuận tăng lên gia đình cụ Hảo mở thêm trang trại chăn nuôi bò, trâu, trồng thêm lúa rẫy để nâng cao thu nhập cho gia đình và giúp đỡ bà con khó khăn trong vùng về giống cây để trồng trọt, con giống để chăn nuôi phát triển kinh tế ổn định cuộc sống.
Chúng tôi hỏi cụ nhiều năm làm công tác tuyên truyền, vận động bà con dân bản chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước và quy định của địa phương cụ tâm đắc điều gì nhất? Cụ Hảo lặng im trong giây lát, tay nâng ly trà nhấp thêm từng ngụm như nhấp từng mảnh vụn ký ức rồi thủng thẳng: Nhiều công việc thực hiện được làm tôi rất hài lòng, nhưng trong đó việc chấm dứt được nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong bà con dân bản làm tôi tâm đắc nhất. Có được kết quả đó là nhờ vào hoạt động tuyên truyền thường xuyên theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cụ Hảo cũng cho biết thêm rằng, việc kết hôn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không chỉ vi phạm quy định pháp luật của Nhà nước, vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức truyền thống... mà còn tiềm ẩn nguy cơ sinh ra những đứa trẻ bệnh tật, dị tật, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của các thế hệ con cháu và suy thoái nòi giống về sau.
Ngoài thời gian làm việc cho cộng đồng, chăm nương rẫy, cụ Hồ Văn Hảo còn thường xuyên tổ chức dạy cho con cháu trong dòng họ và thôn bản về các điệu múa cồng chiêng, khèn bè và cách sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Sưu tầm, nghiên cứu các loại hình nhạc cụ của văn hóa người Pa Kô - Vân Kiều truyền đạt lại cho thế hệ con cháu để sau này bảo tồn và phát huy tốt hơn các bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc mình. Bên cạnh đó, cụ còn duy trì thực hiện nghề đan lát các dụng cụ dùng trong lao động sản xuất, dụng cụ sinh hoạt truyền thống và tổ chức các lớp dạy nghề cho con cháu cùng người dân trong cộng đồng về nghề đan lát thủ công, để thế hệ sau được tiếp nối nghề truyền thống cha ông để lại.
Chia sẻ thêm về cụ Hồ Văn Hảo, ông Hồ Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Lìa cho biết: Cụ Hảo mặc dù tuổi đã cao nhưng rất nhiệt tình và luôn hoàn thành tốt công việc mà cụ đảm nhiệm. Tích cực trong lao động sản xuất, biết tìm ra những nguồn lực, lợi thế sẵn có ở địa phương, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm... nhằm tăng nguồn thu nhập cho gia đình và qua đó cũng làm gương cho bà con dân bản học tập, noi theo.
Cụ Hồ Văn Hảo được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc tặng bằng khen: Ảnh - T.Đ
Cầu nối quan trọng giữa ý Đảng và lòng dân
Theo bà Hồ Thị Minh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, hiện nay số lượng người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh là 191 người/191 thôn bản vùng dân tộc thiểu số. Trong đó dân tộc Vân Kiều 149 người, dân tộc Pa Kô 42 người. Và qua 5 năm thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số cho thấy họ là những tấm gương tiêu biểu về làm kinh tế giỏi, tấm gương điển hình đóng vai trò quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Trị. Họ là cầu nối quan trọng giữa ý Đảng và lòng dân trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Các chương trình phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tăng cường khối đại đoàn kết vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bằng kinh nghiệm, am hiểu phong tục tập quán thực tiễn địa phương đội ngũ người có uy tín với nhiều cách làm cụ thể đã đem lại hiệu quả rất thiết thực. Ví như trong giữ gìn an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội; họ đến tận ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, giải thích, vận động đồng bào nâng cao cảnh giác, không nghe lời kẻ xấu xúi giục. Vận động đồng bào tích cực tham gia thực hiện các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư”, “Quần chúng tham gia tự bảo quản đường biên, cột mốc quốc gia và an ninh trật tự khu vực biên giới”, “Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận Biên phòng toàn dân vững chắc”. Trực tiếp giải quyết những vụ việc phức tạp phát sinh từ cơ sở, hoà giải mâu thuẫn trong nhân dân...
Hoạt động tư vấn, can thiệp, tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho người dân, học sinh các thôn bản vùng đồng bào thiểu số ở Quảng Trị - Ảnh: T.Đ
Cùng với lực lượng Biên phòng và cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương, người có uy tín ở các xã biên giới đã tham gia có hiệu quả trong công tác phân giới cắm mốc, tham gia giải quyết việc xâm cư, xâm canh. Tích cực tham gia tố giác, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội... Kịp thời nắm bắt tình hình, phát hiện, cung cấp nhiều thông tin có giá trị giúp các ngành chức năng và chính quyền địa phương đấu tranh, ngăn chặn nhiều hoạt động trái pháp luật, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư và vùng dân tộc thiểu số.
Trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, người có uy tín thực sự trở thành lực lượng nòng cốt, với những hành động, việc làm cụ thể để làm gương. Vận động, giáo dục con cháu, trong dòng họ, cộng đồng tham gia xây dựng nếp sống mới, xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa; giữ gìn, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp, các lễ hội truyền thống của các dân tộc và xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Người có uy tín thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội và loại bỏ những hủ tục lạc hậu như kết hôn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Vận động người dân ăn, ở hợp vệ sinh, di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở; tuyên truyền nhân dân tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa, tinh thần. Không tin, không nghe theo các loại tà đạo gây ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống văn hóa và tình hình an ninh trật tự tại địa bàn. Những loại hình văn hóa, những lễ hội truyền thống đã được người có uy tín sưu tầm lưu giữ, góp sức phục dựng, trình diễn đã và đang mở ra những bước đi mới trong phát triển kinh tế gắn với du lịch cộng đồng vùng dân tộc thiểu số...