gay sau ngày cách mạng tháng tám (1945) thành công ở Huế, cùng hầu hết bạn học cùng trường, tôi rời Lycee Khải Định (nay là trường Quốc Học – Huế) tham gia lực lượng vũ trang cách mạng. Tôi được biên chế về một phân đội thông tin liên lạc có tên gọi “Tình báo duyên hải”. Tất cả chiến sĩ trong phân đội này đều là học sinh trung học thuộc nhiều trường ở Huế và đều đã tham gia tổ chức Hướng đạo sinh. Qua một tháng được huấn luyện về cách nhận thông tin bằng còi, cờ, ánh sáng cùng một số kiến thức nhận dạng vài loại tàu chiến của Nhật, Pháp, tôi cùng hai chiến sĩ cùng phân đội có tên Hiếu cà Sinh lập thành một tổ công tác được điều ra nhận nhiệm vụ ở Cửa Việt.
Tổ chúng tôi thuộc quyền chỉ huy của phòng tình báo quân sự tỉnh Quảng Trị, về sinh hoạt được ghép chung với một trung đội Vệ Quốc đoàn (VQĐ) đang đồn trú tại Cửa Việt. Trung đội VQĐ này phần lớn là lính (khố đỏ) cũ tình nguyện tham gia quân đội cách mạng. Họ đều là những nông dân cầm súng, chất phác và mù chữ. Chúng tôi đóng quân trong một ngôi nhà xây kiểu Tây có vườn rộng nằm án ngữ đầu con đường vào làng Cửa Việt. Nghe nói đây nguyên là đồn Thương Chánh hay thuế đoan gì đó, thời Pháp thuộc. Ngôi nhà đã bị đánh sập một góc nhưng vẫn còn khá rộng rãi. Chúng tôi cùng trung đội VQĐ ở một phòng rộng phía trái. Phòng bên phải cách một bức tường là nơi ở của gia đình chủ nhà gồm một góa phụ trung niên và hai người con, một gái khoảng 18 – 20 tuổi và một thiếu niên khoảng 14 – 15 tuổi. Cậu bé này là người bạn thân thiết của tôi trong thời gian sống ở Cửa Việt. Chúng tôi chỉ sinh hoạt với trung đội VQĐ vào ban đêm còn ban ngày tổ chúng tôi đi tuần tra dọc bờ biển Cửa Việt cho đến Cửa Tùng hoặc ngồi trên chòi canh quan sát mặt biển. Cửa Việt vào lúc này dân cư còn thưa thớt, bờ biển hầu như hoang vắng. Từ nơi đồn trú hàng ngày chúng tôi đi qua một xóm có vài chục ngôi nhà vừa nhà tranh, nhà ngói. Cuối xóm gần sát bờ biển là một cái chợ lỏng chỏng vài lều trống trải và một vài quán bán bánh bèo. Bánh bèo ở đây được đúc trong những chiếc bát, người ăn dùng một dụng cụ bằng tre vót theo hình một chiếc đại đao để xắn bánh chấm với nước mắm. Đây là món ăn duy nhất mà chúng tôi được thưởng thức trong những ngày ở Cửa Việt. Thời gian này là mùa đông, cảnh tượng ở biển gặp những quả thủy lôi đen chùi chủi, vỏ có nhiều gai nằm nửa chìm nửa nổi trên cát sát mép bờ biển. Đây là một trong số nhiều “quà tặng” của biển cả cho người dân vùng biển trong những năm diễn ra đại chiến thế giới lần thứ hai giữa quân đồng minh và quân Nhật ở Đông Nam Á. Vào các nhà dân dọc bở biển Quảng Trị chúng tôi thấy nhà nào cũng có treo một quả bóng bằng thủy tinh nhiều kích cỡ, nhiều khối cao su nguyên chất hình chữ nhật cỡ 40x40x60 (cm) màu hổ phách, người dân không biết làm gì ngoài việc làm vật liệu để xây chuồng lợn. Ngoài ra còn có những thứ hiếm có hơn như một vài thùng rượu có khi là cả một thùng nước hoa…Chính vì vậy mà khi quả thủy lôi đầu tiên trôi dạt vào bở biển Quảng Trị, nó đã gây ra một tai họa thảm khốc, một người dân sống sót do tình cờ rời đám đông vào phút chót kể: Đó là vào khoảng mùa hè năm 1945 lúc Nhật làm đảo chính Pháp, một quả thủy lôi lần đầu xuất hiện ở mép nước về phía Nam (theo trí nhớ của tôi làng này có tên Bảo An nằm cách Cửa Việt vài cây số về phía Nam). Lần đầu tiên trông thấy vật kỳ dị này, dân làng không biết là vật gì. Họ xúm vào rất đông để bàn tán. Nhiều ý kiến cho rằng bên trong nó chắc có rượu hay cái gì đó quý giá nhưng họ không biết mở cái hòm sắt hình tròn sơn đen này bắt đầu từ chỗ nào? Có ai đó đang cầm chiếc rựa liền phạt một nhát vào chiếc gai trên vỏ chiếc “hòm sắt” như người ta vẫn quen phạt các nhánh gai ở một cành tre. Mọi người nghe có tiếng lục bục từ trong ruột quả cầu sắt vọng ra, càng thêm hiếu kỳ, đám đông càng sấn lại gần nó…Và cái gì phải đến ắt đến! Một tiếng nổ long trời lở đất làm kinh động cả một dãi bờ biển Quảng Trị. Tôi còn nhớ tiếng nổ này đã làm rung chuyển cửa kính nhiều nhà ở thành phố Huế, khi số người còn lại trong làng đổ ra bờ biển thì chỉ thấy một chiếc hố sâu rộng bằng cả cái ao, xung quanh vương vãi máu thịt, mảnh vải, có thứ còn văng lên cao móc trên đỉnh các cây phi lao gần đấy. Một cái tang chung và một nấm mộ tập thể đã được dựng lên ở làng và cũng từ đấy không còn ai dám bén mảng đến con quái vật mình có gai trôi dạt vào bờ biển. Lúc này đã qua ngày Tết và chúng tôi đã tham dự cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam mới. Trong tổ ba người hiện chỉ còn tôi và Hiếu. Cậu Sinh xin phép về thăm nhà dịp Tết rồi (một đi không trở lại). Sau này được biết Sinh là con một của một chủ xưởng sản xuất kẹo (mè xững) giàu có ở Huế, gia đình buộc cậu ta lấy vợ không cho tham gia bộ đội nữa! Riêng tôi, nghe xong câu chuyện bi thảm về quả thủy lôi gây ra, tôi nảy ra ý định tìm cách loại trừ mối hiểm họa tiềm tàng này cho người dân Cửa Việt. Tìm hiểu trong người dân địa phương và trong một số chiến sĩ VQĐ, tôi được biết trước đây quân Nhật đã về Cửa Việt tháo gỡ một quả thủy lôi, song chúng làm rất bí mật không để cho dân làng xem, tuy nhiên chúng có thuê một người thợ rèn từng học ở trường Bá Công ở Huế đang sống ở Cửa Việt phụ giúp với chúng. Đây là người Việt Nam duy nhất được tiếp cận việc làm tuyệt mật này của quân đội Nhật. Hiện người đang mở lò rèn trong một làng cách Cửa Việt không xa. Tôi và Hiếu đi tìm gặp người đó. Cũng cần nói thêm là vào lúc này chúng tôi chỉ là những học trò của chế độ cũ chân ướt chân ráo tham gia cách mạng chưa biết gì về (dân vận) và cũng chưa biết cách liên lạc với chính quyền địa phương mà chỉ làm theo sự suy nghĩ bồng bột của mình. Người chúng tôi cần gặp đã tiếp chúng tôi rất trọng thị vì mọi người dân đều yêu mến, kính trọng các “anh bộ đội Cụ Hồ”. Ông ta khoảng 50 tuổi, mắt sáng, có một chòm râu đen lưa thưa dưới cằm. Ngôi nhà ông ở gồm nhà trên một gian hai chái xây gạch lợp lá. Nhà ngang là lò rèn nhưng hôm không đỏ lửa. Tôi trình bày ngắn gọn mục đích tìm gặp ông để nhờ ông tháo gở ngòi nổ các quả thủy lôi ngoài bờ biển nhằm tránh cho đồng bào sự nguy hiểm đến tính mạng. Ông trầm ngâm suy nghĩ rất lâu rồi chậm rãi nói: “Thưa các đồng chí bộ đội”, đúng là tôi có lần được người Nhật thuê phụ giúp phá một quả thủy lôi do Nhật Bản sản xuất, lần đầu tiên trôi dạt vào vùng biển Cửa Việt. Người Nhật rất cảnh giác, chỉ có một tên hình như là kỹ sư của nó cùng tôi đến gần quả thủy lôi và tôi cũng chỉ làm mỗi một việc là xách túi phụ tùng cho anh ta và tìm đúng thứ dụng cụ anh ta cần để trao, thao tác tháo gỡ chỉ một mình anh ta làm. Tuy vậy tôi vẫn để mắt quan sát kỹ từng động tác của anh ta, cũng chỉ do thói quen nghề nghiệp, nay cách mạng cần đến tôi, tôi đâu dám từ nan, song hai “đồng chí bộ đội” để tôi có thời gian xem lại các tài liệu rồi chúng ta quyết định. Vài ngày sau ông ta hẹn gặp lại. Khi chúng tôi đến nhà thì thấy ông ta đội khăn đóng, mặc áo dài đen đang khấn vái trước bàn thờ tổ tiên khói hương nghi ngút. Rồi một mâm cỗ khá thịnh soạn được bày ra. Ông mời chúng tôi ngồi vào mâm uống chén rượu để cầu mong tổ tiên phù hộ cho việc làm của ông với cách mạng. Xong đâu đấy, vẫn áo dài khăn đóng ông cùng một thanh niên xách theo hòm phụ tùng cùng chúng tôi ra biển. Đi ngang qua nơi đồn trú, một tổ VQĐ cùng đi theo. Đến bờ biển, sau khi xem xét vị trí một quả thủy lôi có chiếc nắp tròn lộ ra ở nửa phần trên, phần dưới vùi trong cát, ông ra hiệu cho tất cả người đi theo lùi ra sau gò cát cách xa khoảng 100 mét chỉ một mình ông ở lại cùng chiếc hòm đựng phụ tùng. Ngồi sau gò cát tôi hồi hộp chong mắt nhìn không bỏ sót một động tác nào của người đứng cạnh quả thủy lôi. Lúc này khoảng chín giờ sáng, trời yên bể lặng, gió thổi nhẹ tuy lạnh nhưng tôi vẫn toát mồ hôi. Thoạt đầu ông lấy ra một bó hương, thắp lên rồi đưa lên cao ngang tầm trán miệng lâm râm khấn vái những gì không nghe rõ, rồi ông vái khắp bốn phương trước khi căm bó hương xuống đất. Cầm một chiếc cờ lê lớn ông hướng về chỗ chúng tôi đưa cao lên ý chừng ra hiệu là ông bắt đầu công việc. Ông thận trọng tháo chiếc ốc đầu tiên trên chiếc nắp tròn. Ông từ từ xoay thì một tiếng xì hơi rất mạnh từ quả thủy lôi vong lại, chúng tôi bất giác cúi rạp đầu xuống sau gò cát. Giây lát sau không thấy động tĩnh gì tôi lại nhổm lên nhìn thấy ông vẫn đang tiếp tục tháo những chiếc ốc trên nắp thủy lôi. Được một lúc thấy ông từ từ nhấc nắp tròn gắn trên miệng thủy lôi đặt xuống cát. Sau một lúc nhìn chăm chú vào trong ruột thủy lôi, ông chọn một chiếm kìm và thò cả hai tay vào trong ruột quả thủy lôi, thao tác những gì chúng tôi không nhìn thấy. Nhưng đây cũng là giây phút hồi hộp nhất của chúng tôi. Một lát sau ông lôi từ trong ruột quả thủy lôi ra một chiếc ống tròn màu vàng dài tựa chiếc điếu cày. Ông vẫy tay gọi chúng tôi đến gần. Chúng tôi chạy ùa đến và lần đâu tiên tôi thấy trong ruột quả thủy lôi nhưng cũng chỉ thấy dây diện chằng chịt. Ông thợ rèn cho biết: Ngòi nổ thủy lôi đã được tháo gỡ - đó chính là vật hình tròn tựa chiếc điếu cày ông đang cầm trên tay – bây giờ không còn nguy hiểm nữa nhưng trong lòng thủy lôi đang chứa cả tạ thuốc súng cần lấy ra để cho an toàn và đây cũng là nguồn vật liệu quý để cách mạng sản xuất vũ khí như mìn, lựu đạn…Tổ VQĐ vào nhà dân mượn quang gánh và dưới sự hướng dẫn của ông thợ rèn họ đã lấy ra hàng gánh thuốc nổ màu đen mang về bảo quản cẩn thận để giao nộp lên trên. Ngay hôm sau Tỉnh đã phái một tiểu đội công binh về phối hợp với ông thợ rèn để tiếp tục tháo gỡ số thủy lôi còn lại. Nhưng tôi và Hiếu không được chứng kiến việc này vì ngay sau lần tháo gỡ quả thủy lôi đầu tiên chúng tôi nhận được lệnh của trên điều động trở về phòng tình báo quân sự tỉnh Thừa Thiên- Huế nhận nhiệm vụ mới.
Từ đó cho đến nay tôi chưa được một lần trở lại Cửa Việt nhưng hình ảnh người anh hùng vô danh lồng lộng giữa trời cao biển rộng bên cạnh con quái vật mang theo sự chết chóc ở vùng Cửa Việt xưa vẫn còn là hình ảnh đậm nét trong tâm trí tôi và đây là bài học vỡ lòng về (lòng dân) mà tôi mang theo suốt các nẻo đường phục vụ hai cuộc chiến tranh thần thánh chống ngoại xâm của dân tộc.
L.N