Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người trong cuộc chiến

T

ôi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại ốc đảo Xuân Phiên Hà xã Triệu Phước. Cha tôi, anh ruột, chú bác ruột đều theo chủ trương của Đảng tập kết ra Bắc năm 1954. Đặc biệt bác ruột tôi Trương Quang Đăng là cán bộ tiền khởi nghĩa tỉnh Quảng Trị.

Mẹ tôi ở lại địa phương nuôi ba đứa con, vừa là một đảng viên liên lạc hòm thư  cho Tỉnh ủy Quảng Trị  và Huyện ủy Triệu Phong từ năm 1958 đến 1965. Đầu năm 1965 cán bộ cách mạng về xây dựng cơ sở hầm bí mật trong nhà tôi, nuôi giấu cán bộ cách mạng, tôi phụ trách đội thiếu niên tiền phong khu vực Xuân Phiên Hà gồm 23 đội viên, có những đội viên hiện ở còn sống và tham gia công tác như: Trương Hồng Tân, nguyên Tổng thư ký liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Quảng Trị. Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam- Campuchia- tỉnh Quảng Trị.Trương Văn Vệ, Chánh án tòa án thành phố Huế. Trương Ngọc Ứng trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy Quảng Trị…

Năm 1968 cơ sở cách mạng bị lộ, địch đốt nhà, bắt hai mẹ con của tôi giam tù tại Lao xá Quảng Trị. Năm 1969 ra khỏi nhà tù của Mỹ ngụy tôi vẫn tiếp tục liên lạc hoạt động cho cách mạng, có những lúc phong trào đen tối địch khủng bố mạnh, tôi phải lẫn tránh đi nhiều nơi để làm ăn và hoạt động cách mạng. Năm 1971 tôi đúng tuổi quân dịch, bị địch bắt vào lính.

Tháng 3/1972 địch đưa tôi lên ở căn cứ Carol (cao điểm 241) đúng vào thời điểm cuộc tổng tấn công nổi dậy mùa xuân năm 1972 được khởi lệnh, cả nước đồng loạt ra quân từ Quảng Trị cho đến Mũi Cà Mau...

Tỉnh Quảng Trị được tổ chức thành nhiều mũi tấn công vào sào huyệt của địch, trong đó 3 mũi chính là: cánh Tây, cánh Bắc và cánh Đông, dồn thế trận của địch co ép dần về thị trấn, thị xã. Cánh Đông làm nhiệm vụ vượt sông Cửa Việt, nắm chính quyền một số xã Triệu An, Triệu Vân, Triệu Phước. Tạo thế áp đảo dồn địch về phía huyện lỵ Triệu Phong và thị xã Quảng Trị. Pháo binh của ta bắn tấp cập uy hiếp cô lập Đồn Cửa Việt, ban đêm đội đặc công luồn sâu vào Đồn Cửa Việt đánh bộc phá, diệt từng bốt địch, làm cho địch hoang mang giao động, co cụm cố thủ trong đồn. Tuyến hạ lưu sông Thạch Hãn và sông Hiếu từ Cửa Việt lên Đông Hà, là tuyến đường huyết mạch quan trọng của địch, thủy lôi của ta cài dày đặc, làm nổ tung nhấn chìm nhiều tàu chiến của địch, tuyến đường này gần như bị tê liệt. Cánh Bắc dọc bờ Nam sông Hiền Lương, quét phăng hàng rào điện tử Macnamara, phối hợp với pháo binh của ta ở bờ Bắc sông Hiền Lương, bắn phá làm tê liệt căn cứ Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang.

Cánh Tây từ Khe Sanh, Bắc Đầu Mầu, xe tăng và xe quân sự của ta đã áp sát theo tuyến phía Bắc quốc lộ 9. Các đơn vị hậu cần đã sẵn sàng xung quanh dưới chân cao điểm 744 (Phuler), với tư thế sẵn sàng chủ động tiến công, đã xóa sổ từng tiểu đoàn quân ngụy ở phía Bắc và Nam đường 9. Các tàn quân sống sót chạy về trú ngụ tại căn cứ Carol (cao điểm 241).

Đúng 14 giờ ngày 28/3/1972 các cánh quân của sư đoàn 304, binh đoàn Bông Lau đã vây chặt các căn cứ như: Puler, Đầu Mầu, Carol. Đơn vị pháo binh Sao Mai đã lấy tọa độ và châm ngòi đầu tiên, một tiếng nổ rung trời dậy đất, từng ánh chớp và cột khói đen chọc trời đang bốc lên tại cao điểm 241. Đúng là tọa độ chính xác của trung đoàn pháo binh Sao Mai, cứ liên tục như thế pháo và cối bắn vào các cứ điểm Phuler, Đầu Mầu, Carol. Suốt cả ngày lẫn đêm pháo binh của quân giải phóng đã dội bão lửa lên đầu thù, làm cho pháo đội 155 ly của tiểu đoàn 30 pháo binh và pháo đội 105 ly tiểu đoàn 48 của địch ở cao điểm 241 bị tê liệt hoàn toàn, không thể nào phản pháo được. Lợi dụng khi tiếng pháo vừa dứt, tôi tò mò đứng lên nốc hầm, nhìn sang căn cứ Đầu Mầu, cao điểm 744 Puler khói đen đang bao trùm lấy hai căn cứ của địch.

Ngày 29/3/1972 xe tiếp tế của địch từ Đông Hà không lên đến được với Carol, xe trên này cũng không về được Đông Hà để lấy nước uống, lương thực, thực phẩm; tuyến đường 9 từ Carol về Đông Hà bị quân giải phóng làm chủ hoàn toàn; các căn cứ phía Tây của địch bị tê liệt dần, nước uống cạn, thực phẩm hết, lương thực hàng ngày chủ yếu là gạo sấy, lương khô, thịt hộp.

Tôi là một cán bộ cơ sở cách mạng, vừa ra khỏi nhà tù của Mỹ ngụy, bị chúng bắt đi lính, cùng với hàng chục người lính khác đồng chung cảnh ngộ, như anh Ngọc, anh Hiếu ở Phú Áng xã Triệu Giang, anh Nguyễn Ngọc Ban hiện nay ở Tân Kim thị trấn Lao Bảo, anh Nguyễn An Lạc, Nguyễn Khánh Hài, Văn Công Vinh ở xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng cùng nhau chứng kiến cuộc chiến, những ngày bảo lửa ở căn cứ Carol (cao điểm 241); cái sống cái chết của chúng tôi chỉ cách gang tấc, anh em chúng tôi tìm cách thoát ra ngoài cái chảo lửa ấy để về với gia đình, với cách mạng, nhưng không có cách gì để thoát ra được.

Tôi vừa bị bắt vào lính trước đó 3 tháng. Tôi xuất thân từ nghề thợ may. Ông Lê Văn Khôi, đại úy pháo đội trưởng tuyển dụng một thợ may, ông gọi đến ba người lính có nghề thợ may, ông ra điều kiện: nếu ai may được đồ nam lẫn nữ, thì ông tuyển dụng làm thợ may. Tôi kịp thời may cho vợ và hai con gái của ông 3 bộ đồ nữ và 1 bộ đồ nam cho ông, sau đó tôi được ông chọn làm thợ may, lương hàng tháng của tôi thì ông ấy nhận, còn tôi may được bao nhiêu có quyền hưởng. Tôi được xếp vào đội hình hành chính của địch ở căn cứ Carol chung với căn hầm câu lạc bộ ăn uống, ở cận hầm chỉ huy và thông tin, nên mọi diễn biến của ban chỉ huy địch, tôi có điều kiện nắm được.

Ngày 30/3/1972 pháo binh của cách mạng vẫn tiếp tục dội lửa vào các căn cứ của địch. Hàng ngày lính thông tin của địch đã rà trúng tầng số và bắt sóng được với bộ đội thông tin cách mạng, tôi nghe chúng chưởi thông tin giải phóng rằng: “Bọn bây là dân rau muống tìm miền Bắc mà ra, đừng vào quậy phá chúng tớ”, bộ đội thông tin của giải phóng thì chưởi thông tin của ngụy rằng: “Chúng mầy là lính đánh thuê, bán nước hại dân, ăn bơ thừa, sữa cặn của Mỹ tao sẽ cho chúng mày tắt loa luôn”. Thế là pháo binh của quân giải phóng cứ bắn phá cấp tập ngày đêm vào các căn cứ của địch làm cho bọn chúng ăn không ngon, ngủ không yên.

Ngày 01/4/1972 quân giải phóng đã làm chủ hoàn toàn 2 căn cứ: Puler và Đầu Mầu, hai lá cờ giải phóng đã tung bay trên 2 nốc hầm chỉ huy của 2 căn cứ trên.

Còn căn cứ Carol thì toàn bộ mặt bằng, hầm hào bị cày xới, những hàng rào kẻm gai bị giật tung lên, cắt từng mảnh choán cả lối đi, nhiều căn hầm của địch bị lộn tùng phèo, trạm xá cứu thương của địch đã quá tải, nhiều lính chết phải quấn bă - sô đưa ra lấp tạm xuống giao thông hào. Cả thầy lẫn tớ la lối om sòm, nào là thiếu ăn khát uống, sự sống như ngàn cân treo sợi tóc. Căn hầm trú ẩn của tôi bị trúng đạn pháo nổ tung như quả bong bóng bị vỡ, cây đàn ghi ta và cái giường bố cá nhân  bị xé toang, may là trong hầm lớn có thêm 1 hầm phụ nên tôi thoát chết.

Ngày 02/4/1972 tôi phải chuyển sang trú ẩn ở hầm thông tin nên mọi sự diễn biến của địch tôi càng nắm rõ hơn. Đúng 13 giờ chiều tôi nghe máy thông tin, qua hai tầng số đã liên tục với nhau rằng: “Bông lau, Bông lau đây, Trung tá Đính gọi”. Bộ đội thông tin của quân giải phóng trả lời: “Các ông cần gì, trung đoàn pháo binh của chúng tôi sẵn sàng nhả đạn xuống căn cứ Carol (241), bộ binh chúng tôi đã áp sát hàng rào, các ông hãy nhanh chóng ra hàng quân giải phóng”. Trung tá Phạm Văn Đính trả lời: “Xin bộ đội giải phóng ngưng pháo, sau 15 phút chúng tôi sẽ ra hàng”.

Qua máy thông tin tôi nghe bộ đội thông tin của quân giải phóng liên lạc với pháo binh rằng: “Sao mai, Sao mai đây, Bông lau gọi Sao mai trả lời: Sao mai nghe đây, Sao mai nghe đây. Bông lau cứ liên lạc, Sao mai nghe rõ.”

Bông lau gọi: “Trung tá Phạm Văn Đính của ngụy Sài Gòn đã liên hệ máy thông tin với Bông lau xin phản chiến trở về với cách mạng, Sao mai hãy ngưng bắn pháo”.

Lập tức pháo binh quân giải phóng ngưng bắn, các ban chỉ huy gọi nhau lên trung tâm hành quân hội ý. Đúng 13h 30’ các ban chỉ huy đều liên lạc về tất cả các hầm, lệnh khẩn cấp tập trung tại sân trung tâm hành quân.

Thế là hàng ngàn binh lính mang theo vũ khí, tư trang đứng xếp hàng dọc trước sân chỉ huy trung tâm hành quân. Trung tá Phạm Văn Đính đứng trên cột cờ dỏng dạc tuyên bố: “ - Bộ đội giải phóng và pháo binh đang cô lập căn cứ Carol của chúng ta, tôi kêu gọi anh em binh lính hãy bỏ súng xuống đầu hàng quân giải phóng, ai đồng ý thì theo tôi”. Lập tức hàng ngàn binh lính địch đều thả vũ khí xuống sân nghe rào rào, không một ai phản ứng. Trung tá Phạm Văn Đính lấy một chiếc áo lót trắng cột vào dây và kéo lên cột cờ trung tâm thay cho cờ trắng đầu hàng.

Cả Trung đoàn 56 và các tiểu đoàn thủy quân lục chiến ngụy như đàn ong vỡ tổ tung ra, nối đuôi nhau, phía trước là trung tá Phạm Văn Đính đi ra cổng chính của căn cứ. Khi đi ngang qua sân bay dã chiến, tôi thấy hai thằng lính Mỹ, một thằng ngồi khóc mếu máo, một thằng thì cầm máy thông tin điện thoại liên tục. Bỗng nhiên có một chiếc máy bay trực thăng 2 chong chóng của địch, bay là là từ hướng Đông Hà lên hạ xuống sân bay, bốc hai linh Mỹ đi. Còn chúng tôi cứ tiếp tục đi ra  khỏi căn cứ Carol, vừa ra khỏi cổng 100 mét lập tức gặp bộ đội giải phóng đi vào tiếp quản căn cứ; ra khỏi cổng khoảng 300 mét đã gặp một tổ hậu cần của quân giải phóng, cấp phát cho chúng tôi mỗi người một bánh lương khô. Chúng tôi ra đến quốc lộ 9 dưới chân căn cứ Đầu Mầu, được gặp gỡ các phóng viên chiến trường của quân giải phóng, niềm nở thăm hỏi phỏng vấn và ghi hình ảnh.

Mãi sau này năm 1996 tôi mới được gặp lại phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính, chính là người đã gặp tôi dưới chân căn cứ Đầu Mầu của địch. Trong tập: “Những trang sử bằng ảnh” của anh vẫn còn lưu giữ, tấm ảnh anh em sỹ quan binh lính Sài Gòn thuộc Trung đoàn 56 phản chiến trở về với cách mạng.

Anh em chúng tôi được chính sách cách mạng đãi ngộ ưu ái, đêm hôm đó 02/4/1972 hàng ngàn người nối đuôi nhau theo sự hướng dẫn của các chiến sĩ giải phóng, đi theo hướng Tây dọc theo quốc lộ 9 khoảng 10km rồi rẽ phải theo tuyến đường Hồ Chí Minh bây giờ. Đêm nghỉ, ngày đi sau 3 ngày đêm đoàn chúng tôi dừng chân ở Bãi Hà xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh. Đúng 14h ngày 05/4/1972 xe ô tô của quân giải phóng đưa đoàn chúng tôi ra huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, thành lập đơn vị T72, học tập và tham gia công tác, đơn vị xây dựng kinh tế.

Tháng 5/1973 tôi được lệnh của trên cho về địa phương và tham gia công tác ở xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong. Tôi được phân công làm trung đội trưởng du kích cơ động xã Triệu Phước kiêm đội trưởng văn nghệ; ngày quốc khánh 02/9/1973 tôi đưa đội văn nghệ vào làm công tác binh vận ở tuyến chốt Long Quang.

Tháng 4/1975 tôi được lệnh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào tiếp quản ở thành phố Đà Nẵng. Tháng 5/1975 sau khi hoàn thành nhiệm vụ tôi trở về địa phương phụ trách công tác Văn hóa Thông tin xã Triệu Phước kiêm Bí thư xã Đoàn. Năm 1984 tôi được huyện điều động làm Phó trưởng phòng VHTT huyện Triệu Hải cũ. Hiện giờ tôi đang công tác ở Phòng văn hóa thông tin huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Sự kiện Trung đoàn 56 phản chiến trở về với cách mạng là một sự kiện đặc biệt có một không hai và là một dấu ấn không thể nào quên đối với bản thân và nhiều người trong cuộc khác.

Vào lúc 14h ngày 01/5/1972 cờ giải phóng đã tung bay trên nốc tòa hành chính ngụy Sài Gòn tỉnh Quảng Trị.

T.K.Q 

 

Trương Kim Quy
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 225 tháng 06/2013

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground