Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người vợ Vệ quốc đoàn

LTS. “Người vợ Vệ quốc đoàn” của Lê Tâm Tiềm là một Hồi ký tương đối “dài hơi” được tác giả chia ra thành 5 chương: 1 - “Quê hương - lửa đạn” 2 - “Đọa đày và đấu tranh” 3 - “Người chị” 4 - “Chị và em” 5 - “Quê hương ngày trở lại”… Phản ánh khá điển hình và sâu sắc số phận người phụ nữ bên bờ Nam Quảng Trị có chồng tập kết ra Bắc.

CV. Giới thiệu nhiều kỳ, rất mong bạn đọc đón xem.

 

I. Quê hương – lửa đạn.

Chị lấy chồng năm 20 tuổi. Đơn vị của anh tổ chức cưới.

Lễ cưới giản dị. Một bình hoa các anh hái trong vườn, có cây chuối con đứng cao ở giữa, chung quanh chủ yếu là hoa dại mọc chen lấn trong các bụi tre, bàn là cánh cửa hông kê cao bằng các gốc cây.

Đại diện đơn vị của anh thay mặt hai gia đình tuyên bố lễ cưới. Anh và chị đứng cạnh nhau một bên. Vị đại diện nói: “Kể từ hôm nay đồng chí Trung và đồng chí Quốc là vợ chồng. Có nghĩa vụ chăm sóc, lo lắng, nâng đỡ lẫn nhau để công tác ngày càng tiến bộ”. Vị đại diện cũng nói qua những thắng lợi giòn giã trên khắp các chiến trường Việt, Miên, Lào mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ đã buộc Pháp phải ký vào Hiệp định đình chiến Giơnevơ. Dòng sông Hiền Lương là ranh giới tạm thời để quân hai bên tập kết. Ta phía Bắc. Hai năm sau tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Còn sáu ngày nữa Hiệp định có hiệu lực. Nhiệm vụ của mọi người là tiếp tục đấu tranh dưới cờ Việt Minh cho đến ngày toàn thắng vẻ vang.

Dưới ánh sáng mờ mờ của sao trời tháng 7, đoàn nhà trai gồm những đại diện đơn vị chú rể, gia đình cô dâu, và xóm làng tham dự lễ cưới chung nhau quanh khoảng sân đất nện. Mọi người vui vẻ, hồ hởi chúc tụng, mong cho cô dâu chú rể bên nhau, như chim liền cánh, như cây liền cành. Những tiếng cười, lời nói đều kiềm xuống vừa đủ nghe, không một ánh đèn, ngọn đuốc, đến đóm lửa từ điếu thuốc cũng được khum tay che kín. Tất cả để hòng tránh những đôi mắt cú vọ rình rập, hơn nữa cách đây khoảng năm bảy trăm mét về phía Đông, vượt qua một cánh đồng phẳng lỳ như mặt kính trên đất làng An Hưng, là một đồn Tây. Gần hơn, phía bắc là đồn Vân Hòa. Tụi “Tề” thì không dái ló mặt đã đành, nhưng tụi “gian” thì thật không biết đâu mà lường. Bởi vậy lễ cưới được kết thúc chóng vánh. Đơn vị nói gởi anh cho gia đình một đêm, mờ sáng phải có mặt tại đơn vị. Anh chị dẫn nhau vào buồng tân hôn. Gia đình lại thổi nồi cơm để đùm gói cho anh lên đường. Gà gáy lại anh khăn gói ra đi, chị tần ngần nhìn theo, không ai đưa tiễn vì sợ lộ đường đi, anh nhảy qua ruồng tre, lách qua vườn bên cạnh, hút vào màn đêm. Anh hẹn “Hai năm sau” chị hốt hoảng nhớ lại, chân tự nhiên nhủn đi, cả người rụi xuống bên cạnh cột hiên, điểm bám víu cuối cùng của chị giây phút này.

***

Hòa bình lập lại. Chị và mẹ cùng ba cháu em từ nơi sơ tán – cũng trong làng thôi, cách một con sông – về lại xóm mình – xóm Đông Bội, bắt tay vào phục hóa vườn tược, che bên gốc mít đã trụi hết cành lá cái trại để chui vô chui ra tránh mưa đỡ nắng, chị lãnh đạo gia đình và là lao động chính, có sự hỗ trợ của cô em, cậu út và chị kế nó thì còn nhỏ quá. Chị phác định chỉ cho cô em giúp thời gian đầu mà thôi, cái lúc ba tua lùa một nầy – lo chỗ ở, lo khai hoang, lo canh tác – còn em phải đến trường, ở đây là phần việc của chị, là công tác của chị. Mẹ chị đã qua tuổi bốn mươi và bệnh hoạn.

Mẹ bị nạn trong cuộc càn hơn năm trước ngày bọ chết. Theo những người cảnh giới và chị du kích kể lại. Tây nó rút khoảng xế trưa, nhưng không hiểu sao còn lại 15,17 thằng – chị du kích không đếm được cụ thể – trẩn lại nằm im thin thít dưới bờ ao. Mẹ thấy Tây rút vội vã gởi thằng con hơn tuổi để chạy về xem nhà còn lại cái chi. Vừa đến sân nhà, một thằng Tây đen tóm lấy mẹ, tay bịt miệng lôi tuột xuống ao. Nó tuột quần mẹ. Chị du kích nghe mẹ hét: “Bọ con Trung ơi…cứu”. Chỉ chừng đó, một báng súng đập vào đầu mẹ, một tiếng “hự” rền đặc, đơn côi. Chúng xé áo mẹ nhét vào mồm, ấn đầu mẹ vào giữa hai cây tre, xé quần mẹ cột tay, cột chân. Thấy mẹ nằm bên bờ ao, đầu chui vào bụi tre, hai tay giơ tới trước, gối quỳ, mông chổng về phía ao. Chúng nó thay nhau bu lấy mẹ… cũng có lúc thằng làm thằng đợi. Chị du kích đếm đến lượt thứ hai nhăm, thấy không khớp số người nên bỏ không đếm nữa. Chị du kích khẳng định chỉ 17 thằng hoặc 15 thằng không thể nhiều hơn. Chị du kích nói: “Sôi uất căm hờn nhưng chẳng biết làm sao”. Dù là du kích nhưng chị vẫn không có súng. Trời nhá nhem tối, chính bong tối nhờ nhờ lại lợi thế cho chị, có thể vén nhẹ lá các cây ngụy trang quan sát rõ hơn, rộng hơn. Chúng nó rục rịch rút lui sao đó, thấy tụm lại, một thằng nói thì thầm tay chỉ thằng này thằng nọ. Chị nghĩ đây là cơ hội tiêu diệt lũ dã man, bầy súc vật. Quả lựu đạn chị vẫn cầm trên tay, chị ấn mạnh chày xuống đầu gối, nhẩm đếm: một, hai, ba hết chữ ba thêm một nửa quãng nữa chị mới ném, trúng ngay giữa đám, nhưng thật xui xẻo quả đạn của chị cứ xì xì um khói mà không nổ. Tiếc quá, chị chỉ còn hai quả. Quả trước chị cũng thao tác vậy, khi nhóm đầu tiên lố nhố ở bờ tre bên kia, cách chị hai bờ tre, con đường kiệt, một cái ao, chị đã ném, tay chị vụng về quá hay số chúng nó còn phải chồng chất thêm tội ác chưa thể chết nhanh chóng, quả đạn chệch xuống ao, nổ giòn giã. Tuy không diệt được giặc nhưng cũng đã xác định tọa độ bước tiến của địch để các anh xử lý. Quả đạn ấy đã hoàn thành nhiệm vụ, nó chấm lên bản đồ các anh cái tọa độ đã có sẵn. Quả đạn xì xì um khói cũng làm chúng nó phóng chạy thục mạng, đến hết cái vườn bên cạnh rúc đầu vào ruồng tre còn hằm hè về phía chị. Lũ nhát gan ấy sợ chị, có hai thằng chỉa súng lại phía chị lén lút nép mình vào bụi tre ngồi yên, đám còn lại đi khoảng vài ba chục bước lại có hai thằng khác làm vậy, hai thằng trước mới quay lưng chạy theo đám. Khi chúng nó rút khỏi mảnh vườn thứ ba chị du kích mới yên tâm vội vã chạy đến kêu gọi nhưng mẹ đã ngất rồi. Bà con gánh mẹ chạy tận làng Linh Yên mới gặp được Y tế. Mẹ sống được nhưng đã thành như vậy, thụ động, vô hồn, không tiếng nói.

Chị du kích kể: “Chúng nó lom kom vừa tầm bờ ao, trời chập choạng, dưới ao tối hơn nên không thấy rõ tụi đen dầm hay tụi đen nhờ nhờ (Ma rốc – Xênêgan). Không có thằng trắng”.

Là trụ cột gia đình nên chị cũng theo đoàn đi rú bứt tranh, cũng vào rừng chặt cây để chuẩn bị vật liệu làm nhà. Chị là một người xốc vác, cần cù, chịu thương, chịu khó, trời phú cho một sức khỏe dẻo dai, hay chính cái lò lửa chiến tranh đã tôi luyện nên.

Cuộc sống tàm tạm on định (trong nghĩa của hoàn cảnh lúc ấy), chị lên đường đi tìm gia đình chồng. Trước đó chị biểu em trở lại trường. Cô em kế ngần ngừ: “Đúng là mơ ước của em, nhưng chị xét xem có phần của em gia đình mới áp sát đủ ăn, em đi học thì mình sẽ thiếu hẳn một phần ba chị ạ. Chưa kể còn phải cộng chi phí trong việc học hay cứ để em giúp chị, sau hãy hay”. Chị không chịu, theo chị cuộc sống nó có những mối tương quan chằng chịt nhiều chiều phức tạp và cũng vô cùng huyền diệu, không giản đơn như bài toán của em, đấy chỉ là cái căn bản để có hướng xem xét thôi, chưa phải là cái có thể chi phối vào cuộc sống vào quyết định của chị được. Và em trở lại trường. Mới đó mà đã hơn năm, ngày chị lấy chồng và cũng từng ấy ngày anh đi xa, cũng từng ấy ngày chị không có tin tức về anh. Gia đình chồng ở huyện trên, nghe đâu anh có bà chị gái. Chiến tranh sơ tán mọi nơi chị cũng không hy vọng tìm ra manh mối, nhưng việc phải làm cứ làm. Chuyến đi đầu tiên không mang lại kết quả. Chị phải trở về để thu hoạch mùa màng.

Chuyến đi thứ hai liều sau vụ làm đồng vừa xong, cũng là khoảng thời gian của năm trước, lần này chị may mắn hơn, biết được tin bà chị chồng lúc sơ tán đã lập gia đình và theo chồng vào Phan Rang. Chị nghĩ, thu hoạch vụ mùa sẽ trích ra một phần để làm lộ phí cho chuyến đi thứ ba. Ý nghĩ chủ quan là vậy nhưng thực tế lại không chiều chị, gặt hái xong, cân đối lại chị còn thiếu ăn hơn tháng mới giáp hạt. Tự tin vào bản thân, chỉ nghĩ phần thiếu đó sẽ được bù vào bằng thời gian thức kuya dậy sớm, chăm con heo, nuôi con gà, nhưng cũng phải gác chuyện tìm bà chị chồng lại. Lấy chồng đã hơn hai năm mà chưa biết được nhà chồng, chưa gặp được một người thân của chồng, chưa nắm rõ mồ mả, ngày đơm tháng kỵ ông bà, cha mẹ chồng để làm phận sự con dâu là cả một nỗi trống trải trong lòng chị. Nỗi băn khoăn khắc khoải này đan xen cùng nỗi niềm thương nhớ anh thường xuyên dày vò chị, nhưng cũng chính là chất liệu nuôi sống chị, là ngọn đuốc soi đường chị đi, là sợi chỉ hồng xuyên suốt chuỗi tư duy của chị.

***

Ngày tổng tuyển cử thống nhất nước nhà đã bị bè lũ Mỹ – Diệm phản bội. Ngày gặp lại anh quả thật là mờ mịt, chị hiểu rõ điều đó, nhưng tình yêu trong chị xác đinh, trái tim chỉ một lần trao đi và cũng chỉ một lần đón nhận, bởi vậy chị nghĩ cũng nên chỉ một lần lấy chồng. Chị bỏ ngoài tai những lời nói ngọt ngào, những cử chỉ âu yếm. Chị tuyên bố, chị là gái có chồng và chờ chồng.

Mối tình của chị và anh cũng gọn gàng như lễ cưới. Chị tiếp đạn lên bờ tre nơi anh Vệ quốc đoàn đầy mình lem luốc đang trụ lại cầm chân địch. Đã hơn ngày đêm tiểu đội của anh lùi dần từng bước nhưng không phải vậy mà quân địch ngang tàng tràn qua. Anh cầm chân tại tuyến An Tiêm đủ cho nhân dân làng Nại Cửu, Bích La, sơ tán; anh cầm chân ở tuyến Nại Cửu với mục đích chôn chân cánh quân này để đơn vị ở cánh phải có thời gian tiêu diệt cánh quân hướng Hà My, Bích Khê một cách triệt để. Làm phá sản cuộc càn ráp phá hoại mùa màng ở huyện Triệu Phong của địch. Huyện Triệu Phong là một trong hai bồ lúa của tỉnh Quảng Trị; là một trong những mặt trận kiên cường góp phần thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Anh đang cầm chân địch ở tuyến Bích La Đông, nơi chị tiếp đạn cho anh. Tiểu đội theo dự kiến lùi về phía Phú Liêu họp cùng đơn vị sẵn sàng phản công nếu địch tiến sâu vào đất An Hưng. Trong mịt mù khói lửa, đạn bom gầm rít, anh gọi chị khi vươn người trườn qua bờ ao: “O áo đà ơi, tên chi? Tui tên Quốc, nhớ nhé”. Chị trả lời: “Nhớ rồi, tui tên Trung”. Anh lăn mình qua vồng khoai lang khi bạn bè của anh đã tiếp giáp được ruồng tre cuối xóm, anh gào lên để át tiếng đạn đang gào thét đan nhau như một tầng lửa trên đầu: “Tui xin cưới Trung, có đồng ý không?”. Chị ngần ngừ… một quả cối nổ ngay rãnh khoai nơi anh vừa lăn qua rãnh kế. Chị kinh hoàng hét lên, như sợ anh không nghe, như sợ anh không còn kịp nghe: “Đồng ý, đồng ý, em ở xóm Đông Bội, làng Bích La Đông”. Anh ngoái lại dặn với khi chân vẫn chạy thành ra tiếng kéo dài: “Đợi…anh…anh…”. Anh cùng tiểu đội về hướng Phú Liêu, chị băng đồng theo bà con sơ tán xuống Tài Lương. Chị sắp xếp trong đầu, nếu mặt trận nổ ra phía An Hưng chị sẽ dẫn bà con vào Thăm Triều, nếu cần vào Ngô Xá.

Từ đó trong chị có anh, người Vệ Quốc Đoàn tên Quốc. Chị không nhớ rỏ mặt lắm, hình như da mặt sần sần hay rổ đậu mùa, chị mang máng vậy, dáng người chắc đậm, khi lăn qua vồng khoai làm nát hết dây khoai. Chừng ấy đủ để chị nuôi lớn một tình yêu.

Chị theo kịp bà con sơ tán tại làng Tài Lương mới hay tin chiến thắng. Cánh quân lấy trục đường 4 làm hướng tiến quân của địch đã bị đánh tan trên đất Hà My - Đâu Kênh. Trận chiến nổ ra từ quá trưa đến gần tối. Binh đoàn nầy lấy lực lượng cơ giới làm chủ lực đi giữa, mở rộng hai mũi bộ binh hai bên. Với ba mũi nhọn nầy địch tự tin tiến sâu vào đất làng Hà My - Đâu Kênh.

Nắm vững ý đồ tiến quân của địch. Nắm vững lực lượng, năng lực cũng như tinh thần của binh lính địch. Trung Đoàn 95 quyết định đánh nát cánh quân nầy.

Một Đại đội được giao nhiệm vụ đối công trực diện để dồn địch lại một cục cho Tiểu đoàn 1 và 3 từ Đại Lộc – Đâu Kênh tổng lực tiêu diệt địch. Tiểu đoàn 2 ém quân khóa đuôi tại làng Bích Khê. Trận chiến bắt đầu từ tiếng nổ quả mìn chống tăng. Đại đội chận đầu đã thành công đến nỗi gây cho địch hoang mang, rối loạn đến mức mất hết khả năng nhận định hướng bị tấn công. Bằng chứng là toàn bộ ca nông yểm trợ trôi xa về phía Bắc gần cả cây số, binh lính ngơ ngác giữa các làn đạn, nổ súng như một phản xạ tự nhiên của ngón tay níu vào cò súng. Tiểu đoàn cơ giới nát tan trên mặt đường, nhiều xe bốc cháy, khói đen ngập tràn một góc trời, phần lớn các xe bị tiêu diệt bằng lựu đạn, đuốc lửa thả thẳng vào lòng xe qua cửa pháo tháp, phần còn lại do chính tụi lính đánh thuê kinh hoàng, hoảng loạn nhảy khỏi xe chạy trốn.

Những hàng chuối ở làng Bích Khê khi quân địch đi qua xanh tươi mơn mỡn gợi thèm những buồng chuối trĩ nặng sai quả, những bụi cây thưa thớt hầu như hoàn toàn vô hại rải rác hai bên vệ đường, như được sinh ra để trang điểm, để chấp cánh cho mộng mơ, gây cảm giác vui mắt cho khách bộ hành vơi nhẹ bước viễn trình… Nhưng tất cả những thứ ấy trong phút chốc hóa thành chiến binh, những người con ưu tú của quê nhà, những đại biểu của nhân dân nói lên tiếng nói của mình trước quân xâm lược. Các anh đứng lên, rũ bỏ cành lá ngụy trang, bủa lên đầu giặc nỗi kinh hoàng của sức mạnh chiến tranh du kích chuyển thành trận địa chiến, nó bất ngờ, khủng khiếp như một cơn địa chấn, mà sức lan tỏa của nó đến chiếc lá trên cành cũng gây cho đối phương run rẫy. Một sĩ quan Pháp bị bắt, anh ta thú nhận là sợ run trước cả các luống đậu xanh sây quả.

Bị đánh chụp đầu, địch sợ phía trước không dám dấn bước, lại bị quân phía sau khiếp đảm ùn tới, cả một cánh quân dồn thành một đống, như nhốt vào rọ, lại rơi đúng vào tầm “tung hoành” của Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn 1. Có lẽ cục diện trước mắt thuận lợi đến nỗi khít khao với dự kiến của các nhà cầm quân. Trung đoàn trưởng Trung đoàn 95 – người chỉ huy trực tiếp – đứng trên mái hiên đình làng Đâu Kênh quan sát trận chiến – một hình ảnh vô cùng hào hùng và cũng quá sức lãng mạn, có lẽ chỉ có trong thời đầu chống Pháp – nhận định tàn quân địch sẽ dạt qua phía Bích La Nam vượt cánh đồng Nại Cửu chạy về An Tiêm. Lệnh cho đơn vị đang bố phòng chận địch ở Phú Liêu tiến quân truy kích địch tại cánh đồng Bích La Nam – Nại Cửu. Động thái chuyển quân của đơn vị nầy đã làm cho cánh quân địch đang chần chừ trên phần đất làng Bích La Đông kinh hoảng vội vã chạy, nhằm tránh một cuộc tập kích ngang hông, địch vượt sông An Tiêm, bố quân lại tại làng Hạnh Hoa, đến lúc nầy thầy trò chúng nó vẫn chưa hết run rẩy.

Các Sĩ quan Pháp trong trận nầy, cho dù có kịp ôn lại lịch sử, nhớ về trận Oatélô cũng không thể rút ra được kinh nghiệm gì. Hình ảnh người chiến binh với cây đuốc lửa nhảy vào xe thiết giáp; hình ảnh ớt bột cũng là vũ khí hình ảnh một cánh quân với hai mũi bộ binh một mũi cơ giới bị dồn đống lại trên đoạn đường non ba trăm mét. Quả thực quá sức chiu đựng với những đầu óc mang tư tưởng bệnh hoạn tự cho mình sứ mệnh khai hóa. Nếu tĩnh tâm rút kinh nghiệm, chắc chắn chúng nó phải kinh hoàng trước một nền văn hóa mà tính chất tự cường dân tộc là một đỉnh điểm.

Với quan niệm chiến thuật thông thường, ngụy trang là tìm cách hòa đồng thể dạng vào môi trường chung quanh nhằm che mắt đối phương, ở các chiến sĩ cũng ẩn mình dưới cây chuối, bụi cây để che mắt địch, nhưng không nên dừng lại ở đó mà phải hiểu nó hàm chứa ẩn dụ: Đến gốc chuối, bụi cây cũng đứng lên chống quân xâm lược. Đấy là một dạng thức biểu lộ lòng căm uất quan giặc đến cùng cực. Các cụ, cả đồ nho cả nông dân đều nói như vậy. Chị nghĩ các cụ nói đúng. Bản thân chị cũng như các chị cùng trang lứa điều mơ ước có khẩu súng, cần có khẩu súng. Lẽ thường tình ai cũng hiểu, súng đạn là thứ hung dữ, thô kệch, lạnh lùng, rõ ràng không thích hợp với bàn tay ngón tay các chị, nhưng lòng căm thù phẩn uất trước những hành động dã man, thú vật của quân xâm lược, các chị cần có khẩu súng.

Sĩ quan và binh lính Pháp thoát chết trong trận nầy cũng không biết mình bị tấn công từ hướng nào. Có biết bị chận đầu; có biết bị tập hậu, ngoài ra là sự kinh hoàng hoảng loạn. Lửa đạn như từ trên trời đổ ụp xuống quyện hòa cùng tiếng thét xung phong, tiếng nổ chát chúa, xe bọc thép bốc cháy và một loại chất cay nồng của ớt bột xông qua lửa phủ trùm lên đội hình gây họ sặc sụa và cay xè như xé toác cả mắt, mất hết khả năng qua quan sát, kháng cự, chỉ còn biết buông súng dong cả hai tay lên trời cầu mong được sống. Mấy o du kích áp giải tù bình không cần bịt mắt, chúng nó nhắm tít. Dân quân làng Vệ Nghĩa còn phải giúp tù binh “cách” để mở được mắt. Mấy o du kích thu dọn chiến trường còn bắt nốt những tên chui rúc trốn tránh trong các bụi tre, bờ ao. Có hai thằng Xênêgan đang lóp ngóp dưới mương nước. O du kích thét to: “Hàng ngay”. Nó vội vã dong cả hai tay lên quá đầu. Du kích khen nó “nghe tốt” tiếng Việt. Thật ra có cần phải hiểu tiếng đâu, chúng nó chờ để được đầu hàng, cho dù tiếng hô là “Quỳ xuống” nó cũng ứng xử như vậy. Tội nghiệp, nó kinh hoảng đến nỗi không còn biết buông súng ở đâu. Mấy o du kích phải xắn quần lên tận háng để mò súng của hắn.

***

Địch rút chạy, chị về nhà nhặt nhạnh lại những gì chúng nó chưa tàn phá hết, nhà thì chúng nó đốt rụi ra tro rồi, may mà mấy thúng lúa chị chôn ra ngoài bờ chuối, chỉ lo bị ướt nhưng tránh được nạn cháy. Lúa ướt còn phơi lại, tuy cơm có mùi ung úng chua chua nhưng dù sao còn có cái để ăn. Chị đã phổ biến ý tưởng này cho khắp bà con làng xóm, khuyên mọi người nên đem lúa ra vườn chôn dấu khi địch càn, dẫu có ướt vẫn còn. Không chôn trong nhà hoặc cạnh cây rơm để tránh địch đốt. Nhưng khổ nỗi chị còn nhỏ tuổi, trọng lượng lời nói chưa đủ để phá vỡ thói quen. Trong nhà và chân cây rơm là hai nơi được đắp nền cao ráo nhất, là nơi có thể lưu giữ được năm bảy ngày không sợ ẩm ướt, chả ai nghe theo chị. Chỉ có thực tế mới làm bà con sáng mắt ra.

Pháp chủ trương phá hủy hoàn toàn các vùng Việt Minh, làng của chị mà chủ yếu là xóm chị, là một chấm đỏ trên bản đồ hủy diệt đó. Tây nó đốt tất cả những gì có thể đốt, đập phá cái gì có thể đập phá được, nó đốt cả bụi tre góc mít, nó đập vỡ vụn từng cái chum đựng nước, từng cái thóng dầm chua dưa môn, nó đào xới nền nhà nền ràn con trâu. Không biết để làm gì? Có lẽ chỉ là một sự phá hoại. Nó bắn người hàng loạt, cụ già, trẻ em, những người đau yếu không kịp chạy càn. Làng chị có một ngày kỵ cả 48 người đủ các thế hệ. Nhìn la liệt xác cụ già em bé đổ ngổn ngang bên các vũng máu, lòng chị vừa xót xa vừa sôi uất căm hờn, chị nghĩ đến khẩu súng, có lẽ chính khẩu súng sẽ giúp chị giải quyết được nhiều vấn đề hơn. Hôm địch bắn đuổi theo tiểu đội của anh, chị đã nghĩ đến khẩu súng. Nếu có khẩu súng trong tay chị đã có thể chia lửa cùng anh, chị đã có thể thu hút sự chú ý của địch về hướng chị để anh rảnh tay. Và chính chị cũng có thể cầm chân giặc để trẻ em và cả những người đau yếu cũng đủ thì giờ chạy càn.

Chị đến thôn đội đăng ký vào du kích. Ủy ban Kháng chiến lại không nhận, lý do: “Chị phải bảo đảm đời sống gia đình”. Thế đấy, vì không còn bọ nữa.

Bọ chết không phải do Tây bắn nhưng chính giặc Pháp giết ông ấy. Chúng nó hung tàn, man rợ đốt ngôi nhà mà hầm tránh cà nông trong đó chỉ toàn đàn bà và trẻ em. Bọ xông vào hầm lửa ấy để lôi mọi người ra. Một mái che đổ ập xuống lưng bọ, bọ chỉ kịp xô dạt hai cháu cuối cùng ra xa rồi khụy xuống. Chính những người đàn bà vừa được bọ cứu ra chưa kịp hoàn hồn, chưa hết sặc khói, lại xông vào cứu bọ. Họ kéo bọ ra khỏi vùng lửa, nhưng bọ bỏng nặng quá, từ cần cổ xuống tận mông, tràn ra cả hai cánh tay, thuốc men không có, chỉ biết phủ đầy vết thương bằng phân trâu. Chạng vạng tối bọ qua đời. Trước bát nhang nghi ngút khói, rất nhiều người nhận bọ là anh kết nghĩa, là em kết nghĩa, là bọ tinh thần. Năm ấy chị 15 tuổi, thằng em út 3 tuổi. Chị trở thành trụ cột gia đình, thay bọ. Trước đó hơn năm chị đã phải thay mẹ cai quản gia đình. Chị thật là một người có quá nhiều bất hạnh. Nhưng cụm từ ấy chưa bao giờ thoáng qua trong tâm thức chị, chị là một người cứng cáp. Chị không cần phải học cầm cày, cầm bừa. Chị đổi hai công của chị lấy một công cày, một công rưởi lấy một công bừa của cậu bé nhỏ hơn chị vài tuổi. Chị thấy cái bất công của giới tính. Chị nghĩ nó phải được san bằng từ trong bản thân chị, từ cuộc đời chị. Nhưng đó là chuyện còn dài.

Cán bộ Ủy ban Kháng chiến giải thích thêm: “Chăm lo được đủ no đủ ấm cho mẹ và ba em nhỏ là một công tác Việt minh rồi, là một đóng góp lớn lao vào cuộc kháng chiến rồi, hơn nữa kháng chiến còn lâu dài chị đừng lo không còn cơ hội”. Chị về nhà tâm tư nặng trĩu mấy ngày.

***

Có người nói thằng trắng không hiếp dâm, vậy là chủ quan, nó cũng không là ngoại lệ, có điều trong suốt bao năm qua, làng chị chưa có nhân chứng nó hiếp dâm tập thể (các nơi khác không biết), có lẽ trên lộ trình tiến hóa nó đã nhích lên được vài ly so với lũ đen súc vật ấy. Tuy vậy nó cũng cần phải được giáo dục phép ứng xủ theo mẫu chuyen đêm tân hôn: “Ông chồng lồng kín hai bàn tay vào hai tay áo, giơ tay lên ngang cằm, chân đều, nghiêm trang, đầu hơi cúi, thưa: “Tại hạ xin được phép mở khóa động đào”. Cô vợ từ tốn đứng dậy (Khi ấy đang ngồi trên giường), khép nép đứng qua một bên, bàn tay trái để vào lòng bàn tay phải, nâng lên gần ngực, khom người thấp xuống, thưa: “Xin cung thỉnh”. Đến lúc đó ông chồng mới được ngồi lên giường cưới

Nhân chứng là o Cải, 36 tuổi thời điểm bị nạn, kể lại, nó lôi o giữa một đám đàn bà nhem nhuốc (các o thường bôi bồ hóng, nghệ, nếu vội quá thì đất, lên trán, má, cổ và hai bàn tay, với hy vọng những con đực ấy thấy nhờm, thấy tởm) vào trong buồng, bắt o chống tay vào phên, nó đứng sau lưng như con trâu con bò ngoài đồng ấy. Chỉ khác, trâu bò hai chân trước kẹp hông, còn nó văn minh luồn tay tận ngực.

Một chị làm công tác cảnh giới kể, không là chuyện súc vật ấy nữa, mà chuyện ăn. Con trâu nó bắn bỏ ngoài đồng thúi om các chị phải chôn, nhưng con gà, con vịt, con heo nó ăn trụi. Thấy nó hè nhau ví bắt bầy gà, bắt được con nào nó nhét vào cái túi bên đùi to đùng dài quá gối. Trước đây chị chưa biết hai cái túi ấy nó dùng vào việc gì, nhờ nền khai hóa chị sáng ra: Đựng gà! Từ đó mọi người có tên để gọi “bọc bỏ gà”.

Bắn được con heo, cả trắng, cả đen, cả nhờ nhờ xúm nhau lại, không cần thọc tiết, nước sôi, cạo lông chi cả, chặt phăng cái đầu ngay giữa làn nọng (chúng nó thật dại, cái nọng ấy trước thời Việt minh phải là “tiên chỉ” mới được ăn đấy), lấy dao rạch một đường từ cổ xuống bụng, xuống tận lổ tuồn phân, xách ngược lên xổ toàn bộ ruột gan phèo phổi tim cật xuống hố, lẻo thịt cả xương, thằng đen lo phần thằng đen, thằng nào lo phần thằng đó. Con trâu, con bò chị có thấy lột bì, con heo thì chưa thấy, chúng nó thật phí phạm, con heo to cở ấy phải nuôi mười tháng, hoặc cả năm đấy, biết bao công sức. Không phải của cha của ông chúng nó. Chị ức, không thèm làm cảnh giới nữa, nằng nặc đòi vào du kích, chị nghĩ ở đó có súng.

***

Làng chị thuộc tuyến đầu mặt trận nên lắm khốc liệt, mất mát, bi thương, và cũng hết sức hào hùng. Bên lề cái chính, cũng lắm cái dở cười dở khóc, mà nhờ nó lại vỡ ra nhiều vấn đề.

Anh đội viên du kích bê nồi súp đầy ngập mà chúng nó vội vã bỏ chạy không kip ăn về Tiểu đội. Các đồng chí xúm lại phê bình anh đủ điều, từ nồi súp mở rộng suy diễn đến ảnh hưởng xấu vào giai cấp vô sản và nền hòa bình thế giơi. Nhưng anh là người ngang ngạnh, lý sự, lại thông minh. Anh không chịu nhận khuyết điểm, anh không nói “tấm lòng trinh bạch từ nay xin chừa”, mà anh vệc từ cái nồi canh chẳng phải canh, cháo không thành cháo ấy lên từng thứ, thấy đâu nói đó: Gạo này của đồng làng ta; thịt heo, thịt gà, mít non nầy của nhân dân ta nuôi trồng; cái nồi ba bằng đồng này là tài sản của dân ta; kể cả cái kê lên để đun lửa cũng của ta. Các đồng chí chỉ cái đế quốc đi rồi tui xin nghe theo. Và anh thản nhiên vệc lên một đùi gà ngồi nhai nhóp nhép, ngất ngưỡng, thỏa mãn như thằng Bờm vớ được cục xôi. Không còn biết làm sao với cái anh đội viên này đành phải báo cáo toàn bộ sự việc, xin chỉ đạo của cấp trên.

Cán bộ về, lời đầu tiên là: “Các đồng chí ăn nồi súp ấy đi. Cũng quá bữa rồi”. Mọi người rụt rè nhưng cũng chấp hành. Ông thản nhiên ngồi bệt trên nền hiên đất chờ Tiểu đội xỉa răng, uống nước.

Ông nói: “Đồng chí đội viên không nhận khuyết điểm là sai. Thiếu ý thức tổ chức, tập thể mới là người lãnh đạo”. Xoay qua anh đội viên, ông biểu đi lấy giấy sinh hoạt Đảng để kịp theo ông, anh trình bày là chưa được kết nạp. Ông nói: “Không sao, đồng chí về chỗ thôn đội đợi tôi”. Anh đi rồi, ông nói: “Kể cả cái nó thừa mứa bỏ ra mà còn dùng được ta cũng gom lại mà dùng, cũng như lượm được quả lựu đạn nó bỏ quên bỏ sót ấy. Chiến lợi phẩm cả đấy, tuy nhiên những thứ như thức ăn không cần ghi vào sổ”. Ông kể: “Có mẹ nhặt được gần chục viên đạn, nộp thôn đội, không có súng bắn loại đạn đó, gửi lên xã, xã gửi lên huyện, huyện gửi ba nơi nữa mới có chỗ dùng” Ông kết luận: “Ta còn khó khăn, phải biết quý từng chút, và phải biết tận dụng”.

Từ đó làng chị không cực đoan cào chôn tất cả mà tận dụng, cái lon dùng đựng muối, cái thìa cái môi dùng lại khỏi phải sắm. (thật ra thì cũng chẳng tận dụng được cái gì).

Về anh đội viên ấy, chị nghĩ trừ những cái cán bộ đã nói, theo chị cũng cần thêm bảy ngày kiểm điểm nữa, bốn ngày cho thái độ thách đố, ba ngày cho tác phong thằng Bờm. Về sau gặp anh ấy, chị hỏi họ có kiểm điểm thêm bảy ngày ấy không? Anh ngơ ngác, chị nói ra. Anh cười ngất: “Có, có, nhưng đâu có cay nghiệt như cô. May quá cô không phải Bí thư của tôi”.

***

Khi cán bộ phổ biến thắng lợi của ta tại bàn hội nghị là kết quả tất yếu khi quân, dân chiến thắng vẻ vang trên các mặt trận mà điểm chốt lại là toàn thắng ở lòng chảo Điện Biên Phủ. Cùng thời gian ấy anh đến xóm Đông Bội tìm chị. Xóm Đông Bội khi anh trụ lại chận địch đã chịu đựng bao năm chiến tranh nhưng nó vẫn đầy mầu xanh, anh nhớ những bờ tre ken dày nơi anh từng kê súng cầm chân giặc, nơi có những con ao kín đáo, vừa tầm súng lại vô cùng sạch sẽ, không có đến một cái gai tre dưới bùn, giúp anh dễ dàng lúc chỗ nầy, lúc nơi nọ nã đạn vào quân thù. Xóm Đông Bội nơi có những luống rau xanh tốt mượt mà, nơi anh đã cầu hôn và được chấp nhận. Vồng rau lang ấy sao mà thân thương, mà rộng lòng che chở chẳng khác mẹ hiền giang rộng vòng tay, quả đạn nổ bên kia vồng đồng một lúc anh vừa bên nầy vồng, không trầy chút da, không mất một sợi lông chân. Xóm Đông Bội bây giờ sao mà xa lạ, sao mà lạnh lùng, không một bóng cây tre cao quá đầu người, đầy cỏ dại, hoang tàn thanh vắng đến rờn rợn. Anh đặt chân lên xóm Đông Bội, anh trở về cùng nó, vùng trời kỷ niệm đầy tràn trong tâm tưởng, nó theo anh trên mọi ngã đường, nó vui cùng anh nó căm thù cùng anh, nó cùng anh vang vọng tiếng thét xung phong, và trên tất cả, nó ôm ấp bóng dáng người con gái đi vào trái tim anh từ ánh mắt lo lắng, chở che, khi chị tiếp đạn cho anh đánh giặc. Anh về đây tìm người con gái ấy. Nhưng xóm không một bóng người.

Như một định mệnh hay là giác quan thứ sáu mách bảo, khi chị đang hái rau bên bờ ao, nơi chị thường tới như được dẫn dắt từ sâu thẳm trong tâm thức đợi chờ, chị gọi tên anh. Anh ngơ ngác ngoảnh lại nhìn. Chị nói: “Em là Trung đây”. Anh mừng rỡ, ném cái ba lô xuống đường chạy tới bên chị, nắm lấy tay chị. Niềm vui hội ngộ đột ngột như bốc tâm hồn anh chị lên cao, cả hai anh chị cũng không biết tự lúc nào, không biết do ai khởi xướng, hai người đập tay vào nhau, đá chân vào nhau cùng xoay vòng tròn khi đá trước lúc xoay gót và cùng hát: “Đây gió… đây trong rừng…”. Một bài hát vừa nhảy vừa đá chân, đập tay vào nhau, cho hai người, để tạo tình đoàn kết khi gặp nhau trên đường, đã được tập luyện khá kỷ từ lâu, và cũng phải vứt bỏ bốn năm năm trước rồi, do cánh các chị lợi dụng nó cứ rình rập cán bộ ra đường để bất ngờ gặp, để đá, để nhảy, lắm lúc trể cả họp hành vì bị nhảy, và hình như thấy cũng chẳng ra sao.

Không hiểu từ đâu điệu nhảy đó lại xuất hiện trên cái xóm hoang tàn đổ nát nầy. Có lẽ hai anh chị rơi vào trạng thái niềm vui òa vỡ bùng lên nhịp điệu vốn có từ vô thức.

Các em nấu nồi cơm gạo nếp, không cho khoai sắn vào, để chào đón anh rể tương lai. Chị ra vườn cắt cây chuối con thái mỏng làm rau ăn cùng nước ruốc nấu loãng có gia vị là trái ớt giã nhỏ. Bữa cơm hạnh phúc của hai con người đã có sẵn nhau trong tâm tư trước khi có cơ hội ngồi bên nhau. Mâm cơm kê sát miệng hầm chữ A. Lại khoảng nầy địch hay bắn quấy phá, hình như chúng ngửi hơi được là nhân dân thường tụ họp để nghe loan tin chiến thắng và nghe phổ biến nhiệm vụ trong những ngày tới và nhiệm vụ lâu dài cho ngày Tổng tuyển cử thắng lợi.

Chị tặng anh tấm ny lông màu nước mắm, nó là thành quả của nhiều tháng trời chị học theo cánh con trai, đêm đêm đi rải cần câu cắm, khắp bờ ao, bờ đìa, bờ ruộng… số lượng cá chị kiếm được là ít, bởi chị chỉ cắm ra đó rồi đến sáng mới thu về, không như bọn con trai tuần tra nhiều vát - một cần câu của họ có thể bắt được vài ba con cá. Chị dành dụm phần lớn số cá ấy để mua tấm ni lông nầy, chị tin anh sẽ trở lại tìm chị. Tấm ni lông lại được gói trong nhiều lớp rơm, chôn sâu xuống dưới mới trồng cây chuối lên trên. Để trong nhà sợ Tây đốt nhà, để dưới hầm sợ giặc càn dấu không kịp, khi cà nông nổ trong vườn, ngửi mùi rơm mục mà nước mắt dâng trào. Anh thì thầm vào tai chị: “Vài ngày nữa, xin đơn vị về cưới”. Chị gật đầu. Và anh đã đúng hẹn

***

Ngày nghe tin các anh hành quân ra vùng tập kết qui định, lòng chị thật bồn chồn, nhìn lại mẹ bệnh hoạn và ba em nhỏ dại, thật chị không có con đường để lựa chọn. Chị tự an ủi, như lời cán bộ Ủy ban Kháng chiến nói, làm tròn phần việc của mình cũng là công tác Việt minh rồi. Và chị tự xác định tư tưởng: chăm mẹ, nuôi dạy các em, và chờ anh.

Ngày các anh đi nhưng còn vướng bận, lo lắng tụi em nhỏ, cán bộ Y tế lẽn về làng để chủng ngừa đậu mùa cho các em. Chị lại xuôi ngược đầu làng cuối xóm để gom các em lại. Cán bộ đi rồi, về nhà chị mới biết chính thằng em 8 tuổi của chị không được chủng ngừa, nó ngủ đêm ở nhà bà dì làng trên. Chính điều ấy lại tránh cho em một sự phiền hà. Sáng về đến gần ngõ nhà, toán lính từ đồn Vân Hòa đi ngược chiều, một thằng trong đám đó chộp lấy cánh tay em vạch áo lùng tìm. Em không biết chuyện gì nhưng em vô cùng khiếp đảm, từ đó thoáng thấy mầu áo lính là em run lên. Nỗi kinh khiếp ấy theo em cho đến năm em 14 tuổi, thì vào lớp Đệ thất trường Nguyễn Hoàng, trên đường đến trường chợt thấy hai thằng Bảo an đi chợ em run bần bật, tuột cả tập vở xuống đường. Đấy cũng là lần cuối cùng, chấm dứt nỗi ám ảnh trong em. Có lẽ ý thức đã can thiệp vào. So năm sinh, em lớn tuổi hơn tụi cùng lớp nhưng vóc dáng các bạn vẫn nhĩnh hơn, tuy vậy em vẫn là người cứng cáp nhất đám.

Các anh đi rồi làng xóm trống huơ, chùng xuống, lành lạnh, dù khi chưa đi các anh cũng chẳng có mấy dịp ở trong làng, tuy vậy vẫn cảm giác thân cận đầm ấm, vẫn cảm giác ta bên nhau. Chừ người đi kẻ ở lại, mà ở lại trong vùng địch chiếm, tâm tư rối rắm bời bời. Niềm riêng lại càng khiến chị thêm tủi, thêm hờn.

 

L.T.T

 

 
 
Lê Tâm Tiềm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 188 tháng 05/2010

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground