Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người vợ vệ quốc đoàn (Phần IV)

PHẦN IV - NGƯỜI CHỊ (Tiếp theo)

C

hị đến nhà ông chú họ để nhờ cày đám ruộng nhà. Ông nói: “Cày thì cày không thì không”. Chị bối rối hỏi lại: “ngày mai chú có đến cày cho nhà cháu không?”. “Ờ, có thì có không thì không”. Đành phải ra về với lòng nặng trĩu ấm ức và nghi hoặc, nhưng biết làm sao, chú là bậc trưởng thượng của gia đình, khi chưa xác định được rõ ràng thì chỉ còn biết chờ đợi, không thể vội vã cậy nhờ người khác.

Mấy ngày qua cụ “Tiên ông thời tiết” không phát tiếng: “Haa…xìaa chạc...” thế là thời tiết còn tốt ít ngày nữa. Cụ hàng xóm của chị đã hắt hơi là y như trời trở tiết. Nhờ vào độ chuẩn xác cao ấy mà cụ được bà con làng xóm âu yếm, thương yêu tấn phong cụ là “Tiên ông thời tiết”. Chỉ là cái hắt hơi, nhảy mũi thường tình, nhưng ở cụ lại có chút duyên dáng, điệu đàng, tính cách riêng, không thể lẫn vào ai khác, sau tiếng “Haa…xìaa” kéo dài nhiều nhịp là một tiếng “chạc” dõng mãnh, đỉnh đạc, dứt khoát. Âm thanh của sự hắt hơi “haa….xìaa” trở thành là một “dự lệnh” để mọi người chú ý, chính tiếng “chạc” mới là “động lệnh” chuyển tải thông tin thời tiết để mọi người y cứ vào đấy mà hành xử. Dù có chủ ý hay chỉ là phản ứng cơ thể cụ vẫn được công nhận đã có cống hiến cho bà con làng xóm một năng lực mà không đòi hỏi đền đáp, như hương, như sắc của hoa, như dòng nước ngọt ngào, tươi mát âm thầm nuôi dưỡng sự sống. Người ta nói không thể tắm được hai lần trên cùng một dòng nước. Ý nói nước thường xuyên luân chuyển, đi qua, đi qua… nhưng thực sự đi qua rồi trở lại. “Nước xuôi xuống biển lại mưa về nguồn”, vòng luân hồi. Hoa cũng như nước, hiến dâng toàn bộ hương sắc rồi vào tĩnh lặng, rồi lại tái hiện cũng chỉ để hiến dâng. Riêng con người, kẻ hưởng lợi, tự phải biết ứng xử để khỏi phí phạm. Cụ “Tiên ông thời tiết” không đòi hỏi nhưng xóm làng lại đền đáp theo cách riêng, hãm được nồi nước chè xanh thì tô nước đầu tiên bao giờ cũng ưu ái mang đến mời cụ, để cụ “thấm giọng”, để tiếng “chạc” càng vang xa.

Cụ còn được mời dự giỗ kỵ gia tiên của mọi gia đình. Với một trí nhớ tuyệt vời, các ngày giỗ kỵ của lớp tuổi cụ và lớp bề trên trong làng cụ đều nhớ kỹ. Đêm trước ngày kỵ chính thức cụ ghé nhà thắp tưởng niệm người quá cố nén hương, ôn lại vài kỷ niệm đã có hay kể một chuyện gì đó về phẩm chất, tính cách của người quá vãng. Bởi tính hay kể chuyện ấy cụ để lộ ra một chuyện đã được giữ kín gần bốn chục năm qua, làm bà em dâu nhà chú bác cùng cụ lồng lộn lên mạt sát cả gia đình nhà chồng bao gồm cả cụ. Số là bà em dâu vợ chú Bê, vốn được gả cho một gia đình quyền quý ở làng Dương Lệ, bản thân ông chồng hụt cũng có những thành đạt khiến nhiều người mơ ước, nhưng không phải vì niềm tiếc nuối vu vơ ấy, mà chính ông chồng quá cố của bà. Ông chồng với hơn ba mươi năm chung số đã dồn nén vào lòng bà một khối uất ức. Về nhà chồng chưa tròn hai năm, chưa kịp đẻ con, ông chồng đã vội vã rước về một bà nữa với cái cớ là không chờ đợi lâu được, ông còn bảo thầy bói nói số của bả thì chồng có vợ hai bà mới có con. Việc xảy ra đúng như thật, ngay năm đầu có vợ hai, vợ cả sinh được thằng cu bụ bẩm, kháu khỉnh, bả cũng khuây khỏa đôi chút, biết đâu thầy bói mù mắt lại sáng trí nói đúng. Trong thâm tâm bả có chút hàm ơn cô vợ hai, do tâm lý đó nên bả thực lòng thương yêu cô vợ hai, đối xử chân tình, chăm lo như hai chị em, và cũng lạ, nó có cái công bằng ngay trong sinh đẻ. Cứ năm trước bà cả sinh thì y như năm sau bà hai đẻ. Nhà bả lúc nào cũng có trẻ bò lẫn trẻ ẵm ngữa, và mỗi bà có chẵn sáu con, cộng lại là mười hai đứa. Nhưng ông Bê lại không dừng lại ở đó, ông đèo bồng thêm bà vợ ba. Bà này có cùng ông bốn con và hai đứa đời chồng trước là sáu. Tổng cộng ông có mười sáu con đẻ và hai con nuôi là mười tám đứa. Thật quá quắt, ông ở hẳn cùng vợ ba, bỏ mặc hai bà trước với một bầy con, với việc hiếu, việc nghĩa của dòng họ, làng xóm, nội ngoại, với cây hương trên bàn thờ, mồ mả ngoài ruộng đồng… ông bỏ mặc. Những lần giỗ kỵ gia tiên ông chỉ việc mang về tám thực khách. Thế mà có lần ổng còn ỏng ẻo giả quên ngày đơm tháng kỵ vác đục chàng đi đóng cối xay ở làng trên, báo hại hai bà cuống lên giục con cái chạy tìm năm bảy ngã đường, nhờ con đông vây cả làng trên xã dưới, cuối cùng cũng có đứa cõng được ổng về dự lễ cúng kỵ gia tiên. Trời sinh ra ổng để cho các bà chăm lo.

Vóc dáng đồ sộ, vai hùm chồm chồm tới trước, đôi tay khuỳnh khuỳnh, gặp ổng là có cảm giác bị ổng ôm gọn vào lòng. Lông mày rậm đen to như ngón chân cái che chở cho đôi mắt to dài buồn rười rượi, gặp ai ổng nhìn ngơ ngác như chưa hiểu chuyện gì đang xẩy ra, ông ngồi giữa đám hóng chuyện nổ như bắp rang mà tâm trí tận đâu đâu, như: “Mãi chở hồn lên tắm bến trăng sao”. Ở ông là một sự đối nghịch toàn diện, triệt để và cũng rất chi là hoàn hảo. Ông ngồi thinh lặng như “không muốn run người ra tiếng địch” (thơ Yến Lan), nhưng “tiếng địch” lại vang vãng trong tai quý cô quý bà ru êm ru êm vào cõi thần tiên đầy mộng tưởng. Ông thụ động, đúng hơn ổng an phận, chăm ăn chăm làm nhưng quý bà lại hành xử cái quyền dẫn dắt. Chính ông thú nhận khi bạn bè trang lứa ngưỡng mộ tài chinh phục phụ nữ, ổng nói: “Mình có biết chi mô, các bà yêu cầu không lẽ không đáp ứng, ai lại kỹ tính vậy”. Điều ấy được xác nhận bởi bà hai, khi miệng tiếng về ông quá nhiều, bà cả lên tiếng phiền trách, thì chính bà hai thanh minh hộ: “Ổng có nói gì đâu mà trách tội, chúng nó quyến rũ đấy.”

“Chúng nó” ở đây bao gồm cả người nói, một nhận xét rút ra từ thực tế. Ổng ngồi cặm cụi nện đất, chốt răng cho cái cối xay, thinh lặng, chú tâm vào công việc mà bà hai lúc đó đã hâm ba tuổi. Theo cách nhìn của làng quê là đã thuộc loại hâm đi hâm lại, bồn chồn đường chồng con, lại nghe như ông gọi pha nước, lúc lại nghe gọi lấy thuốc, đứng trước ổng thấy thinh thích, cảm giác ngất ngây đờ đẩn, tay ông vẫn cầm đục, cầm dùi cui mà sao bả thấy nhồn nhột khắp người ngỡ như tay ai đang vuốt ve khắp cơ thể, rồi như một định mệnh, trưa hôm sau bà đã là người trong tay ổng khi cả nhà đi ăn giỗ bên ngoại.

Nghe tiếng con Vện mừng rỡ ngoài sân, bà hai biết gia đình đã về, thay vì nhảy khỏi giường chạy trốn phi tang, bà lại ôm chặt lấy ông Bê.

Bà mẹ thấy cảnh tượng ấy lồng lộn xông vào cấu xé, ông Bê kinh hoảng cố đứng dậy, nhưng bị ôm chặt cổ thành ra ông Bê mang bả trước bụng như ẳm con nhỏ, nghiêng lưng che chắn mọi nỗi nguy hiểm, bà già giật lấy cái đảy đựng cau trầu thường giắt ở thắt lưng đập túi bụi lên người ông Bê, may quá, nhờ to cao quá khổ nên ông chỉ bị đòn từ lưng mà xuống. Bà mẹ đánh đập hỗn loạn, điên cuồng, vô thức, vừa hổn hển tru tréo: “Trời ơi là trời, tui nuôi ong tay áo, có trời có đất làm chứng, nhà tui ăn rau ăn muối nhưng tui vẫn dọn cho nó có khúc cá… tui thương nó cẩn thận, khéo tay, cần cù, lam lũ… tui…tui… Trời ơi trời ơi… nó hại tui ra nông nỗi này… con ơi là con ơi… còn ai mà dại dột đến cái nhà này để xin con nữa…con ơi con ơi… Trời đất ơi, tui có tội có lệ gì thì trời tru đất diệt, sai thiên lôi đánh chết tui đi, sao lại hại con tui ra cớ sự này…. Trời ơi là trời… ông bà tổ tiên đi đâu cả mà không ngó lại cho con, cho cháu nhờ… tui về làm dâu cái nhà này đã sít soát năm chục năm, một lòng cúc cung phụng sự chồng con, chu toàn ngày đơm tháng kỵ, khói hương sóc vọng, chăm lo mồ mả, cần kiệm giữ lấy nghiệp nhà, tui đã có cái chi lăng loàn hay hổn láo mà ông bà nỡ trừng phạt tui nặng nề, quá quắt đến nước này. Tui còn làm răng mà nhìn con nhìn dâu, làm răng mà mở miệng cùng các o, các chú,…. Ông bà ơi… khổ cái thân tui… ai đổ nghiệp chướng lên đầu lên cổ tui ri…”. Ông già sau một hồi bàng hoàng tê liệt, đã tự trấn tỉnh lại được, vội kéo bà vợ ra, ông quát:

- Mặc áo vào, ra đây tui biểu.

Ông già ngồi trên cái sập kê ở căn giữa thay bộ ghế và còn dùng đựng đồ đạc gia đình, chén đĩa, có khi cả khoai, sắn nữa.

Ông Bê và bà hai đứng ló xó một bên, cố lợi dụng cái cột nhà che bớt mặt mày đang tái nghét và cũng tìm thấy ở đây một chút nương tựa.

Ông già quát:

- Chuyện gì?

Bà hai giật mình càng ôm cứng ông Bê chặt hơn, cả hai “dạ… dạ…” rồi rơi vào yên lặng. Tiếng con rò ro đánh cánh ở góc hè cũng rơi vào yên lặng của không gian mênh mông vô tận như một sự lộn sòng trơ trẻn, biết vậy nó cũng im luôn. Bà mẹ ngồi ở giường kê bên cạnh – nơi bà vừa đánh đập, tru tréo kiệt sức gục xuống, nhấp nhổm định nói gì đó nhưng có ông chồng ở đấy, bà lại ngồi yên, hình như trong thâm tâm bà, ổng là người phát ngôn, người đưa ra giải pháp và cũng là người quyết định, bả chỉ việc theo đó mà tiến hành, mà ứng xử…

Ông già lại quát:

- Bê! Nói!

Ông Bê run rẫy: “Dạ…dạ…cháu lỡ dại, cháu, cháu….xin chịu trách nhiệm…”

Ông già hướng vào con gái – lúc ấy đang run lẩy bẩy nép trốn dưới nách ông Bê.

Lại quát:

- Mầy

Bà hai càng ép mình dán chặt vào ông Bê hơn, như cố gắng tan vào ổng, hòa vào ổng, nơi ẩn trốn, nơi nương tựa, hay là rút ra từ đó sức mạnh, niềm tin, sự quyết tâm… có một điều lạ là câu trả lời rõ ràng, mạch lạc, gồm cả tính ước lệ trong tu từ, như một câu văn viết: “Thưa, con nguyện pha nước cho anh Bê suốt đời”.

Ông già thở dài: “Âu cũng là số trời!”

Ông lại hướng vào con gái, nhỏ nhẹ:

- Bọ mự phận bạc, không được miếng cau miếng trầu trình họ, trình làng cho nở mặt nở mày, nhưng bọ không oán trách gì con. Con đã chọn con đường đầy chông gai và khó khăn đấy, ơn trời xin cho con đủ sáng suốt. Bọ chỉ còn biết khuyên con học lấy tiếng dạ lời thưa, vào lòn ra cúi với chị Bê bên nhà để nương tựa cái thân, kiếm lấy con cái mà cậy nhờ mai sau.

Đến bây giờ bà già mới lên tiếng, có lẽ cũng là lần đầu tiên trong đời có ý ngược với chồng:

- Nói thế răng được. Chị Bê phải qua thưa chuyện với ông mụ tui đây chứ?

Ông già gạt đi:

- Thôi, mự quân đừng làm thêm rắc rối, mình đã không phải với chị Bê rồi, để chúng nó tự dàn xếp lấy. Anh chị đi đi, khi nào gia đình ổn thỏa, yên lành đã hãy về thăm ông bà già này.

Bà già hốt hoảng:

- Ông nói đi là đi làm sao, còn cái cối xay của tui nữa chứ?

- À, à… thôi, mự quân lên nhà ngủ với con Hẹ, để cái chổng dưới bếp cho chúng nó. Đóng cái cối xay cho mự của các anh chị xong hãy đi.

Bà Bê cả bỏ cơm ba ngày.

Bà Bê hai quỳ bên giường ba ngày ba đêm.

- Cái đầu của em đây tùy chị định đoạt, đánh đập, đay nghiến, em chịu đựng được tất cả, không một tiếng than van, chỉ xin chị cho em cùng chị hầu nước cho ổng.

Ông Bê thì nhỏ nhẹ, nhu mì nhưng bọc cương, mềm mà cứng:

- Mình không thương tui thì tui chịu, chứ hoàn cảnh của tui còn biết làm sao, con cả mà trơ ra đó không con, người ta nói đấy là tội bất hiếu nặng nhất, tui làm răng gánh chịu nổi, hơn nữa, thầy bói nói cái số vợ chồng mình tui phải lấy hầu mình mới có con, chính tui thương mình nên mới đem “em nó” về đây, đem về để xin mình, chứ tui có mèo mả gà đồng gì đâu!!!

Bà cả đã ngồi dậy, đã ăn cơm, nhưng trong thâm tâm bả đã vo tròn, ép chặt thành một khối uất hận mà vì danh tiếng “gia giáo” của gia đình, vì phẩm hạnh cá nhân bà phải nuốt ực xuống, phải chèn tay lên ngực nén lại để khỏi có những hành vi, lời tiếng gây tổn hại. Cơn đau âm thầm mà dữ dội lại không được rên la đã thành một nội kết về ông chồng.

Ông Bê vốn đã ít nói, bây giờ lại càng ít nói hơn, thật ra trong nhà chỉ còn âm thanh tiếng thưa tiếng trình của bà hai. Mãi đến lúc bà cả sinh thằng cu, tiếng khóc chào đời của một sinh linh bé nhỏ làm òa vỡ cả một không gian nặng nề, u ám, mang đến mọi người một tiếng thở phào khoan khoái, một hơi thở ra nhẹ nhỏm, không khí trong nhà mới trở lại là một gia đình. Lại một anh con cả, liệu rồi có thừa hưởng cái số đào hoa gắn liền cùng nỗi truân chuyên mà cuộc đời của bố cháu đã vận vào thân. Mong rằng không!

Bây giờ kỵ ông, nghe được một sự thật được giấu kín gần bốn mươi năm, lại chính người trong cuộc kể. Ngày ấy bà cũng thật ấm ức, không hiểu vì sao “người ta” từ hôn. Chính ổng và ông anh con nhà bác là cụ “Tiên ông thời tiết” đã tổ chức đám trai làng vây ông bố chồng tương lai của bả và hai lực điền gia nhân lại, đặt vấn đề. Chính cụ “Tiên ông thời tiết” đứng ra thưa chuyện. Cụ thật lễ phép:

- Thưa cụ lớn, xin cụ lớn cho chúng cháu biết cậu ấm nhà ta đi làm rể bằng con đường nào?

Cụ lớn liếc nhìn tình thế với đám trai làng lố nhố trong các bụi rậm, cụ lớn hiểu ra “Tiên lễ hậu lực”. Đã là cụ lớn thì phải biết người hiểu mình. Cụ ứng xử thật là đỉnh đạc, rõ ràng, dứt khoát:

- Này các anh, lão đây nói một là một, nói hai là hai, con trai lão sẽ không đi bất cứ con đường nào trên đất làng ta cả…

Nói rồi, cụ móc ra một đồng bạc trắng, biểu chú gia nhân lấy một vò rượu - có lẽ quà mang tặng thông gia, cụ lớn cười: “Lão biếu các anh chút này để đánh chén đêm trăng”. Và cụ lớn thản nhiên quay lại đường cũ. Kể từ đó, ông Bê dõng dạc bước vào nhà bả với cây roi đuối cày bốn vụ mùa hai khô hai nước rồi rước bả về.

Buổi giỗ kỵ ông Bê lần thứ tư này việc nhà rối tinh, nề nếp bị phá vỡ. Lần đầu tiên bả to tiếng nặng lời, lại là hướng về ông chồng, nhà chồng, nơi bà đã nguyện hiến dâng đời mình, sống gởi nạc, thác gởi xương, bả đã đi ngót gần bốn mươi năm và tuổi đời của bả cũng gần cúng cơm một chén. Giá như chuyện cũ đừng khơi dậy thì nỗi uất ức nén chặt của bả cũng theo ổng mà xuống năm thước đất.

Khi biết chuyện ông Bê bỏ nhà theo vợ ba, cụ “Tiên ông thời tiết” thuở trai tráng với dáng người nho nhã mà bà con miêu tả một cách hình tượng là trói gà không chặt ấy, được sự hỗ trợ của địa vị “ông anh” hùng hổ thộp cổ áo chú em to cao, chiều cao được so sánh là lấn lướt thằng Tây nhà máy đèn trên tỉnh, vạm vỡ như cái cối xay lúa, chất vấn: “Mày bỏ bê gia đình theo vợ nít là sao?”. Chú em trả lời: “Anh nói thế là đúng, nhưng không đúng với suy nghĩ của tui, không phải theo vợ nhỏ mà là theo con nhỏ”. Cụ buông tay, thở dài, bỏ đi. Từ đó cụ không tham gia bình luận chuyện chú Bê, nhưng nỗ lực thăm viếng, hỏi han, góp ý với gia đình chú Bê nhiều hơn, có lúc bà em dâu than vãn chuyện ông chồng, cụ cũng chỉ nói: “Thím nói vậy thì tui hay vậy, chứ còn biết nói làm sao”.

Hôm nay, chính cụ gây ra sự cố. Sau mấy phút bàng hoàng, cụ trấn tĩnh lại, điềm đạm hỏi:

- Mọi sự việc xẩy ra hôm nay là do tôi, lỗi của tôi, tôi thành thật xin lỗi quý chú bác, cô dì anh chị em và các cháu.

Cụ thắp lên bàn thờ gia tiên nén hương và khấn, lời rõ ràng như nói chuyện bình thường chứ không như mọi lần là khấn thầm, có lẽ cố ý cho bà em dâu nghe, cụ khấn:

- Việc trước cần làm tui đã làm, việc sau đúng là tui sai, tôi xin tạ tội cùng gia tiên.

Tờ mờ sáng, nhìn ra đám ruộng loáng thoáng hình như có bóng trâu cày. Chị nhìn kỹ lại, đúng rồi, ruộng nhà đang được cày. Vội vàng thổi nồi cơm để mang ra, chắc chắn là chú rồi vì chị có cậy nhờ ai khác đâu, nhớ câu “Cày thì cày không thì không” chị thấy vui vui trong lòng, những người chung quanh chị sao mà dễ mến dễ thương.

Chị nói như một lời chào: “Mời chú lên ăn chén cơm lót dạ”, ông lại nói: “Ăn thì ăn không thì không”, nói vậy nhưng chú cũng dừng cày. Thấy có cái cuốc để bên đường ruộng, chị hỏi. Chú nói, để trưa cho trâu nghỉ chú cuốc mấy cái góc luôn. Lòng chị rộn lên niềm thương yêu vô bờ, dân gian có câu: “Sẩy cha còn chú” nhưng đây chỉ là ông chú họ, chị không được quyền bấu víu ông nhiều. Chị nói: “Chú cứ nghỉ trưa đi, ngày mai cháu cuốc cũng được”.

- Ừ, cháu cuốc thì rõ là được rồi, nhưng chú muốn góp chút công nghỉ trưa gọi là động viên cháu, đứa cháu giỏi giang nhưng chịu nhiều thiệt thòi của chú.

Chị nghẹn ngào, nửa sung sướng nửa tủi hờn. Thật lòng chị không muốn cậy nhờ cái mà chị có khả năng làm, nhưng chú đã nói vậy hãy nghe vậy, chú có tấm lòng phải biết đón nhận để chính chú được vui.

Ăn trưa xong chú xách cái cuốc đến chỗ chị đang rũ cỏ cho trâu ăn. Chú hỏi:

- Cháu có mang thuốc theo quấn cho chú một điếu. Khi cày thì không cần vì có con trâu làm bạn, còn cuốc không có điếu thuốc buồn lắm.

Chị cười: “Quấn thì quấn không thì không”

Chú trở cán cuốc lại nhịp vào vai chị một cái khá đau:

- Ta nói thì được, còn cháu thì không. Mọi việc theo đó mà suy xét, ứng xử. Nhớ lấy. Chị cảm thấy ơn chú vô cùng và tâm niệm ghi nhớ điều răn này suốt đời

* * *

Cậu em mang cái Phái quy y ra khoe – khi chị gánh gạo lên gửi cho bà mợ để em ăn ở đi học cho gần. Em nói đến gia đình Phật tử mà em sinh hoạt, những bạn mới, những anh chị huynh trưởng, có bác gia trưởng nữa. Nghe em nói chị cũng yên tâm dần, người tốt cả thôi. Em còn giải thích thêm về Phật giáo. Nơi mục Tôn giáo khi khai lý lịch ghi là Phật giáo. Khai lý lịch thì chị khai e cả chục lần, chị nhớ mang máng ở mục ấy, khai “Thờ cúng ông bà”, thằng lấy lời khai viết chữ “lương” chị cũng không bận tâm cải chính, về sau chị còn theo hắn nói chữ lương cho tiện. Chị trầm tư, dòng họ của chị đến đời em là thứ 14, chã nghe ai có Tôn giáo, em chị là người đầu tiên. Nghe em vào chùa quy y rồi, nhưng thấy em vẫn ngoan ngoãn, vẫn biết vâng lời, thế là chị mừng, còn tôn giáo hay không là việc của em, em có học có hành tự quyết định lấy, hơn nữa em lớn rồi chị không muốn can thiệp quá sâu.

Nhìn em trắng trẻo bảnh bao chị thấy mát lòng, mát dạ. Nhớ hôm ở chỗ bọn an ninh, có cậu thanh niên non choẹt dáng dấp nhanh nhẹn vui vẻ, thấy chị ngồi chờ rã rượi giữa trưa nóng nực, cậu ấy mang cho chị ly nước. Có chút vui vui trong lòng, chị thân thiện hỏi:

- Cậu còn trẻ vậy mà đã cán bộ rồi à?

- Đâu có chị, em đang học năm cuối, xin về đây lấy thực tế để viết luận văn

Chị nói: “Các cậu sướng thật, chị khổ quá, chỉ vì vợ Vệ quốc đoàn”.

Cậu ấy trả lời gọn gãy, rõ ràng không chút đắn đo, như thể lấy đồ vật trong túi, làm chị suy nghĩ rất nhiều.

- Một phần thôi chị ạ! Còn lại vì chị đẹp.

Cái gì làm lẫn lộn tùm lum trong khoảng thời chị sống thế này nhỉ? Đẹp cũng cộng thêm tội. Đẹp cũng là cái tội ư? Cha mẹ sinh ra mà, chị có lỗi gì.

Chị đẹp, điều ấy chính chị cũng khẳng định được, chỉ cần soi vào mắt người đối diện; các cô mới lớn còn suýt xoa mơ ước nữa là.

Về đến nhà, lại thấy lệnh đòi. Riêng an ninh gọi chị đã liền tù tì, còn gấp mấy lần cái thời bọn chỉnh huấn, chưa kể thằng ở xã. Thằng nào cũng gây được khó khăn cho chị. Đến thằng xịt muỗi cũng làm chị mất hơn mười ngày lên quận khai báo.

Đó là buổi chiều, cứ ngỡ toán xịt muỗi đã gần hết giờ chắc nó nghỉ, xóm chị có lẽ ngày mai cơ. Chị đem con heo ra thiến, đang dỡ việc thì nó vác bình tới. Thực tình chị chưa biết xử trí làm sao, thoáng có ý định năn nỉ nó qua nhà khác trước. Nhưng chuyện lại xảy ra bất ngờ lái qua một hướng khác. Thằng xịt muỗi sàm sỡ lầm người, nó không coi ngày tốt, không trúng giờ hoàng đạo, nó gặp hạn vận, nhưng trên tất cả nó là thằng ngu, chưa biết lượng định. Nó vòng sau lưng ôm lấy eo chị. Chị cố chịu đựng, sợ vùng vẫy làm chết con heo, nhưng nó lại hiểu là đã “êm êm” nó lấn tới, nham nhở: - Đẹp thế này mà sờ dái heo, phí quá, anh đây nè! Chị lộn tiết lên đầu, bất cần đến sự sống, sự chết của con heo, vứt kim chỉ đang may vết thương dở, chụp lấy con dao, chị quay lại, thong thả chỉ tay ra ngõ, nói chầm chậm, rõ ràng: - Mầy cút khỏi nhà tau ngay, một giây chậm chạp là treo cổ lên thang thiến như con heo nầy nầy! Hắn co giò phóng chạy bỏ cả bình xịt, chị phải mất công cất vào chái, đến nửa tháng sau mới có người đến nhận. Cũng trong thời gian ấy chị đã ba lần bị gọi lên an ninh để trả lời hành động chống chính sách diệt trừ sốt rét ấy. Vẫn một câu hỏi: - Ai ra lệnh chị làm – Ai bảo chị làm – Ai khuyên chị làm? Nói gì chúng nó cũng không hiểu. Cuối cùng đâm liều chị hét toáng lên: - Chính thằng côn đồ ấy định hiếp dâm, nó ôm cứng lấy người tui. Té ra cả hai người, thằng xịt muỗi và chị, không ai khai chi tiết “ôm eo” ấy cả, thì chắc chắn những lời sàm sỡ, nham nhở, đê tiện ấy cũng không được lập lại. Ở làng, lứa tuổi chị còn nặng mặc cảm bị đàn ông ôm vào người, chị là người cứng cáp cũng chưa thoát được tâm lý giới tính ấy. Bởi vậy chị xấu hổ né tránh, chỉ diễn tả lanh quanh, chị nói “chữ” cho đỡ ngượng, nào là thái độ bỡn cợt, hành vi thiếu đúng đắn, nào là nói năng khiếm nhã, nhiều từ thiếu lễ độ. (Tội nghiệp mấy thằng an ninh, bị cáo khai như vậy, cho dù mồ mả cụ cố của hắn có tung hòm đứng dậy cũng khó giúp hắn tìm ra hướng. Khi cơn liều của chị bùng lên, chúng nó mới ngớ người… Té ra chuyện… con heo).

Ngày Phật đản năm ấy chính quyền Diệm không cho chùa chiền, tư gia Phật tử, treo cờ tôn giáo. Phật tử biểu tình đòi được treo cờ, đòi được đối xử bình đẳng cùng các tôn giáo khác. Có lẽ cậu em của chị cũng có tham gia, em là Phật tử mà. Lại nghe lựu đạn nổ người chết la liệt, chị hốt hoảng chạy lên tỉnh tìm em. Mới biết chuyện xẩy ra gay go ở Huế, cách Quảng Trị xa, nhưng chị cũng hết sức lo lắng, thái độ của em tỏ ra thật căm phẩn, em ngày đêm chạy xuôi chạy ngược cùng các anh chị lớn tuổi. Chị ở lại với em mấy ngày, lòng chị thật bồn chồn, nhưng chị vẫn cắn răng không một lời can thiệp vào suy nghĩ, hành động của em. Chị tôn trọng quyền của em.

Họ nghĩ ra thật lắm điều kỳ dị. Em và những anh chị lớn tuổi đã bí mật in hình chữ “Vạn” – biểu tượng của Phật giáo lên mai con cua biển, con to nhất mà họ kiếm được, bằng cách khắc hình chữ “Vạn” lên thanh sắt, nung nóng rồi ấn lên mai cua như người ta đóng dấu vậy. Và thật hiệu quả, một hình chữ “Vạn” thật sắc sảo, thật tự nhiên, thật rõ ràng nằm trên lưng con cua biển. Lại bí mật thả xuống biển Triệu Vân. Dân biển đánh bắt được con cua có hiện tượng lạ đã tổ chức cả một đoàn rước thu hút được gần nửa dân số quận Triệu Phong, mở cờ dóng trống, lộng vàng che kiệu để cung thỉnh cua về chùa Tỉnh hội. Đoàn rước đi bộ khoảng trên dưới 20 cây số, dọc đường có những Khuôn hội cung nghinh bái vọng cũng rất tự phát và cũng rất nhịp nhàng. Phật tử thị xã Quảng Trị nghe tin vội vã chạy đón, dù vậy cũng thật đông đảo, dàn xuống tận đập Rù Rì cũng khít khao với thời gian của toán đầu đoàn rước vừa qua khỏi xóm Hà. Các bài phát biểu cũng rất bất ngờ, chẳng có cái gì được chuẩn bị cả, kể cả con người, Phật tử reo hò đề nghị, yêu cầu, tấn phong lên phát biểu ngay trong lúc ấy, tuy vậy các bài phát biểu đều có tính nhất quán và cũng kịp trích dẫn Kinh sách nói về đức kham nhẫn chịu đựng hoạn nạn để nuôi dưỡng ngọn lửa niềm tin.

Tổ chức mà không tổ chức, chuẩn bị mà không chuẩn bị. Thật không lạ gì, Phật tử Quảng Trị là người duy nhất trên cả miền Nam (vào thời điểm ấy) giương được lá cờ Phật giáo lên nền trời tung bay phấp phới trong gió. (Về sau, không hiểu sao chả thấy ai nhắc lại kỷ niệm nầy).

Chị lại bị an ninh gọi. Lần nầy thêm tội mới, nó hỏi chị làm cái gì trong nhóm Phật giáo tay sai Cộng sản ấy. Thực tình chị không biết cả Phật giáo cả Cộng sản ấy. Chị chỉ lo cho cậu em. Nó răn đe cảnh cáo rồi cho chị về. Ra khỏi cổng quận Triệu Phong, ruột gan chị lại nóng cồn cào, chị lo cho em quên bẳng cả lời cảnh cáo. Chị chạy thẳng lên chùa Phật học tìm em, không có. Chạy về nhà mợ nghe nói qua bên trường, lại chạy đến trường Nguyễn Hoàng, lại nghe trường Bồ Đề, chị chạy ngược lên trường Bồ Đề. Ở đó họ nói em theo đoàn về đưa kiến nghị dưới Tòa tỉnh. Lại chạy về Tòa hành chính tỉnh. Thấy chị hốt hoảng bơ phờ, em cũng hốt hoảng theo, hỏi chị có việc gì? Chị thì còn có việc gì nữa, nhìn thấy em là đủ rồi. Sự thực là vậy nhưng chị không biết nói làm sao. Em trấn an chị, còn véo vào má chị. Chị cảm thấy hồ hởi, em chị đã thực sự lớn rồi. Ở làng, tuổi ấy đã ngắm nghé hỏi vợ rồi đây.

Chị yên tâm ra về. Qua khỏi cầu Ba Bến có hai thằng an ninh đón sẵn – tụi an ninh thì chị nhẵn mặt từng thằng, chúng nó bỏ chị lên xe Jep chạy thẳng về quận Triệu Phong, tống chị vào phòng giam không nói nửa lời.

Cuối cùng nó cũng thả chị ra vì chị có làm gì đâu, có biết gì đâu.

Thằng hỏi cung có nhắc đến việc, mà theo hắn là chị cầm đầu đám đàn bà con gái làm náo loạn ở bốt Bèng đòi chồng đòi con hồi 54 ấy. Hắn hỏi chồng, con chị là ai trong đó. Chị ngồi im thin thít, thật không biết trả lời ra làm sao. Hắn nói còn thấy mặt chị đâu đó sẽ tống vào tù và đừng mong có ngày ra. Rồi đuổi chị về.

Đó là lần cuối cùng an ninh quận Triệu Phong hạch sách chị.

                                                                                                                                                                                                            L.T.T

 

 

Lê Tâm Tiềm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 191 tháng 08/2010

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground