G |
iữa những khuôn mặt trí thức yêu nước Việt Nam cuối thế kỷ XIX, Nguyễn Lộ Trạch hiện ra như một ngôi sao sáng bên cạnh ngôi sao khuê tỏa rực - Nhà canh tân Nguyễn Trường Tộ. Những trí thức đương thời dường như không thể không biết đến Nguyễn Lộ Trạch với những bản điều trần đầy tâm huyết của ông. Tấm lòng ưu thời mẫn thế của ông trước sự an nguy của dân tộc đã làm xúc động bao tâm hồn và khơi thông tư tưởng duy tân tự cường cho biết bao chí sĩ. Nhà yêu nước Phan Bội Châu đã tưng bày tỏ: ''Cụ Nguyễn Thượng Hiền (Mai Sơn) sau khi đọc bài phú Bái thạch vi huynh của tôi rất lấy làm thích… Cụ đưa cho tôi xem tập văn của Nguyễn Lộ Trạch. Tôi được đọc tập "Thiên hạ đại thế luận" và bắt đầu hiểu biết ít nhiều mầm mống tư tưởng hiện đại"(1)
Là một người có tiên kiến chính trị sáng suốt, Nguyễn Lộ Trạch thực sự am hiểu tình hình thế cuộc. Trên cơ sở am hiểu ấy ông đã đề ra được những kế sách kịp thời nhằm cứu nguy cho đất nước.
I. Am hiểu tình hình thế cuộc:
Nguyễn Lộ Trạch là một trí thức phong kiến, ít có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với nền văn hóa và khoa học kỹ thuật của phương Tây, nhưng ông đã tự học, tự tìm tòi để nâng cao tầm hiểu biết của mình. Qua các tác phẩm "Thời vụ sách thượng", "Thời vụ sách hạ", "Thiên hạ đại thế luận", ông đã thể hiện kiểu suy nghĩ mới lạ, nhãn quang sáng suốt, tầm nhìn xa rộng và nhiệt tình yêu nước cháy bỏng của mình.
"Thiên hạ đại thế luận" đã trình bày cái "đại thế" của hoàn cầu nói chung, trong đó tập trung phân tích thế lực của các nước đế quốc tại Châu Á. Ông chỉ ra rằng: Các nước phương Tây không phải điều binh khiển tướng, tải lương từ "ngoài trùng dương bảy vạn dặm" như trước nữa mà nó đã có những căn cứ quân sự và cơ sở hậu cần trên nững vùng đất Châu Á mà nó chiếm được, cho nên Trung Quốc và Châu Á đều nằm trong tầm kiểm soát của các cường quốc phương Tây. Trung Quốc rộng lớn nhưng cũng đang bị các nước phương Tây xâu xé như đàn cá mập đớp mồi.
"Ôi! Đất nước nhà Thanh (Trung Hoa) không phải là không mênh mông, rộng lớn, nhưng miền Hắc Long bị sát nhập vào Nga, con đường Miến Điện thông suốt đến đất Điền (Vân Nam), thậm chí Hương Cảng, Áo Môn, Tô, Hạ, Đài Loan đều là con đường phía đông của các nước từ phương Tây đến, mỗi khi có nội biến các nước đều nhảy vào phân chia, xâm chiếm, thì làm sao có thể giữ cho ngày sau tránh khỏi các nạn chia năm xẻ được(2). Bức tranh Châu Á đang bị các nước đế quốc xâm lược được ông phác họa khá rõ nét, trong đó lời dự đoán của nước Nhật Bản duy tân tự cường sẽ trở thành một quốc gia hùng mạnh. Tuy nhiên, Việt Nam cũng không nên kỳ vọng vào Nhật Bản để thay đổi tình thế của đất nước bởi Nhật Bản phát triển sẽ trở thành mối hiểm họa của Trung Quốc.
"Nhật Bản thì mỗi ngày một tiến mau chóng, thế nhưng Nhật Bản mạnh thì mối lo của Trung Hoa chẳng phải ở Tây Dương mà chính là ở đây vậy"(3)
Có thể nói đấy là một cách nhìn sáng suốt của ông so với những người đương thời (lịch sử đã chứng minh phong trào duy tân dựa vào Nhật Bản của một số sĩ phu yêu nước Việt Nam đã bị thất bại vào đầu thế kỷ XX). Bởi theo ông: Việt
II. Đề ra những kế sách để cải thiện tình hình:
Trong tình hình suy sụp về mọi mặt của nước ta ở cuối thế kỷ XIX, Nguyễn Lộ Trạch đã dũng cảm nhìn vào thực lực, rồi cất lên tiếng kêu xé lòng: "Ôi! Cái "thế" nước ta đến như ngày nay còn nói được gì nữa: Trong thì của cạn, sức kiệt, ngoài thì bị lấn lướt, xiết chặt. Chỉ còn là bộ xương còm bám giường không xong, lại còn bị bóp cổ, thụi lưng nữa thì làm sao chống đỡ được"(7). Và lúc này ông không còn lặng thinh để theo đuổi cái chí "Kỳ Am, Bàn Cờ Điếu Đồ"(8) nữa mà ông đã lên tiếng đòi hành động. Trong các bài "Thời vụ sách thượng", "Thời vụ sách hạ" và thư gửi quan đại chính phụ thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết v.v… đều phản ánh mong muốn tìm cách bảo vệ đất nước, duy tân tự cường của ông. Điều này được trình bày khá rõ bằng 5 kế sách trong những bản "Thời vụ sách" (Thời vụ sách là sách lược nhằm cứu nguy cấp thời trước mắt. Có nghĩa là tùy theo tình hình trước nắt mà nêu lên biện pháp ứng phó kịp thời để chặn sự sụp đổ có thể trông thấy. Ông chủ trương "cứu vãn sau khi sự việc xảy ra" hơn là "chần chừ khiếp sợ".
1- Dựa vào địa thế hiểm yếu để giữ vững gốc nước:
Khi phân tích vị trí của Kinh thành Huế, Nguyễn Lộ Trạch cho rằng: Kinh thành Huế nằm gần bờ biển, rất dễ bị tàu Pháp uy hiếp, lại chẳng có gì để chống đỡ, chi bằng nên xây dựng một kinh đo thứ hai ở Thanh Hóa, bởi Thanh Hóa "tiến tới có chỗ hành vi, mà khứ lui giữ cũng đủ chỗ bèn vững, về binh đủ sức phòng vệ, mà phần lương thực cũng đủ tự cấp…Ba điều cần cho một quốc đô là: địa điểm, binh lực và tài lực… Ở nước ta mà địa thế gồm ba điều lợi trên, tôi (Nguyễn Lộ Trạch) ngắm được tỉnh Thanh Hóa"(9). Với con mắt nhìn của Nguyễn Lộ Trạch, ông cho rằng Thanh Hóa có nhiều lợi thế về kinh tế, chính trị, quân sự trong thời điểm mà Phú Xuân không có. Ông dâng kế sách này lên vua nhưng không được thi hành. Do vậy, kinh đô Phú Xuân đã mau chóng thất thủ. Có thể nói đây là suy nghĩ táo bạo, sáng suốt của Nguyễn Lộ Trạch mà các nhà cải cách đương thời chưa ai nêu lên được.
2- Tích lũy gạo tiền để có đủ lương thực:
Trong tình hình thời chiến, vấn đề lương thực để nuôi quân được đặt ra hàng đầu. Nếu quân lính ốm đói thì sẽ không có tâm lực để đánh giặc. Do vậy, Nguyễn Lộ Trạch đã đề ra chủ trương đôn binh, phát triển nông nghiệp, cày cấy tự nuôi để làm giàu. Trong đó ông chú ý đến quền lợi của những người lao động. Cũng trong đề nghị này ông muốn thay đổi quan niệm "nông bản thương mạt" bảo thủ để thay vào đó chủ trương buôn bán với nước ngoài vừa làm kinh tế vừa xem xét học tập "tìm điều bổ ích cho đất nước phú cường".
3- Huấn luyện binh lính để có đủ binh lực:
Trong mục này Nguyễn Lộ Trạch đã bàn đến việc cải cách quân đội bằng cách trang bị lại vũ khí: "Tôi xin bỏ hết thứ súng của của ta mà đổi lấy súng mới của Tây dương, mang nhẹ mà bắn mau, đường xa chuyển chiến rất lợi"(10). Đặc biệt hơn cả ông đề nghị thành lập quân đội hương dũng ở làng xã, cử người xuống hướng dẫn họ luyện tập nên miễn phu phen, tạp dịch, phòng đến khi quốc sự mới có thể điều động nhanh chóng và công hiệu.
4- Học kỹ thuật để chống giặc:
Nguyễn Lộ Trạch thực sự là người cầu thị. Mặc dù là một nhà nho không được trực tiếp tiếp xúc với phương Tây nhưng ông không mang tư tưởng bảo thủ, lạc hậu. Ông không những công nhận kỹ thuật của phương Tây đạt đến trình độ tinh xảo mà còn muốn mình cũng nên tìm cách để học họ. Trong "Thời vụ sách hạ" ông nói: "Ví như tàu máy, hỏa pháo của phương Tây kỹ thuật hơn hẳn xưa nay, các nước trên thế giới đều học theo, để chế tạo, lúc đầu ở Anh, Pháp, Phổ và kế đến Nhật Bản, sau cùng Trung Hoa. Thế mà mấy chục năm nay nước ta rốt cuộc không có lấy một". Quả thực đây là một sự chậm trễ rất tai hại. Với tư tưởng bảo thủ, lạc hậu, nhà Nguyễn hông những không muốn học kỹ thuật của Pháp mà lại còn tỏ vẽ coi khinh. Vì học kỹ thuật chẳng qua chỉ là làm ông Nghè, ông Cống vinh thân phì gia mà vênh vang với đời. Tư tưởng này đã tạo một tâm lý phổ biến trong xã hội là ít ai muốn đi học kỹ thuật. Do vậy Nguyễn Lộ Trạch đề nghị nên có chính sách khuyến khích ưu đãi nhằm lôi cuốn những người thông minh đi học kỹ thuật. Có thể nói, học kỹ thuật của phương Tây để chế ngự kỹ thuật ưu thắng của họ là một biện pháp rất tích cực thể hiện tầm nhìn chiến lược của ông. Chỉ tiếc rằng triều đình phong kiến hủ bại đã không làm được điều đó.
5- Ngoại giao rộng rãi để nhờ ủng hộ:
Nguyễn Lộ Trạch đề nghị biện pháp ngoại giao rộng rãi với các cường quốc phương Tây để nhờ họ dùng thanh thế kiềm chế thế lực của Pháp. Đây là một nhận thức nhạy bén phù hợp với những bước tiến của lịch sử. Nhu cầu ngoại giao giữa các nước là vấn đề quốc tế hàng ngày, chúng ta không được buông lơi. Nguyễn Lộ Trạch còn chỉ ra mối quan hệ quốc tế sẽ giúp ta có khả năng khai thác sự chế ngự lẫn nhau giữa các nước tư bản và sẽ tạo ra thế yên bình: "Hiện nay các nước Thái Tây lớn nhỏ giằng nhau, mạnh yếu cưỡng chế nhau cũng như cái lối hợp tung đời Chiến quốc"(12) . Đây là cái nhìn thực sự sắc sảo, vì mở cửa giao tiếp chính là khai thông con đường canh tân đất nước để giúp ta tự lực tự cường.
Các kế sách trình bày ở trên đã thể hiện nỗi lòng trăn trở vì đất nước yên bình của Nguyễn Lộ Trạch. Ông là một con người ưu thời mẫn thế, một tri thức đầy tâm huyết, thấy được trước tai họa của dân tộc đã gắng sức tìm lối thoát bằng những điều trần gửi lên người cầm quyền nhưng cuối cùng vẫn không được dùng. Nỗi niềm đau khổ của ông thật đáng trân trọng khi chúng ta đọc đoạn trích hai câu thơ Trương Quãng Khê vịnh Giả Nghị trong lời tựa cuốn "Quỳ ưu lục"
Ngã diệc vị quân trường thái tức
"Trị an" đồ tác Hán văn chương
(Ta cũng vì ông mà than thở mãi
"Trị an" chỉ một áng văn chương).
Quá vậy, lòng tâm huyết "trị an" cho đất nước của Nguyễn Lộ Trạch không bao giờ được triều đình nhà Nguyễn thi hành mà mãi mãi nó chỉ là "áng văn chương".
T.T.T
_____________________
* Nguyễn Lộ Trạch (1853 - 1898): Sinh ngày 8 tháng giêng năm Qúy Sửu, Tự Đức thứ 6 (tức ngày 15.2.1853) tại Cam Lộ, Quảng Trị. Quê ở làng Kế Môn, xã Điền Môn, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
(1) Chương Thâu - Thơ văn Phan Bội Châu. NXB Văn học, 1985, tr.254
(2) (3) (4) (5) Mai Cao Chương, Đoàn Lê Giang: Nguyễn Lộ Trạch điều trần và thơ văn, NXB KHXH, 1995. (Phần Thiên hạ đại thế luận của Nguyễn Lộ Trạch)
(6) Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX (Tờ tấu của văn thân bốn tỉnh vùng Nghệ An). NXB Văn học, 1967, tr.476.
(7) Mai Cao Chương, Đoàn Lê Giang (Sđđ): Phần quỳ ưu lục của Nguyễn Lộ Trạch.
(8) Tên hiệu của Nguyễn Lộ Trạch. Ý muốn nói ở ẩn và làm người câu cá.
(9) (10) (11) (12) Mai Cao Chương, Đoàn Lê Giang (Sđđ): Phần Thời vụ sách hạ của Nguyễn Lộ Trạch.