Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 28/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nhà báo, nhà văn Hồng Chương, một người Quảng Trị tiêu biểu

Nhà văn, nhà báo Hồng Chương tên thật là Trần Hồng Chương, sinh ngày 1/5/1921 tại làng Phương Sơn, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, mất ngày 18/3/1989. Ông từng là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Ông là tác giả của các tập thơ, tiểu thuyết, lý luận, phê bình văn học như: Máu lửa đồng quê (thơ, 1948), Ngược đường số 9 (truyện, 1958), Một luồng gió mới (tiểu thuyết, 1959), Phương pháp sáng tác văn học nghệ thuật (1962), Mấy vấn đề lý luận và phê bình văn nghệ (1965)... Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Làng quê thanh bình - Ảnh: ĐÀO TÂM THANH

Làng quê thanh bình - Ảnh: ĐÀO TÂM THANH

Ông sớm tham gia cách mạng, từng bị địch bắt, tù đày nhiều lần. Ông làm báo để phục vụ công tác cách mạng. Hồng Chương làm báo ngay từ khi còn rất trẻ, từng chịu trách nhiệm in ấn cho cơ quan Tỉnh ủy Quảng Trị. Khi ở trong tù, ông từng cùng các đồng chí của mình ra các tờ báo như Cờ nghĩa, Tay thợ... Ra tù, ông phụ trách tờ báo Cứu quốc của Tỉnh ủy Quảng Trị năm 1940.

Sau năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc, được cấp trên phân công về Tạp chí Cộng sản, cơ quan nghiên cứu, lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam. Là nhà báo, ông là người đi lên từ công việc cụ thể như phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn, phó tổng biên tập rồi Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản vào năm 1982. Ông là người rất chịu khó đọc và đọc nhiều, thông thạo hai ngoại ngữ là tiếng Pháp và Trung Quốc. Ông viết nhiều thể loại và sở trường của ông là các tác phẩm chính luận. 

Các bài báo tiêu biểu như: "Sự nghiệp giải phóng dân tộc của chúng ta nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn", "35 năm đấu tranh anh dũng và thắng lợi vẻ vang", "Quan hệ biện chứng giữa nhân tố dân tộc và nhân tố quốc tế"... Đặc biệt, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời năm 1969, nhà báo Hồng Chương có bài: “Dũng cảm tiến lên kế tục sự nghiệp vĩ đại của Hồ Chủ tịch”. Theo PGS,TS Vũ Văn Phúc thì bài viết này được đồng chí Trường Chinh chỉ định không chỉ đăng trên Tạp chí Học tập (tiền thân của Tạp chí Cộng sản sau này) mà còn đăng trên Báo Nhân Dân.

Sau Đại hội VI của Đảng vào cuối năm 1986, ông được bầu giữ trọng trách Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam (sau này gọi là Chủ tịch hội). Trong không khí phấn khởi khi bắt đầu thời kỳ đổi mới, ông đã dồn tâm huyết vào công tác của mình, trong đó có trách nhiệm phê phán những hiện tượng sai trái, chống tiêu cực. Ông rất hăng hái nhưng vẫn trăn trở.

Có lần ông đã báo cáo với cấp trên một cách rất chân tình và thẳng thắn: Xin các đồng chí thông cảm với tâm trạng của nhà báo đi viết bài chống tiêu cực... Về phần tôi, làm báo đến nay vừa tròn 50 năm, làm báo bí mật có, làm báo công khai có, làm báo trong nhà tù có, chưa bao giờ tôi cảm thấy bứt rứt khi viết bài báo như hiện nay. Vì nay tôi phải viết bài phê bình đồng chí mình, để mổ xẻ những ung nhọt trong Đảng của mình. Đó là một điều rất khổ tâm đối với tôi... 

Trong thời gian làm báo, ông đã viết khoảng 150 bài báo, xuất bản 17 cuốn sách, trong đó có những cuốn sách có giá trị về báo chí như: Lịch sử tạp chí Đảng, Lịch sử báo chí Việt Nam, Nghiệp vụ báo chí... Năm 1979, ông được Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OJC) tặng thưởng Huân chương Phu-Xích.

Đối với văn chương, Hồng Chương cũng đã có tình yêu từ tuổi hoa niên. Ngay từ năm mới 16 tuổi, khi gởi mẹ bài thơ đã thể hiện lòng yêu nước thiết tha: 

Nhưng mẹ! Lòng con đã quyết rồi 

Ra đi khi nắng tắt bên đồi 

Tình nhà, nợ nước đem cân nhắc

Nặng, nhẹ, bên nào, hỡi mẹ ơi!...

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp mới một năm, ông đã tham gia Đội Biệt động Đường 9. Từ cuộc chiến đấu gian lao và anh dũng đã cho ra đời một bài thơ dài mang dáng dấp trường ca "Biệt động đường số 9" của Hồng Chương. Tác phẩm mang hơi hướng của một "tráng sĩ hành" hiện đại về người chiến sĩ khi tham gia cách mạng. Những câu thơ mang âm hưởng tráng ca hào sảng ra đời trong khói lửa Đường 9 một thời kháng Pháp trên quê hương Quảng Trị: “Thuở đất nước mịt mù khói đạn/Thân nam nhi dày dạn phong sương/Tuốt gươm cắp súng lên đường/Âm thầm chính khí, hào hùng nước non/Xót quốc biển gia vong lắm lúc/Tím bầm gan sùng sục uất đầy/Vứt đe, quẳng bút, xếp cày/Đoàn quân biệt động từ nay ra đời/Người chiến sĩ ra nơi chiến đấu/Gót rỗ nhăng in dấu hành binh/Sẹo ghi từng trận chiến chinh/Mắt hoe lửa giận, trán khinh hiểm nghèo…”.

Sau khi sáng tác thơ và tiểu thuyết, nhà văn Hồng Chương chuyên tâm với mảng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật. Cây bút lý luận phê bình Hồng Chương tỏ ra nhạy cảm, tinh tế trước các hiện tượng văn học.

Chẳng hạn, khi nhận định về một nhà văn lớn của dòng văn học hiện thực phê phán trước Cách mạng Tháng Tám: "...Nguyễn Công Hoan thường tả những cảnh oái oăm vô lý trong xã hội cũ, làm cho người đọc thấy được sự thối nát của xã hội cũ: một bọn người vô tình, nhẫn tâm bắt một anh kép hát bông lơn trong lúc cha anh đang hấp hối; một anh phu xe hôm ba mươi Tết kéo phải một chị giang hồ không tiền cũng đi tìm khách; một người mẹ bỏ con nằm một mình để đi theo trai... tất cả tình đời éo le, chua cay, đau xót trong xã hội cũ hiện ra dưới ngòi bút Nguyễn Công Hoan...Toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Công Hoan là cả một pho tài liệu rất quý về "lịch sử xã hội" nước ta thời thuộc Pháp. Vì vậy, chúng ta rất quý trọng các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan (Trích "Phương pháp sáng tác trong văn học nghệ thuật", NXB Sự thật, Hà Nội, 1962).

Cuộc đời của nhà báo, nhà văn Hồng Chương là một tấm gương sống, chiến đấu và lao động trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng.

 

 

Phạm Xuân Dũng
http://www.baoquangtri.vn/Van-hoa-The-thao/modid/421/ItemID/164708/title/Nha-bao-nha-van-Hong-Chuong-mot-nguoi-Quang-Tri-tieu-bieu

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

29/03

25° - 27°

Mưa

30/03

24° - 26°

Mưa

31/03

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground