Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nhớ những mùa lụt ở làng Lập Thạch xưa

B

ão lụt là một tai họa khủng khiếp của thiên nhiên ấn vào loài người. Nó đã cướp đi sinh mạng hàng triệu người mỗi năm trên toàn thế giới.

Vì vậy Liên hiệp quốc đã đưa ra khẩu hiệu như: “Ngày môi trường thế giới, hành tinh xanh,…”.

Ngày xưa, hình như làng tôi dựa vào lũ lụt để thu lợi, để làm ăn.

Trước hết nhờ có lụt mà những ruộng đất bạc màu của làng tôi được phủ một lớp phân bùn non có khi dày vài tấc, đó là loại phân đặc biệt trời cho. Biết bao nhiêu là chất bổ tổng hợp trong bùn non từ rừng Trường Sơn trôi về, xác động vật, thực vật đã bón cho ruộng đất, cây cỏ làng tôi, đã làm cho mùa màng xanh tốt.

Lụt cho làng tôi củi, gỗ là quà tặng thứ hai cho làng. Chờ nước lụt về dọc bờ sông Thạch Hãn từ trên đình làng đến xóm Soi, thanh niên trai tráng cầm móc khoèo, câu liêm kéo những mảng củi rều trôi về. Lau sậy, cành khô, sim, móc, một loại củi tổng hợp được tấp lại thành đống. Mỗi nhà một đống, không ai lấy của ai. Đợi nắng lên gánh về sân nhà phơi khô, chất, bó lại để đun dần.

Mùa lụt là mùa cả làng tôi làm cá.

Ngày trước chiến tranh, chưa có bom đạn chưa có chất độc hóa học, chưa có phân hóa học nên các sinh vật thi nhau sinh đẻ nẩy nở, suốt mùa xuân, mùa hè cá ở trên thượng nguồn, mưa sa nước sỉa cá theo dòng nước bạc bơi về xuôi sinh đẻ. Về đến sông đến hói cá lại bơi ngược các dòng chảy, các rạch nước tung tăng lên các thửa ruộng cao đẻ trứng. Cá cái bơi trước cá đực theo sau, có đàn hàng chục con. Người ta bảo cá đực theo ăn trứng, người khác lại bảo cá đực theo sau là để thụ tinh.

Sau khi đẻ và thụ tinh trên các thửa ruộng của đồng làng, vừa lúc nước rút, cá lại theo các dòng chảy xuôi, bỏ lại trứng trên đồng để nở trứng. Cá chép kéo về các hói làng Phương Gia, Phú Lễ, Lạng Phước để sinh sống, dân Lập Thạch đơm cả hai lần khi nước lụt, đó là lúc cá lên đẻ. Họ cầm nơm cầm rập, vác rớ đón cá. Họ hò hét thi nhau đuổi theo cá trên các thửa ruộng, các gò mã ở soi trong, soi làng Vân An, làng Phú Lễ, Lạng Phước. Có khi cá leo lên cả các đường làng trẻ con, đàn bà cũng dùng rổ để xúc được.

Bắt cá chép (cá gáy) lúc lên đẻ rất khó, không bắt được nhiều.

Phải đợi khi nước rút khỏi làng, khỏi đồng dồn xuống hói mới là lúc làm ăn nên nổi. Cất rớ, cất vó là việc đầu tiên. Vì lúc này nước đang cao, mới bắt đầu rút, dân làng đón cất ở những trộ nước chảy rút về xuôi. Cá theo dòng chảy để bơi về sau khi đẻ.

Các trộ rớ đặt trước và sau các cống đập dưới, đập giữa. Đó là hai cống xây bằng gạch uống cong vắt ngang con hói trên đồng Lập Thạch. Có một trộ ró cực kỳ lợi hại là trộ ở cuối hói, nơi tiếp xúc với Hiếu Giang ở làng Lạng Phước. Ở đây ngày xưa quân của Lập Bạo đã từng đóng đồn, trước cách mạng tháng Tám, vẫn còn ngôi miếu thờ. Người ta truyền đồn rằng, ngôi miếu này thờ một cái vỏ trấu dài đến gang tay. Lúc chăn trâu tôi muốn vào xem nhưng sợ ngài quở, không dám.

Tôi xin trở lại việc đánh cá nước lụt của làng tôi.

Là làng trồng bông dệt vải nên hầu hết các nhà có đàn ông đều có rập. Rập là một tấm lưới có 4 cóng, rộng chừng thước rưỡi. Nó là một tấm lưới nhỏ được đan bằng chỉ vải xe đường kính sợi chỉ độ một phân, xe quấn bằng ba sợi chỉ nhỏ quấn chặt như một sợi dây thừng. Mỗi mắc lưới rộng độ ba bốn phân. Nó chuyên dùng để bắt cá chép. Rập có 2 cóng uốn bằng tre đực loại nhỏ không quá 3 - 4 phân đường kính. Khi mắc lưới vào, rập như một cái rớ nhỏ, khi sử dụng không phải dỡ lên bắt cá, mà là đè xuống bùn, nếu cá lọt vào đụng lưới là thả lưới xuống đè kỹ cọng rập, dồn cá vào nẹp lưới, cuốn lưới vào thâu cá, lật ngược rập lên xâu mang cá vào dây đã buộc sẵn ngang lưng kéo theo trong nước để rập tiếp.

Nghe nói đến hôm nay dân làng tôi vẫn đi rập cá gáy ở hói.

Tôi bỗng nghĩ ra. Cái rập nó giống như cái màn ngủ có cóng của trẻ con bây giờ, các bà mẹ hay úp con để chống muỗi.

Nhà giàu thường thuê nhiều trai bạn đến làm. Mùa nước lụt họ mua nhiều cá chép để ướp mắm thính. Cá chép cắt thành lát bỏ đầu bỏ đuôi để nấu cháo, nấu canh ăn tươi, phần thân dùng làm mắm.

Người ta xay bắp rang, giả nhỏ để làm thính. Cá được ướp muối thật mặn. Đặt cái rổ lên miệng cối đá, sắp một lớp cá lại rắc dày một lớp thính. Ướp hết cá lấy lá chuối đậy lại, đặt tấm thớt, đè hòn đá lên trên, nước rút xuống cối đá. Khi nước chảy xuống vừa đủ, thì xếp cá vào đôộc. Lại lớp cá lớp thính, sắp đầy thì lấy mo nang vanh tròn đậy miếng đôộc, lấy mấy que tre cài miệng và cất vào nhà bếp cho mau chín. Nước mắm rỏ xuống được tưới một ít lên mắm cho khỏi xáp, còn lại đem chưng cất thành nước mắm cá, loại nước mắm ngon đặc biệt.

Nhờ nước lụt cá lên đẻ khắp nơi, lúc đó chưa có phân hóa học, nên cá đẻ trứng và nở con, nên đồng hói làng tôi rất nhiều cá. Đi cày đi bừa cũng bắt được cá. Khi cày ải, cá theo các đường cày trôi xuống, khi bừa bôộng cá xót mắt trôi theo bừa, tôi cứ theo sau bắt cá.

Khi lúa cấy được vài tháng là những ngày đông rét buốt, rét quá cá phải bò lên ruộng cạn nước để sưởi ấm. Sáng sớm khi mặt trời chưa lên, cá nằm chết cóng. Chúng tôi xách oi đi bắt, cá tràu có lẽ là loài cá chịu rét kém nhất, chúng tôi bắt được đầy oi.

Những ngày bắt được nhiều. Cá trôống để ăn dần, hoặc hấp phơi khô, lúc nào cần thì đem cá khô bẻ nhỏ để nấu canh, nướng cá khô dầm nước mắm, kho cá khô.

Làng tôi cũng như bao làng khác từ Quảng Bình trở vào Nam không có đê chống lụt ở hai bên bờ sông.

Việc cày cấy đều lệ thuộc vào thiên nhiên. Ruộng sâu mỗi năm chỉ cấy một vụ, ruộng cao thì vãi giống trực tiếp. Mùa cấy từ tháng 10 đến tháng 3, mùa vại từ tháng 6 đến tháng 10.

Những năm mùa hè mưa nhiều thì làm vụ trái, gọi là vụ chăm từ tháng 5 đến tháng 8. Làm vụ trái phải mất nhiều công sức để chăm bón, tát nước.

Nông dân làng tôi giàu kinh nghiệm xem thời tiết, nên năm nào làm vụ trái cũng trúng cả.

Cũng có đôi khi lụt sớm, lúa trái bị ngập lụt mất ăn.

Có câu “tháng bảy nước chảy lên bờ”. Lụt từ tháng 7 đến tháng 9. Nhưng cũng có năm “ông tha mà bà chẳng tha, bà làm cái lụt hai ba tháng mười”.

Lụt rút khỏi đường làng, là đàn ông đi chặt cây dưới để làm bổi. Bổi là những nhánh dưới dài trên một thước được bó chặt bằng lạt tre cột, bó bổi được buộc dây néo lên bờ, thả bổi xuống sông. Tôm tép vào trú ngụ, cá thì lòn vào bổi để ăn tôm tép. Cậu tôi đan các rổ bổi thật to, đường kính chừng mét rưỡi để đổ bổi. Tôm cá chui vào bó bổi để tìm mồi, sáng tinh mơ lúc trời đang rét như cắt, cậu tôi hoặc anh tôi vác rổ ra sông đổ bổi, lội nước ngang bụng, có lúc ngang cổ. Lấy rổ xúc bó bổi vào rồi nâng rổ lên ngang mặt nước, ôm bó bổi xóc mạnh dăm bảy cái. Tôm cá nấp trong bổi văng xuống rổ. Vứt bó bổi ra chỗ cũ, nâng rỗ lên cạn bắt tôm cá. Mỗi mùa đều có một cách đánh bắt tôm cá, nên làng tôi đã thường xuyên có tôm  cá để ăn. Cá bống bằng ngón tay, kho khô cho nó ngoái đầu trở lại, ăn với cơm nóng thì ăn mãi không biết no.

Quanh năm tắm nắng đội mưa, ngâm mình trong nước, trong nắng theo con tôm con cá, nên trai làng tôi rất đen. Trái lại con gái thì làm nghề dệt vải, luôn ở trong nhà nên rất trắng.

Ngày trước ai lấy được gái Lập Thạch là điều mơ ước.

Làng Lập Thạch ở về tả ngạn hạ lưu sông Thạch Hãn nên mùa mưa thì nước nguồn trôi xuôi ngước ngọt, dân làng gánh nước sông để uống. Mùa hè nước thủy triều dâng lên nên nước mặn không uống được. Dân làng phải uống nước giếng. Làng có cái giếng Tây được xây toàn bằng gạch, nước giếng này có phèn uống không ngon, nhưng xóm trên, xóm chính của làng cũng phải uống, xóm giữa và xóm dưới uống nước giếng Mội dưới bãi. Người ta đào cát, rồi đóng ván theo hình vuông, sâu chừng vài mét, nước mạch phun lên rất mạnh, cả làng đủ ăn uống. Vì vậy mà có câu đố: “Bằng cái sàng cả làng ăn không hết”

Mùa hè, những đêm trăng sáng, trai gái đi gánh nước giếng. Đây là nơi gặp nhau để chuyện trò, trao đổi tâm tình. Và cũng là nơi bọn chăn trâu chúng tôi bày trò nghịch ngợm. Chúng tôi đào hầm ở giữa đường mòn, lấy que gác lên trên, lấy lá dứa dại ụp lại rồi đổ cát lên trên cùng. Đêm nhá nhem, các cô không nhìn thấy, bước sập phải hầm nước đổ tung tóe phải đi gánh lại. Có đứa ác đào hầm sâu, các cô bị ngã mạnh vỡ luôn cả vò. Thật tội nghiệp, dở khóc dở mếu.

Tôi phải quay lại với mùa lụt.

Năm nào lụt to quá, cả nhà tôi phải dồn lên tra. Mọi sinh hoạt của một gia đình đông con cháu như nhà tôi, tất cả có mười hai người thì thật là bất tiện. Tất cả độ chừng bốn mét vuông mà chứa 12 người thì thật là cực khổ.

Những ngày này nhà chỉ ăn bắp rang cầm hơi, không có nước nấu cơm, nước mưa chỉ đủ uống.

Lũ lụt cực khổ là thế, nhưng trẻ con chúng tôi lại thích lụt, lại cầu mong cho có lụt. Vì lụt thì chúng tôi khỏi cõng em đi chơi, khỏi đưa trâu ra đồng, vì trâu lúc này đã được lùa lên núi, lụt thì chúng tôi khỏi đi học, được ở nhà vui chơi thỏa thích. Lụt thì chúng tôi được ngồi trên bè chuối đi thăm hàng xóm, được bơi lội tắm hụp ngay trong nhà mình, trong sân mình.

Lụt đối với trẻ con chúng tôi là những ngày hạnh phúc.

X.Đ

 

Xuân Đàm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 196 tháng 01/2011

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground