Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/01/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nhớ Tết Độc lập xưa

Ngày 2/9/1945, tại Ba Đình Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Từ đó, trên toàn lãnh thổ Việt Nam, ngày Quốc khánh đồng nghĩa với ngày Tết Độc lập.

Đua thuyền truyền thống ở Vĩnh Linh - Ảnh: Ngọc Linh

Đua thuyền truyền thống ở Vĩnh Linh - Ảnh: Ngọc Linh

Tuy nhiên mới được hưởng hai cái Tết Độc lập thì thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam. Toàn quốc tiến hành kháng chiến chống Pháp kéo dài chín năm liền nên Tết Độc lập chỉ tổ chức tùy mức độ và điều kiện cụ thể ở vùng tự do Việt Bắc, vùng tự do Liên khu IV, Liên khu V, miền Đông Nam Bộ và vùng chiến khu bưng biền Đồng Tháp…

Trở lại lịch sử, trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, của cuộc kháng chiến chống Pháp, trên chiến trường Bình Trị Thiên, nơi đang có Sư đoàn 325 (Sư đoàn Bình Trị Thiên) hoạt động, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam có sự điều chỉnh chiến dịch quan trọng: Rút Trung đoàn 95 của Sư đoàn 325 ra Nghệ An làm lực lượng cơ động ứng chiến của Bộ trên hai hướng chiến trường: Điện Biên Phủ và Liên khu Ba. Điều động hai Trung đoàn 18 và 101 vượt biên giới phối hợp với bộ đội Pa Thét Lào mở chiến dịch giải phóng Trung - Hạ Lào. Để thay thế lực lượng chủ lực đang tác chiến trên chiến trường “Bình Trị Thiên khói lửa” được rút đi làm nhiệm vụ mới, ngày 20/1/1954 Bộ Tổng tham mưu Quyết định thành lập Trung đoàn 270 đứng chân ở ngã ba Cổ Kiềng, Tây bắc huyện Vĩnh Linh, với nhiệm vụ sẵn sàng đánh địch bảo vệ vùng tự do Nam Quảng Bình và Bắc Quảng Trị.

Ngày 20/7/1954, sau chiến thắng lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam, đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, căn cứ quân sự mạnh nhất Đông Dương của quân viễn chinh xâm lược Pháp, Hiệp định đình chiến ở Đông Dương được ký kết, sông Bến Hải, vĩ tuyến 17 được chọn làm giới tuyến quân sự tạm thời để tập kết hai lực lượng đối địch về hai phía, đặt dưới sự kiểm soát và giám sát của một Ủy ban Quốc tế gồm ba nước thành viên: Ấn Độ, Ba Lan và Canada, nhằm tránh tái xung đột vũ trang. Theo Hiệp định, huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị nằm về phía Bắc đường giới tuyến quân sự tạm thời thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ ngày 25/8/1954, khi tên lính Pháp cuối cùng bước qua cầu Hiền Lương rút về phía Nam, Trung đoàn 270 thay đổi nhiệm vụ, trở thành Trung đoàn tiếp quản Vĩnh Linh và làm nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến.

Tôi nhắc đến Trung đoàn 270, Trung đoàn Bảo vệ giới tuyến vì trong ký ức thời niên thiếu, ngoài hình ảnh của cán bộ chiến khu về tiếp quản, là hình ảnh các chú bộ đội, họ là biểu tượng của hòa bình, văn minh, ấm no, hạnh phúc. Khi bắt đầu có nhận thức, tôi tiếp xúc với các chú bộ đội Trung đoàn 270 hàng ngày và các chú bộ đội là những người trực tiếp gieo vào ký ức tôi hình ảnh cụ thể ngày Quốc khánh 2/9 đồng nghĩa với ngày Tết Độc lập.

Theo quy định của Hiệp định đình chiến Giơ-ne-vơ và thỏa thuận của Hội nghị quân sự Trung Giã tháng 7/1954, sau khi hoàn thành việc tập kết lực lượng vũ trang hai bên tham chiến về hai bên Bắc - Nam vĩ tuyến 17, hai bên phải chấp hành quy định: Trong phạm vi 5 km về mỗi phía tính từ giới tuyến quân sự tạm thời có một vùng đệm gọi là khu phi quân sự. Trong giới hạn đó các bên đối địch không bố trí căn cứ và lực lượng vũ trang. Chính vì quy định này mà nhiều xã ở Vĩnh Linh nằm ngoài khu phi quân sự, trở thành nơi đóng quân chủ yếu của Trung đoàn Bảo vệ giới tuyến. Bộ đội đóng trên địa bàn góp phần làm cho bộ mặt địa phương nhanh chóng khởi sắc, Khu vực Vĩnh Linh trở thành tiền đồn vững chắc của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, dẫn đầu phong trào hợp tác hóa nông nghiệp của cả nước. Bộ đội về làng, kết nghĩa với thanh niên địa phương, các hoạt động văn nghệ, thể thao chung trở nên sôi nổi.

Nhưng ấn tượng nhất với tuổi thơ tôi là hàng năm vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, bộ đội cùng thanh niên làm công tác chuẩn bị chào mừng trước cả tháng, làm vệ sinh đường làng, dựng cổng chào, treo cờ đỏ sao vàng, dùng nước vôi, gạch non, kẻ khẩu hiệu cổ động lên nong nia, dựng khắp ngõ xóm… Đêm đêm sau màn cổ động của hàng trăm thanh thiếu niên, đèn đuốc tưng bừng vòng quanh liên xóm hô vang khẩu hiệu chào mừng, bộ đội, thanh thiếu niên cùng nhau tập các tiết mục văn nghệ để biểu diễn phục vụ bà con vui Tết Độc lập. Sáng mồng 2/9 bà con trong làng quần áo chỉnh tề đến sân kho hợp tác tập trung làm lễ chào cờ Tổ quốc. Chiều ngày 2/9, bộ đội và thanh niên địa phương tổ chức giao hữu bóng chuyền thu hút hầu như cả làng tới cổ vũ hai đội. Cùng với Tết Nguyên đán cổ truyền, ngày Tết Độc lập thực sự là lễ hội quan trọng trong năm của người dân Vĩnh Linh.

Ngoài các hoạt động tinh thần phong phú sôi nổi, công tác chuẩn bị vật chất cho nhân dân ăn Tết Độc lập cũng được triển khai chu đáo. Các điểm hợp tác xã mua bán ở thôn, xã được Ty Thương nghiệp khu vực cung ứng bánh kẹo, đường kính, thuốc lá, rượu thuốc canh ki na, rượu trắng, trà gói Ba Đình của Trung ương, trà Bến Hải sản xuất tại Vĩnh Linh… Tất cả các nhu yếu phẩm này được bán phân phối theo sổ mua hàng của từng hộ gia đình để đảm bảo nhà nào cũng có Tết Độc lập. Các hợp tác xã nông nghiệp cũng lên “kế hoạch điều hòa nội bộ” bảo đảm cho mỗi nhân khẩu có vài lạng thịt lợn hoặc thịt trâu bò, vài lạng cá, chục trứng vịt, nguồn lấy từ các trại chăn nuôi của Hợp tác xã. Nhớ thời kỳ ấy, cả miền Bắc vải may quần áo phân phối theo tem phiếu, bình quân mỗi người bốn mét mỗi năm, riêng khu vực Vĩnh Linh được ưu tiên năm mét. Ngày Tết Độc lập xong là ngày khai giảng năm học mới nên bọn trẻ chúng tôi được may áo mới vừa để mặc tết vừa để tựu trường, vì vậy đứa nào cũng háo hức ngóng chờ…

Cho đến đầu năm 1965, khi Mỹ leo thang chiến tranh, ném bom phá hoại miền Bắc, Vĩnh Linh chuyển trạng thái hoạt động sang thời chiến thì việc vui Tết Độc lập đã trở thành một phong tục tập quán đẹp, bén rễ ăn sâu trong nhân dân. Mọi nền nếp tổ chức vui Tết Độc lập hàng năm không thay đổi, chỉ khác các hoạt động được chuyển xuống hầm sâu, địa đạo. Các đơn vị bộ đội không còn đóng quân trong doanh trại chính quy mà về ở hẳn trong dân. Các đơn vị tham gia chiến đấu ở chiến trường Bắc Quảng Trị sau mỗi mùa chiến dịch rút ra Vĩnh Linh củng cố nghỉ dưỡng cùng hòa vào hoạt động mừng Tết Độc lập của địa phương. Trong mâm cỗ mừng ngày Tết Độc lập của mỗi gia đình, bên cạnh những sản vật của địa phương được làm ra trong hợp tác xã nông nghiệp, có những món thịt, cá hộp dùng trong bữa cơm dã chiến của bộ đội. Nhìn vào bữa cơm “quân dân đoàn kết vui Tết Độc lập” ngày đó đã toát lên khí thế “Quân với dân một ý chí, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Tháng 6/1966 ta mở mặt trận Đường số 9 - Bắc Quảng Trị, đưa Sư đoàn bộ binh 324 thuộc biên chế của Bộ Tư lệnh Quân khu 4 vào trực tiếp đối đầu với lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ nhằm kéo quân Mỹ ra gần hậu phương miền Bắc nơi ta dễ tiếp tế vũ khí, bảo đảm hậu cần và tải thương để tiêu diệt chúng. Chia lửa cho các chiến trường trọng điểm miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đang chuẩn bị đánh trả cuộc phản công chiến lược mùa khô thứ hai của Mỹ. Sau ba tháng quần nhau với lực lượng Thủy bộ 3 Thủy quân lục chiến Mỹ, đánh bại cuộc hành quân Hat-xtinh của 11 tiểu đoàn Mỹ ngụy hỗn hợp dưới sự chi viện hỏa lực hùng hậu của không quân chiến lược, pháo hạm đội 7. Cuối tháng 8 năm 1966, khi mùa mưa ở Trị Thiên bắt đầu, Sư đoàn 324 để lại một lực lượng nhỏ làm nhiệm vụ bám giữ địa bàn còn đại bộ phận rút ra Vĩnh Linh nghỉ dưỡng.

Làng tôi bí mật đón các chú bộ đội Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 812, Sư đoàn 324 từ Gio Linh ra nghỉ ngơi. Ban chỉ huy Đại đội 4 ở trong nhà tôi. Tôi, một thằng bé mười hai tuổi biết rõ phiên hiệu của các chú như vậy dù các chú ấy mang mật danh: Làng 4, K2, sông Thu Bồn (làng là cấp Đại đội, K là Tiểu đoàn, sông là Trung đoàn) vì mỗi buổi sinh hoạt đại đội các chú đều hát tập thể bài “Hành khúc Trung đoàn 812”, trong đó có những đoạn tôi rất thích: “Giờ từng đoàn chiến sĩ đang hùng dũng tiến, đem máu tự do xây đời ấm no. Ta ra đi dù chết, máu thanh niên nào tiếc, tiến lên Trung đoàn 812…”, hoặc đoạn kết “Dù rằng đời ta có hiến cho Tổ quốc trên đường dài. Sông núi muôn đời nhớ tên Trung đoàn…”.

Thấy các chú bộ đội chiến đấu ở chiến trường ra gần ngày Tết Độc lập mà chưa chuẩn bị được thực phẩm gì, bố tôi lúc đó làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Liên Minh (nay là Hợp tác xã Lai Bình) đã hội ý với ông Hoàng Văn Thi, Phó Chủ nhiệm, ông Hồ Xuân Hướng, kế toán trưởng, lên phương án phân chia thực phẩm ăn Tết Độc lập cho xã viên xong, quyết định bán giá chỉ đạo của Nhà nước cho đại đội 4 năm trăm quả trứng vịt, một con heo ngoài chỉ tiêu nghĩa vụ Nhà nước giao. Có lẽ thấy còn lưng lẻo bố tôi viết một thư tay gửi ông Võ Văn Trưởng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Minh Khai (nay là Hợp tác xã Tân Định) giao cho tôi cầm và dẫn đường đưa hai chú bộ đội đến nhà ông Trưởng. Tôi đọc được nội dung lá thư, đại ý: “Kính gửi đồng chí Trưởng, như hôm qua hai anh em mình trao đổi, anh em bộ đội chiến đấu ở Gio - Cam ra, Ban Chỉ huy Đại đội đóng quân trong nhà tôi, qua tìm hiểu biết bộ đội lạ địa bàn, chưa mua được thực phẩm ăn Tết Độc lập, tôi viết giấy này cho cháu mang lên đề nghị đồng chí giải quyết bán cho các đồng chí bộ đội hai con dê để liên hoan mừng Quốc khánh và mừng chiến thắng ở chiến trường Bắc Quảng Trị”. Ông Trưởng đứng ở sân, đọc xong lá thư của bố tôi liền lấy bút viết xuống dưới: “Chuyển tổ chăn nuôi dê giải quyết bán theo giá chỉ đạo của Nhà nước cho các chú bộ đội. Giữ giấy này làm chứng từ quyết toán cuối năm”, rồi ông ký tên. (Thời bao cấp có ba loại giá là giá chỉ đạo, giá thỏa thuận và giá thị trường tự do. Giá chỉ đạo của Nhà nước là giá do Nhà nước quy định, người được mua theo giá chỉ đạo hay còn gọi là giá ưu tiên là giá rẻ nhất).

Ngày Tết Độc lập năm 1966, lần đầu tiên tôi biết đến tiết canh dê và các món thịt dê ngon lạ do các chú bộ đội chế biến. Các chú bộ đội thì lần đầu tiên biết đến món dưa cải, giá chua trộn nõn cây chuối sứ, chấm nước mắm trứng kẹp tái chanh dê. Quân dân cả xóm ăn Tết Độc lập chung thật hân hoan phấn khởi.

Trong thời kỳ chống Mỹ ở Vĩnh Linh, còn có ba điểm mà người dân trang nghiêm hướng đến, nhất là dịp Quốc khánh, đó là nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ Hiền Lương, nhìn thấy ngọn đèn điện trên đỉnh Đài anh hùng ở thị trấn Hồ Xá vẫn sáng và nhìn lên bầu trời đêm thấy những luồng đạn lửa cao xạ vun vút săn đuổi máy bay thù…

*

Đất nước thống nhất, non sông quy về một mối, cùng với sự phát triển của đất nước, Tết Độc lập được Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh tổ chức hoành tráng hơn cả về vật chất lẫn tinh thần nhưng những kỷ niệm về những ngày Tết Độc lập trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ vẫn là câu chuyện kể mãi ngàn năm.

TỐNG PHƯỚC TRỊ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 348

Mới nhất

Đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy truyền thống vẻ vang, không ngừng bồi đắp, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo sức mạnh nội sinh cho phát triển đất nước*

8 Giờ trước

TCCVO - Chiều ngày 30/12/2024, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ toàn quốc. Tạp chí Cửa Việt trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt.

Mây về thành phố

14 Giờ trước

Tôi làm đơn xin nghỉ phép để vào bệnh viện chăm chú Ngụ. Không gói ghém gì nhiều, chỉ cần bỏ vào túi cái khăn mặt, chai dầu gội, bàn chải đánh răng và một vài đồ dùng để phòng khi cần đến. Nhà tôi cách bệnh viện bốn cây số, cách nhà chú Ngụ năm cây, nó nằm trên hai trục đường khác nhau.

Dọn nhà cuối năm

14 Giờ trước

Đã thôi những cơn mưa dai dẳng, chỉ thi thoảng mới có vài thoáng phùn như là mưa xuân buổi sáng sớm, tới trưa hửng chút nắng kéo tận chiều. Xuân tới rõ ràng từ độ giữa tháng chạp.

Đặc sắc chương trình nghệ thuật Chào năm mới 2025

01/01/2025 lúc 17:24

TCCVO - Trong thời khắc chuyển giao sang năm mới 2025, tối 31/12/2024, tại Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Quảng Trị

Lễ hội Vì hòa bình 2024: Giá trị nhân văn để tiến vào kỷ nguyên mới

31/12/2024 lúc 09:36

 Năm 2024, dấu ấn đậm nét nhất trên mảnh đất Quảng Trị là lễ hội Vì hòa

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/01

25° - 27°

Mưa

05/01

24° - 26°

Mưa

06/01

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground