Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những

N

hững năm sáu mươi của thế kỷ trước, khi trên chiến trường miền Nam cuộc chiến đấu giữa quân giải phóng với quân Mỹ và tay sai đã bước sang giai đoạn quyết liệt thì ở các đô thị miền Nam, phong trào phản chiến của các sinh viên và học sinh cũng sôi động hơn bao giờ hết.

Học sinh, sinh viên xuống đường biểu tình chống Mỹ xâm lược diễn ra thường ngày với khẩu hiệu “US ARMY go home now” được viết lên tường vôi và căng thành biểu ngữ ngang tàng trên đường phố. Anh chị em phản chiến bằng nhiều hình thức mang đặc trưng tuổi trẻ, trí thức yêu nước như Hát cho đồng bào tôi nghe, những đêm thức trắng, bãi học, ra sách báo. Hồi ấy, phần đông anh chị em chưa hiểu sâu về cách mạng, chỉ thấy Mỹ ném bom, bắn phá làng mạc, giết hại đồng bào nên căm thù, từ đó có tình cảm với quân giải phóng. Ở trong lòng thị xã, thành phố, anh chị em vẫn tìm đọc các báo của miền Bắc đưa vào và nghe lén đài Hà Nội để biết tin tức.

Để tránh những cuộc vây bắt đôn lính, nhiều anh chị em đã tìm đến cơ sở cách mạng xin tình nguyện lên rừng.

Năm ấy, đang học tại trường Nguyễn Hoàng thị xã Quảng Trị, tôi trở về quê, cùng mấy cậu bạn học cùng lớp là dân Mai Xá có máu cách mạng. Vốn là cơ sở cách mạng, tôi bắn tin và chỉ mấy hôm sau đã gặp được các chú cán bộ ta về vùng sâu. Đêm ấy, sau khi tôi bày tỏ ý nguyện xin tham gia cách mạng, các chú đã đồng ý đưa tôi lên rừng. Trong bộ quần áo học sinh, tôi được các chú trao cho hai trái lựu đạn rồi cùng đi theo.

Đêm tối mịt mùng, trời lác đác ánh sao, quần xắn tới bắp chân, tôi dò từng bước, rời làng quê, theo các chú tìm rừng. Vượt qua con đường quê đất đỏ lằng ngoằng, chốc chốc phải dừng lại, khẽ nhẹ nép vào vệ đường mỗi khi có pháo sáng soi mói. Không một tiếng động, tất cả đội hình hơn mười người lặng lẽ nối nhau lần đi từng bước, từng bước. Không biết đoạn đường từ làng quê lên căn cứ dài bao nhiêu nhưng chúng tôi phải đi hơn sáu giờ đồng hồ mới tới chân rừng. Vượt qua bãi cỏ sình, chúng tôi phải lom khom vạch lá rừng mà đi. Trong bóng đêm, rừng càng tối hơn, chúng tôi phải bám vào nhau mà đi. Hai bên lối mòn, cây gai cào cấu vào người đau rát rạt. Lom khom đi mãi, đi mãi bỗng đoàn dừng lại. Tôi biết, chắc đã đến hậu cứ. Chú Quyến trong đoàn bảo tôi theo chú xuống căn hầm chữ A. Chú bảo: “Cậu ở đây ngủ một lát, trời sáng rồi, ta gặp nhau”. Tôi xuống hầm, một đốm sáng tù mù, nhìn kỹ mới thấy chiếc dĩa nhỏ có dầu majut và cái bấc bằng que tăm được đốt cháy. Hầm được lót bằng lá cây bùi nhùi, không chăn chiếu. Trời ơi! Hậu cứ quân giải phóng là thế đó ư? Tôi không ngủ, ngồi tựa vào thành hầm suy nghĩ man mác. Hình dung lại lớp học mình bỏ dở với bao bè bạn. Ngày mai, trong lớp vắng một người sôi nổi, thích đàn ca, sống hoà thuận với bạn bè là tôi. Các bạn sẽ nghĩ gì? Có biết rằng thằng bạn da trắng như công tử bột ấy dám dấn thân lên rừng theo cách mạng không? Bao nhiêu kỷ niệm dồn về, tôi có cảm giác mơ hồ vừa xót xa, vừa tự hào, vừa nuối tiếc. Lại nghĩ, ngày mai, ngày mai ta là anh bộ đội Giải phóng quân, anh cán bộ mà địch thường gọi là Việt Cộng rồi. Ta phải cứng rắn, tự nhủ: tôi nhé, không rụt rè, e sợ…

Chim rừng bắt đầu đánh tiếng. Đoán chắc trời đã sáng, tôi ngồi dậy lò mò leo lên hầm. Ôi! Hùng vĩ quá, hào sảng quá. Những cây rừng lâu năm tán lá bồng bềnh điểm sương. Tiếng vượn hú dài rồi tiếng chim vang ngân trong trẻo muôn vàn âm sắc. Ánh sáng đã len qua vòm cây. Tôi đứng lặng quan sát. Kìa lối mòn, kìa có một căn lán lộ thiên, ở đó có cắm lá cờ nửa xanh, nửa đỏ và ngôi sao vàng năm cánh. Tôi nhận ra đó là cờ Mặt Trận giải phóng. Kia nữa! Ảnh Bác Hồ, ảnh Bác Hồ treo ngay ngắn bên tấm phên tre có dán mấy tờ báo cũ. Tất cả đều mới mẽ, lạ lẫm với tôi. Đang đắm nhìn dò hỏi, một chú cán bộ bước đến. Chú tự giới thiệu tên là Phú cán bộ phụ trách thanh niên. Chú bảo tôi theo chú đi ăn sáng. Lòng vòng qua mấy bờ rừng, đến một bãi trống cây rừng lưa thưa, có chừng hơn mười người ngồi đang chuẩn bị ăn sáng. Bàn là tấm sạp tre dập bẹp được bện lại dựng trên giá cây hình chữ X, ghế là một thân cây gác lên hai cây rừng bắt chéo. Một nồi cơm mới bốc hơi, một xoong canh lá tàu bay rừng. Chén ăn là những bát sắt, sau này tôi biết là bát B52. Cơm chan canh vào là chén. Thú thật, lúc này tôi cố nuốt nhưng không tài nào trôi hết bát cơm. Rau tàu bay có vị lạ, cơm thì hơn ẩm, tôi đành gác chén. Ăn xong, chén ai nấy rửa, rửa xong đeo vào thắt lưng ra về.

Đến căn hầm cũ, tôi được chú Phú đến gặp. Chú bảo ra suối để cắt tóc. Tóc học sinh tôi để chấm gáy, mái trước uốn bồng lên như nghệ sĩ. Bây giờ “xuống tóc”. Chú Phú dùng kéo cứ lùa vào mái tóc ken dày của tôi mà “phạch”. Mỗi nhát kéo là một mảng tóc rơi lã chả trên vai tôi đen óng. Một thoáng sau soi gương, tôi không nhận ra mình nữa. Hai bên thái dương trắng hếu, phần trên trán và đầu chỉ còn vài phân, trông ngồ ngộ không nhịn được cười. Cắt tóc xong, chú chỉ tay ra suối bảo ra đó mà gội. Tắm gội xong tôi được các chú trang bị cho quần áo mới. Trút bỏ bộ áo quần học sinh, tôi háo hức tra vào người bộ quần áo Tô Châu may sẵn. Áo thì tay dài qúa một bàn tay, nhưng không sao, cố xắn lên nhiều lần là đến cổ tay. Vạt áo dài đến đầu gối cũng chẳng sao cứ cho vào quần, thắt lưng chặt lại là xong. Nhưng khổ vì cái quần. Lưng thì rộng phải tóm lại một nửa gang tay; ống dài thì xắn lên nhưng chiếc đủng quần thì không sao xử lý nổi. Áo quần mặc vào lội suối thì gấu quần không ướt nhưng đủng quần thì lại ướt sủng. Thây kệ, cứ thế tôi vẫn mặc và ra bãi tập bắn súng, bò toài. Lần đầu tôi được trang bị khẩu CKC. Khẩu súng dài gần bằng người nên đeo lên vai thì nòng súng gần chấm đất, tôi cứ vác lên vai mà đi tập. Ngỡ ngàng nhất là ăn nói thế nào cho phù hợp với các chú cán bộ. Các chú dùng nhiều từ ngữ mà lần đầu tôi chưa từng nghe nên hơn khó hiểu. Ví như rõ ràng thì các chú bảo là “cụ thể”, phần ăn thì gọi là “tiêu chuẩn” còn lúc nào thì cũng gọi nhau bằng đồng chí. Tôi gắng tập mãi rồi cũng quen.

Thật may mắn cho tôi, sống đơn lẽ trong một tập thể đã quen hơn mấy tháng, tôi được đón thêm mấy đứa bạn học sinh vừa mới lên. Chao ôi! mừng không tả được. Chúng tôi ôm lấy nhau như người tình xa lâu ngày. Tôi hiển nhiên là “lính cũ” đem kinh nghiệm ít ỏi của mình ra phổ biến lại cho mấy cậu bạn.

Lại như tôi, các cậu ấy cũng bắt đầu “xuống tóc”, trang bị áo quần và huấn luyện bắn súng. Nhập vào tốp mới, chúng tôi được các chú tổ chức cho sinh hoạt. Chú Phú gọi anh em chúng tôi quây quần dưới tán rừng. Việc đầu tiên là tập những ca khúc kháng chiến. Những ca khúc như “Hành quân xa” của Đỗ Nhuận, “Giải phóng miền Nam” của Lưu Hữu Phước… Những bài thơ của Tố Hữu như “Từ ấy” được chúng tôi tập say sưa và rất dễ thuộc. Tôi còn nhớ mãi những câu tâm niệm như “Đời cách mạng từ đây tôi đã hiểu/ Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Là gươm kề tận cổ, súng kề tai/ Là thân sống chỉ coi còn một nửa”. Phải nói ngay rằng, những bài ca, bài thơ ấy đã tiếp cho chúng tôi sức mạnh kỳ diệu để đinh ninh lòng mình, kiên trì vượt qua gian khổ, hy sinh trong những ngày nằm rừng và đi vào cuộc chiến vô cùng gian khổ và ác liệt.

Hồi ấy, tôi có hai bạn chiến đấu học sinh Nguyễn Hoàng đó là Tâm và Thiêm. Ba chúng tôi tâm đầu ý hợp nên ngoài sinh hoạt chung, có gì sâu kín đều tâm sự với nhau. Mỗi lần được gia đình gởi quà ra chiến khu, những món như muối thịt, mì chính đều chia nhau dùng.

Lên chiến khu, chúng tôi mới biết có rất nhiều học sinh Nguyễn Hoàng ở các huyện khác trong tỉnh cũng đã lên rừng, thậm chí cả những thầy giáo cũng tham gia như anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, anh Nguyễn Trác.

Đóng quân ở rừng Phú Thọ một thời gian khá dài, đêm đêm là cơm nắm và súng đạn sẵn sàng lên đường vào vùng sâu phát động quần chúng hoặc tham gia tập kích vào những đơn vị nghĩa quân, lính địa phương.

Cứ chiều đến, trước lúc lên đường, đơn vị chúng tôi thường phải đào một vài huyệt mộ để sẵn, phòng khi có tử sĩ là có chỗ chôn ngay, bởi vì mỗi lần vào vùng sâu là mỗi lần thường gặp phục kích bất ngờ nên rất dễ hy sinh. Lúc đầu thấy vậy, chúng tôi hơn ngán nhưng rồi quen dần và cảm thấy bình thường. Chúng tôi cũng đã tham gia nhiều trận đánh, bắt được cả tù binh. Chúng tôi cũng đã luồn sâu diệt ác ôn, thậm chí cả ban ngày. Cũng có lúc bị phục kích, đơn vị tổn thất. Phải nói ớn nhất là tiết mục đi mai táng liệt sĩ. Vì vừa thương đồng chí, đồng đội mình, vừa thấy trách nhiệm thiêng liêng nên anh em chúng tôi sẵn sàng nhận lệnh ra đi. Chuẩn bị đầy đủ vải liệm, bịt khẩu trang kín mít trong đêm lò dò tìm đến thi hài đồng đội. Có lúc liệt sĩ hy sinh đã mấy ngày nên bốc mùi, anh em phải cố nhịn thở để đào huyệt và chôn cất tử tế, cũng không quên viết tên tuổi liệt sĩ bỏ vào lọ thuốc pênixilin để chôn theo làm dấu.

Có lần đơn vị bị lộ vì Mỹ rãi cây nhiệt đới để thu tiếng động. Phát hiện ra nơi cư trú quân của ta, Mỹ đã dùng máy bay và pháo từ hạm đội nã liên hồi, băm nát cả khu rừng.  Có đêm chúng bắn phá suốt từ đầu hôm đến sáng mới dứt. Ác liệt đến độ không kể được nên cũng có một vài người không chịu nổi đã bỏ trốn về chiêu hồi. Số đó rất ít mà cũng không nằm trong danh sách anh em học sinh như chúng tôi.

Nơi này bị lộ lại tìm đi nơi khác, lại đào hầm, làm công sự bám trụ chiến trường. Ban ngày anh em chia nhau đi kiếm củi đốt và rau rừng hố chôn đồ hộp Mỹ để đào lên mang về căn cứ. Không ít lần, bộ đội ta nhầm tưởng lính biệt kích Mỹ nên đã dùng súng cối nã vào anh em. Cũng may, chỉ vài quả đầu là bộ đội đã phát hiện ra chúng tôi nên ngừng bắn, thật hú hồn. Có những buổi chiều được nghỉ xã hơi, anh em chúng tôi lại rủ nhau đi săn chim hoặc thú rừng. May mắn và thú vị nhất là những bữa gặp được những đàn chim công. Tôi lần đầu tiên trong đời được thấy những chú công múa. Một đàn công độ chừng năm con quây vòng tròn lại và xoè cánh chao liệng trông như những vũ điệu của người Châu Phi. Cánh chim xoè ra xanh biếc óng ánh dưới ánh mặt trời hệt như trong phim thần thoại. Những lúc công tác trở về hậu cứ, anh em chúng tôi có dịp ghi nhật ký hoặc đọc báo, viết báo đăng báo. Ở chiến trường bắc Quảng Trị hồi ấy có tờ báo “Tiền tuyến” do anh Vũ Thuộc làm Tổng biên tập. Anh em chúng tôi thường gửi bài viết về những gương chiến đấu dũng cảm, những bài thơ ngắn thường được chọn đăng. Một việc làm thường xuyên của chúng tôi trong những ngày ấy là lau súng. Những khẩu AK báng gấp là người bạn thân thiết nhất không lúc nào rời ra. Không cẩn thận với mấy anh “hiệp sĩ” này là coi chừng, có khi gặp địch mà hóc đạn là đi toi.

Sống, chiến đấu trên chiến trường có hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra thì nói ác liệt là chuyện thường. Trên bầu trời, dưới mặt đất cứ sôi lên bởi tiếng máy bay, tiếng bom pháo và cả tiếng gầm rú của xe tăng Mỹ. Ấy vậy mà chúng tôi vẫn ca hát, vẫn thường rủ nhau đi phục kích đánh xe tăng hoặc bắn máy bay tầm thấp, nhất là loại trực thăng UTT hoặc những chiếc trực thăng cán gáo. Cơm nắm, nước suối rừng leo đèo lội suối quần nhau với địch ròng rã cho tới ngày toàn thắng.

Sau nhiều năm lăn lộn trong khói lửa đạn bom, trong rừng núi gió sương, nhiều anh em da đã thay màu, không còn vương lại chút gì hình bóng của những cậu thơ sinh ngày nọ.

Những “cậu tú” tìm rừng đã trở thành những anh cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng rắn rỏi, tang bồng hồ thỉ như mây ngàn gió núi. Đó là chuyện của những “cậu tú” lên rừng.

 

      Đ.T

 

Đức Tiên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 153 tháng 06/2007

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground