Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 01/07/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những ngày Cách mạng Tháng Tám ở Quảng Trị

   Nửa thế kỷ đã trôi qua, đất nước đã trải qua bao chặng đường lịch sử hào hùng, nhưng những ngày Cách mạng Tháng Tám luôn luôn là những ngày tháng không bao giờ quên vì đó là những ngày tháng vĩ đại của dân tộc ta. Quảng Trị chúng ta cũng như đất nước sau ngày 9 - 3, tình hình trở nên vô cùng sôi động. Ở sát nách kinh đô Huế nên các biến cố của Huế nhanh chóng lan ra tỉnh ta. Là địa phương quần chúng có trình độ chính trị nên biến cố lớn của đất nước đã lan rộng trong địa phương. Thừa cơ Nhật hất cẳng Pháp, một số tay sai của Nhật ở địa phương hô hào ủng hộ “độc lập”, ủng hộ quân đội Nhật Hoàng, ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim, vận động lập chính quyền thân Nhật… Đáng tiếc trong thời gian này cũng có một số ít người trước đây đã từng tham gia phong trào cách mạng không nhận thức rõ tình thế, đánh giá sai và ảo tưởng về phát xít Nhật, chúng hùa với bọn thân Nhật tích cực hoạt động nên đã có ảnh hưởng xấu đến quần chúng; nhưng thủ đoạn và âm mưu của chúng không mê hoặc được nhân dân. Tiếc rằng trong thời gian này, các đồng chí còn lại ở địa phương chưa nắm vững đường lối của Trung ương nên đối phó với bọn thân Nhật chưa có hiệu quả. Mãi đến tháng 4, anh em ở nhà tù Quảng Trị được giải phóng, nhờ Đảng bộ nhà lao đã nhận định đúng đắn tình hình, đánh giá đúng âm mưu của phát xít Nhật, đề ra phương hướng hoạt động đúng nên từ tháng 5 trở đi, phong trào cách mạng trong tỉnh đã phát triển mạnh mẽ, bọn thân Nhật bị vạch mặt và cô lập. Tiếp đó, các đồng chí ở nhà đày Buôn Ma Thuột trở về, phong trào cách mạng ngày càng sôi nổi. Nhưng vì trong tỉnh chưa có sự lãnh đạo thống nhất nên công việc chuẩn bị khởi nghĩa cũng gặp nhiều trở ngại.

Đến giữa tháng 7 - 1945, đồng chí Tố Hữu được Trung ương phái vào Trung Bộ chuẩn bị họp thành lập Xứ ủy. Đến Quảng Trị, đồng chí Tố Hữu cùng với đồng chí Nguyễn Vịnh tức Nguyễn Chí Thanh, Trần Quý Hai (2 đồng chí được các tỉnh phía Nam Trung Bộ cử đi Hội nghị Tân Trào) sau khi gặp đồng chí Trần Hữu Dực bàn việc hội nghị toàn Xứ, đã gặp đồng chí Đặng Thí, Đoàn Bá Thừa và Nguyễn Đức Khiếu truyền đạt các Nghị quyết Trung ương, trao đổi ý kiến về việc thống nhất sự lãnh đạo trong tỉnh, và chính thức đặt liên lạc giữa tỉnh Quảng Trị và Xứ ủy Trung ương. Từ đó, Đảng bộ Quảng Trị đã trực tiếp liên hệ với cấp trên và được sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương. Sau khi đồng chí Trần Hữu Dực và Đoàn Bá Thừa ra Quảng Bình để chuẩn bị Hội nghị Xứ ủy, đồng chí Đặng Thí và Nguyễn Đức Khiếu đã bàn bạc với một số đồng chí ở nhà tù Quảng Trị ra và hoạt động ở ngoài (Hồ Ngọc Chiệu, Bùi Trung Lập…) xúc tiến chuẩn bị hội nghị toàn tỉnh để lập Tỉnh ủy và việc thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Triệu Phong - vì thời gian trong tháng 7 - 1945, hầu hết các thôn ở Triệu Phong ngụy quyền đã tan rã, các Ủy ban Việt Minh đã công khai hoạt động, tên tri phủ lúc ấy cũng nhiều lần viết thư xin giao chính quyền. Cả hai chủ trương được triển khai thuận lợi, đồng chí Hồ Ngọc Chiệu, Bùi Trung Lập, Nguyễn Hoạch đã bàn với một số nhân sĩ triệu tập cuộc họp ở Vệ Nghĩa để bàn việc thành lập Ủy ban Dân tộc Triệu Phong. Hội nghị nhất trí và cử ra Ủy ban 5 người do đồng chí Lê Thế Hiếu làm Chủ tịch. Ủy ban Dân tộc Triệu Phong ra đời làm cho nhân dân Triệu Phong và nhân dân cả tỉnh nô nức phấn khởi, uy tín ảnh hưởng cách mạng nhanh chóng lan rộng. Đồng thời xúc tiến việc triệu tập cuộc họp toàn tỉnh để thống nhất sự lãnh đạo. Trong quá trình trao đổi và triệu tập cuộc họp này cũng gặp một số trở ngại nhưng cuối cùng đã thống nhất về thành phần và thời gian họp vào giữa tháng 8 - 1945. Nhưng do Nhật đầu hàng, theo chỉ thị của Trung ương, Hội nghị toàn xứ phải hoãn để đại biểu trở về địa phương kịp chuẩn bị khởi nghĩa.

Hội nghị tạm hoãn việc cử Tỉnh ủy, hội nghị cử Ủy ban khởi nghĩa để phụ trách việc khởi nghĩa trong tỉnh. Ủy ban Khởi nghĩa gồm có đồng chí Trần Hữu Dực là Chủ tịch, Đặng Thí là Phó Chủ tịch, các ủy viên Ủy ban: Hoàng Thị Ái, Nguyễn Hữu Khiếu, Lê Vũ. Hội nghị bế mạc đêm 18 - 8. Ngay sau đó, Ủy ban Khởi nghĩa họp tại Mỹ Lược (Mỹ Lộc) để bàn các kế hoạch tiến hành khởi nghĩa… Thời gian còn lại có hạn nhưng khối lượng công việc rất lớn. Ở đây chỉ tập trung những vấn đề quan trọng nhất:

- Tổ chức lực lượng vũ trang của tỉnh làm nồng cốt cho cuộc khởi nghĩa;

- Bố trí lực lượng để tiếp quản các cơ quan của tỉnh;

- Bắt bọn Việt gian, tổ chức đảm bảo an ninh sau khởi nghĩa;

- Soạn thảo các văn bản mệnh lệnh các chính sách để công bố trước quần chúng.

Đồng thời phải có kế hoạch để tiếp xúc và bàn với quân đội Nhật để chúng không can thiệp vào cuộc khởi nghĩa. Tiếp tục vận động lính bảo an quay trở về với cách mạng.

Trong thời gian sau khi Nhật đầu hàng, một bộ phận khá lớn quân đội Nhật tập trung đóng từ đường 1A lên Đường 9; từ Mỹ Chánh ra Đông Hà lên Lao Bảo gồm mấy vạn quân với Bộ Tư lệnh quân đoàn đóng ở thị xã Quảng Trị. Trong thời gian tháng 7 và đầu tháng 8, chúng hoành hành cướp phá, bắt phu, chiếm nhà dân. Trước tình hình đó, Ủy ban Khởi nghĩa đã nhận định việc đối phó với quân đội Nhật là vấn đề phức tạp. Tuy chúng đã đầu hàng đồng minh, nhưng ở địa phương, chúng có số lượng đông, thái độ hung hăng, quần chúng căm thù sâu sắc nên có thể xảy ra manh động gây nên đổ máu và tạo điều kiện cho bọn Nhật ngăn trở cuộc khởi nghĩa. Vì vậy, để cuộc khởi nghĩa giành được thắng lợi trọn vẹn, một mặt phải ngăn ngừa sự manh động của quần chúng, mặt khác phải tìm cách vô hiệu hóa quân đội Nhật trong cuộc khởi nghĩa. Ủy ban Khởi nghĩa chuẩn bị cuộc thương lượng với quân đội Nhật nhằm yêu cầu chúng phải đứng ngoài cuộc không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Nhưng phải làm thế nào để tự chúng yêu cầu gặp ta để ta chủ động đặt vấn đề với chúng nên Ủy ban Khởi nghĩa đã đặt vấn đề với tỉnh trưởng Phan Văn Hy (sau khi ta chấp nhận việc giao chính quyền của Phan Văn Hy và chấp nhận việc bảo vệ tính mạng, tài sản cho ông ta). Ông ta cần thông báo cho quân đội Nhật biết theo dụ của vua Bảo Đại, chính quyền của ông ta đã chấm dứt. Lúc đầu, quân Nhật không chịu, nhưng Phan Văn Hy với thái độ cứng rắn tuyên bố từ nay nếu quân đội Nhật gặp trở ngại trong việc cung cấp điện, nước, thực phẩm… thì Phan Văn Hy không có trách nhiệm. Cuối cùng Nhật đồng ý gặp đại biểu Việt Minh nhờ Phan Văn Hy làm môi giới. Ta đã chuẩn bị sẵn sàng nội dung và thái độ để gặp Bộ Tư lệnh Nhật. Đoàn ta do ông Hồ Ngọc Thâm làm trưởng đoàn. Lúc đầu, tên Tư lệnh Nhật ra oai đòi ta phải tiếp tục thực hiện các điều Chính phủ đã cam kết với quân đội Nhật, bảo đảm an toàn và cung cấp đầy đủ điện, nước, thực phẩm cho chúng. Phía ta không gây căng thẳng nhưng với thái độ cứng rắn, ta đã nói thẳng với Bộ Tư lệnh Nhật: “Quân đội Nhật đã đầu hàng đồng minh nên mọi ký kết cũ không có giá trị và chính quyền cũ cũng không còn nữa. Hiện nay quân đội Nhật chỉ chờ ngày giải giáp và chính quyền mới không có trách nhiệm bất cứ điều gì với quân đội Nhật. Vì vậy, các ông phải có thái độ đúng, nếu không các ông phải chịu trách nhiệm những việc làm sai trái của mình nhất là trước thái độ căm thù của nhân dân Việt Nam đối với quân đội Nhật”. Nó xem đi xem lại bản “bút đàm” của ta và trả lời: Chúng tôi đồng ý có sự tiếp xúc với các ông, mong các ông cho biết yêu cầu.

Ta trả lời với chúng rằng các ông không có yêu cầu gì với cách mạng, nếu nay mai đồng minh giao cho chúng tôi giải giáp quân đội Nhật, ở đây chúng tôi sẽ thực hiện trước mắt với danh nghĩa là chính quyền địa phương, chúng tôi có trách nhiệm kiểm soát mọi hành động của quân đội Nhật. Sau một thời gian trao đổi, chúng đề nghị phía ta đảm bảo việc cung cấp điện, nước, mua thực phẩm… đảm bảo an toàn cho quân đội Nhật. Ta nêu mấy điểm trong thời gian chờ về nước, quân đội Nhật phải giữ nguyên vị trí đóng quân, quân đội ở trong doanh trại không được tự động di chuyển, không được có những hành động ngang ngược… Nội dung hai bên đồng ý và chuẩn bị bản thỏa thuận để ký kết. Chiều 21, hai bên gặp nhau trao đổi, ký kết bản thỏa thuận. Phía Nhật phải có trách nhiệm thông báo cho quân đội Nhật trước ngày 28 - 8.

Vấn đề phức tạp thứ hai là phải giải quyết việc thuyết phục Bảo an đoàn, đây là lực lượng quân sự Việt Nam duy nhất ở tỉnh với số lượng gần 200 người do hai ông quản chỉ huy. Qua các cuộc tiếp xúc và vận động từ trước, hầu hết đều tán thành theo Cách mạng, nhưng các người chỉ huy kiên quyết đòi giữ nguyên đơn vị và không giao nộp vũ khí cho Cách mạng theo yêu cầu của ta. Về phía ta, lúc khởi nghĩa, hầu như không có vũ khí nên phải vận động giao trước một số vũ khí để trang bị cho các đội dân quân. Qua cuộc đấu tranh nội bộ và sự thuyết phục của ta, họ mới đồng ý giao trước cho ta một số vũ khí về phía ta đồng ý cho họ giữ nguyên đơn vị nhưng lúc khởi nghĩa họ phải ở trong doanh trại cho đến lúc hoàn thành khởi nghĩa tỉnh.

Sau khi ký được thỏa thuận với Nhật, với Bảo an đoàn, Ủy ban Khởi nghĩa quyết định đêm 22 sáng 23 - 8 tiến hành khởi nghĩa trong toàn tỉnh.

Ngày 22 - 8 là ngày bận rộn, tấp nập phải huy động toàn lực cán bộ và nhân dân để tiến hành cuộc khởi nghĩa.

Tổ chức các đội tự vệ vào thị xã trước lúc 8 giờ để chuẩn bị canh giữ các cơ quan công sở, bao vây nhà ở của bọn phản động; bố trí lực lượng canh gác các nơi trú quân của Nhật; tổ chức huy động quần chúng chuẩn bị cuộc mít tinh ra mắt chính quyền mới vào sáng 23; chuẩn bị các văn kiện như mệnh lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa chuyển về chùa Phật Học gần thị xã nên việc chuẩn bị tiếp quản thị xã được tiến hành thuận lợi. Công việc cướp chính quyền ở tỉnh ngoài lực lượng ở ngoài vào, từ trước, trong thị xã đã có những tổ chức và có lực lượng tự vệ phối hợp chuẩn bị các công việc cần thiết như vận động công nhân các nhà máy điện nước, công chức các công sở bảo vệ cơ sở, bảo vệ tài liệu. Đặc biệt đối với Sở Liêm phóng đã có sự phối hợp chặt chẽ để bảo vệ toàn bộ hồ sơ tài liệu. Công việc cướp chính quyền ở tỉnh lỵ đã diễn ra đúng như dự kiến. Đến 12 giờ đêm ngày 22 - 8, cán bộ công nhân và các đội tự vệ chiếm giữ các công sở và cơ quan và bắt đầu tuần tra trên đường phố. Đến 4 giờ sáng, các đội tự vệ vũ trang cùng với quần chúng từ Triệu Phong lên, Hải Lăng ra rầm rộ kéo vào thị xã biểu tình và hô vang khẩu hiệu của chính quyền cách mạng. Cùng lúc đó, lá cờ đỏ sao vàng đã phấp phới trên cột cờ trước dinh tỉnh trưởng (lá cờ này do một tổ tự vệ và đồng chí Dương Đẩu phụ trách được giao nhiệm vụ từ trước).

Đến khoảng 8 giờ sáng, nhân dân thị xã cùng các đoàn biểu tình tập trung trước dinh tỉnh trưởng mít tinh. Đồng chí Trần Hữu Dực thay mặt Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố thành lập chính quyền Cách mạng trong toàn tỉnh trước sự reo hò như sấm dậy của quần chúng. Đồng thời, Ủy ban Khởi nghĩa tuyên bố đổi thành UBND Cách mạng và công bố các chính sách mới. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở các phủ huyện (trừ Đông Hà, Hướng Hóa) đều hoàn thành thắng lợi từ 20 – 22 - 8. Ở Đông Hà, vì lực lượng quân đội Nhật quá đông, việc thuyết phục không trôi chảy nên phải đến ngày 24 - 8 mới hoàn thành. Ở Hướng Hóa, vì cơ sở chưa có nên sau khi giành chính quyền ở tỉnh, ngày 25 - 8 mới cử đoàn cán bộ lên tiếp quản chính quyền huyện, nhưng trước đó nhiều thôn xã đã cử các đoàn đại biểu về tỉnh để nộp triện và xin lập chính quyền Cách mạng.

Như vậy, đến 25 - 3, cuộc khởi nghĩa trong toàn tỉnh đã hoàn toàn thắng lợi. Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Cách mạng các cấp, nhân dân bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới với những vấn đề cấp bách nhất là: Xây dựng chính quyền Cách mạng, tổ chức các đoàn thể quần chúng, tăng gia sản xuất cứu đói, tổ chức lực lượng vũ trang, trừng trị bọn Việt gian…

Trong lúc chính quyền cách mạng chưa đầy 10 ngày tuổi thì ngày 29-8, bọn tàn quân Pháp ở biên giới Lào - Việt cướp phá và chuẩn bị đánh chiếm Đường 9 và vùng Khe Sanh, Lao Bảo. Trong thời gian đó, đoàn cán bộ Lào do ông Thao Ô phụ trách về Quảng Trị để bàn việc phối hợp đánh Pháp. Từ đây, cuộc kháng chiến chống Pháp trên Đường 9 bắt đầu.

Đến 10 - 9 - 1945, cuộc hội nghị toàn tỉnh bắt đầu quyết định các vấn đề củng cố chính quyền Cách mạng, xây dựng cuộc sống mới, bầu Tỉnh ủy. Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân tỉnh ta đã bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ đấu tranh bảo vệ độc lập tự do.

                                                     

Đ.T

Đặng Thí
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 60 tháng 09/1999

Mới nhất

Tạp chí Cửa Việt - 35 năm một chặng đường

28/06/2025 lúc 16:18

Ngày 28/5/2025, Tạp chí Cửa Việt tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm tạp chí ra số đầu tiên và gặp mặt cộng tác viên năm 2025. Tại buổi lễ, Phó Tổng biên tập phụ trách Hồ Thanh Thọ đã có bài phát biểu khai mạc...

Vùng trời hoa sim

26/06/2025 lúc 23:29

Những triền sim tím đồi xaBềnh bồng nâng gót mùa qua lặng thầm

Hương xưa; Nắng sớm

26/06/2025 lúc 23:27

Hương xưa… Ta về tìm lại hương xưa

Giấc mơ đồng bằng; Về xanh trong gió thơm

26/06/2025 lúc 23:24

Giấc mơ đồng bằng Gọi em đêm qua tôi mơ

Ngủ giữa gió sông quê

26/06/2025 lúc 23:22

Hôm ấy gió sông thổi về lồng lộng. Lửa nương theo bàn tay của gió vồ lấy mái bếp, tỏa ngọn nghi ngút trên đống củi khô, tràn qua ô cửa vương tơ nhện và bụi mờ.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

02/07

25° - 27°

Mưa

03/07

24° - 26°

Mưa

04/07

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground