Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những người trở lại Trường Sơn

C

uộc chiến tranh đã đi qua hơn một phần ba thế kỷ, nhưng nó chưa đi qua trong bữa cơm, giấc ngủ của những bà mẹ Việt Nam. Mẹ còn nhớ như in ngày tiễn chồng, tiễn con lên đường ra trận, mẹ vẫn biết chiến trường gian khổ lắm, ác liệt lắm, sự sống, cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Cũng như mẹ, ở ngoài mặt trận anh có tính toán gì đâu, khi trong anh hình ảnh mẹ già: “năm năm, tháng tháng, ngày ngày với gọng rau, ai có biết lòng tôi đau như cắt…” Song có nỗi đau nào bằng nỗi đau mất nước; anh đã hiến trọn đời mình cho “mẹ hiền Tổ quốc”.

Không những mẹ mất anh, mẹ mất luôn phần hài cốt của anh, điều này càng về cuối đời nỗi đau trong lòng mẹ càng nhân lên gấp bội. Mẹ ước gì trước lúc nhắm mắt xuôi tay mẹ được tận mắt nhìn thấy và tự tay thắp nén nhang lên phần mộ của chồng, của con, mẹ đã làm tròn bổn phận một người vợ, người mẹ; người đang sống với người đã khuất. Nhưng mẹ chưa than phiền với ai lấy nửa lời khi mà Đảng và Chính phủ đã quan tâm ban hành nhiều chính sách đối với người có công với nước; khi mà hàng ngàn nấm mộ ở các nghĩa trang nay chung dòng chữ “liệt sỹ chưa biết tên”…

Là những người lính hơn ai hết các anh thấu hiểu nỗi mất mát to lớn của những người mẹ mất con, người vợ mất chồng, những đứa con chỉ biết mặt bố qua những tấm ảnh bạc màu theo năm tháng. Nỗi khắc khoải mong chờ nhận được phần hài cốt của chồng, của cha, của con mà càng về cuối đời nỗi khắc khoải càng nhân lên gấp bội. Càng thấu hiểu nỗi khổ tâm của các mẹ, các chị, của thân nhân liệt sỹ bao nhiêu các anh càng day dứt bấy nhiêu, khi mà hài cốt đồng chí đồng đội một thời “viên thuốc bẻ đôi, tấm chăn một nửa” đang nằm rải rác giữa đại ngàn Trường Sơn. Các anh đã tự nguyện cùng nhau trở lại Trường Sơn, trở lại nơi một thời cả nước dấy lên phong trào: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Đã trở thành lý tưởng cách mạng cao đẹp của lớp lớp thanh niên lúc bấy giờ. Nơi một thời đánh địch mà đi, mở đường mà tiến; đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng. Nơi mà hàng ngàn liệt sỹ mãi mãi nằm lại dưới những cánh rừng giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Để cho đất nước có ngày hôm nay; có con đường Hồ Chí Minh gắn với những chiến công hiển hách.

Sau bao nhiêu năm lăn lộn với cuộc chiến tranh, tháng 1/1989 đại uý Mai Thanh Hùng được rời quân ngũ, mang theo trên đầu những hạt bom bi quái ác không phẩu thuật được (thương binh loại 3/4). Khi ra quân, anh không trở về nơi chôn nhau cắt rốn (xã Triệu Nguyên, huyện Đăkrông) mà anh quyết định lập nghiệp tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hoá, để có điều kiện trở lại Trường Sơn, trở lại chiến trường một thời gắn bó. Ý nghĩ này ấp ủ trong anh từ những ngày đầu mới rời quân ngũ, mãi đến năm 1990 khi có tổ chức Cựu chiến binh ra đời và đi vào hoạt động, anh bày tỏ nguyện vọng của mình với Hội CCB thị trấn Khe Sanh, Hội CCBVN, phòng Lao động thương binh xã hội huyện Hướng Hoá và được các tổ chức đồng tình ủng hộ, được Đảng uỷ, UBND, các đoàn thể thị trấn Khe Sanh động viên khích lệ. Đội tìm kiếm, quy tập mộ liệt sỹ của Hội CCBVN thị trấn Khe Sanh được ra đời từ đấy. Nói sao hết những khó khăn vất vả của những người lính trên mình mang đầy thương tích, mà phải vượt qua bao núi cao, suối sâu…công việc tưởng chừng như đáy bể mò kim, như muối bỏ bể. Không những thế mà các anh còn phải cảm thông với vợ, con khi mà kinh tế thị trường đã đi vào đời sống của đại bộ phận xã hội. “Người người làm giàu, nhà nhà làm giàu”, còn các anh thì tình nguyện trở lại Trường Sơn để thực hiện trọn vẹn nghĩa tình, để từ trong sâu thẳm của lòng mình không còn hổ thẹn với đồng chí đồng đội.

Với cương vị là đội trưởng Đội quy tập, Mai Thanh Hùng đã tập hợp được 11 hội viên gồm Nguyễn Hữu Cừ, Hoàng Văn Thạch, Phan Văn Quyến, Hồ Văn Hiệu, Nguyễn Xuân Thành, Trần Đình Thi, Trần Đình Lâm, Hồ Đại Số, Hồ Văn Sơn, Võ Bình Dương, Nguyễn Thành Nam. Trong 12 đồng chí có bốn đồng chí là thương binh, một bệnh binh; có 11/12 là hưu trí. Lớn tuổi nhất là đồng chí Nguyễn Hữu Cừ 70 tuổi thương binh 4/4; nhỏ tuổi nhất là đồng chí Nguyễn Thành Nam 24 tuổi. Là những người đầy nhiệt tình và tâm huyết tình nguyện “ăn cơm nhà tìm cho ra đồng đội”. Họ cùng nhau trở lại Trường Sơn trong đội hình hành quân như tiểu đội ngày nào chỉ khác vai không mang súng, đầu đội mũ không sao, vững chắc chiếc gậy ngày nào và đôi dép cao su bốn quai thít chặt. Còn lương thực, thực phẩm mang theo thì ai có gì mang nấy nhưng trong ba lô của mỗi người phải có dụng cụ đào bới như cuốc, xẻng, dao, rựa dùng để phát đường; hương, ni lon, giấy đỏ để bao gói hài cốt liệt sỹ. Các anh còn mang theo nồi niêu, xoong chảo, bát đũa, môi thìa để còn “tác chiến” trong những ngày hành quân… Nhớ ngày đầu mới thành lập Đội quy tập có năm tự nguyện đó là: tự nguyện thành lập Đội; tự nguyện bỏ kinh phí gia đình vào việc tìm kiếm, cất bóc, đưa hài cốt liệt sỹ về bàn giao cho nghĩa trang liệt sỹ huyện; tự nguyện làm việc ngày không tính giờ; tự nguyện tuần không tính ngày; tự nguyện năm không tính chuyến.

Qua gần 20 năm tìm kiếm không biết các anh đã vượt qua bao nhiêu km, vượt qua bao nhiêu đồi núi, sông, suối để đến với bao nhiêu bản làng của hai nước Việt Lào để tìm kiếm quy tập về nghĩa trang liệt sỹ huyện Hướng Hoá được 1508 hài cốt liệt sỹ. Những hài cốt có địa chỉ, các anh lần tìm biên thư báo cho gia đình, bộ chỉ huy quân sự tỉnh, sở lao động thương binh xã hội, Hội CCBVN các tỉnh, thành, sở tại. Có trường hợp các anh trực tiếp bàn giao cho gia đình như trường hợp liệt sỹ Vương Thiết Căn quê Hà Nội. Nói sao hết nỗi sung sướng của thân nhân liệt sỹ cả nước khi nhận được hài cốt của người thân mà bao năm trời mong đợi. Tôi hỏi đồng chí Nguyễn Xuân Quang chủ tịch Hội CCBVN thị trấn Khe Sanh bây giờ là đội viên của Đội quy tập, động lực nào giúp các anh vượt qua bao gian lao vất vả, đồng chí ấy bảo: Nguồn cổ vũ động viên đối với chúng tôi đó là những bức thư từ mọi miền đất nước. Người thì cảm ơn chúng tôi đã tìm kiếm được hài cốt thân nhân của họ; người thì gửi gắm niềm tin vào chúng tôi hy vọng một ngày không xa sẽ nhận được thư báo tin của Đội quy tập. Tình cảm ấy, hy vọng ấy thôi thúc chúng tôi tiếp tục lên đường hết ngày này qua ngày khác, hết tháng này qua tháng khác, hết năm này qua năm khác… Ngoài sự động viên trên chúng tôi còn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Cụ thể năm 1999 Đội quy tập được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3; được TW Hội CCBVN, Bộ Tư lệnh quân khu 4, UBND tỉnh Quảng Trị tặng nhiều bằng khen. Đồng chí Mai Thanh Hùng đội trưởng được Thủ tướng chính phủ tặng bằng khen. Thật cảm động khi đồng chí Mai Thanh Hùng đội trưởng Đội quy tập qua đời (5/2009) gia đình của liệt sỹ Tự ở phố Hàng Chuối Hà Nội, và gia đình của liệt sỹ Đặng Trần Đấu ở quận Đống Đa lặn lội từ Hà Nội vào viếng. Gia đình còn nhận được thư, điện chia buồn, hương hoa của gia đình liệt sỹ ở mọi miền Tổ quốc. Nghĩa cử của nhiều gia đình liệt sỹ đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng cán bộ hội viên Hội CCBVN thị trấn Khe Sanh và nhân dân huyện Hướng Hoá.

Tôi cầm bút viết bài “Những người trở lại Trường Sơn” với mong muốn bài viết này thay cho nén nhang thắp lên phần mộ của đội trưởng Mai Thanh Hùng cùng các đội viên: Hồ Văn Hiệu, Nguyễn Xuân Thành, Trần Đình Thi, Trần Đình Lâm, năm anh đã mãi mãi ra đi không bao giờ trở lại. Các anh đã thực hiện được nghĩa cử “trọn nghĩa nước non, vẹn tình đồng đội”. Và mong Đội quy tập chân cứng đá mềm tiếp tục công việc đầy nhân nghĩa này để mãi mãi xứng danh là anh “Bộ đội Cụ Hồ”.

L.V.M

 
 
Lê Văn Minh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 187 tháng 04/2010

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground