Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những Tác phẩm cũ trước năm 1945 quê ở Quảng Trị

Chỉ kể thời nhà Nguyễn, tỉnh Quảng Trị ta đã có đến 4 vị hoàng giáp, 11 vị tiến sĩ, 10 vị phó tiến sĩ, 10 vị phó bảng cùng trên 165 vị cử nhân Hán học, nhưng cho đến nay còn số tác giả nắm chắc được ghi lại thấy chưa tương xứng. Chắc rằng, ngoài sự mất mát qua thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh, việc tìm tòi chưa đến nơi đến chốn của chúng ta cũng là một nguyên nhân. Nghĩ vậy nên khi đưa ra bản danh sách này, chúng tôi thiết tha mong chờ các nhà nghiên cứu và nói chung tất cả những ai biết rõ, phát hiện, bổ sung thêm, giúp cho chúng tôi có thể hiểu được đầy đủ hơn sự nghiệp văn hóa của cha ông mình trên dãi đất non Mai sông Hãn.

1. ĐẶNG DUNG (? - 1414), người huyện Hải Lăng, cầm quân dưới thời Hậu Trần, chức vụ Bình Chương sự, bị quân Minh bắt, tuẫn tiết. Tác giả hiện chỉ còn lại một bài thơ bất hủ là bài Cảm Hoài.

2. BÙI DỤC TÀI (không rõ năm sinh, năm mất), người làng Câu Nhi, huyện Hải Lăng đỗ đệ nhị giáp (tức Hoàng giáp) năm 1502, làm quan đến chức tham tướng. Tác phẩm hiện chỉ còn một bài biện viết chung với Hoàng giáp đồng khoa Hạ Ngọc Chúc (người huyện Chương Đức, nay thuộc tỉnh Hà Tây) là bài Chế dĩnh dĩ thất Tần Sở biện. Đây là một bài văn phát triển tư tưởng nhân nghĩa, tư tưởng yêu nước, yêu dân, chống ngoại xâm rất sâu sắc.

3. NGUYỄN HỮU THẬN (1757 – 1831), tự Chân Nguyên, hiệu Ý Trai người làng Đại Hòa, nay thuộc xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, làm quan thời Tây Sơn đến chức Thị lang và đời Nguyễn, đến chức Thượng thư. Ông là nhà toán học và thiên văn học xuất sắc của đất nước đầu thế kỷ 19. Tác Phẩm:

- Ý trai toán pháp nhất đắc lục (biên chép một điều "được" về toán pháp của Ý Trai). Sách gồm 8 quyển, nói về cửu chương, phép cân đo lường đếm, phép tính diện tích ruộng đất, phép khai bình phương, lập phương, phép câu cổ, phép tính diện tích, thể tích…Đặc biệt, còn có phép lập ma phương (carré magique) bậc 3, 4, 8…

- Tam thiên tự lịch đại văn chú (ba nghìn chữ chú giải văn chương các đời). Sách dạy nhập môn chữ Hán qua những lời giáo huấn, những điển tích trong kinh sử, dịch thành câu có vần từ sách của tác giả Trung Quốc Từ Côn Ngọc và do Tư nghiệp Quốc tử giám Đoàn Bá Trình hiệu đính (ông này là người huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, đỗ cử nhân năm 1819).

Ngoài ra ông còn tham gia biên tập bộ sách Bách ty chức chế của triều đình Huế và là tác giả một số câu ca dao về toán học.

4. NGUYỄN CÔNG TIỆP (? - 1829), người huyện Hải Lăng, làm quan đời Tây Sơn, sau được Gia Long lưu dụng, khi mất được tặng hàm Tham tri. Tác phẩm:

- Sĩ hoạn tu tri lục (ghi chép những điều người ra làm quan cần biết). Sách gồm 6 quyển nói về cương vực từng vùng, số làng xã, đinh điền, thuế lệ, đường sá, quán trạm, quan chế…Phụ lục một số bài thơ nôm để vịnh cảnh vật.

5. NGUYỄN VĂN HIỂN (1827 - 1865), tự Doãn Trai, người làng Mỹ Chánh, nay thuộc xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng. Đỗ Hoàng giáp năm 1847, làm quan đến chức Tuyên phù sứ đạo Phú yên. Tác Phẩm:

- Đồ Bàn thành ký (ghi chép về thành Đồ Bàn - kinh đô Chăm Pa cũ ở Bình Định): Sách ghi chép tên gọi, địa giới. lịch sử thành và một số bài ký, truyền thuyết về Thiên y tiên nữ, Liệt phụ Nguyễn Thị…

- Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam đạo chí (ghi chép về các đạo Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên). Sách chép về địa lý và lịch sử các đạo ấy.

6. NGUYỄN CỬU TRƯỜNG (1806 - 1853): Nguyên người Gia Miêu, Thanh Hóa, nhập tịch làng Quỳnh Công, nay thuộc xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, đỗ Hoàng giáp năm 1838, làm quan đến chức tuần phủ tỉnh Biên Hòa, tác phẩm: (viết chung với Nguyễn Bá Nghi, người huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, Vũ Phạm Khải, người huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, cùng làm việc tại Nội Các cuối đời Thiệu Trị):

- Lịch đại sử luận (luận về lịch sử các triều đại Trung Quốc). Sách bàn về các sự kiện lịch sử, các nhân vật từ đời Thái tổ đến đời Thanh.

7. TRẦN ĐÌNH TÚC (1809 - 1853), tự Trọng Cung (có tài liệu ghi là Cung Trọng), hiệu Hy Lỗ, người làng Hà Trung, huyện Do Linh, đỗ cử nhân năm 1842, làm quan đến chức thượng thư. Tác phẩm:

- Tiên Sơn thi tập (có tài liệu ghi là toàn tập). Tập thơ núi Cồn Tiên này gồm 230 bài thơ văn. Về thơ, chủ yếu là vịnh cảnh, tức sự, tiến tặng, họa đáp…nhưng cũng có một số bài có tính chất suy nghiệm, triết lý về cách sống của một ông quan nhà nho.

Ngoài ra, ông còn có một bài thơ khác chép chung trong tập Du Hương Tích Sơn thi tập và một số câu đối có giá trị, nhất là câu đối điếu Hoàng Diệu, điếu Trần Thiện Chánh…

8. PHAN VĂN HUY (không rõ năm sinh, năm mất): Người làng Đạo Đầu, nay thuộc xã Triệu Trung, huyện Triệu phong, cháu nội Hậu quân Phan Văn Thúy. Tác phẩm:

- Cai dư kì thực (ghi chép sự việc lúc rãnh rỗi dưới bậc thềm): Sách ghi chép về cuộc sống của mẹ ông là bà An Thường công chúa, có lợi đề tựa của Quốc công Miên ký viết năm 1881.

9. HOÀNG HỮU XỨNG (1831 - 1905), Tự Bình Như (có tài liệu ghi là Bình Chi) hiệu Song Bích, người làng Bích Khê, nay thuộc xã Triệu Long, huyện Triệu Phong. Đỗ cử nhân năm 1852, làm quan đến chức Thượng thư. Tác Phẩm

- Đại Nam quốc cương giới vựng biên (biên chép tổng hợp về bờ cõi và biên giới nước Đại Nam). Sách gồm 7 quyển (3).

10. NGUYỄN NHƯ KHUÊ (chưa rõ năm sinh năm mất): người làng Phúc Lâm nay thuộc xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, đỗ cử nhân năm 1864, làm quan đến chức tri phủ Cam Lộ. Tác phẩm:

- Như khuê thi học ngữ tập (tập học đòi về ngôn ngữ của người Như Khuê). Sách gồm hai phần: phần đầu là thơ ngâm vịnh về Thúy Kiều như thăm mả Đạm Tiên, gặp Kim Trọng, khóc Từ Hải…phần sau là một số thơ chữ Hán vịnh cảnh vật, một số bài văn phổ khuyến, ca khúc và văn chầu bằng quốc âm.

11. NGUYỄN TRỪNG (chưa rõ năm sinh năm mất), người làng Diên Khánh nay thuộc xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, đỗ cử nhân năm 1878, làm quan đến chức Thượng thư. Tác phẩm:

- Kỷ sử Tây nhật ký. Sách ghi chép lại các sự việc trong chuyến tác giả được cử sang Pháp cùng với Miên Triện,Vũ Văn Bảo năm 1889.

12. LÊ ĐĂNG TRINH (1850- 1909), tự Hàm Chương, hiệu Bích Phong, người làng Bích La Đông, nay thuộc xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, đỗ Phó bảng năm 1875, làm quan đến chức Thượng thư. Tác phẩm:

- Bích Phong thi thảo. Tập thơ gồm phần lớn là thơ đề từ, xướng họa, nhưng cũng có một số bài nói lên nỗi lòng của tác giả trước tình thế đất nước.

13. NGUYỄN HỮU BÀI (1863 - 1935), hiệu Vĩnh Cao, người làng Cao Xá, nay thuộc xã Trung Giang, huyện Gio Linh trước huyện Vĩnh Linh) làm quan đến chức Thượng thư, tước Phước Môn quận công, Tác phẩm:

- Thơ nôm Phước Môn (do ông Nguyễn Thúc tập hợp xuất bản). Hầu hết là thơ Vịnh cảnh tức sự, thù tạc.

- Lại An thi thảo. Là tập thơ chữ Hán, gồm thơ vịnh cảnh, thù tạc trong thời gian tác giả đi theo người Pháp hoạch định biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc trước năm 1896 và thời gian đi Pháp năm 1902. Có một số bài hé mở cho thấy tinh thần dân tộc trong con người của một giai đoạn lịch sử phiền rối của đất nước.

14. HOÀNG HỮU KIỆT (1885 - 1951), tự Châu Thần, hiệu Phúc Khê, người Bích Khê, nay thuộc xã Triệu Long, huyện Triệu Phong đỗ cử nhân năm 1915, đang làm tri huyện thì thừa hành trái ý quan trên, bị buộc thôi chức. Tác phẩm:

- Phúc Khê thi tập: Gồm gần 200 bài bằng chữ Hán và quốc âm vịnh cảnh, thù tạc, nhiều bài biểu hiện tinh thần dân tộc của tác giả.

15. LÊ THẾ TIẾT (1900-1940), người làng Tường Vân, nay thuộc xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong, tham gia hoạt động cách mạng rất sớm và được làm cử làm Bí Tỉnh ủy đầu tiên của Đảng bộ Quảng Trị Đảng Cộng sản Việt Nam. Tác phẩm:

- Diêm phù thạch ký. Tập tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ với nhân vật chính là một phụ nữ có học thức, trong lúc đi cứu cha bị giam cầm đã thấy bao người bị áp bức, bóc lột tàn tệ nên đã giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng.

- Thằng Cu Chim. Truyện vừa kể chuyện một em bé nhà nghèo đã từ cuộc sống lao khổ của mình mà giác ngộ cách mạng (4).

Ngoài ra còn có một số thơ.

16. PHAN VĂN HY (1890 - 1970), tự Kinh Chi, người làng Nhan Biều, nay thuộc xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, đỗ y sĩ Đông Dương (sau chuyển thành bác sĩ); mấy năm đầu kháng chiến chống Pháp phụ trách Quân y viện Quảng Trị. Tác phẩm:

- Thơ Kinh Chỉ (thơ quốc âm Đường Luật). Phần lớn là thơ vịnh cảnh, thù tạc, tức sự, với một số bài đáng chú ý về mặt tư tưởng xã hội.

Ngoài ra còn có mộ số thơ bằng chữ Hán đang ở dạng bản thảo.

17. PHAN VĂN DẬT (1970 - 1985), người làng Đạo Đầu, nay thuộc xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, thời Pháp thuộc làm công chức ngành trước bạ, trong chế độ cũ, làm giảng viên Việt văn các trường trung học và giảng viên Hán văn Đại học văn khoa Huế. Tác Phẩm:

- Diễm dương trang, tiểu thuyết, xuất bản năm 1935.

- Bâng khuâng, thơ, xuất bản năm 1936.

                                          N.L.T

----------

(1)  Ghi chép theo sách Ô Châu cận lục.

(2)  Chưa thấy sách nào ghi rõ làng quê của ông. Do đó, nói ông là người huyện Hải Lăng chưa hẳn đã chính xác. Vì thời ông hai tổng An Dã, Bích La còn thuộc huyện Hải Lăng, nên nếu làng quê ông thuộc hai tổng này thì bây giờ phải kể ông là người huyện Triệu Phong.

(3)  Ngoài ra, trong tập "Cúc khuê thủ thuyết lục" của Trương Quang Ý, ghi chép về cha là Trương Quang Đàn, có phụ chép một bài, nhan đề "Xương khê ông thoại nông lục", nhưng như vậy là chưa chắc do chính Hoàng Hữu Xứng viết ra nên chúng tôi chưa đưa vào đây.

(4)  Cả hai tập này đều được ghi theo lời của con gái ông là chị Lê Thị Diệu Muội và đã thất lạc từ trước năm 1945. Chị Muội không nhớ chữ "diêm" viết theo chữ Hán như thế nào, chúng tôi cho rằng có lẽ nghĩa là "muối" và "Diêm phủ thạch kỳ là "Truyện tảng san hô muối".

 

Nguyễn Lương Tài
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 8 tháng 05/1995

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground