Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/01/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nông nghiệp Vĩnh Linh: Từ ăn cơm bữa diếp đến của… để dành

Ngành Nông nghiệp chỉ cần có một trong ba nguyên nhân: Chiến tranh, thiên tai, và không có nguồn lực đầu tư là đã rơi vào tình trạng sản xuất bị đình đốn, gây ra nạn đói hoặc thiếu lương thực kéo dài... Đối với huyện Vĩnh Linh, một huyện nghèo, thuần nông ở phía bắc tỉnh Quảng Trị, lại “hội đủ” cả ba nguyên nhân trên...

Đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, thời tiết thất thường, chiến tranh ác liệt kéo dài nên trước năm 1954, điệp khúc mất mùa, đói giáp hạt là “chuyện thường niên ở huyện”.

Thu hoạch lúa hữu cơ trên cánh đồng Vĩnh Lâm  - Ảnh: Nguyễn Hằng

Thu hoạch lúa hữu cơ trên cánh đồng Vĩnh Lâm - Ảnh: Nguyễn Hằng

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, những cán bộ chiến sĩ quân dân chính đảng từ vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh và miền Nam tập kết tăng cường cho Khu vực Vĩnh Linh, lần đầu được làm quen với cụm từ “ăn cơm bữa diếp”.  “Ăn cơm bữa diếp” là đặc sản riêng có của một số vùng ở Vĩnh Linh. Bữa diếp là cách tính lùi thời gian so với ngày hiện tại. Nếu như người miền Bắc gọi hôm nay, hôm qua, hôm kia, thì người Vĩnh Linh gọi: Hôm ni, hôm qua, hôm diếp… Ăn cơm bữa diếp tức là ba ngày mới được ăn một bữa cơm độn. Còn đó một giai thoại: Các chú bộ đội Trung đoàn 270 Bảo vệ giới tuyến mới vào tiếp quản Vĩnh Linh chưa có doanh trại nên đóng quân tạm trong nhà dân… Đến bữa cơm, thấy những đứa bé con chủ nhà gầy ốm tong teo đứng nhìn với ánh mắt mơ ước… các chú bộ đội liền xúc cơm cho các trẻ nhỏ, bố mẹ chúng khẩn khoản ngăn lại: “Các chú ăn đi để có sức làm nhiệm vụ, các cháu mới ăn cơm bữa diếp…”.

Đại tá Lương Tử Miên, nguyên Chính ủy Sư đoàn 31, Quân đoàn 3, năm 1954 vào Vĩnh Linh là một chiến sĩ trẻ 18 tuổi đến nay cụ đã ngoài 90 tuổi, về hưu ở Thành phố Hồ Chí Minh. Khi được hỏi, bảy mươi năm trước sống ở Vĩnh Linh, ấn tượng nào để lại trong ký ức cụ sâu sắc nhất? Cụ cười và nói ngay: “Kỷ niệm với Vĩnh Linh rất nhiều vì mình ở Vĩnh Linh 10 năm, đến năm 1964 mới rời Vĩnh Linh lật cánh sang Lào chiến đấu nhưng ấn tượng nhất là nhân dân Vĩnh Linh rất yêu nước và cách mang, thứ nhì là…ăn cơm bữa diếp”.

Tôi là người Vĩnh Linh thuộc thế hệ từng “ăn cơm bữa diếp”, từng “ăn mày” vào khẩu phần chiến đấu của các chú bộ đội “ăn cơm ở bờ Bắc, đánh giặc ở bờ Nam”. Tôi không bao giờ quên những bát cơm trắng muốt đầy tú ụ đắp lên trên những miếng thịt lợn kho Tàu sóng sánh mỡ, đường, mà sau bữa cơm ở bếp ăn tập thể các chú bộ đội để phần lại mang về cho. Tôi tận hưởng hương vị ngon lành thơm thảo của hết lớp bộ đội này đến lớp bộ đội khác về trú quân ở làng, đến nỗi “cảm xúc chờ cơm bộ đội” thành ký ức để đời…

*

Có thể nói cuộc “chiến đấu” để thoát khỏi lời nguyền “ăn cơm bữa diếp” của cán bộ và nhân dân Vĩnh Linh chỉ có thể thực sự bắt đầu từ ngày 25 tháng 8 năm 1954, khi tên lính viễn chinh xâm lược Pháp cuối cùng rút qua cầu Hiền Lương về phía Nam vĩ tuyến 17, Vĩnh Linh hoàn toàn giải phóng. Sau khi quân Pháp rút khỏi Vĩnh Linh, xét thấy vị trí quan trọng lâu dài của Vĩnh Linh trong chiến lược thực hiện nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định thành lập đơn vị hành chính mới mang tên Khu vực Vĩnh Linh tương đương cấp tỉnh. Chủ trương của Trung ương là ưu tiên xây dựng Vĩnh Linh, mảnh đất đầu cầu giới tuyến, tiền đồn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là hậu phương trực tiếp của miền Nam có kinh tế văn hóa xã hội phát triển, an ninh quốc phòng vững mạnh, là hình ảnh tiêu biểu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Khâu đột phá trong xây dựng kinh tế ở Vĩnh Linh là phát triển nông nghiệp, xóa đói nghèo, đưa nông dân, nông thôn tiến lên xã hội chủ nghĩa thông qua con đường làm ăn tập thể, trong các Hợp tác xã Nông nghiệp. Trong sản xuất nông nghiệp, Đảng ủy và Uỷ ban Hành chính Khu vực xác định thủy lợi là biện pháp hàng đầu, bởi vì từ kinh nghiệm truyền đời của cha ông là: “Nhất nước, nhì phân…” vẫn còn nguyên ý nghĩa.

Khi quân Pháp rút đi, cả huyện Vĩnh Linh chỉ có một công trình thủy lợi nhỏ do Pháp thiết kế và xây dựng để lại, đó là đập Bàu Nhum. Đập thủy lợi Bàu Nhum là con đập cát cao 5 mét, dung tích chứa 1,5 triệu m3, mặt hồ rộng 0,8 km2, năng lực tưới khoảng 400 ha của Vĩnh Linh, nằm trên đất huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình. Diện tích gieo cấy còn lại của cả huyện “giao phó cho trời”. Trước tình hình đó Khu ủy và Uỷ ban Hành chính Khu vực Vĩnh Linh lập kế hoạch trình Chính phủ cho xây dựng Công trình đại thủy nông La Ngà, đây là công trình thủy lợi lớn đầu tiên được xây dựng trên đất Vĩnh Linh. Với số vốn đầu tư 2 triệu đồng (thời giá 1960), Chính phủ giao cho Bộ Thủy lợi chỉ đạo thực hiện. Theo thiết kế, hồ La Ngà có sức chứa 35 triệu mét khối nước, có năng lực tưới cho 1.700 ha lúa của ba xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy, Vĩnh Sơn nằm trong vùng trọng điểm lúa của Khu vực Vĩnh Linh. Công trình Thủy lợi La Ngà khởi công năm 1960 khánh thành, tích nước đưa vào khai thác sử dụng tháng 9 năm 1963.

Mùa mưa năm 1963, do có mưa lớn, đập thủy lợi Bàu Nhum bị vỡ, Khu vực Vĩnh Linh đã dùng 40.000 đồng vốn ngân sách địa phương (giá tương đương 100 tấn thóc) khôi phục và nâng cấp đập Bàu Nhum lên cao trình đỉnh đập 19,8m, cao trình chân đập 9,5m, đập cao 10,3m (đập cũ cao 5m), bề rộng mặt đập 5m, mái đập phía thượng lưu 1/4, mái hạ lưu 1/6. Dung tích 7 triệu m3 (dung tích cũ chỉ 1,5 triệu m3). Diện tích mặt hồ 1,2 km2 (mặt hồ cũ 0,8 km2)… Năng lực tưới 800 ha lúa hai vụ của các xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Long, Vĩnh Nam, Vĩnh Hòa…” (tăng gấp đôi diện tích được tưới trước khi đập bị vỡ). Như vậy chỉ trong 9 năm, Vĩnh Linh đã thực hiện mục tiêu “nhất nước” bước đầu khá thành công, đưa 1.700 ha vùng trọng điểm lúa Lâm Sơn Thủy và 800 ha lúa của các xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Long, Vĩnh Nam, Vĩnh Hòa, từ một vụ bấp bênh thành hai vụ ăn chắc.

Cùng với sự hình thành và phát triển hợp tác xã nông nghiệp, từ tổ đổi công lên Hợp tác xã nông nghiệp sơ cấp, trung cấp rồi cao cấp, hệ thống thủy lợi nhỏ, đập đất kênh dẫn được phát triển rộng khắp toàn huyện nhờ huy động sức lao động của xã viên Hợp tác xã, điều không thể thực hiện được trước đây khi còn làm ăn cá thể. Thủy lợi nhỏ đã tăng diện tích trồng lúa được tưới nước lên đáng kể. Đến khi chiến tranh phá hoại của Mỹ nổ ra Vĩnh Linh đã cơ bản tự túc được lương thực, chấm dứt tình trạng ăn cơm bữa diếp. Mỗi hạt thóc gạo được làm ra từ mảnh đất Vĩnh Linh đi vào lịch sử: “Hạt thóc Vĩnh Linh chia ba / Nuôi mình, giúp bạn, chở ra chiến trường…”.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đặc biệt là từ ngày tỉnh Quảng Trị được tái lập tháng 7/1989, trên địa bàn Vĩnh Linh, Nhà nước lần lượt đầu tư những công trình thủy lợi lớn như Công trình thủy lợi Bảo Đài, sức chứa 25 triệu mét khối nước, cung cấp nước tưới cho 1.200 ha lúa của các xã tả ngạn sông Sa Lung. Đập dâng Sa Lung ngăn mặn giữ ngọt, cấp nước, tưới tiêu cho 700 ha ruộng và màu, tạo nguồn nước ngọt cho 200 ha nuôi trồng thủy sản, cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 5.000 người dân bờ nam sông Sa Lung và tiêu thoát lũ cho vùng thượng nguồn. Nhà nước hỗ trợ xây dựng hàng chục hồ đập nhỏ có dung tích trên dưới một triệu mét khối nước do các hợp tác xã quản lý, cùng với chương trình kiên cố hóa kênh mương nội đồng, tạo thành hệ thống tưới tiêu liên hoàn phục vụ sản xuất nông nghiệp…

*

Trong bảy mươi năm qua, tuy trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau nhưng cán bộ và nhân dân Vĩnh Linh kiên định mục tiêu quyết tâm xóa đói giảm nghèo. Có nước thủy lợi đến đâu là khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích đến đó. Thập niên 50 - 60 của thế kỷ trước, giai đoạn đầu xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp, việc quy hoạch đồng ruộng, đắp bờ vùng, bờ thửa cũng đã được triển khai, làm nền tảng cho chủ trương dồn điền đổi thửa xây dựng cánh đồng mẫu lớn sau này. Cùng với quy hoạch kiến thiết đồng ruộng. Vĩnh Linh kịp thời tiếp nhận đưa các loại giống mới vào gieo cấy, không ngừng đẩy mạnh thâm canh nên năng suất và sản lượng lương thực không ngừng tăng lên. Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, gần nửa số dân sơ tán ra Nghệ An, đồng ruộng Vĩnh Linh chi chít hố bom, diện tích canh tác giảm nhưng nhờ áp dụng các biện pháp thâm canh nên sản lượng lương thực vẫn đủ nuôi những người ở lại bám đất, bám làng, bám trụ chiến đấu. Ra khỏi chiến tranh, với sự nỗ lực phi thường của toàn Đảng, toàn dân nên diện tích gieo cấy được phục hồi nhanh chóng.

Hơn 10 năm nay, Vĩnh Linh đã toan tính “có của để dành” từ cây lúa. Để đạt được mục tiêu đó, huyện xây dựng kế hoạch quy hoạch vùng trọng điểm lúa ở các xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Long, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy với quy mô đất đai lớn trên 2.000 ha, áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững theo quy trình sản xuất lúa hàng hóa của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các khâu sản xuất lúa được cơ giới hóa 100%. Huyện đang từng bước xây dựng vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ với quy mô 70 - 80 ha. Tại vùng trọng điểm lúa, Công ty cổ phần, Tổng công ty Sông Gianh hỗ trợ đầu tư sản xuất theo hướng hữu cơ 144 ha và liên kết tiêu thụ 196 ha lúa tại các xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Long... Theo đánh giá, hiệu quả sản xuất lúa hữu cơ cho lợi nhuận cao hơn so với sản xuất truyền thống 3 - 4 triệu đồng/ha.

Hình thành những vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung nhằm mục đích tạo sự đồng bộ về cơ cấu giống cũng như quy trình sản xuất để giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Tại huyện Vĩnh Linh, theo đánh giá, việc triển khai thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn đã tác động tích cực đến năng suất, sản lượng cũng như chất lượng lúa của các địa phương trên địa bàn. Năm 2018, huyện Vĩnh Linh triển khai mô hình cánh đồng sản xuất lúa mẫu lớn tại 26 đơn vị hợp tác xã trên toàn huyện với tổng diện tích trên 850 ha, trong đó có trên 25 ha lúa hữu cơ; 4 ha lúa khảo nghiệm các bộ giống TBR 279, Đông A1, Bắc Hương 9... Năng suất bình quân các vụ lúa từ mô hình đạt 65 tạ/ha, cao hơn trên 12 tạ/ha so với lúa sản xuất ngoài mô hình.    

Phát huy kết quả đạt được, năm 2019, huyện Vĩnh Linh tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa thực hiện sản xuất lúa theo hướng tập trung. Bên cạnh đó, vận động người dân triển khai, mở rộng thêm nhiều loại đối tượng cây trồng trong thực hiện cánh đồng mẫu lớn; chú trọng công tác quản lí tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Khâu chọn giống, ưu tiên đưa các loại giống mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất… Từ đó góp phần nâng cao giá trị nông sản, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Từ “ăn cơm bữa diếp” phấn đấu từng bước đến ăn no, bây giờ người dân Vĩnh Linh đã ở ngưỡng ăn ngon... Đến cuối năm 2020 huyện Vĩnh Linh có diện tích gieo cấy đạt gần 7.000 ha, tăng gần gấp đôi so với 70 năm trước và sản lượng lương thực đạt 35.000 tấn.

Bên cạnh cây lúa, huyện chủ trương phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa với việc hình thành vùng chuyên canh cây trồng cho giá trị cao như: Diện tích trồng cây lấy bột 3.181,6 ha. Cây lạc 1.443 ha, năng suất bình quân năm đạt 20,8 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha so với năm 2013. Diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn huyện 1.310 ha, đưa vào kinh doanh: 1.022 ha, sản lượng 1.380 tấn. Diện tích cao su 6.582 ha; trong đó cao su kinh doanh 4.969 ha, sản lượng 7.454 tấn. Và Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã cấp Giấy chứng nhận 6 nhãn hiệu hàng hóa tập thể của Vĩnh Linh, gồm: Ném Vĩnh Linh, Lạc Vĩnh Linh, Dưa hấu Vĩnh Tú, Đậu xanh Vĩnh Giang, Khoai môn Vĩnh Linh, Hồ tiêu Vĩnh Linh. Đây đều là những sản phẩm chất lượng cao, có nguồn gốc bản địa, được thị trường ưa chuộng và mang lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân…

Cùng với việc thực hiện các kế hoạch, quy hoạch vùng trọng điểm trong phát triển nông nghiệp và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện Vĩnh Linh đã có 13/15 xã đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới (còn xã Vĩnh Khê đang phấn đấu đạt chuẩn trong năm 2023 và xã Vĩnh Ô phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2024). Trình Hội đồng thẩm định tỉnh, UBND tỉnh xét công nhận cho 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Kim Thạch, Vĩnh Thủy và Vĩnh Giang). Có 4 thôn, bản/15 thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được công nhận đạt chuẩn và 44 thôn, bản/114 thôn, bản đã được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu, chiếm tỷ lệ 38,6%.

Lấy nông nghiệp làm trục xoay, thực hiện “chân biển chân bờ, chân đồng chân đồi” nông nghiệp Vĩnh Linh sau gần 70 năm phát triển đã đạt tiêu chí bền vững. Làng quê Vĩnh Linh hôm nay trù phú khang trang, rất nhiều đường hoa dẫn lối vào các biệt thự vườn ẩn trong vườn cây xanh ngút ngát…

TỐNG PHƯỚC TRỊ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 347

Mới nhất

Đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy truyền thống vẻ vang, không ngừng bồi đắp, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo sức mạnh nội sinh cho phát triển đất nước*

8 Giờ trước

TCCVO - Chiều ngày 30/12/2024, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ toàn quốc. Tạp chí Cửa Việt trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt.

Mây về thành phố

14 Giờ trước

Tôi làm đơn xin nghỉ phép để vào bệnh viện chăm chú Ngụ. Không gói ghém gì nhiều, chỉ cần bỏ vào túi cái khăn mặt, chai dầu gội, bàn chải đánh răng và một vài đồ dùng để phòng khi cần đến. Nhà tôi cách bệnh viện bốn cây số, cách nhà chú Ngụ năm cây, nó nằm trên hai trục đường khác nhau.

Dọn nhà cuối năm

14 Giờ trước

Đã thôi những cơn mưa dai dẳng, chỉ thi thoảng mới có vài thoáng phùn như là mưa xuân buổi sáng sớm, tới trưa hửng chút nắng kéo tận chiều. Xuân tới rõ ràng từ độ giữa tháng chạp.

Đặc sắc chương trình nghệ thuật Chào năm mới 2025

01/01/2025 lúc 17:24

TCCVO - Trong thời khắc chuyển giao sang năm mới 2025, tối 31/12/2024, tại Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Quảng Trị

Lễ hội Vì hòa bình 2024: Giá trị nhân văn để tiến vào kỷ nguyên mới

31/12/2024 lúc 09:36

 Năm 2024, dấu ấn đậm nét nhất trên mảnh đất Quảng Trị là lễ hội Vì hòa

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/01

25° - 27°

Mưa

05/01

24° - 26°

Mưa

06/01

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground