Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

“Nữ thần” ở Thành hoàng làng An Mô

Trong tất cả hệ thống thần linh được thờ cúng ở làng xã Quảng Trị, thờ cúng Thành hoàng là nét sinh hoạt văn hoá - tín ngưỡng tiêu biểu nhất. Thành hoàng là một vị thần tối cao trong đời sống tâm linh của người dân, thần ngự trị trên cõi thiêng để thực hiện một sứ mệnh là cai quản, che chở và giúp rập cho cả làng, vì thế thần là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất cho tất cả mọi người.

Thờ cúng Thành hoàng được phổ biến từ xưa và lưu truyền lại cho đến ngày nay ở cộng đồng làng xã người Việt, được họ coi trọng như thờ cúng tổ tiên trong gia đình của mình và trở thành đạo lý, lẽ sống của người dân Quảng Trị. Trong tâm thức sâu kín của người dân, Thành hoàng là biểu tượng quyền lực tinh thần tối cao của cả làng, thần có thể chi phối đời sống tinh thần, vật chất của cư dân làng đó.

 Thờ cúng Thàng hoàng là một loại hình tín ngưỡng phổ biến nhất của người Việt vùng đồng bằng Quảng Trị. Hầu hết ở các làng đều thờ cúng Thành hoàng riêng của làng mình và đa phần là các vị Nam thần, cho dù họ là những nhân vật có thật, những người có công với làng với nước hay các nhân vật siêu nhiên huyền thoại đại diện cho các lĩnh vực mà người dân cần che chở, giúp đỡ. Chỉ duy nhất các vị Thành hoàng làng An Mô (Triệu Long-Triệu Phong) được xem là một trong những trường hợp khá đặc biệt, bởi vì họ là các vị Nữ thần. Vậy tại sao dân làng lại tấn phong Thành hoàng của làng mình là những người phụ nữ mà không phải là các vị khai canh, khai khẩn hay một vị nhiên, thiên thần nào đó như các làng khác của người Việt vùng Quảng Trị?

An Mô là một làng được lập vào khoảng thời gian từ sau khi Nguyễn Hoàng vào dựng nghiệp ở mảnh đất Ðằng Trong (tức là sau tháng 10/1558). Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng thì trong số những người theo Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào vùng đất Thuận Hoá có 6 ngài thuỷ tổ của các dòng họ: Họ Mai có ngài Mai Văn Cán; họ Phạm có ngài Phạm Thuận Tình;  họ Ðỗ có ngài Đỗ Thuần Chân, họ Ngô có ngài Ngô Độ, họ Nguyễn có ngài Nguyễn Lẫm và họ Võ. Tất cả họ đều là những người thân tín, các dũng nghĩa đã bất mãn với chế độ đương thời, những lưu dân sống dưới chế độ hà khắc đã tìm đến vùng đất mới để lập nghiệp. Đa số họ đều là những người có quê gốc ở phường Độ Mô, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên (nay là thôn Yên Mô, xã Yên Mạc, tỉnh Ninh Bình). Chính vì vậy, khi vào dừng chân ở vùng đất mới họ đã lấy tên quê cha đất tổ của mình để đặt tên cho vùng đất mới đó là phường Độ Mô, sau đổi tên thành phường Yên Mô/ An Mô. Từ công lao đó các ngài đều được nhân dân làng An Mô tấn phong Đồng lục tộc khai khẩn và thờ cúng trang nghiêm tại ngôi miếu khai khẩn nằm trong khuôn viên chùa làng An Mô.

Theo gia phả dòng họ Phạm (được chú thích là dựa trên bản tông đồ gốc, năm Tự Đức 31- 1878) của ông Phạm Hữu Long - đời thứ 14 dòng họ Phạm, biên soạn vào năm 1995, được viện dẫn vào nguồn tư liệu qua các thư tịch cổ “Đại Nam nhất thống chí và Đại Nam liệt truyện” có đoạn viết: “Thuỷ tổ dòng họ Phạm là ngài Phạm Thuận Tình, nguyên gốc ở phường Ðộ Mô - huyện Yên Mô - phủ Trường Yên (nay là thôn Yên Mô - xã Yên Mạc - tỉnh Ninh Bình), người đã có công phò giá Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào vùng Thuận Hoá”. “Ngài tiền Ðại tổ Phạm Văn Ðạo, tham gia thuỷ đội của Chúa Tiên vào Thuận Hoá năm Mậu Ngọ (1558) và cũng là một trong những người đầu tiên đến khai phá vùng đất để lập nên phường Ðộ Mô”.

Gia phả họ Ðỗ có ghi: “Ngài thuỷ tổ họ Ðỗ là Ðỗ Thuần Chân, nguyên là thứ đội trưởng đội tiền vệ phò giá Chúa Nguyễn Hoàng đi vào đất Thuận Hoá”. “Thuỷ tổ họ Ngô là ngài Ngô Ðộ, theo Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá năm 1558 ở tại vùng đất ái Tử. Khi về già đã qua sông lập ấp ở phường Ðộ Mô”. "Thuỷ tổ họ Nguyễn là ngài Nguyễn Ðình Lẫm, và dòng họ Mai là ngài Mai Văn Cán" cũng theo Nguyễn Hoàng vào vùng đất mới lập nghiệp. Họ đều được Nguyễn Hoàng lựa chọn cẩn thận việc tổ chức các đội thuyền phần lớn được huấn luyện và chọn lọc kỹ trước khi đi, để dễ kiểm soát và giữ vững tinh thần chiến đấu, hiệp đồng chặt chẽ, mỗi thuyền có một kíp người cùng làng, xã với nhau để họ giữ hoà thuận, thương yêu nhau trong chiến đấu và quản lý quân số một cách vững chắc. Trong số 6 vị Thủy tổ các dòng họ trên có 3 vị là người gốc ở Yên Mô - Ninh Bình còn các vị khác ở Thanh Hoá. Có lẽ vì các lý do trên mà cả 3 vị họ Phạm, Nguyễn, Mai lại ở chung một thuyền: Tùng tùng trống đánh ngũ liên/ Dưới thuyền ông Ðạo đeo khiên cầm cờ/ Ông Lẫm, ông Cán trên bờ/ Cầm chèo chờ lệnh đón giờ xuất quân.

Ðể hiểu được lý do vì sao người dân làng An Mô lại tôn 2 vị phụ nữ lên làm Thành hoàng của làng mình, chúng tôi đã tiếp cận văn tế, các chuyện tích của làng An Mô và được biết danh hiệu Thành hoàng được nhắc đến hai lần khi tế lễ đó là: “Thành hoàng Bổn thổ chi thần” và “Bổn thổ Thành hoàng dực vận hoà chung chính nghi siêu thông tôn thần”.

- Vị Thành hoàng được người dân làng An Mô nhắc đến trong tế tự là người đứng vào hàng thứ ba của hệ thống thần linh thờ cúng trong làng và luôn được nhà nước phong kiến sắc phong “Thành hoàng Bổn thổ chi thần” là quý nương phu nhân họ Mạc: Mạc Thị Giáo - bà nguyên là con gái của tướng nhà Mạc, Mạc Kinh Ðiển. Em trai của Mạc Kinh Ðiển là Mạc Cảnh Huống vì không có con nên đã nhận cháu gái của mình làm con nuôi. Khi Mạc Cảnh Huống theo Nguyễn Hoàng để chống lại nhà Mạc đã gả con gái của mình là Mạc Thị Giáo cho con trai thứ 6 của Nguyễn Hoàng là Nguyễn Phúc Nguyên. Năm 1558, khi Nguyễn Hoàng vào đóng đô ở núi Phú Sa, xã Ái Tử, Nguyễn Phúc Nguyên được giao chức Ðô Trưởng, nên phu nhân họ Mạc đã cùng chồng giúp binh lính và nhân dân định cư khai phá lập ấp ở các vùng lân cận. Về sau để tưởng nhớ công ơn của bà, nhân dân vùng này tôn bà lên làm Thành hoàng trong đó có làng An Mô.

Khi làng An Mô có bà Phạm Thị Còng được phong khai khẩn và được tôn lên làm Thành hoàng của làng, từ đó làng An Mô có hai vị Thành hoàng; nói đúng hơn là một vị Thành hoàng chung của cả một vùng đất Ái Tử và một vị Thành hoàng riêng của dân làng An Mô. Miếu bà Mạc nằm trong khu vực chùa làng An Mô, đối diện với miếu khai khẩn thờ lục tộc Thủy tổ của làng. 

- Vị Thành hoàng thứ hai của làng An Mô là bà Phạm Thị Còng, thuộc đời thứ ba ngành trưởng, tức là cháu nội của ngài thuỷ tổ họ Phạm: Phạm Thuận Tình, con gái ngài đại tổ Phạm Văn Đạo. Bà đã cùng ông nội và cha vào vùng đất Thuận Hoá để khai phá lập nên phường Ðộ Mô (An Mô bây giờ), sau đó dạy dân làng ở đây trồng dâu nuôi tằm. Bà đã theo các thuyền buôn quân sự mà phụ thân của bà đang phục vụ để ra Bắc vào Nam buôn bán tơ, nên đã có quan hệ và lập gia đình với Thứ đội trưởng Tổng Thái Bá: Ðỗ Thuần Chân trong quân cơ của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Năm 1600, Bà cùng chồng đi theo phò giá Chúa Tiên trở lại Thuận Hoá lần thứ hai và bị quân Trịnh đuổi theo sát hại, để thoát được quân Trịnh, thuỷ quân Nguyễn Hoàng chèo thuyền gấp rút, khi quai chèo bị đứt bà đã hiến hai kiện tơ nên đã cứu Chúa Tiên thoát nạn. Sau sự kiện này bà được Nguyễn Hoàng phong cho chức: “Thị giá Phu nhân”. Năm Gia Long thứ 18 (1819), để ghi nhớ công ơn của những người có công với nhà Nguyễn, triều đình đã sắc phong khai khẩn làng An Mô cho bà Phạm Thị Còng, đồng thời chuyển phường An Mô thành làng An Mô. Một thời gian sau bà được phong lên làm Thành hoàng làng An Mô với tước hiệu: “Bản thổ Thành hoàng dực vận hòa chung chính nghi siêu thông tôn thần”...

Mộ bà được an táng tại làng An Mô, vào năm Tự Ðức thứ 6 (1853), triều đình đã cho xây dựng một ngôi lăng khá lớn và đẹp. Trải qua thời gian và chiến tranh tàn phá nên đã bị đổ nát hoàn toàn. Năm 1962 dân làng An Mô mới đóng góp sức người, sức của để làm lại phần bia mộ; trên văn bia có ghi dòng chữ Hán: “Sắc khai khẩn thị tòng phu giá mệnh phụ trứ phong trinh uyển dực bảo trung hưng Phạm quý nương tôn thần chi mộ” và dòng lạc khoản: Việt Nam Cộng hòa, Nhâm Dần niên, lục nguyệt, thập ngũ nhật.

Đến nay, lăng mộ bà đã được trùng tu và xây dựng rất khang trang. Tuy nhiên, con cháu đời sau vẫn để lại uynh lăng xây bằng vôi hàu, mật mía và bả thực vật theo phong cách những ngôi lăng mộ thời Chúa Nguyễn. Giỗ Bà vào ngày 24 - 25/11 âm lịch tại nhà thờ họ Ðỗ. Theo tương truyền, ngày trước cứ ba năm triều đình nhà Nguyễn có ra tế một lần tại lăng Bà rồi sau đó rước về đình để tế lễ. Ngoài ra, để ghi nhớ công ơn của Bà, triều đình nhà Nguyễn còn đặc ân cho dân làng An Mô đi đò ngang qua sông không phải mất tiền và mở rộng địa giới của làng rộng hơn 80 mẫu đất.

Hàng năm, dân làng An Mô tổ chức tế lễ vào ngày 15/6 âm lịch tại đình làng. Đây là ngày tế chung cho tất cả các vị thần mà toàn thể dân thờ tự, trong đó có hai vị Thành hoàng họ Mạc và họ Phạm. Phần lễ diễn ra rất trang nghiêm và ấm cúng.

Có thể khẳng định: Các nữ Thành hoàng dù họ là những nhân vật huyền thoại, siêu nhiên hay những nhân vật có thật bằng xương bằng thịt; cũng có thể là những vật thể được nhân cách hóa/thiêng hóa mang nữ tính hay là sự thêu dệt một cách hoang đường; hoặc gán ghép gượng gạo, thậm chí theo ý muốn chủ quan của một tập thể nhóm người, một dòng họ hay một địa phương trong điều kiện lịch sử cụ thể... Cho dù nguồn gốc xuất hiện thế nào đi chăng nữa thì trên thực tế tất cả các Nữ thần nói chung, đặc biệt là Thành hoàng đều được người Việt Quảng Trị tôn kính bởi vì trước hết họ là những người Mẹ - người sản sinh, giáo dưỡng, thuần hậu, ôn hòa, trang huy, đoan thục…trong tâm thức các thế hệ người Việt.

Lăng mộ bà Phạm Thị Còng - Thành hoàng làng An Mô- Ảnh: TG

Lăng mộ bà Phạm Thị Còng - Thành hoàng làng An Mô- Ảnh: TG

Các vị liệt nữ Phạm Thị Còng, Mạc Thị Giáo là những nhân vật huyền sử, được nhân dân làng An Mô tấn phong lên làm Thành hoàng của làng mình để bảo trợ và giúp cho cả cộng đồng làng trên cõi thiêng, được coi là rất thực vì nó liên quan đến lịch sử thời Chúa Nguyễn trên vùng đất Quảng Trị. Tuy vậy, sự lắt léo và gốc tích bí ẩn, của các nhân vật đó chính là huyền tích của người đời sau dựng nên. Đây chính là sự thăng hoa của truyền thuyết dân gian để thiêng hóa các vị thần mà họ đang thờ cúng “đó là sự tưởng tượng và hư cấu cổ tích dựa trên cơ sở hiện thực và phi hiện thực, ở đây cái có thực hoặc có thể có thực được kết hợp hòa lẫn với cái thần kỳ, hư ảo, không có thực tạo thành một thể thống nhất, làm nên một thế giới đặc biệt - thế giới của truyện cổ tích”.

Có thể nói, việc tấn phong các nhân vật có công với đất nước, với làng làm Thành hoàng của người dân Quảng Trị có từ lâu đời và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ðây chính là tấm lòng của hậu thế ngưỡng vọng về tổ tiên của mình. Qua nghiên cứu Thành hoàng làng An Mô xã Triệu Long, chúng ta thấy rõ quan niệm về Thành hoàng ở vùng đất Quảng Trị quá bao dung và tiến bộ, đó là việc tôn các nhân vật phụ nữ lên làm Thành hoàng, là vấn đề khá đặc biệt ở vùng đất Quảng Trị đòi hỏi cần quan tâm để nghiên cứu, tìm hiểu kỹ hơn./.

Cái Thị Vượng

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground