L.T.S: Ô Châu Cận Lục không phải đầu tiên nhưng là công trình cổ nhất và đầy đủ nhất về địa phương học của một vùng đất rộng lớn hơn tỉnh Quảng Trị. Công việc nghiên cứu đã tiến hành từ lâu (1987) nhưng do những hạn chế về kinh phí nên đến nay vẫn chưa ra mắt độc giả được. Kể từ số này CV xin giới thiệu tác phẩm ấy qua công trình của Phương Văn - một người nghiên cứu đang công tác tại tỉnh nhà.
TẦM VÓC VÀ DỊỆN MẠO: Ô Châu Cận Lục (ÔCCL) có nghĩa là “Những điều ghi chép gần đây về Ô Châu”. Vậy Châu Ô hiện nay ở đâu? Trong một bài báo truớc đây tôi đã nói rõ (l): Đây là vùng đất của vương quốc Champa mà vua Chiêm Chế Mân đã tặng cho triều Trần làm lễ cưới năm 1306. Đường ranh phía Bắc của nó là Cửa Việt - ngã ba Gia Độ - Hói Tre; còn đường ranh phía nam là sông Ô Lâu, bao gồm khu vực hành chính của 4 huyện thị hiện nay: Cam Lộ, Đông Hà, Triệu Phong và Hải Lăng. Đó là Châu Ô cụ thể, món quà hồi môn nàng công chúa Huyền Trân tặng cho cả dân tộc. Ngoài ra còn có một Châu Ô khái quát cũng rất hay dùng như nhan đề cuốn sách đang nói đây, tức là đạo thừa tuyên Thuận Hóa của triều Lê, được chi tiết hóa bằng 600 tên làng xã của bốn tỉnh Bình - Trị - Thiên - Quảng Nam, gọi tắt là vùng Thuận Quảng. Nói chung, đó là vùng cực nam của nuớc Đại Việt trong quá trình dựng nước thời bấy giờ.
Về tác giả gọi Dương Văn An thì gượng ép hơn gọi Vô Danh bởi vì họ Dương chỉ có việc thêm “mông má” vào một cơ thể sống. Đến nay đã xác định là Dương Văn An chỉ làm ba phần trong cuốn sách: 1. Đặt tên Ô Châu Cận Lục cho nó 2. Bài tựa (sẽ đăng tiếp theo đây); 3. Mục phong cảnh hai phủ Tần Bình và Triệu Phong. Phần còn lại, đầy ắp giá trị hiện thực và nhân văn là hai vị nho sinh thì thân thế vẫn còn nằm trong màn sương mù huyền thoại “Ngày nọ trong lúc tôi đang đóng cửa cự tang cha, hai vị thư sinh người đồng hương đến đưa cho tôi xem công trình biên tập của họ”. Hai vị ấy chắc là lặn lội ra Thăng Long theo đuổi cử nghiệp và đã không đỗ đạt gì và ký thác lại công trình của mình cho Dương Văn An mặc cho bèo nổi mây trôi.
Quan hệ giữa bộ ba đồng tác giả này có nhiều điểm không ổn cần phải bàn đến. Lẽ ra khi chấp bút để kế thừa một công trình hoành tráng đầy tính gợi mở và khai phá như vậy, thay vì chỉ cần vẩy bút thêm không quá mười chữ để ghi tên họ và tên làng của hai người thư sinh tài hoa nhưng lại kém may mắn kia thì họ Dượng lại lờ đi không nhắc đến một lời và thế là hậu thế hoàn toàn mờ mịt về chân dung những con người đã bị bụi vàng thiên cổ phú kín.
Thực ra, trước ÔCCL đã có những thư tịch khác nói về vùng Thuận Quảng - Đại Việt Sử ký Toàn thư (Ngô Sĩ Liên); Dư Địa Chí (Nguyễn Trãi), An Nam Chí (Cao Hùng Trưng), nhưng những tư liệu này rất nhón nhén, dè sẻn về lời và chữ bằng những công thức ghi chép rất tiết kiệm, từ vài chữ cho đến vài chục chữ, không cho chúng ta một hình ảnh nguyên khối hoàn chỉnh nào về vùng đất này. Các tác gia ÔCCL đã xa xỉ phá bỏ tiền lệ, dám bứt phá khỏi cái ngưỡng căn cơ tần tiện của khuôn phép cố hữu muôn thưở vài nghìn chữ viết tràn căng sức sống, đề cập đến gần 1.000 tiết mục lớn nhỏ: từ núi sông, thành quách, chợ búa, đền chùa miếu mạo, bến trạm, con người, muông thú, cỏ cây cho đến đặc sản, sơn hào hải vị... nói chung là những gì thuộc lịch sử, địa lý, văn hóa cổ của vùng cực nam Tổ quốc ta vào buổi đầu dựng nuớc.
ÔCCL chính là một mẻ lưới lồng lộng giăng ngang vào chính giữa thế kỷ XVI, thu thập vớt vát những gì còn trôi nổi mà 5 thế kỷ truớc đó chưa ai làm được truớc dòng chảy thời gian vô thủy vô chung vẫn hờ hững dồn đến rồi lại lạnh lùng ra đi.
Đã từng cọ xát tác phẩm nhiều năm, có nhiều nỗ lực để tiếp cận với nhiều tư liệu gốc, được tiếp xúc với nhiều danh nhân văn vật đang sống trên địa bàn nghiên cứu, bản dịch lần này ấp ủ trong lòng nó một khật vọng là dứt điểm những gì còn tồn tại chua giải quyết của ÔCCL, rọi sáng những màng tối huyền bí còn lãng đãng đâu đó trong bân thân tác phẩm, và vì thế nó là một đóng góp đáng kể cho nên nghiên cứu về địa phương học nói chung.
Sau đây là Bài Tựa, phần chính do Dương Văn An đã cống hiến cho ÔCCL.
ĐỀ TỰA Ô CHÂU CẬN LỤC CỦA DƯƠNG VĂN AN:
Có trời đất ấy tất có núi sông ấy. Có núi sông ấy tất có người vật ấy. Khi trời đất đã hình thành thì núi sông mói xuất hiện. Núi dựng sông tuôn rồi con người mới sinh.
Không có núi sông thì không rõ công kiến tạo của trời đất. Không có cuộc sống thì không thấy khí thiêng chung đúc của núi sông.
Nhưng trời có nóng, có lạnh khác nhau, đất có núi có sông làm nên hình thể. Đất có thủy thổ khác nhau cũng như tập tục con người mỗi nơi mỗi khác. Kìa xem: người Thanh - Tề xảo trá, người Trâu - Lỗ nho nhã, người Ung - Dương khinh suất, người Kinh - Hán mạnh bạo, người Ngô - Việt nông nổi, người Yên - Triệu chất phác, người miền Nam lãnh đạm, người phương Bắc đôn hậu. Người tứ chiếng tính khí vốn khác nhau là điều tất nhiên từ xưa nay.
Huống chi vua Việt dựng nuớc, sách trời đã định rõ.
Ngoài bốn trấn ra, phải kể đến dân Châu Ái (2) khẳng khái trọng nghĩa, dân Hoan Diễn (3) cần cù chăm học, xưa nay người đời từng truyền tụng.
Miền Thuận Hóa tiếp giáp với Quảng Nam, đất cát chật hẹp, phong tục chất phác, cư dân thưa thớt, không thể sánh vai với các châu Hoan - Ái. Nhưng từ khi Đặng Tất làm tướng nhờ tài năng, Bùi Dục Tài vinh hiển do khoa bàng, thì phong tục nhân tài của ta khởi sắc, phát triển vượt bậc, có thể sánh ngang với các nuớc lớn.
Nhưng đời Quang Thiệu (4) triều Lê như chiếc bóng thoáng qua, khiến cho nhân tài hào kiệt lại thưa thớt như sao buổi sớm, lác đác như lá mùa thu.
Điều tất yếu là trời không hẳn lúc nào cũng sẵn thiên thời, đất không phải lúc nào cũng sẵn địa lợi, người không phải lúc nào cũng nhân hòa. Cuộc đời vốn thay đổi, không nên đứng trên thế vĩnh hằng để nhìn sự vật biến động. Khi vận trời đã hết, ruộng đất màu mỡ trở thành đồng chua nước mặn, bãi dâu xanh tươi biến thành đồi hoang sỏi đá, chốn làng mạc có nho phong văn vật thành chiến trường tan hoang. Khi vận đã đến, gò đống trơ trọi sẽ trở nên thành trì kiên cố, chỗ gạch vụn ngói nát sẽ mọc lên đền đài nguy nga, nơi quê mùa cục mịch trở thành chốn phồn hoa đô hội. Lấy đó mà nghiệm thì nhân tài liên quan đến phong thổ, phong thổ liên quan đến khí vận, thật thấu đáo và rành rành!
Triều ta (5) dãy nghiệp, thi thố ân đức đã tràn trề đầy khẳp, ấy là lúc bắt đầu hưng thịnh của trời đất. Vận trời trở lại, đất thiêng hun đúc, vận hội nước nhà chưa đến nỗi tàn tạ hết nay bắt đầu vượng phát; chưa đến nỗi tiêu ma hết nay bắt đầu phồn vinh.
Tôi sinh truởng trên dải đất này, lấy trường văn trận bút làm sự nghiệp hòng thỏa chí bay nhảy. Chuyên cần đèn sách nhiều năm, đến khoa thi Đinh Mùi (1547), thi đỗ tiến sĩ. Thế mới rõ phép nhiệm màu của sự đổi thay thời vận. Giờ là lúc triều đình trọng đãi trí thức, nhưng cá nhân cũng cần nỗ lực dùi mài khổ luyện.
Năm Quý Sửu (1553) tôi phải ở nhà cự tang cha, nhân đó có thời giờ đọc lại các thư tịch. Ngày kia có hai học sinh người đồng hương đem cho tôi xem công trình biên tập của họ. Tác phẩm gồm hai phần: Tân Bình và Triệu Phong, nào hình thế núi sông, tên gọi sản vật, phong tục tập quán, người hay kẻ dở, thứ thứ đều rõ ràng rành mạch như nhìn bàn tay mình.
Được xem sách ấy tôi rất phấn khởi nên chẳng lượng sức mình, tham khảo thêm chính sử, nghe ngóng thêm tục truyền, chỗ rườm thì bỏ đi, chỗ khuyết thì bổ sung, đặt tên là Ô Châu Cận Lục, ấy là muốn tiện cho việc thuởng ngoạn riêng tư. Lời thánh hiền răn đe vẫn văng vẳng bên tai: “Tên dốt thường cho mình thông, kẻ hèn lại hay ngông ngạo”, tôi thấy công việc này là vung tay quá trán, có học đòi bắt chước cũng chi chuốc lấy chê cười mà thôi.
Thế nhưng một bài đồng dao, một câu hò trong xóm nhỏ mà thánh nhân còn ghi chép lại thay (6) nửa cuốn sách này: Nào núi sông trùng điệp, nào địa hình xung yếu. Một sản phẩm nhỏ nhoi cũng là tài nguyên của đất nước; một nhịp cầu, một bến trạm đều có dụng ý phòng thủ của vương triều. Tòa thành kia cố thể cự giặc yên dân, ngôi đền nọ có thể giài oan trừ nạn, thảy thảy đều ghi chép tỉ mỉ. Một trang nữ nhi trinh liệt cũng như một tập tục đồi bại đều ghi chép để làm gương; một kẻ sĩ tiết tháo cũng như đứa tôi loàn con hư đều biên chép để khuyên răn. Đau đáu chi con đường nhân nghĩa, cương thường, trung tín; canh cánh ở giềng mối vua tôi, cha con, vợ chồng; đâu dám bịa đặi để mô tả một phong cảnh, phẩm bình một phong tục. Chiêm nghiệm, xem xét thấu đáo, phát triển những gì hợp với bản chất, làm sống dậy những gì đã cảm thông, cốt để người đời sau thưởng ngoạn.
Thấy núi sông hùng vĩ tất biết có đất thiêng người tài, xem phong cảnh trù phú tất biết nơi dân giàu nuớc thịnh. Lòng người đôn hậu ư? Khinh bạc ư? Nếu bạc bẽo thì phải cố uốn nắn cho thuần hậu. Phong tục thế nào. Tao nhã ư? Thô bỉ ư? Nếu thô lậu thì phải cố uốn nắn cho phong nhã. Anh Mỗ con nhà gia thế chăng? Hãy tưởng nhớ công lao khó nhọc của cha ông mà không nỡ phá tán cơ nghiệp. Anh Mỗ nguồn gốc nghèo hèn chăng? Hãy nghĩ đến những bậc làm nên khanh tướng không cứ là dòng dõi quyền quý để tựu tin mà phấn đấu vươn lên. Người làm tôi hãy tận tụy với chức vụ, nhớ theo vết xe đổ thời Xuân Thu. Chàng học trò hãy yên phận thủ thường, chớ để mang tiếng là tội phạm làng nho giáo. Nghe một lời khen điều thiện sung suớng hơn được mặc áo gấm, khiến bao tôi trung nghĩa sĩ khâm phục mà noi gương bắt chuớc. Thấy một lời chê điều ác thì run rẩy như bị tội chết chém, làm cho kẻ tôi loàn con hư sợ hãi mà chừa. Được như thế thì cuốn sách này đã đóng góp muôn một vào sự nghiệp giáo hóa.
Còn như lời trách cứ ngoài môi, rằng chữ nghĩa không gọt giũa, khúc đoạn không mạch lạc, văn chương không bay bướm, tình ý không nồng hậu; như thế e quá đáng chăng?
Tuy nhiên, văn chương vốn vô cùng, biển học lại vô tận, thành khẩn mong các bậc quân tử cao minh, học rộng biết nhiều chỉ bảo bổ sung thêm. Đó là điều từ lâu tôi vẫn hằng trông đợi.
Cảnh Lịch (7) (niên hiệu ngụy Mạc Phúc Nguyên), ngày rằm tháng sáu năm Ất Mão. (8).
Nguyên chức Lại khoa Đô cấp sự, tuớc Sùng Nham bá, Dương Văn An hiện đang cư tang, tự Tình Phủ, chỉnh lỷ hoàn thành. (Dương Văn An, người làng Tuy Lộc, huyện Lệ Thủy, ra sống tại xã Phù Diễn huyện Từ Liêm (Hà Nội). Năm 34 tuổi đỗ đồng Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1547), làm quan đến chức Phó đô Thượng thư, tước Sùng Nham hầu, sau này được truy tặng là Tuấn quận công).
P.V
_________________________
(1) Về vùng đất Ô Châu đời Trần (Tạp chí Cửa Việt số 14/1992)
(2) Tỉnh Thanh Hóa hiện nay
(3) Vùng Nghệ Tĩnh hiện nay
(4) Niên hiệu Lê Chiêu Tông (1516 -1522), vị vua hậu Lê áp cuối truớc khi triều Mạc lên thay.
(5)Triều Mạc
(6) Nhắc lại một ý của người xua: Khổng Tử đã từng suu tập Kinh Thi
(7) Đúng ra là Quang Bảo, vì Mạc Phúc Nguyên (1547 -1561) dùng đến ba niên hiệu: Vĩnh Định (1547) , Cảnh Lịch (1548-1553), và Quang Bảo (1554-1561). Dù sao đoạn cuối bài tựa này có rất nhiều chi tiết của người đời sau thêm vào chính văn.
(8) Khoảng tháng 7.1555.