Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Phác thảo về âm nhạc dân gian và cổ truyền Quảng Trị (Phần 2)

 

(Tiếp theo Cửa Việt số 30)

II. Âm nhạc cổ truyền chuyên nghiệp

Âm nhạc chuyên nghiệp cổ truyền và âm nhạc dân gian là hai dòng âm nhạc khác nhau. Âm nhạc dân gian là sáng tạo tập thể, nó được sáng tác ngay trong quá trình lao động, người trình diễn, sáng tác đồng thời là người thưởng thức nghệ thuật. Sản phẩm tinh thần này tác động trực tiếp đến quá trình lao động, người trình diễn, sáng tác đồng thời sản sinh ra các tác phẩm dân gian.

Âm nhạc cổ truyền chuyên nghiệp là sáng tạo cá nhân. Người sáng tác biểu diễn có khi là hai cũng có khi là một. Quá trình biểu diễn là quá trình biểu cảm nội tâm của mình đến đối tượng thưởng thức là thính giả. Người sáng tác âm nhạc cổ truyền chuyên nghiệp phải là người am hiểu âm luật, phải là người có tri thức văn hóa. Sử sách cũng đã ghi chép có nhiều bậc đế vương, quý tộc am hiểu âm luật tham gia sáng tác thể loại âm nhạc chuyên nghiệp này.

Để học được âm nhạc cổ truyền chuyên nghiệp, các nghệ nhân xưa phải theo thầy nhiều năm và phải chịu sự giáo dục rất nghiêm khắc trong học nghề cũng như trong cuộc sống. Tuy nhiên âm nhạc cổ truyền tự bản thân nó cũng còn mang nặng tính dân gian. Ta thấy rõ trong cách dạy truyền ngón, truyền khẩu và các sinh hoạt mang tính “thời vụ” của người hành nghề. Và vì truyền ngón, truyền khẩu nên tính dị bản vẫn còn cao mặc dù họ cố bám chắc lấy cái gọi là lòng bản. Nhưng không vì thế mà ta đánh đồng hai dòng nghệ thuật này với nhau.

Để khu biệt rạch ròi nền âm nhạc chuyên nghiệp cổ truyền Quảng Trị với nền âm nhạc cổ truyền Thừa Thiên - Huế là việc làm rất khó. Nếu có làm được, cũng chỉ có thể xem xét nó ở phong cách của người biểu diễn chứ không thể phân tích một cách rạch ròi trong từng tác phẩm cụ thể được. Thậm chí đến ngay việc phân tích phong cách biểu diễn mang “tính vùng” cũng là việc khó có thể làm được bởi tính thống nhất của nó rất cao.

Theo thiển ý của chúng tôi, nền âm nhạc cổ truyền chuyên nghiệp là sản phẩm sáng tạo đặc biệt của nhân dân và tri thức của cả vùng nối tiếp nhau kéo dài suốt các triều đại nhà Nguyễn. Và khởi nguồn của ngành âm nhạc cổ truyền chuyên nghiệp chắc chắn phải có từ thời Nguyễn Hoàng khi ông đặt dinh thự của mình ở Quảng Trị. Một cơ sở để ta có thể xét đoán tính khởi nguồn của nó đó là sự bảo thủ, bảo lưu những sáng tạo nghệ thuật và đặc biệt là gương mặt các nghệ sĩ bậc thầy của nhiều thế hệ nối tiếp nhau truyền bá nghề cha ông. Nhiều sử liệu đã cho hay, thuở xưa, rất nhiều đoàn các nghệ sĩ tài danh của Quảng Trị hàng năm vào các ngày lễ tết thường được triều đình đón vào Đại nội biểu diễn.

Đến nay, ở Quảng Trị còn rất nhiều gia tộc hành nghề âm nhạc. Ở Phú Hải, Hải Lăng có đền thờ ông tổ ngành nhạc ở đây là người Chăm. Ông biết chơi rất nhiều nhạc cụ, ông đi đến đâu cũng được nhân dân mến mộ. Một lần, ông đến Hải Lăng và ở lại đây truyền nghề nhạc cho dân làng. Câu chuyện đúng đến đâu xin chưa bàn ở đây, nhưng có đến Phú Hải chúng ta không thể bỏ qua sự hoạt động âm nhạc của mảnh đất này. Tại đây có một dàn nhạc rất nhiều nhạc cụ, họ có chương trình biểu diễn âm nhạc tế lễ rất phong phú. Xin đơn cử một số bài có tên gọi:

1. Chiêu, phát, hiệp                            9. Tây mai

2. Thoắt được, thoắt vặt           10. Đăng đàn đơn

3. Phần hóa                                          11. Đăng đàn kép

4. Kèn bạn                                12. Long âm

5. Nhịp ba bảy                           13. Phú lục

6. Chạm, chịu                             14. Nam sáp

7. Bình bán                                 15. Nam linh

8. Xàng xê                                   16. Hát nam

17. Tam thiên                           23. Đờn hạ

18. Mã vũ                                             24. Cung bường

19. Kim chiêu                          25. Cung dựng

20. Kim đàn                                26. Hò mái nhì

21. Tấn                                      27. Hò mái sắp

22. Tán                                      28. Hò lui thuyền

Tất cả những bản nhạc này đều được diễn tấu rất điêu luyện.

Giữa năm 1993, Viện Âm nhạc và Múa (nay là Viện Âm nhạc) kết hợp với Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Trị tiến hành nhiều cuộc điều tra điền dã. Suốt gần ba tháng chúng tôi có mặt trên địa bàn các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Vĩnh Linh, Hải Lăng và xung quanh thị xã Đông Hà. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên nhất là sự phong phú, đậm đặc các sinh hoạt âm nhạc và nghệ thuật dân gian cổ truyền của vùng này. Có những điệu múa rất bề thế cả về số diễn viên tham gia lẫn quy mô tác phẩm, đó là múa Đồng Náp ở Gio Linh. Điệu múa như muốn dựng lại cảnh chinh chiến vừa ác liệt, vừa tài ba của những người chiến binh.

Ngày 9 – 12 - 1993 trong buổi lễ tế tổ nhạc của dòng họ Hoàng tại nhà cụ Hoàng Ân thôn Điếu Ngao, phường 2, thị xã Đông Hà, chúng tôi bất ngờ được tiếp cận cuốn sách mà cụ Hoàng Ân gọi là cuốn Phả nhạc của gia đình cụ. Theo cụ, cuốn Phả nhạc này là cuốn sách thiêng, cuốn sách đã dạy cho dòng họ và con cháu cụ hành nghề âm nhạc kiếm sống suốt năm đời nay. Đến đời cụ, cụ vẫn dùng sách này dạy cho con cháu cụ học đúng nghề tổ, và chính cụ cũng được cha dạy nghề từ cuốn sách này từ năm 10 tuổi.

Bước đầu khảo sát cuốn Phả nhạc, chúng tôi biết đây là cuốn ký nhạc. Cuốn sách có ba cách ký nhạc cho ba loại nhạc là ký nhạc cho đàn, ký nhạc cho bộ gõ, ký nhạc cho kèn. Cả ba cách ký nhạc đều dùng Hán tự. Hán tự ghi hát và đàn nhằm biểu hiện cao độ của dàn nhạc. Hán tự ghi trống là tự biểu hiện âm sắc nhạc cụ. Hán tự ghi kèn là biểu hiện cả hai mặt âm sắc và cao độ.

Thứ tự  phân loại bài bản trong sách được trình bày rất mạch lạc. Các bài bản được chia làm ba loại:

Thi nhạc (tức các bản hát và đàn thính phòng)

Thiền nhạc (tức âm nhạc nhà Phật)

Lễ nhạc (những bản nhạc hành lễ)

Thi nhạc gồm các bài Lưu thủy, Long âm (quen gọi là Long ngâm), Đăng đàn, Đăng đàn đơn, Đăng đàn kép, Đăng đàn lớp, Phú lục đơn, Phú lục kép, Nam bình, Cổ bản, Hành vân, Phẩm tuyết bình bán, Tây mai, Xuân phong, Long hổ.

Thiền nhạc gồm: Kèn chiến, Tẩu mã, Xàng xê, Trống quân, Công ai, Bài phát, Bài hiệp. Toàn bộ cuốn Phả nhạc gồm 34 bài.

Cho đến nay, chúng ta chưa tìm thấy cuốn phả nhạc thứ hai có được sự sắp xếp, phân chia rành rẽ các thể loại âm nhạc cùng với việc có nhiều kiểu chữ nhạc để biểu thị nhiều cách đọc nhạc khác nhau như cuốn ký nhạc cổ truyền tại thôn Điếu Ngao. Nếu chỉ dựa vào cuốn ký nhạc Điếu Ngao để đoán định nguồn gốc âm nhạc cung đình Huế xuất phát từ Quảng Trị là quá sớm. Nhưng với những cứ liệu được trình bày trên có thể minh chứng được sự ra đời của dòng âm nhạc chuyên nghiệp cổ truyền Quảng Trị đã có mặt ở Quảng Trị từ rất lâu đời. Nhiều thư tịch còn ghi: hàng năm có rất nhiều nhóm nghệ sĩ của Quảng Trị được vào kinh đô trình diễn cho vua chúa xem các chương trình nghệ thuật. Những chuyến đi ấy dĩ nhiên cũng là những chuyến đi học hỏi thêm các bài bản, lối chơi đàn của các ban nhạc cung đình để làm đầy thêm chương trình biểu diễn. Cứ như vậy trong nhiều năm sự giao thoa, tiếp thu lẫn nhau một cách tự nhiên đã làm phong phú thêm những chương trình ca múa nhạc Quảng Trị cũng như Thừa Thiên Huế. Vì lẽ đó, ta cũng không còn băn khoăn khi cả vùng đất từ Quảng Trị đến hết chân Đèo Ngang cũng có chung một ngôn ngữ âm nhạc. Đặc biệt, càng về sau này, do điều kiện địa lý cũng như sinh hoạt mà hai vùng đất Quảng Trị và Thừa Thiên Huế ngày càng gần nhau và đồng nhất với nhau ở dòng âm nhạc chuyên nghiệp truyền thống. Từ đây trở đi, chúng ta dùng cụm từ Trị - Thiên - Huế để chỉ chung cho dòng âm nhạc chuyên nghiệp cổ truyền của Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

1. Âm nhạc thính phòng Trị - Thiên - Huế

Nếu so sánh với suốt chiều dài lịch sử âm nhạc dân gian và cổ truyền Việt Nam thì âm nhạc thính phòng Trị - Thiên - Huế (từ này viết tắt T.P.T.T.H) là một sáng tạo mới của lịch sử âm nhạc cổ truyền. Bằng những sáng tạo này, âm nhạc T.P.T.T.H này đã góp phần đẩy dòng âm nhạc cổ truyền Việt Nam lên một bước cao nghệ thuật. Cũng chính dòng âm nhạc T.P.T.T.H này đã làm nảy sinh ra dòng âm nhạc tài tử của đồng bằng sông Cửu Long sau này.

Về nghệ thuật âm nhạc, nhạc T.P.T.T.H đã có những đóng góp rất lớn về sáng tạo trong âm nhạc cổ truyền chuyên nghiệp.

a. Âm nhạc T.P.T.T.H đã làm sáng tỏ bốn điệu thức trong âm nhạc người Việt là các làn điệu Bắc, Xuân, Nam, Ai. Một trong những điệu thức này đều có hệ thống bài bản tiêu biểu làm chuẩn mực (nói chuẩn mực vì trong mỗi bài ít có hiện tượng chuyển hay lồng điệu). Sau đây là hệ thống bài được các nghệ nhân ca đàn thính phòng cho là chuẩn mực của các điệu.

- Hệ thống Bắc có: Cổ bản, Lộng điệp, Lưu thủy, Kim tiền và Mười liên hoàn.

- Hệ thống Xuân có: Long ngâm, Phú lục, Tứ đại.

- Hệ thống Nam có: Nam bằng, Nam xuân, Nam ai.

- Hệ thống Ai có: Quả phụ, Vọng phu, Tương tư khúc.

Hệ thống điệu thức Bắc, Xuân, Nam, Ai trong ca đàn T.P.T.T.H có gợi ý cho sự liên tưởng đến bốn điệu trong ả đào, một lối hát thính phòng phía Bắc là Bắc, Huỳnh, Nam, Nao? Hay nó đứt đoạn để chắp nối với những hệ thống điệu thức của người Chăm như nhiều học giả đã từng đặt vấn đề về âm nhạc Huế ảnh hưởng trực tiếp đến nhạc Chăm.

b. Âm nhạc T.P.T.T.H đã sáng tạo ra phần đệm âm nhạc chứa đựng hai chức năng đệm và độc tấu. Có thể nói đây là một sáng tạo rất lớn của âm nhạc T.P.T.T.H. Nó đã phát huy đến gần như tối đa các cách láy, luyến, nhấn, rung để tạo cho mỗi cây đàn một dung dáng độc lập trong cái toàn thể. Đặc biệt lối nhấn, rung không thể tạo ra để cái từ tục của âm vang, để tiếng đàn không khô, không cộc, mà nhấn, rung còn quyết định đến cả điệu thức của bản nhạc. Theo các bậc thầy đàn thì người chơi đàn nhấn không khéo thì có thể câu nhạc đi lệch từ điệu Xuân qua điệu Bắc, hoặc từ Xuân qua điệu Nam. Vì đã tạo được tính độc lập cho mỗi cây đàn các nghệ nhân âm nhạc T.P.T.T.H còn tạo ra các lối hòa tấu rất tinh tế như hòa tấu song thanh, tam thanh, tứ thanh, đa thanh để các cây đàn không chồng chéo âm lên nhau.

2. Âm nhạc tế lễ Quảng Trị

Hội làng là “… Tổ chức trà nhập tịch, tức là tổ chức tiệc hội để dân làng theo ngôi thứ mà ngồi ở chốn đình trung để thừa lộc thánh, nghĩa là cùng nhau hưởng thụ đồ lễ sau cuộc cúng bái tế lễ4.

Việc tế lễ thần linh là trung tâm của hội làng được gọi là phần lễ. Xưa, ở Quảng Trị phần lễ được thực hiện rất nghiêm túc trong mỗi lần cúng tế thần linh để cầu mong phúc lộc cho muôn nhà. Những cuộc hành lễ như vậy, âm nhạc thường đóng góp một tiếng nói hết sức quan trọng. Âm nhạc không chỉ làm cho không khí trang nghiêm, nó còn là sợi dây nối mạch làm cho cái ồn ã thực tại lắng xuống, nhập vào cái thiêng liêng của cuộc lễ.

Thuở xưa, không phải làng nào cũng có ban nhạc cho riêng làng mình, mặc dù làng nào cũng có đình và tế đình. Do nhu cầu đó, dần dần hình thành những ban nhạc thính phòng. Dàn nhạc thính phòng chỉ có các nhạc cụ như Ty, Trúc, còn dàn nhạc tế lễ đã có sự góp mặt của đông đảo các nhạc cụ gõ và kèn hơi cùng nhạc cụ Ty, Trúc. Ở Quảng Trị, các dàn nhạc lễ có cấu trúc tương đối đồng nhất. Hơn hết các dàn nhạc đều góp mặt đủ ba nhóm nhạc cụ là:

- Nhóm ty trúc

- Nhóm kèn

- Nhóm nhạc cụ gõ.

Xin quan sát các dàn nhạc cụ của ba phường nhạc là: phường nhạc Gio Linh, phường nhạc Điếu Ngao, phường nhạc Phú Hải.

a. Phường nhạc Gio Linh gồm các nhạc cụ:

- Sáo nhị

- Kèn tiểu

- Não bạt, trống chiến, trống to (trống cái)

b. Phường nhạc Điếu Ngao gồm các nhạc cụ:

- Sáo nhị

- Kèn tiểu, kèn đại

- Não bạt, phách, hai trống chiến, một trống to.

c. Phường nhạc Phú Hải gồm các nhạc cụ:

- Sáo nhị

- Kèn tiểu, kèn đại

- Chiêng, vu sắt, hai trống chiến, một trống to.

Xét về cấu tạo ba dàn nhạc Gio Linh, Điếu Ngao, Phú Hải cùng có cấu tạo dàn nhạc như nhau, tức là cùng có ba nhóm nhạc cụ Ty, Trúc, Kèn gõ như nhau và đặc biệt cùng có số lượng nhạc gõ áp đảo so với nhóm Ty, Trúc và Kèn. Và đó là sự khác biệt căn bản giữa dàn nhạc lễ và thính phòng.

Sự khác biệt này do nhu cầu thực tiễn của quy trình lễ hội sinh ra:

- Thứ nhất, bộ gõ là cụm nhạc cụ có cường độ âm thanh lớn, nó có thể vượt qua sự ồn ã của đám đông, tạo ra không khí rộn rã ngày hội bằng âm thanh và tiết tấu của mình.

- Thứ hai, nó đóng vai trò chủ đạo trong hiệu lệnh bái và đồng tế. Nó còn là ngôn ngữ nối liền ý nguyện con người với đấng linh thiêng.

- Thứ ba, nó giữ vai trò tiết tấu trong tất cả các sinh hoạt của hội như múa, hát, thi đấu các trò thể thao dân tộc như đua thuyền, chọi trâu, chọi gà, đánh vật, chơi đu.v.v… Chẳng thế mà ca dao có câu:

Trống quân anh đánh nhịp ba

Lúc vào nhịp bảy, lúc ra nhịp mười.

Quảng Trị có hai dòng âm nhạc chuyên nghiệp cổ truyền. Nhạc thính phòng, nhạc lễ, hai dòng nhạc này là hai thành tố quan trọng đã góp một tiếng nói nghệ thuật vào bức tranh văn hóa chung trong đời sống nhân dân Quảng Trị. Vì vậy duy trì nó, làm cho nó sống trong lòng xã hội hôm nay là điều không thể coi nhẹ.

III. Âm nhạc tâm linh

Cuộc sống đời thường với quá nhiều vất vả như ốm đau, chết chóc, hiềm khích, bon chen làm cho con người luôn sống trong trạng thái muốn lánh khỏi cuộc sống đời thường đầy đau khổ để tìm đến những khoảnh khắc yên ắng, tĩnh tâm, đi tìm cái lý giải làm yên đi những vướng mắc, dằn vặt tâm can trong những khoảnh khắc cuộc đời. Từ đấy các hình thức tín ngưỡng, tôn giáo ra đời nhằm đáp ứng một phần ước ao ấy của đời sống.

Ở Quảng Trị cũng như nhiều vùng quê khác trong cả nước, cùng với việc khai hoang lập ấp là việc xây dựng đền chùa, miếu mạo làm nơi thờ cúng. Cùng với sự ra đời của những cơ ngơi vật chất ấy là sự ra đời của những hình thức âm nhạc nhằm đáp ứng những thể thức sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo ấy.

1. Âm nhạc nhà chùa

Để hướng tâm vào thế giới tâm linh, không bị quấy nhiễu bởi những ồn ã thế tục, người ta đã sử dụng đến vũ khí mạnh mẽ nhất đó là âm nhạc. Hãy tưởng tượng về chiều, chuông chùa buông từng tiếng thong thả, tiếng mõ chùa gõ đều nhịp đệm cho giọng đọc kinh, thỉnh thoảng chen những tiếng chuông điểm thưa. Tác phẩm tuyệt vời ấy đã tạo ra một không khí bình lặng, yên ả trong tâm hồn. Dần dà kết hợp với những sinh hoạt lễ thức khác, người ta đã sáng tạo nhiều loại âm nhạc khác nhau trong nhà chùa. Các bài tụng có: nhất điện, ái hà thiên xinh lãng, khổ hai vạn trùng ba, tọa bồ đề tòa.v.v… Đây là những bài diễn tả cảnh thăng trầm, tâm niệm, diễn tả cảnh linh thiêng khói hương của nhà Phật.

Theo cuốn Ký nhạc cổ truyền của gia đình họ Hoàng ở Điếu Ngao thì âm nhạc nhà chùa ở Quảng Trị gồm các bài:

Thới bường Tấn trạo

Cách giải Cải hối

Tam thiên Nhị tiến

Tứ châu Nhị hiệp

Lai kinh

Chắc rằng cuốn Ký nhạc cổ truyền chưa chép được hết những bản nhạc nhà chùa mà đây chỉ là một phần rất nhỏ những bản nhạc hiện có nằm rải rác ở các chùa của xứ sở này.

Để có thể giải thích tường tận hệ thống nhạc nhà chùa Quảng Trị còn đòi hỏi nhiều công sức và thời gian, còn chúng tôi người viết bài này chưa có đủ tư liệu và tri thức để khơi nguồn nghiên cứu nên chỉ dám đưa ra ít tư liệu trong cuốn Ký nhạc cổ truyền ở Điếu Ngao để minh chứng rằng ở Quảng Trị còn tiềm ẩn nhiều hình thức sinh hoạt âm nhạc tín ngưỡng để ta có thể tìm hiểu sâu khả năng sáng tạo của một thể thức âm nhạc tâm linh.

2. Hò đưa linh: Hát khép lại một đời người

Ta vào đời bằng tiếng hát ru dịu dàng của mẹ để ta lớn lên thành người có lòng vị tha như chính tiếng hát ru ấy thì khi ta ra đi lìa xa cõi đời, lại ra đi trong tiếng khóc thương cảm của cả quê hương xóm làng. Tiếng khóc thương cảm của cộng đồng đã kết tinh thành tiếng hát tiễn đưa mà người đời quen gọi là Hò đưa linh.

Hò đưa linh là điệu hát có kết cấu theo kiểu Lý, là loại kết cấu nhạc tự sự rất thuận lợi đế ứng dụng phương pháp sân khấu kể chuyện dân gian5. Hò đưa linh có nhịp điệu đều đặn kết cấu vuông vắn theo nhịp tư - giai điệu buồn, kể lể với những câu nhắc lại kiểu điệp khúc: “Hò là hò, đưa linh, đưa linh phản hồi”. Câu điệp khúc như khẳng định cuộc tiễn đưa linh hồn đi xa, xa lắm về nơi vĩnh hằng để tránh khỏi cõi đời tạm bợ này.

Minh họa cho lời hát là điệu bộ đau đớn của người kể bên những người chèo thuyền vừa chèo thuyền vừa cùng hát câu điệp khúc. Các tay chèo đều đặn lên xuống tạo ra cảm giác của chiếc thuyền bồng bềnh trên sông nước đưa người quá cố đi xa. Cứ như vậy trò hát múa tiễn đưa kể hết sự thương xót của cháu con, họ hàng, bạn bè cùng công đức cao dày của người đã khuất đối với những người ở lại.

Hò đưa linh, một khúc hát, một nỗi niềm để khép lại một đời người thực sự đã góp vào kho tàng âm nhạc dân gian Quảng Trị một tiếng nói nhân văn.

Bằng những nét sơ sài nhất chúng tôi đã trình bày những nét tiêu biểu của nền âm nhạc dân gian Quảng Trị. Và sự thực, chúng ta đang có trong tay những di sản âm nhạc dân gian quý báu mà ông cha để lại. Vấn đề là làm sao phát huy tác dụng của nó trong đời sống hiện tại để nó góp phần làm đậm đà bản sắc dân tộc trong đời sống văn hóa hôm nay, để làm sao “…giúp lớp trẻ hiểu được rằng không có nền văn hóa nào lại ưu việt hơn nền văn hóa nào và các nền văn hóa đều có thể làm phong phú nhau bằng những ý tưởng, sự cảm nhận và cách nhìn mới6.

Đ.N  

____________ 

 (1) Nguyễn Đắc Xuân. Chín đời Chúa mười ba đời vua Nguyễn, tr.13. 

(2) Nguyễn Hiến Lê. Khổng Tử. Nxb Văn hóa, 1996.

(3) Xuân Đức. Tham luận tại Hội thảo hát ru toàn quốc, tr.141.

(4) Toan Ánh. Làng Xóm Việt Nam. Nxb TP. Hồ Chí Minh tr.309.

(5) Sân khấu kể chuyện dân gian là sân khấu mà sàn diễn là mặt đất, người diễn vừa kể chuyện vừa hát, vừa ra điệu bộ.

(6) Bài trả lời phỏng vấn của ông Javie Perer de Cuellar- Cựu Tổng thư ký Liên hiệp quốc trong tạp chí người đưa tin.

Đặng Nguyễn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 31 tháng 04/1997

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

8 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

12 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground