Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Phan Duy Nhân và văn ảnh Ngậm ngải tìm trầm

Phan Duy Nhân (tên thật Phan Chánh Dinh, bí danh là Nguyễn Chính) sinh ngày 6/10/1941, nguyên quán xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Mất ngày 8/7/2017 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Viết báo, làm thơ từ những năm 1960 với các bút hiệu: Phan Duy Nhân, Dương Phù Sao, Thiết Sử… được xem là một trong những người mở đầu cho dòng thơ ca yêu nước, chống Mỹ - ngụy của tuổi trẻ các đô thị miền Nam trước 1975...

Trước khi thoát ly lên chiến khu (1966), Phan Duy Nhân đi dạy, học Văn khoa, Luật khoa Huế, tham gia Hội Liên hiệp Thanh niên - Sinh viên - Học sinh giải phóng và là hội viên Hội Văn nghệ Giải phóng Khu Trung - Trung Bộ. Mùa xuân Mậu Thân 1968, anh tham gia chiến dịch tiến công và nổi dậy ở thành phố Đà Nẵng. Bị địch bắn gãy chân rồi giam cầm tra tấn nhiều ngày qua những nhà lao khét tiếng khắc nghiệt của địch. Sau cùng anh bị đưa ra biệt giam ở nhà tù Côn Đảo cho đến năm 1974, sau khi hiệp định Paris được ký kết, Phan Duy Nhân được trao trả cho chính quyền cách mạng.

Anh là một con người ưu tú, tài hoa, quyết liệt và là một người con rất đáng tự hào của quê hương Quảng Trị.

Năm 2015, Nhà xuất bản Đà Nẵng đã xuất bản tập sách Phan Duy Nhân - Thơ và Đời gần 500 trang gọi là để làm quà mừng thọ anh. Nhưng đây không chỉ là món quà mà còn hơn thế - là một tài liệu quý báu, rất đáng tham khảo.

Vào khoảng mùa hè năm 1968, con đường hoạt động cách mạng trớ trêu đẩy tôi vào làm tân binh quân trường Hòa Cầm của quân đội Sài Gòn ở Đà Nẵng. Qua một đợt sát hạch trình độ văn hóa của quân trường, tôi được chỉ định làm Thư ký đại đội 25. Khóa sinh Đại đội trưởng, cấp trên gần nhất của tôi là một thanh niên lao động tên là Kim. Tuy cùng là tân binh quân dịch nhưng dầu sao cũng thuộc dàn “cán bộ đại đội” nên tôi và Kim có điều kiện gần gũi, chuyện trò tâm sự. Qua đó tôi được biết Kim vốn là tài xế xe vận tải, từng tham gia phong trào tranh đấu của nhân dân Đà Nẵng trước và trong Tết Mậu Thân. Một hôm vui chuyện, Kim đọc cho tôi nghe mấy câu thơ như sau:

Cha đi dưới ngọn cờ hồng

Lòng cha vời vợi muôn trùng nhớ thương

Máu cha hòa với tim con

Thiết tha tim má, chứa chan tim đời

Mai sau con lớn lên người

Theo đôi mắt cha rạng ngời ánh sao”

Tôi nhận ra rằng 5 câu trên rất chuẩn nhưng câu cuối, có lẽ nguyên tác là “theo cha đôi mắt...” thì Kim nhớ lộn thành “theo đôi mắt cha”. Tôi bèn sửa cho Kim: “Hình như câu cuối là theo cha đôi mắt chứ không phải theo đôi mắt cha”. Kim mừng rỡ kêu lên: Đúng rồi. Tại tôi đọc sai. Ủa. Mà sao anh Sinh cũng biết bài thơ này. Bộ anh có quen Phan Duy Nhân hả?

Nguyên hồi đó tôi bị bắt vào quân trường với thẻ kiểm tra giả do Văn phòng Thành ủy Huế cấp dưới tên giả là Nguyễn Sinh - nghề nghiệp: giáo sư tư thục ở Sài Gòn. Từ ngày thoát ly ra chiến khu Thừa Thiên Huế đến nay, tôi không hề biết tin tức gì về Phan Duy Nhân.

Mấy tiếng Phan Duy Nhân từ miệng Kim vừa thốt ra đối với tôi thực bất ngờ, như sét đánh ngang tai. Nhưng tôi vẫn luôn nhớ vấn đề sống chết của mình là phải giấu kín thân phận dưới cái vỏ bọc của binh nhì Nguyễn Sinh nên làm bộ hờ hững trả lời Kim:

- Quen biết thì không nhưng thỉnh thoảng có đọc vài bài thơ của ông ta đăng trên báo. Phải công nhận ông này làm thơ hay thiệt. Thơ nào ra thơ nấy mà bài nào cũng tuyệt vời. Vào loại nhất nhì hiện nay đấy. Ủa. Té ra mấy câu  thơ vừa rồi là của Phan Duy Nhân ư?

Kim gật đầu:

- Đúng là của ổng. Nhưng ai thân lắm ông mới đọc cho nghe. Tôi là dân lao động, không rành về thơ nhưng tôi xem ông như thần tượng trong phong trào tranh đấu của bà con Đà Nẵng từ hồi 1965 - 1966 tới giờ.

- Ủa. Vậy mà cứ tưởng ổng chỉ biết làm thơ. Té ra cũng là dân tranh đấu Phật giáo.

- Còn hơn thế nữa, ông là người của Mặt Trận Giải Phóng nằm vùng. Sau đó ông thoát ly hẳn theo Mặt Trận Giải Phóng. Trong chiến dịch Mậu Thân, ông về Đà Nẵng ém quân ở chùa An Long Tự. Bộ đội chủ lực chưa vào được nội thành mà cánh của ông đã xuống đường kêu gọi đồng bào nổi dậy, hô hào: “Ai có súng dùng súng,ai có dao dùng dao...”. Trận ấy ông bị chúng nó bao vây, bắn gãy chân rồi bị bắt. Ở nhà lao Thanh Bình, ông bị địch tra tấn tàn nhẫn. Có lần địch đưa ông một mảnh giấy để ông viết lời khai. Thế nhưng thay vào đó, ông đã viết một bài báo nhan đề “Vì sao quân và dân miền Nam thắng lớn?”.

- Ôi trời! Vậy chắc là... bây giờ không biết sống chết ra sao hỉ?

- Còn sống và hiện đang ở rất gần đây.

Tôi mừng rỡ hỏi dồn:

- Ở đâu, có thể gặp được không?

Kim lấy tay chỉ về phía ngọn đồi xa xa, cách ngọn đồi của quân trường Hòa Cầm này một cái thung lũng hẹp mỉm cười nói tiếp:

- Chỗ ngọn đồi kia là nhà lao Kho Đạn. Nghe nói Phan Duy Nhân đang bị biệt giam ở đấy, không ai có thể gặp được.

Tôi không hỏi nữa, im lặng ngẩn ngơ nhìn về phía ngọn đồi nhà lao Kho Đạn. Bỗng có tiếng tằng hắng. Đó là tiếng chuẩn úy Cư, sĩ quan chỉ huy Đại Đội 25 của chúng tôi đang tà tà đi tới. Ông ta ngoe nguẩy chiếc gậy gỗ của sĩ quan chỉ huy quân trường, đến đứng xen vào giữa hai chúng tôi nói với giọng giễu cợt:

- Nếu tụi mày tính chuyện trốn trại đào ngũ theo hướng này thì tao khuyên nên từ bỏ ngay ý định ngu xuẩn đó đi. Chung quanh quân trường này chỉ có lơ thơ vài vòng kẽm gai nhưng dưới đất chôn đầy mìn bò - tức là mìn chống người bò lết. Còn bên kia là nhà lao Kho Đạn của Mỹ. Hàng rào vòng ngoài gài đầy mìn Claymore. Nếu trúng mìn Claymore mà bị thương chưa chết thì lập tức bọn Trung sĩ 4 chân nhào tới xé xác tại chỗ. Mấy năm nay chưa có thằng nào trốn trại theo hướng này mà cái xác còn nguyên vẹn.

Tôi hỏi:

Tập sách Phan Duy Nhân - Thơ và Đời

Tập sách Phan Duy Nhân - Thơ và Đời

- Thưa chuẩn úy, sao gọi là Trung sĩ bốn chân?

- Là những con chó berger được tụi Mỹ huấn luyện thành chó tấn công. Đàn chó này được mang “loong” và hưởng lương theo cấp bậc Trung sĩ bộ binh trong quân đội Mỹ. Giả sử đám binh nhì tụi mày gặp mấy con chó Trung sĩ đó mà không chào kính theo luật nhà binh, thì có thể bị phạt đấy. Ha ha!

Tay chuẩn úy Cư cười rất đểu rồi bỏ đi. Chúng tôi cũng không dám đứng lâu tại đó, sợ bị lão ta nghi ngờ.

Sau khi tốt nghiệp binh nhì ở quân trường Hòa Cầm, tôi xoay xở được cái giấy phép về Sài Gòn thăm gia đình, nhân đấy đào ngũ rồi bắt liên lạc với tổ chức Thành Đoàn Sài Gòn. Từ Thành Đoàn Sài Gòn, tôi được điều chuyển lên R công tác ở Ban Tuyên huấn Trung ương Đoàn. Tại Trung ương Cục tôi đã gặp lại Lê Hiếu Đằng lúc ấy đang là nhân sĩ công tác ở cơ quan Liên minh Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam. Không hiểu do nguồn tin nào mà Lê Hiếu Đằng báo cho tôi biết là Phan Duy Nhân đã hy sinh tại nhà tù Côn Đảo. Chao ôi! Sao mỗi lần nhận được tin gì về Phan Duy Nhân thì toàn là tin buồn, mỗi lúc một buồn hơn. Nhưng tôi không để cho nỗi buồn gặm nhấm mà ngồi viết một bài báo nhan đề: “Phan Duy Nhân - một nhà thơ trẻ biết xung phong”. Bài này viết theo môtip “Biến đau thương thành hành động cách mạng” nên được đăng trên báo Thanh Niên rồi phát nhiều lần trên các đài phát thanh Giải Phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam. Trước đó tôi và Lê Hiếu Đằng ngậm ngùi đặt một bó hoa rừng trên nấm mộ Trần Quang Long đã hy sinh vì bom Mỹ ngay tại vùng căn cứ R này. Cứ tưởng nỗi đau buồn và sự mất mát trong cuộc chiến tranh này luôn là một cái dấu cộng, dấu nhân…

Thế rồi một hôm vào tháng 3 năm 1974 sau ngày hiệp định Paris ký kết tôi được anh Tâm Tâm, cán bộ Trung ương Đoàn, phóng viên thường trú của báo Thanh Niên tại chiến trường miền Nam vừa đi dự lễ trao trả tù binh tại Lộc Ninh về báo một tin vui từ trên trời rơi xuống: “Này! Cái người mà ông gọi là Một nhà thơ trẻ biết xung phong ấy vẫn còn sống và gửi lời thăm ông. Đồng chí ấy trông vẫn còn khỏe mạnh, rất phong độ và đã lên đường về Khu V”. Hồi ấy chúng tôi thường gọi những cán bộ chiến sĩ cách mạng bị tù được trao trả là “Những đồng chí Chiến Thắng” - ý là họ đã chiến đấu kiên cường trong chốn lao tù và sau cùng đã chiến thắng trở về. Tôi có quen hai nữ đồng chí Chiến Thắng rất trẻ đẹp. Cô chị là Tạo Madeleine, cô em là Tân Madeleine. Tên khai sinh của các cô là Thiều Thị Tạo và Thiều Thị Tân. Hai chị em này nguyên là nữ sinh trường Marie Curie, một trường đầm sang nhất Sài Gòn. Các cô bí mật hoạt động trong tổ chức vũ trang của Biệt Động Sài Gòn. Trong chiến dịch Mậu Thân, các cô xuất hiện công khai dưới hình ảnh người nữ tự vệ với băng đỏ và súng AK trên tay rồi bị địch bắt đưa ra Côn Đảo giam ở khu Chuồng Cọp. Khi ấy cả hai cô chỉ mới 15, 16 tuổi. Trẻ người nhưng không hề non dạ chút nào. Dầu tuổi thanh xuân bị giày vò trong chốn lao tù nhưng hai chị em vẫn dũng cảm đấu tranh để giữ gìn khí tiết cách mạng. Tháng 7 năm 1970, khi phái đoàn của Quốc hội Mỹ do dân biểu Tom Harkin và nhà báo Don Luce dẫn đầu đến Côn Đảo để điều tra và phát hiện Chuồng Cọp, Tạo và Tân đã tận dụng lợi thế về ngoại ngữ của họ vạch trần tội ác của Mỹ - ngụy. Hình ảnh và lời lẽ của hai cô được Don Luce đăng trên báo Life đã làm dấy lên những cuộc biểu tình phản chiến ở nhiều nước, làm rúng động cả chính trường Mỹ. Có lần trò chuyện với hai cô, tôi hỏi đùa:

- Sao các cô gan dạ thế. Không lẽ ở Chuồng Cọp thì có sức mạnh như cọp?

- Ấy là nhờ học tập và noi gương khí tiết của các bậc đàn anh đàn chị trong nhà tù. Hồi đó chúng tôi rất ngưỡng mộ tấm gương khí tiết của một người tù ở phòng biệt giam. Nghe nói đồng chí ấy là một sinh viên miền Trung và là một nhà thơ. Bị địch bắn gãy chân và thường đánh vào vết thương ấy để tra tấn hành hạ anh nhưng hễ qua cơn đau là đồng chí ấy lại cất cao lời ca tiếng hát cách mạng để chứng tỏ mình không hề bị khuất phục.

Người mà hai chị em Tạo và Tân ngưỡng mộ đó chính là Phan Duy Nhân. Nỗi đau trong nhà tù và trong cuộc đời anh chắc là còn nhiều chuyện đáng nói mà có khi bạn bè, đồng chí chưa chắc đã hiểu hết. Riêng tôi đã cảm nhận được nỗi đau ấy của đời anh lần đầu một cách mơ hồ. Đó là khi Trần Quang Long đưa cho tôi xem bài thơ “Thư gửi mẹ và chị” của Phan Duy Nhân đăng trên tạp chí Văn Học ở Sài Gòn. Bài thơ rất hay nhưng có mấy câu khiến tôi bần thần nghĩ ngợi:

Con đã ngấy những ngày thư viện đói

Nói khôi hài kinh kệ những ai xưa

Khi rách áo xem ra chiều thủ lợi

Không manh tâm thiên hạ cũng nghi ngờ…

Tôi hỏi Long:

- Tụi mình có đứa nào nói gì khiến nó tự ái không?

Lê Thanh Xuân (sau này là nhà báo Hải Nam của báo SGGP) đỡ lời:

- Tụi mình thì không nhưng người khác chắc không tránh khỏi. Gia đình nó (Phan Duy Nhân) ở Đà Nẵng. Nó ghi danh học Luật và Văn khoa ở Huế nhưng rất ít khi đến lớp. Cứ thấy đi đi về về, không biết ăn ở chỗ nào. Nghe nói có khi bí quá, nó cầm ổ bánh mì chui vào trong cái lô cốt bỏ hoang ở đầu cầu Bạch Hổ ngủ qua đêm.

Tuy là bạn bè thân thiết nhưng đối với chúng tôi, sinh hoạt của Phan Duy Nhân có phần khó hiểu. Có lần báo Văn Học - Sài Gòn đăng một bài thơ Phan Duy Nhân, có mấy câu:

Cùng với bóng ta ngồi xem chuyện cũ

Bỗng bừng bừng muốn tới Mạc Tư Khoa

Xe tứ mã gập ghềnh qua nước Vệ

Soát lại mình thất lạc hết thi thư...

Trần Quang Long (lúc này vẫn chưa tham gia tổ chức cách mạng) bình luận:

- Sao lại muốn tới Mạc Tư Khoa mà không phải là nơi nào khác? Câu này có vẻ thân Cộng đây.

Rồi giữa mùa hè tranh đấu năm 1965, Phan Duy Nhân gửi cho tôi một bài thơ nhan đề “Thư gửi các bạn sinh viên” ký bút hiệu Thiết Sử:

Nỗi căm hờn sôi trong lòng tuổi trẻ

Trong mắt anh trong tiếng chị kêu gào

Trong vỗ tay cười trước nỗi thương đau

Ta bừng giận sóng xô trời biển dậy...

Lâu nay tôi vốn thích những dòng thơ thế sự đau buốt mà vẫn mượt mà của Phan Duy Nhân. Lần đầu tiên tôi được đọc thơ tranh đấu của anh. Trong bài thơ này, cái mượt mà đau buốt ấy đã chuyển thành một khối thuốc nổ. Bài thơ được đăng công khai lần đầu trên báo Sinh Viên Huế, vang lên giữa mùa tranh đấu như những lời hịch văn. Chỉ một thời gian sau Thư gửi các bạn sinh viên được đăng lại trên tạp chí Việt Nam Việt Nam ở Huế. Rồi Trần Quang Long cho in lại trong tập thơ Tiếng hát những người đi tới của Tổng hội sinh viên Sài Gòn. Từ đó bài thơ được phổ biến nhanh chóng trên hầu hết những tạp chí tranh đấu của sinh viên học sinh các tỉnh thành miền Nam.

Trên các trang báo tranh đấu của sinh viên học sinh Sài Gòn ngày ấy, ta thường bắt gặp mấy câu thơ quen thuộc của Trần Quang Long:

Con sẽ vót nhọn thơ thành chông

Xuyên vào gan lũ giặc

Con sẽ mài thơ như kiếm sắc

Chặt đầu văn nghệ tay sai

Trả thù cho cha, rửa hờn cho nước

Cho con ngẩng đầu nhìn thẳng tương lai...

Hoặc thơ Hữu Đạo:

Tầm vông chuyển động mùa sông núi

Giục lớp người đi phá xích xiềng

Mỗi tác giả đều có ngôn ngữ thơ của riêng mình nhưng cái hào khí phong trào thì cho đến nay, chưa bài nào có thể sánh được với Thư gửi các bạn sinh viên của Thiết Sử.

Sau khi Thư gửi các bạn sinh viên được công bố, Phan Duy Nhân không còn giấu giếm hành tung với chúng tôi. Anh đến với chúng tôi nhân danh người của Mặt Trận Giải Phóng. Chúng tôi vốn đã đoán trước được nên không quá bất ngờ. Thế là anh mạnh dạn tiến tới. Lần lượt Hoàng Phủ Ngọc Phan, Trần Quang Long, Lê Thanh Xuân, Nguyễn Hữu Ngô rồi Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Tử Thành và Nguyễn Hữu Thái... được anh bắt rễ xâu chuỗi, kết nạp rồi bàn giao cho thủ trưởng Lê Công Cơ lúc ấy đang công tác trong tổ chức của Thành ủy Quảng - Đà.

Khi biết được Phan Duy Nhân là cơ sở cách mạng ở nội thành rồi thì những cái bất thường, cả cái dễ thương, dễ ghét lẫn cái đáng nghi ngờ trong sinh hoạt của Phan Duy Nhân không còn khó hiểu đối với chúng tôi.

Sau ngày giải phóng 1975, đất nước hòa bình, thống nhất, anh lần lượt giữ nhiều trọng trách về công tác dân vận, tôn giáo ở Quảng Nam - Đà Nẵng, rồi ra Hà Nội nhiều năm làm Quyền Trưởng ban Tôn giáo của Chính phủ. Sau khi về hưu anh sống tại Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, chu du nghiên cứu thiền học. Từ đây, anh bắt đầu sáng tác một dòng thơ khác, rất khác với ngôn ngữ thơ của thời trai trẻ:

Hành thiền
                         Kính tặng Tôn sư tôi, thiền sư Thích Trí Quang.

Tròn đầy mà rỗng lặng
Biển vô lượng thủy triều
Ôi thương đời vạn dặm
Vân du vượt suối đèo
Đường về tâm hết động
Tuyệt chiêu là vô chiêu!
Thôi hòa lòng với bụi
Thanh tịnh vầng trăng treo…

Hình như từ ngày mới bắt đầu làm thơ, Phan Duy Nhân đã ấp ủ một tập thơ nhan đề là Ngậm ngải tìm trầm, mượn tên một tập truyện của Thanh Tịnh. Lâu nay những gì mà tôi biết được về Phan Duy Nhân - cả thơ và đời - chỉ là những mảnh rời, thậm chí là những thứ đã vỡ vụn. Nay thử lắp ghép lại những mảnh vụn ấy - từ Thư gửi chị và mẹ, Thư gửi các bạn sinh viên đến bài thơ cuối là Hành thiền tôi lờ mờ nhận ra văn ảnh của một con người suốt đời ngậm ngải tìm trầm. Cái khác là người ngậm ngải trong truyện đường rừng kinh dị của Thanh Tịnh chỉ mong tìm được một mớ trầm để đổi đời cho mình. Còn thứ trầm mà người ngậm ngải Phan Duy Nhân mong kiếm được hẳn không chỉ nhằm thay đổi một cuộc đời của riêng mình mà còn hướng tới những ước mơ hạnh phúc cho nhiều người. Ngải thì anh đã ngậm nhưng không biết trầm đã tìm được chưa? Chỉ thấy trong những năm cuối đời, anh thường mặc nâu sồng, lui tới chùa chiền giao du với các vị cao tăng đắc đạo. Thôi thế cũng tốt.

H.P.N.P

Hoàng Phủ Ngọc Phan
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 328

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground