Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 28/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Phan Văn Thúy - sự nghiệp (1761-1833)

C

ửa Việt số xuân Ất Hợi đã đăng bài về thân thế Phan Văn Thúy. Tiếp tục ở bài viết này, xin giới thiệu về sự nghiệp vị lão tướng này.

Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn cuối cùng của chế độ cát cứ Trịnh – Nguyễn mà nạn đói và bắt lính là “hai quả núi tai họa” đối với nhân dân vùng Thuận Hóa. Vài cứ liệu lịch sử cho thấy thực trạng xã hội bấy giờ: “Giáp Ngọ (1774) một chén gạo giá một quan, người chết đói dọc đường, trong nhà. Người tự giết lẫn nhau mà ăn” (Đại Nam thực lục tiền biên, Q11,tr22). Giáo sĩ LaBartette quản xứ đạo cổ Vưu Quảng Trị viết trong thư đề năm 1776 cho biết thêm: “Chiến tranh và đói kém đã làm thiệt hại nhiều người ở đây đến nỗi dân trong miền chết hơn một nữa. Đôi khi có nhiều gia đình chết cùng một lúc vì họ uống thuốc độc mà chết cho khỏi phải chết đói… Thường thấy thịt người bày bán ra ở chợ” (Dẫn bởi L.Cadière trong tạp chí BEFEO, 1906, t6, tr238). Dưới thời chúa Trịnh chiếm thành Phú Xuân, tình trạng đói khổ khủng khiếp, triền miên hơn. Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn thuật lại: “Bấy giờ Thuận Hóa mấy năm liền mất mùa, đói kém lại phải đánh trận, bị bắt lính không thôi, quân dân lìa lòng sùng sục mong làm loạn” (tr66). Quốc sử quán Triều Nguyễn cho là đói lớn (tháng sáu nhuận 1778) “giá gạo ngày càng cao, một chén gạo nhỏ giá một trăm, người chết đói đầy đồng, dọc đường” “dân tụ họp nhau lại để đi ăn trộm”. Chính ở thời điểm ngã ba lịch sử này, khi chúa Trịnh chiếm được Phú Xuân, chúa Nguyễn dạt vào cực Nam đất nước, Tây Sơn sau nhiều năm dẹp yên Nguyễn Ánh trong Nam, kéo quân ra diệt họ Trịnh ở Phú Xuân và quật đổ cơ đồ thống trị của họ Trịnh trên đất Thăng Long; họ Nguyễn lại về đất Gia Định, mộng bá đồ vương thì cũng là lúc Phan Văn Thúy tròn 28 tuổi, chiêu mộ quân trong vùng theo vào Gia Định lập Quân Thuận Hóa trong đội quân thần sách, giữ chức Hổ uy vệ úy. Ròng rã trong 14 năm, ngài theo gia Long tẩu quốc, một lòng trung quân, trung thành với sự nghiệp chúa Tiên Nguyễn Hoàng, đánh lại quân Tây Sơn từ thành Gia Định ra đến Nam Ngãi, giao tranh với các tướng Tây Sơn như Nguyễn Văn Huân, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, tung hoành ngang dọc, lập công với Triều Nguyễn.

Gia Long năm thứ 2 (1803), ngài được triệu về kinh đô Phú Xuân cất lên làm hữu doanh Vệ úy, khâm sai chưởng cơ, coi quân bản doanh theo thủy quân đô thống chế Thái hòa hầu ngồi Huyền hải đạo ra Bắc thành tiểu từ giặc biển. Khi đi gặp gió mạnh, thuyền dạt vào tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc trở về đem quân đi thu lệnh tỉnh Thanh Hoa giữ chức quan túc võ vệ. Mậu Thìn (1808) đem quân đi đánh giặc Hổ ở Bắc Thành. Năm thứ 14 (1816), giao giữ chức trấn thủ doanh Quảng Bình, thất thủ bị giáng xuống cai cơ. Sau đi thu tỉnh Ninh Bình được thăng thị nội trung tin nhứt vệ úy.

Minh mạng năm thứ 1 (1820), ngài được thăng phó đô thống chế doanh Hậu quân thần sách cử đi Thanh Hóa giữ chức phó Đốc trấn. Ngự giá Bắc thành vua Minh Mạng triệu ngài về kinh. Năm thứ 6 (1826) vua sai đào sông Vĩnh Định cất lên làm Đô thống chế thị nội doanh Long Vũ. Đại Nam nhất thống chí (sđd, tr42) cho biết: “Sông Vĩnh Định nguyên xưa ở phía Đông huyện thị Hải Lăng 9 dặm. Nước sông này do Tam giang khẩu, cổ thành thuộc sông Thạch Hãn chảy ra, chảy về Đông Nam 12 dặm đến xã La Duy có khe Mai Đàn từ Phía Tây chảy nhập vào; thêm 16 dặm đến xã Trung Đơn có khe Trường Sơn từ phía Tây chảy vào và thêm 7 dặm hợp với sông Lương Điền (Ô Lâu). Tại xã Trung Đơn xưa có cảng đạo (cảng Mỹ Thủy) bị cát bồi lấp. Bản triều đời vua Thái Tông 33 (1618) đào mở ra rồi lâu ngày cũng bồi lấp. Vua Hiển Tông năm thứ 2 (1693) đào lại lần nữa cũng bị cát lấp gần thành đất bằng. Minh Mạng thứ 6 (1826) khiến Thống chế Phan Văn Thúy đốc binh đào từ xã Quân Kinh đến xã Trung Đơn dài 1.720 trượng, 3 tháng đào xong vua đặt cho tên Vĩnh Định Hà… Niên hiệu Tự Đức đổi chỗ đào từ địa phận Xuân Viên, An Nhơn qua Đa Nghi đến Thượng An (giáp xã Thi Ông) thành một sông mới nhưng cũng bị cát lấp, mùa hạ ghe đi trở ngại. Năm Thành Thái thứ 8 (1896) cải đào sông mới một đoạn từ địa phận các xã Đông Dương, Diên Khánh qua Kim Luông, Kim Giao, Đơn Quế, Hội An đến Đa Nghi, sông Vĩnh Định mới được lưu thông như bây giờ.”

Như vậy trải qua các triều đại, sông Vĩnh Định đã được khơi đào đến 5 lần. Trong đó Thống chế Phan Văn Thúy có công đốc quân đào lần thứ 3 từ xã Quân Kinh đến xã Trung Đơn dài 1.720 trượng.

Năm 1827 Minh Mạng ngự giá theo đường thủy ra Quảng Trị khi đi qua đoạn sông này xúc động trước cảnh đẹp sông nước và làng mạc trù phú hai bên bờ đã viết một bài từ và bài thơ gọi là “Ngự chế quá Vĩnh Định Hà, thập nhị vận”, sai quan địa phương tạc vào bia đá dựng ở phía Nam bờ sông. Năm ấy, vua Minh Mạng khi đúc Cửu Đỉnh lấy hình sông này chạm vào Thuần Đinh cùng với sông Thạch Hãn (Quảng Trị) núi Ba Vì (Hà Tây) và cửa biển Cần Giờ (Tiền Giang) như sự ghi nhận về danh mục các danh lam thắng cảnh trên toàn cõi Việt Nam. Thiệu Trị lần thứ 2 (1842) đại giá bắc tuần, lần nữa vua phụng ngự chế thi chương, ứng tác bài thơ gọi là “Quá Vĩnh Định Hà cảm tác”, trong đó mở đầu bằng hai câu:

“Khai tuấn trương giang đạo tính nguyên

Công đồng đại vũ vị Lê Nguyên”

Ý muốn ca ngợi công lao đào sông của tiền nhân ngang với vua Vũ trị thủy bên Trung Quốc. Sau đó cũng sai quan địa phương khắc vào bia đá dựng cạnh tấm bia Minh Mạng(1). Bia cao gần 2m rộng 1m mang phong cách thời Nguyễn. Trán bia và diềm bia đều có chạm hình rồng rất đẹp. Đáng tiếc là nhiều chữ đã bị thủng do các vết đạn trong chiến tranh không còn đọc được nữa. Còn sông Vĩnh Định nay trở thành đoạn sông chết do hệ thống của thủy nông Nam Thạch Hãn ngăn cách từng đoạn và giao thông đường thủy ngày nay cũng không được chú trọng nữa.

Năm Minh Mạng thứ 8 (1827) kiêm quản việc sở Thương Bạc, gặp nước Vạn Tượng bị nước Xiêm đánh đến ta xin cầu viện, vua cho Phan Văn Thúy sung chức kinh lược biên vụ đại thần, kiêm lĩnh Trấn thủ Nghệ An, cùng phó tướng Nguyễn Văn Xuân, tham tám Nguyễn Khoa Hào tiến quân đến Trấn Ninh đóng đồn đưa vua nước Vạn Tượng là A Nỗ về nước. “Bấy giờ khí nắng nồng nực, vua nghĩ thương đại binh kéo đi đường sá hiểm trở, xông pha khó nhọc bèn sai đem cho Văn Thúy áo mãng xà, quạt và khăn mặt. Lại sai chép thơ của vua ban” (Quốc sử quán Triều Nguyễn, NXB Thuận Hóa, 1994, tr 117). Đến khi Văn Thúy vào chầu, vua cho ngồi mà bảo rằng: “Bọn ngươi đều là chân tay của Trẫm, đi chuyến này xông pha lam sơn chướng khí đều được khỏe mạnh, đó là may mắn của Trẫm. Nhân hơn đến tướng sĩ trong quân, Văn Thúy thưa là có nhiều người mắc bệnh. Vua thương xót hồi lâu rồi cho bọn tướng sĩ ăn yến, còn những kẻ đã chết cho lập đàn cúng tế và tặng tiền tử tuất (sdđ tr 118). Gặp lúc mưa rét mấy ngày liền, vua triệu Chưởng phủ Trần Văn Năng, Phan Văn Thúy và Nguyễn Văn Xuân đến bảo rằng: “Trẫm ở trong cung thân thể còn thấy rét, lại nghĩ các người tuổi già thì lui tới làm sao nỗi. Chuẩn cho từ đây ngày hôm nào rét quá miễn dự đình nghị (nghị luận triều đình). Nếu có vào chầu cho phép đi giày mang vớ, đến hai bên ngoài cửa Túc Môn trụt giày đi vớ lên điện để đỡ rét” (sđd tr 124).

Năm 1828 vua Minh Mạng bổ thụ Đô thống chế, thư Hậu quân ấn vụ Phan Văn Thúy, xuống chiếu cho lãnh chức phó tổng trấn Bắc thành. Văn Thúy vào bệ kiến khước từ, vua bảo rằng: “Trẫm biết ngươi tuổi già mới đi kinh lý việc biên thùy về rất là ái ngại, mà chức trọng trấn Bắc thành không có ngươi không được”. Vua ban bộ nhất phẩm triều phục (áo chầu hàm nhất phẩm), phái 300 quân doanh Thần sách đưa chân.

Năm Minh Mạng thứ 11 (1830), có quan phủ phủ Thiên Phúc Nguyễn Văn Trung vu cáo tri phủ Dương Thế Thạnh xuất nhập tội trộm (có tội thời tha, vô tội đem xử, thế thường người ta gọi đổi trắng thay đen). Tổng trấn Bắc thành tức Bắc Kỳ Phan Văn Thúy nghe lời vu khống trên bèn tâu lên vua cất chức Thạnh và còn đem ra xử tội. Sau đó Dương Thế Thạnh xúi người kiện Trung vu cáo bức niết và còn mang tội thả quân đi cướp bóc. Vua lệnh lang trung bộ lại Nguyễn Đăng Ngạn sang hội họp với hai Tào Binh, Tào Hộ để điều tra nội vụ. Vua dụ “phải xét cho công minh và cẩn thận, không một mảy may thiên vị mới được”. Nguyễn Văn Trung sau khi bị kết án với bằng chứng đầy đủ, xát thực là tội bèn bị chém. Thế Thạnh được khôi phục lại chức hàm và Phan Văn Thúy nghe lời một cách kinh suất bị giáng hai cấp (sđd, chương Thận hình, tr 357, 358). Chức lang trung trước gọi thiêm sự là chức quan nhỏ (ngủ phẩm) như ông Nguyễn Đăng Ngạn đi xem xét tội ông Tổng trấn Bắc thành là vị đại quan (tòng nhất phẩm) như ông Phan Văn Thúy cũng là việc lạ. Tuy vậy “trước đi kinh lược xứ Nghệ An về, trước mặt trẫm đề cử Tạ Quang Cự đến nay mới biết là được người giỏi, có thể bảo là Văn Thúy đem người đến thờ vua được… đem sa đoạn thưởng cho để khuyến khích kẻ tiến người hiền” (sđd, tr 157). Xem ra xử phạt khen thưởng dưới triều Minh Mạng cũng đã là công bằng, quang vinh chính đại.

Năm Minh Mạng thứ 14 (1833), ngài được triệu về kinh thăng chức: Hậu quân Đô thống phủ chưởng phủ sự, và phong tước chương nghĩa hầu. Gặp Lê Văn Khôi phiến biến ở thành Phiên An (Gia Định), ngài phụng mạng giữ chức thảo nghịch hữu tướng quân cùng tham tán Trương Minh Giảng đốc quân tiến đánh. Khôi vốn thổ hào ở Cao Bằng, trước họ Bế rồi đổi họ Nguyễn (Nguyễn Hựu Khôi), được Lê Văn Duyệt nhận làm con nuôi lại đổi họ thành Lê Văn Khôi. Khi Lê Văn Duyệt giữ chức Tổng trấn thành Phiên An ông theo vào Nam làm phó vệ úy. Khi Lê Văn Duyệt mất (1832) đám quan triều vào thay cố Tổng đốc Nguyễn Văn Quế, bố chánh Bạch Xuân Nguyên vu nhiều tội cho Tả quân, khiến ngôi mộ bị xiềng, Lê Văn Khôi cũng bị ngồi tù. Trong ngục ông ngầm liên kết với vệ úy Thái Công Triều cùng quân bên ngoài phá ngục, dấy binh chiếm thành Gia Định giết Quế và Nguyên báo thù rửa hận cho cha nuôi. Quốc triều chánh biên toát yếu (nhóm nghiên cứu sử địa xuất bản, Sài Gòn 1971,tr161) cho biết: “Thụ Tuần vũ Võ Quánh, ám sát Lê văn Trác, lãnh binh Hồ Kim Truyền chạy cả, tỉnh lỵ thất thủ. Khôi chiếm thành Phiêm An, các văn võ trong thành theo nhiều, Khôi mới đúc ấn ngụy, tự xưng đại nguyên soái… làm tờ địch ngụy, đặt chức ngụy, phiến du nhân dân các tỉnh nổi loạn”.

Về vụ phiến biến này đã có nhiều sách sử cũ đánh giá. Có người cho là một vụ binh biến, mục đích để trả thù cho Lê Văn Duyệt hoặc là mưu đồ nổi loạn của những người tù chính trị dưới triều Nguyễn. Nhưng đáng lưu ý nhất vẫn là tác giả Nguyễn Phan Quang (xem phong trào nông dân Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX – Khởi nghĩa Lê Văn Khôi – NXB – KHXH. HN 1986) đã xếp Lê Văn Khôi vào phong trào nông dân khởi nghĩa. Xét về lực lượng của Khôi, nổi lên 4 thành phần sau: 1- Giáo dân, vì vậy có người đã cho là cuộc nổi dậy của những người theo đạo Gia tô do các giáo sĩ chủ mưu. 2- Hoa Kiều, như Bốn Bang cũng là con nuôi Lê Văn Duyệt, một trong sáu yếu phạm sau bị giải về Huế xử lăng trì. 3- Một số dân tộc thiểu số ở đạo Quang Hóa (Tây Ninh), Chàm (Bình Thuận) và một số rất ít khác các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. 4- Lực lượng Hồi Lương, Bắc Thuận, Thanh Thuận, An Thuận. Đây chính là lực lượng chủ yếu là tù chính trị và trộm cắp bị nhà Nguyễn đày vào các tỉnh phía Nam phiên chế thành quân ngũ hoặc sống trà trộn trong dân chúng dưới tình trạng quản thúc, buộc hoàn lương hoặc thanh Thuận (Thanh Hóa), An Thuận (Nghệ An) đều là những tù nhân đã quy thuận triều đình. Chỉ huy của nó là một tập đoàn quan võ, những cựu sĩ quan của Lê Văn Duyệt mà trên danh nghĩa đương nhiên là những sĩ quan của triều Nguyễn nhưng vẫn là những người tù chính trị không hơn không kém. Ngày từ đầu, kẻ cầm đầu Lê Văn Khôi đã phạm phải những sai lầm nghiêm trọng: chia đôi đất Nam kỳ giao một nửa cho Thái Công Triều quản lĩnh, cát cứ và tệ hại hơn dựa vào giáo sĩ phương Tây đi cầu viện quân Xiêm… xét lực lượng và thành phần cầm đầu này thì rõ ràng đây là 1 cuộc binh biến, phát triển thành cuộc đảo chính cục bộ với mưu đồ lật đổ của một phe phái phong kiến chống Minh Mạng. Hơn nữa “tên nghịch Khôi làm loạn, mở miệng ra là lấy việc khôi phục họ Lê làm câu nói đầu…” (Khâm định tiểu bình Nam kỳ nghịch phi phương lược, Q3) có thể xem là ngọn cờ khởi nghĩa. Không thấy quyền lợi và lực lượng của nông dân đâu cả thì không thể gọi là nông dân khởi nghĩa được.

Từ thảo nghịch hữu tướng quân Phan Văn Thúy, tham tán Trương Minh Giảng đến các tướng Tống Phúc Lương, Trần Văn Năng, Nguyễn Xuân, Hoàng Văn Thận và cuối cùng là Nguyễn Tri Phương phải vất vả lắm trong 3 năm, quân thành mới hạ được thành Phiên An, dẹp yên được giặc Khôi. Quân Khôi đến 1266 người bị giết, chôn chúng vào một huyệt gọi là “mả ngụy”. Con Khôi tên là Lê Văn Câu cùng 5 người nữa (giáo sĩ người Pháp Marchand, Hoa kiều tên Bốn Bang, tên Giai cũng 2 tướng kiệt liệt của ông là Hoành và Trám) bị đóng củi giải về Huế đem xử lăng trì. Theo mật tấu, quân triều chết đến 2.431 người và cả nghìn bị thương trong trận đánh thành, Minh Mạng kết tội Lê Văn Duyệt, ra lệnh san bằng phần mộ, dựng tấm bia ghi: “Quyền yểm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ” (đây là nơi tên yêm hoạn Lê Văn Duyệt chịu phép nước). Mãi đến đời Tự Đức mới phục hồi danh dự cho Duyệt quận Công. Từ nơi quân thứ Biên Hòa, lúc đang đánh nhau dữ dội mà “đánh bại giặc ở trạm Vĩnh Long, phá tan hết xung phong của giặc là chiến công đệ nhất” (sđd tr 378), thảo nghịch hữu tướng quân Phan Văn Thúy lâm kịch bệnh, đau đầu đỏ mặt, ngài dâng biểu xin về kinh, đến ngang Khánh Hòa thì bị mất. Mùa thu tháng 8 Quý Tỵ (1833), ngài Hậu quân trút hơi thở cuối cùng, trải 45 năm trận mạc, tròn 72 tuổi. Quan tinh Khánh Hòa đem việc tâu lên, vua nghĩ “ông là vị lão thần, làm quan từng trải khổ nhọc rất là thương tiếc, bèn cho bãi triều một ngày, truy tặng hàm Thiếu Bảo, cho tên thụy Trung Tráng, ưu cấp cho tiền bạc. Khi đưa quan tài về, sắc chỉ cho quan hữu tự lập đàn ở bến sông Hương để Hoàng tử (Vĩnh Hoàng Công Miên) khâm mạng vua ra rót rượu làm lễ (Lễ tế tửu dâng rượu vua ban) và lại sai quan đến tế ở nguyên quán Đăng Xương, Quảng Trị” (QSQTN, T1, tr 127).

Tháng 11 năm Minh Mạng thứ 20 (1839) vua dựng bia Võ Công, cả thảy 20 người khắc tên vào bia đá dựng ở Võ Miếu (cạnh Văn Miếu) để tỏ bày chiến công, “sai lấy Trương Minh Giảng đứng công đầu”. Tên ngài Hậu quân ở Võ Công tả bia gồm 5 vị theo thứ tự: Trương Minh Giảng, Phạm Văn Tâm, Tạ Quang Cự, Phan Văn Thúy và Mai Công Ngôn.

Lịch sử bao giờ cũng diễn ra trên hai bình diện: Chính diện và phản diện. Nghiên cứu, giới thiệu hoặc ở mặt này, hoặc ở mặt khác hoặc cả hai mặt của một vấn đề ở một con người cũng là điều bổ ích và lý thú: “Nhất tướng danh công thành”, một đời trận mạc như lão tướng Phan Văn Thúy có thể là đại công với triều Nguyễn nhưng lại không công với triều khác. Xem ra công bằng trước những ngã ba lịch sử cũng là việc khó. Ở mức độ cho phép tôi xin khép lại công việc tìm hiểu một nhân vật lịch sử của quê hương Quảng Trị và đất nước.

                                                                                                  Y.T

_______________

(1) Hai tấm bia này nằm ở một xóm tách biệt gọi là xóm càng thuộc địa phận làng Câu Hoan, xã Hải Thiện, Hải Lăng, Quảng Trị.

Y Thi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 9 tháng 06/1995

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

2 Giờ trước

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

2 Giờ trước

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

2 Giờ trước

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

2 Giờ trước

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

29/04

25° - 27°

Mưa

30/04

24° - 26°

Mưa

01/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground