Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 11/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Phát huy chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới tại Quảng Trị

Quảng Trị - vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa; có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, “Trên cái giang sơn dằng dặc như chiếc võng này, có một điểm chùng quằn xuống, thắt lại, mừng như là hội tụ, đau như là chia ly, nghèo như chẳng còn gì nghèo hơn, giàu như thể gia tài ông cha dồn lại.

Ấy là Quảng Trị”(1). Tên Quảng Trị có từ đời Gia Long nhưng mảnh đất này đã tồn tại từ nghìn năm trên bản đồ nước Văn Lang. Những biến thiên lịch sử trải từ thế kỷ này sang thế kỷ khác cùng với sự hình thành những cộng đồng dân cư đa sắc màu đã tích tụ, giao thoa hình thành nên nhiều tầng văn hóa khác nhau. GS Trần Quốc Vượng khi nhận xét về văn hóa Quảng Trị, đã viết: “Cội rễ văn hóa Quảng Trị có gốc rất sâu, rễ rất bền, các bão tố của thiên nhiên khắc nghiệt và phong ba của xã hội loạn li, không dễ gì “đào tận gốc, trốc tận rễ” được cây văn hóa Quảng Trị...”(2). Chính điều này đã hình thành nên giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Quảng Trị. Những giá trị này đã trở thành những hằng số giúp cho con người Quảng Trị vượt qua khó khăn, thử thách cùng với cả dân tộc giữ vững nền độc lập và dựng xây đất nước, quê hương.

Phan Đặng Nhật Minh (Quảng Trị) nhận ngôi vị quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm 2017 - Ảnh: I.T

Phan Đặng Nhật Minh (Quảng Trị) nhận ngôi vị quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm 2017 - Ảnh: I.T

Về chuẩn mực của con người Việt Nam tại Quảng Trị

Trong bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu 8 giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam đó là: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.

Có thể nói, trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam không có những dị biệt quá khác lạ về chuẩn mực con người giữa những vùng miền khác nhau. Tuy nhiên, do vị trí địa lý, hoàn cảnh tự nhiên, điều kiện sinh tồn cũng như lịch sử hình thành nên chuẩn mực con người Quảng Trị vừa có các chuẩn mực của con người Việt Nam vừa mang những nét riêng biệt của một vùng đất  từng được coi là “trọng trấn” là “trấn biên” là “phên dậu” của Tổ quốc. Trong các cuộc trường chinh mở nước và giữ nước Quảng Trị là nơi gặp gỡ, tiếp nhận và giao thoa nhiều hệ văn hóa khác nhau (từ văn hóa bản địa Đại Việt đến văn hóa Hán, văn hóa Chămpa, văn hóa các tộc người thuộc ngữ hệ Ma lai đa đảo, ngữ hệ Môn Khơ me và cả văn hóa phương Tây). Những yếu tố, bối cảnh xã hội trên đã hun đúc và hình thành cho con người Quảng Trị có những biểu đạt riêng trong hệ thống những chuẩn mực con người Việt Nam.

Đề tài khoa học cấp tỉnh “Phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Quảng Trị trong thời kỳ hội nhập và phát triển” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị thực hiện các năm 2018 - 2020 đã xác định 6 phẩm chất nổi bật của con người Quảng Trị đó là: Yêu nước, nghĩa tình, cần cù, lạc quan, hiếu học và hòa đồng. Trong 6 phẩm chất ấy thì nổi bật hơn là: Yêu nước, cần cù và hiếu học.

Có thể khẳng định,“Yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam”(3). Yêu nước cũng là giá trị cao nhất, phẩm chất tốt đẹp nhất của con người Việt Nam. Điều này, không chỉ được rút ra từ nhiều cuộc hội thảo bằng bút mực, chữ nghĩa mà còn bằng chính xương máu của bao thế hệ người Việt Nam trong hàng ngàn năm lịch sử.  

Quảng Trị là một phần của giang sơn đất Việt, người Quảng Trị là một bộ phận máu thịt của dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, yêu nước - phẩm chất sáng ngời và quý báu nhất của người Việt Nam cũng chính là của con người Quảng Trị. Biểu đạt phẩm chất yêu nước của người Quảng Trị: Đó là nặng lòng với quê hương, xứ sở, yêu da diết từng mảnh làng, lối xóm nơi chôn rau cắt rốn của mình. Rồi từ tình yêu đã gắn liền với trách nhiệm, luôn khát khao được cống hiến được chung tay gây dựng cho quê hương ngày một giàu đẹp, cho cuộc sống của bản thân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc. Là ý chí quật cường không khuất phục trước những thử thách khốc liệt của thiên tai và trước mọi họa xâm lăng của kẻ thù; dũng cảm chiến đấu, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp bảo vệ quê hương, đất nước. Là thái độ tôn vinh những bậc đại nghĩa, những vị tiền nhân đã có công khai khẩn lập nghiệp gây dựng cơ đồ, những anh hùng dân tộc và tri ân sâu sắc những người đã ngã xuống vì sự trường tồn của đất nước.

Với người Quảng Trị, làng xóm, quê hương cùng với mảnh đất khai thiên lập ấp thuở ban đầu hết sức đặc biệt, cho nên tình yêu của con người Quảng Trị với quê hương, đất nước cũng rất đặc biệt. Con người trên mảnh đất này tự rèn giũa cho mình phải đoàn kết, kiên cường, gan dạ, dũng cảm để chiến thắng mọi hiểm họa, thử thách. Phẩm chất yêu nước càng nổi bật hơn từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Mảnh đất Quảng Trị trở thành “cái nôi cách mạng”.

Chiến tranh đã gây ra và để lại không biết bao nhiêu đau thương, mất mát cho đất và người Quảng Trị nhưng cũng từ đây nhiều tên đất, tên làng đã đi vào lịch sử… đó chính là hiện thân về phẩm chất yêu nước của con người Quảng Trị. Tỉnh Quảng Trị hiện có 501 di tích và phần lớn là những di tích lịch sử “biểu đạt” của phẩm chất yêu nước. Toàn tỉnh hiện có 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang quốc gia với hơn 55.000 mộ liệt sĩ là con em của 52 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đất anh hùng sản sinh ra những con người hào kiệt, tài năng, thấm đẫm lòng yêu nước, tiêu biểu như: Tổng Bí thư Lê Duẩn; Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đoàn Khuê; Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực; Phó Thủ tướng Trần Quỳnh; danh họa Lê Bá Đảng, nhạc sĩ Trần Hoàn, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà thơ Chế Lan Viên…

Tùy theo phong tục tập quán, điều kiện thiên nhiên và sự phát triển của khoa học và công nghệ nội hàm của “cần cù” mỗi quốc gia, vùng miền có cấp độ khác nhau. Nhưng có lẽ phẩm chất cần cù, chịu khó, chịu khổ, nhẫn nại đến mức cam chịu là một đặc điểm rõ nét của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước và con người Quảng Trị cũng không ngoại lệ.

Quảng Trị nằm ở trung tâm khu vực nhiệt đới gió mùa và là vùng chuyển tiếp giữa hai miền khí hậu Bắc - Nam nên thiên nhiên khá khắc nghiệt. Vùng đất được mệnh danh là “Ô châu ác địa”, thường xuyên đối mặt với biết bao thử thách, nắng hè chói chang, gió phơn Tây Nam gầm rú, bão giông quần thảo... PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam có cảm nhận: “Suốt chiều dài lịch sử, Quảng Trị là vùng đất luôn “đầy ắp” những bất lợi cho sự phát triển. Sự tích hợp giữa các điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt với sự tàn phá của chiến tranh nên có thể nói Quảng Trị là biểu tượng “độc nhất vô nhị” của tình trạng khó khăn cho sự phát triển, sự gian khổ của cuộc sống cũng như đức tính can trường và năng lực chống chịu của con người trước những thách thức gay gắt nhất”(4).

Người Quảng Trị có truyền thống hiếu học. Có thể lý giải truyền thống hiếu học của con người Quảng Trị trên 3 khía cạnh sau:

Một là, về nguồn cội của cư dân Quảng Trị, khi bắt đầu công cuộc mở cõi về Nam của các triều đại Đại Việt, nhất là giai đoạn Nguyễn Hoàng vào đóng đô ở Ái Tử - Trà Bát, đại đa số người dân vào lập nghiệp là dân vùng Thanh - Nghệ, một vùng đất hiếu học của nước Việt. Quảng Trị chỉ cách kinh đô Huế vài chục dặm nên việc học hành, thi cử cũng thuận lợi, mở đầu là Bùi Dục Tài đỗ tiến  hội thi khoa Nhâm Tuất 1502. Dưới triều Nguyễn có 3 người đỗ hoàng giáp, 11 người đỗ tiến sĩ, 180 người đỗ cử nhân, còn số người đỗ tú tài thì không đếm được. Trong số những người đỗ cử nhân hàng đại khoa, tỉnh Quảng Trị có 24 vị trong số 636 vị toàn quốc. Nếu chia tổng số cho 36 tỉnh thời bấy giờ, Quảng Trị đã vượt mức trung bình đến 7 vị. Hai là, điều kiện tự nhiên, cuộc sống nghèo túng cũng là động lực mạnh mẽ cho nhiều người quyết chí học hành, quyết tâm thi cử đỗ đạt để mong được thoát ra khỏi cảnh nghèo. Từng gia đình, từng dòng họ, từng làng xã đều làm hết sức mình để động viên con cháu học hành thành tài làm rạng rỡ tổ tông.

Thứ ba, hình thành chuẩn mực hiếu học của người Quảng Trị  yếu tố giáo dục: Vùng đất Quảng Trị thuộc về Đại Việt từ thời nhà Lý (thế kỷ XI) nhưng nền giáo dục Hán học thì được quan tâm sớm hơn. Trải qua các triều đại dù suy hay thịnh, dân tình phiêu tán hoặc có lúc làng xã bất an nhưng sự học ở Quảng Trị chưa bao giờ bị xao nhãng. Trong tiến trình lịch sử, Quảng Trị từng có 3 nền giáo dục: Giáo dục phong kiến, giáo dục tư bản và giáo dục xã hội chủ nghĩa. Tuy mỗi nền giáo dục có mục đích, phương thức khác nhau nhưng dù ở nền giáo dục nào thì người Quảng Trị đều có ý thức, thái độ tích cực với sự học. Khó khăn càng nhiều thì “khổ học” càng lớn. Đặc biệt, sự khuyến khích, hỗ trợ từ gia đình, dòng họ, cộng đồng… đã làm nên truyền thống hiếu học của người dân Quảng Trị ngày càng bền sâu gốc rễ. Có thể nhận thấy rằng, trong bất luận trường hợp nào người Quảng Trị cũng luôn có ý thức và thái độ học tập tốt. Con người Quảng Trị phải vừa học trong trường học vừa phải học nhiều ở trường đời, học một phần với thầy và còn lại phải tự học, tự hoàn thiện bản thân. Khó khăn càng nhiều thì sự khổ học càng lớn. Và cũng nhờ vậy, nên Quảng Trị tuy diện tích không lớn lại phải trải qua bao cuộc chiến tranh tao loạn, nhưng từ xa xưa vẫn sản sinh ra nhiều tài năng lớn, đỗ đạt cao, có chức vị cao trong xã hội, lại có những nhà khoa học lớn, những văn nghệ sĩ tài danh.

Nói về truyền thống hiếu học Quảng Trị có nhiều vấn đề cần bàn nhưng không thể không nhấn mạnh tinh thần: Khổ học. Một trong những minh chứng cho nhận định này, đó là từ tháng 8/1966 đến tháng 10/1967, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân khu vực Vĩnh Linh đã vượt qua mưa bom, bão đạn để đưa 3 vạn trẻ em từ 7 - 15 tuổi ra các tỉnh: Thanh Hóa, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình học tập. Tiếp đến từ tháng 11/1967, chỉ sau một thời gian ngắn khu vực Vĩnh Linh lại đưa 22.137 người ra Nghệ An để sơ tán và tiếp tục học hành. Có thể coi “Đây là cuộc hành hương vĩ đại vì con chữ”. Tiếp nối truyền thống hiếu học của cha ông, thế hệ trẻ Quảng Trị hôm nay nhiều người được giải thưởng cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế...

Phát huy các phẩm chất con người Quảng Trị trong thời kỳ mới

Như trên đã phân tích, yêu nước là phẩm chất sáng ngời và quý báu nhất. Đây là phẩm chất bao trùm, xuyên suốt thể hiện “chất” chính trị của công dân đối với đất nước, với dân tộc. Nội hàm của phẩm chất này ngoài những điểm chung thì với con người Quảng Trị có những nét riêng biệt. Vấn đề đặt ra, là trong thời kỳ hội nhập và phát triển người Quảng Trị cần phải tiếp nối phẩm chất yêu nước trước đó như thế nào? Nội hàm yêu nước hiện nay là gì và phải làm gì để thể hiện điều đó? Chúng tôi nhận thức rằng nội hàm phẩm chất yêu nước ngày hôm qua phải là chiếc cầu nối cho ngày hôm nay và mãi mãi về sau. Tuy nhiên nội hàm yêu nước hôm nay, không còn là “Xe chưa qua, nhà không tiếc” mà nội hàm yêu nước là phải gắn với mục tiêu, lý tưởng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Thể hiện ý chí quyết tâm thoát nghèo từ mỗi người dân để vươn lên làm giàu cho mình và xã hội, có ý thức giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững. Bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, đặt lợi ích quốc gia trên hết, tranh thủ đối tác để phát huy nguồn lực quốc gia nhằm nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, xu thế toàn cầu hóa tiếp tục phát triển mạnh mẽ, quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, sự cạnh tranh giữa các quốc gia dân tộc ngày càng gay gắt, thì tinh thần dân tộc càng phải trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước. Do vậy, yêu nước trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế phải khơi dậy tinh thần dân tộc, khát vọng vươn lên; kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế trên tinh thần dân tộc sẽ cố kết cả cộng đồng thành một khối thống nhất để gia tăng sức mạnh trong hợp tác và cạnh tranh.

Trong thời kỳ mới, mỗi người dân Quảng Trị phải thấu hiểu, tự hào và phát huy phẩm chất cần cù. Nội hàm của giá trị cần cù hiện nay không chỉ chăm chỉ, chịu khó, chịu khổ “đầu tắt, mặt tối, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà phải “cần cù suy nghĩ” đổi mới, sáng tạo để nâng cao giá trị sức lao động. Phải xây dựng phương pháp làm việc khoa học, tác phong làm việc chuyên nghiệp. Chuyển từ suy nghĩ, thói quen “thà chịu khổ chứ không chịu khó” sang “phải chịu khó để không bao giờ khổ”, chịu khổ luyện để học tập, nghiên cứu; chịu khó để chắt lọc trí tuệ nhân loại “Hút mật trăm hoa làm mật ngọt cho mình”. “Cần” phải đi đôi với “kiệm”, sự cần cù, chịu khó phải gắn liền với thực hành tiết kiệm trong lao động sản xuất và tổ chức cuộc sống của mỗi con người.

Phẩm chất hiếu học đã trở thành niềm tự hào, di sản tinh thần quý báu của người dân Quảng Trị, là một trong những “động lực tiềm năng” để tỉnh Quảng Trị cất cánh. Nhiệm vụ trong thời kỳ mới là phải làm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân tự hào về phẩm chất hiếu học của người Quảng Trị. Từ đó phát động toàn dân hướng đến, tham gia vào khoa học kỹ thuật. Ngày nay, người dân Quảng Trị có điều kiện thuận lợi hơn để học hành, phát huy tài năng. Việc học nhất là ý thức tự học, tinh thần học tập suốt đời phải là suy nghĩ thường trực trong mỗi người dân. Phấn đấu mỗi tổ chức, dòng họ, gia đình là một đơn vị học tập, nhân rộng nhiều mô hình học tập hiệu quả trong Nhân dân.

_______________

1 Tạp chí Văn hóa Quảng Trị, số 5/1991.

2  Địa chí Quảng Trị (tr. 2094).

3 Trần Văn Giàu, Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam.

4 Thông tin đối ngoại Quảng Trị, số 13 (11/2023) - Kinh tế Quảng Trị - tầm nhìn mới và phương thức phát triển.

HỒ ĐẠI NAM
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 357

Mới nhất

Bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề “Người lính với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Trị”

13 Giờ trước

Chiều ngày 10/12, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị phối hợp Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề “Người lính với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Trị” năm 2024.

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng

10/12/2024 lúc 12:24

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống Mỹ thuật Việt Nam và khai mạc Triển lãm hội họa Lê Hữu Quỳnh

08/12/2024 lúc 15:03

TCCVO - Sáng nay 8/12, tại thành phố Đông Hà, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Quảng Trị phối hợp với Chi hội

Tạp chí Cửa Việt đoạt giải Khuyến khích Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ X

03/12/2024 lúc 23:05

TCCVO - Tối ngày 3/12/2024, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Hơn 14.000 bức ảnh tham gia Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III

25/11/2024 lúc 23:57

TCCVO - Tối ngày 25/11/2024, tại Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội (Đống Đa, Hà Nội) diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III . Cuộc thi do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

12/12

25° - 27°

Mưa

13/12

24° - 26°

Mưa

14/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground