Nhà VHTT dân tộc Vân Kiều và Pa Kô tại huyện Đakrông - Ảnh: Thanh Linh
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị có diện tích tự nhiên 313.675 ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên của tỉnh. Toàn vùng có 44 xã, thị trấn miền núi, trong đó có 38 xã, thị trấn là vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là dân tộc Vân Kiều và Pa Kô. Theo thống kê gần đây, đồng bào Pa Kô cư trú ở 13 xã, 50 thôn bản (thuộc huyện Hướng Hóa và Đakrông), đồng bào Vân Kiều cư trú ở 38 xã, 162 thôn bản (thuộc huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh và Vĩnh Linh). Về dân số và địa bàn cư trú thì đồng bào Vân Kiều có số dân đông và địa bàn cư trú rộng lớn hơn so với đồng bào Pa Kô. Tính đến thời điểm 1/1/2024 thì dân tộc Pa Kô có 5.273 hộ, dân tộc Vân Kiều có 16.687 hộ.
Địa bàn sinh sống của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở Quảng Trị rất gần nhau nên có điều kiện hòa đồng về phương diện văn hóa. Trong nếp sống hàng ngày hoặc trong phong tục, lễ nghi, lễ hội… giữa hai dân tộc có giao thoa về văn hóa. Tuy nhiên, văn hóa Vân Kiều, Pa Kô vẫn lưu giữ những nét đặc trưng riêng, nó thể hiện quan niệm của mỗi dân tộc về sự vật, hiện tượng, thần linh… đều tác động, chi phối đến đời sống của họ khiến họ hàm ơn, đáp trả bằng lễ vật và lòng thành; họ sợ hãi bằng cách cống nạp, hiến dâng; căm ghét bằng cách loại trừ, tận diệt…
Với những đặc trưng về nhà ở (nhà sàn), trang phục (thổ cẩm, hàng thêu dệt), ẩm thực (các món ăn truyền thống, thức uống bản địa), các phong tục (cưới xin, ma chay, dựng nhà, chọn đất…), các lễ hội truyền thống (cơm mới, a riêu ping), kể cả những câu chuyện mang yếu tố thần linh, huyền bí (bùa ngải, phép thổi, những vật linh thiêng…) nó cũng nằm trong những đặc trưng văn hóa của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô.
Khi đi nghiên cứu sâu vào những đặc trưng văn hóa Vân Kiều, Pa Kô, chúng ta mới thấy rằng nó có những nét độc đáo không trộn lẫn vào đâu được. Hay nói đúng hơn nó mang tầm vóc lớn, nhất là đối với vai trò giá trị văn hóa của cộng đồng tộc người thì đồng bào Vân Kiều, Pa Kô bằng đời sống của cá nhân, cộng đồng đã tạo nên những giá trị mà nó là thước đo để khẳng định dân tộc mình, vừa là đòn bẩy để phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa. Chúng ta có thể tìm hiểu những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở Quảng Trị qua một số phong tục, lễ nghi, lễ hội… để thấy rằng nó có thể đáp ứng yêu cầu của thời đại đó là phát triển bền vững.
Đồng bào Vân Kiều, Pa Kô có lễ hội quy mô lớn đối với cộng đồng là lễ Mừng lúa mới mà chúng tôi thường gọi Tết của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô diễn ra từ tháng 10 - 12 âm lịch.
Nếu người Việt ở Quảng Trị đón mùa xuân trong khoảnh khắc giao thừa giữa đêm cuối tháng Chạp và đầu tháng Giêng thì đồng bào Vân Kiều, Pa Kô đón mùa xuân từ rất sớm. Cứ từ tháng 10 đến tháng Chạp là núi rừng Trường Sơn thơm mùi cơm lúa mới. Lúc này Tết mừng lúa mới của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô được tổ chức từ thôn này đến thôn khác, từ xã này đến xã khác. Dịp này con cháu dù ở xa mấy cũng về. Rất nhiều thôn tổ chức Tết mừng lúa mới vào cùng một thời điểm. Cứ mỗi năm một lần, Tết mừng lúa mới là lễ hội cúng Thần lúa với lời cầu mong cho mùa màng năm sau được tốt tươi.
Tết mừng lúa mới là lễ hội mùa màng, là mùa xuân hi vọng mới vào thành quả lao động nông nghiệp của đồng bào giữa núi rừng Trường Sơn. Đối với đồng bào Vân Kiều, Pa Kô sự chờ mong vào mùa màng là niềm lạc quan khiến mùa xuân của lòng người đến sớm hơn và hạnh phúc cũng lớn hơn.
Lễ A riêu ping của người Pa Kô và lễ Ra Pựp của người Vân Kiều, đều có những hoạt động liên quan đến người đã mất. Với rất nhiều lễ nghi khác nhau đã ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm linh của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô. Nó lan tỏa đến cộng đồng dân cư, vừa mang những giá trị văn hóa, vừa khẳng định đây là văn minh của người Pa Kô, Vân Kiều.
A riêu ping được tổ chức trong cộng đồng dân tộc Pa Kô từ 5 - 10 năm một lần. Đây là lễ “bốc mộ”. Khi hội đồng già làng thống nhất ngày làm lễ, mỗi gia đình trong thôn bản chuẩn bị lễ vật, cơ sở vật chất để thực hiện lễ A riêu ping. Người dân thôn bản chọn khu đất rộng ở bản làng để dựng chòi lớn, thực hiện nghi lễ và tiến hành bốc mộ. Tục này tương đồng với tục “cát táng” của người Việt, nhưng quy mô của A riêu ping rất lớn, thường được thực hiện toàn thôn, có khi một vài thôn với những nghi lễ tâm linh rất cầu kỳ.
Những hồi trống tại Lễ cúng Ra Pựp của đồng bào Vân Kiều - Ảnh: Thanh Long
Ra Pựp là lễ cúng mộ. Đây là nghi lễ tỏ lòng tưởng nhớ của đồng bào Vân Kiều đối với tổ tiên, ông bà, những người thân đã mất. Thường được tổ chức vào tháng 2 âm lịch, với chu kỳ 5 - 10 năm và được xem là “giỗ họ”. Nghi lễ và lễ vật, địa điểm thực hiện tương tự lễ A riêu ping của người Pa Kô. Tuy nhiên, người Vân Kiều không tổ chức bốc mộ. Họ chỉ lấy một ít đất tượng trưng cho vào ống tre, nứa… sau đó mai táng và thực hiện lễ nghi.
Miền tây Quảng Trị, nơi lưu giữ rất nhiều câu chuyện liên quan đến sự ra đời, sự sống của người Vân Kiều, Pa Kô. Cuộc sống dẫu có nhiều thay đổi nhưng các câu chuyện đó được người Vân Kiều lưu truyền mãi cho đến tận ngày nay. Đó là những câu chuyện nhuốm sắc màu liêu trai, huyền thoại, có khi là huyễn hoặc như chuyện cá thần, bùa yêu… Còn rất nhiều lễ nghi, phong tục tập quán, những câu chuyện huyền thoại, những lời đồn đoán… liên quan đến đời sống văn hóa của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô luôn có sức hấp dẫn đối với rất nhiều người. Và để phát huy giá trị văn hóa truyền thống đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hàng chục năm qua, Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương, nhân dân đã nỗ lực rất nhiều đối với sự nghiệp giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung cũng như đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở Quảng Trị nói riêng. Chính quyền các cấp ở Quảng Trị đã phối hợp với địa phương, đặc biệt là các nghệ nhân, đội văn nghệ quần chúng… để khôi phục, duy trì văn hóa Vân Kiều, Pa Kô bản địa. Các hoạt động này đã giúp địa phương khôi phục được các làn điệu dân ca, các điệu múa, các đội cồng chiêng, hình thành cơ sở dệt thổ cẩm truyền thống và sản xuất trang phục, nhạc cụ… của đồng bào.
Văn hóa và giá trị văn hóa nó có cội nguồn của nó, không phải ở chỗ nghèo hay giàu mà ý thức của mỗi người (tộc người) đối với dân tộc của mình. Ý thức quyết định rất nhiều, nhất là đối với việc chứng minh bạn thuộc dân tộc nào. Bởi vậy, rất nhiều hoạt động, lễ nghi ở cấp cơ sở, ở tỉnh huyện, trung ương cần có những quy định ràng buộc đối với trang phục truyền thống, nếu rộng hơn có thể có thêm một số hoạt động văn hóa bên lề, hoặc chính thức để có nơi cho đồng bào các dân tộc thiểu số ít nhiều thể hiện mình trước công chúng. Cũng có thể thực hiện với văn hóa ẩm thực, văn hóa dân gian, các làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống, tiếng nói và chữ viết của đồng bào… đây là cơ hội tốt, môi trường rất tốt để đồng bào giới thiệu mình trước mọi người.
Trong hoạt động kinh tế, đặc biệt là việc hình thành vùng sản phẩm, vùng đặc trưng thương mại, vùng nông sản truyền thống, vùng đặc sản… nếu phát triển khéo cũng là chuỗi giá trị trong việc phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Ở Quảng Trị, một thôn đặc biệt khó khăn như Đá Bàn (xã Ba Nang, huyện Đakrông) được người gần xa biết đến với vùng đặc sản rượu men lá. Tuy đang “loay hoay” với việc tiếp thị ra thị trường nhưng rượu men lá Đá Bàn đang là một thương hiệu rượu nổi tiếng của miền Trung và các tỉnh lân cận. Hay như vùng chuối Tân Long, mặc nhiên không chỉ có đồng bào Vân Kiều, Pa Kô mới trồng và bán chuối mà nó là thương hiệu nổi tiếng của cả nước, về sản phẩm chuối của miền núi Quảng Trị. Văn hóa được sinh ra từ đời sống, từ hoạt động thường ngày (duy trì và phát triển mới, kể cả những giá trị sáng tạo) cũng là động lực, là nguồn di dưỡng cho sự phát triển bền vững.
Cán bộ làm văn hóa cũng được xem là nguồn tài nguyên con người cho sự phát triển và phát huy những giá trị văn hóa. Bởi vậy việc đào tạo gắn với bố trí, sử dụng cán bộ văn hóa rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hóa của dân tộc. Muốn phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc thì con người làm văn hóa là nhân tố rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hóa.
Du lịch là đòn bẩy, là cầu nối, là “kênh” tốt nhất để phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Những khu du lịch cộng đồng, đích thân đồng bào Vân Kiều, Pa Kô gầy dựng bước đầu đã khẳng định được vai trò của mình. Khu du lịch cộng đồng Klu, A Lao (huyện Đakrông), khu du lịch cộng đồng Chênh Vênh, Tà Puồng (huyện Hướng Hóa)… đã mang lại những sắc thái mới cho diện mạo miền núi. Đặc biệt là vai trò của nó đối với việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở Quảng Trị. Hoạt động du lịch ở vùng đồng bào phát triển đồng nghĩa với những giá trị về văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống, nhà ở, các làn điệu dân ca, trang phục, phong tục tập quán… vừa được đánh thức vừa được giới thiệu, quảng bá ra bên ngoài đối với du khách trong nước và quốc tế. Du lịch đã “lôi kéo” được rất nhiều người đến với “thực đơn văn hóa” Vân Kiều, Pa Kô. Cùng với nó là hoạt động lễ hội song trùng với hoạt động du lịch, dã ngoại… sẽ tiếp nối cho sự phát triển bền vững trong cộng đồng Vân Kiều, Pa Kô.
Những giá trị truyền thống văn hóa của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô như lễ hội dân gian, phong tục tập quán, trang phục truyền thống, văn hóa ứng xử của đồng bào với tự nhiên và con người… hầu như nguyên vẹn. Nó không bị mai một, không bị mất đi, vấn đề ở chỗ người tiếp cận nó và giới thiệu nó ra bên ngoài, nó cần có chỗ để “trưng bày văn hóa”. Và nội tại trong cuộc sống đồng bào Vân Kiều, Pa Kô vẫn diễn ra cùng với thời gian, địa điểm, những luật tục, lễ nghi… mà ông cha họ đã thực hiện trước đây hàng thế kỷ.