Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Phó bảng Trần Viết Thọ - con người khẳng khái, thung dung

P

hó bảng Trần Viết Thọ sinh ngày rằm tháng 9 năm Bính Thân, tức ngày 24 tháng 10 năm 1806, dưới thời vua Gia Long (1802 - 1820) tại làng Thâm Triều, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị nay là xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị trong một gia đình nho học. Ông có huý làThanh Phúc, tự là Chu Toàn, hiệu là Điềm Tịnh. Ông cũng có tên tu hành là Cư sĩ Đại Sư.

Thuở còn nhỏ ông được học chữ Hán tại làng mình và đã sớm bộc lộ tư chất thông minh, sáng dạ. Lớn lên, ông rời làng quê lên tỉnh lỵ Quảng Trị để tiếp tục học tập. Ít lâu sau, ông được gia đình cho vào kinh đô Huế để theo đuổi sự nghiệp bút nghiên. Ở đây, ông trở thành một môn sinh nổi bật hơn hẳn các bạn đồng học, nên đến năm Giáp Tý, năm Tự Đức thứ 17, 1864, Triều đình đã cấp học bổng cho ông, nhờ vậy việc dùi mài kinh sử của ông được thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho ông thể hiện trí tuệ và tài năng của mình. Nhờ vậy, ông đã dễ dàng đổ Cử nhân tại trường Thừa Thiên, khoa thi Hương năm Tự Đức thứ 20, tức năm Đinh Mão, 1867 lúc mới 31 tuổi.

Tiếp sau đó ít năm, ông dự kỳ thi Hội năm Tự Đức thứ 24, khoa thi Tân Mùi, 1871 và đỗ Phó bảng ở tuổi 35.

Năm Tự Đức thứ 26, 1873, Triều đình bổ nhiệm ông chức Giáo thọ phủ Quảng Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Đến năm sau, năm Tự Đức thứ 27, 1874, ông được thăng chức Tri huyện huyện Hưng Nhân, tỉnh Thanh Hoá. Gần ba năm sau, năm Tự Đức thứ 30, 1877, ông được Triều đình cử làm Giáo thọ huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, rồi đến năm Tự Đức thứ 35, 1882, ông lại tiếp tục được thăng chức Huấn đạo phủ Nam sách, tỉnh Hải Dương.

Qua nhiều năm làm việc ở các phủ huyện nhiều tỉnh, vốn là một nhà khoa bảng có nhân phẩm và sống thanh bạch, Phó bảng Trần Viết thọ đã tận mắt nhìn thấy thực trạng đau lòng về nạn mua quan bán tước, về tệ nạn quan lại ức hiếp dân đòi hối lộ mà ông luôn luôn giữ mình trong sạch, với một lòng thương dân.

Chính vì vậy mà một số trọng thần của Triều đình như Biện lý Bô lại Nguyễn Hữu Độ, Tổng đốc Vũ Trọng Bình… đã nhìn thấy phẩm chất liêm khiết và cương trực, tài năng và sự tận tuỵ của Phó bảng Trần Viết Thọ nên đã tiến cử lên vua Tự Đức cất nhắc, giao nhiệm vụ trọng yếu hơn. Năm Tự Đức thứ 36, 1883, Triều đình đã phong cho ông hàm Chánh lục phẩm với chức Hàm lâm viện Trước tác và gọi về Kinh đô giao nhiệm vụ Chủ sự Bô Lại kiêm Cơ mật Hành tẩu.

Xa rời các phủ huyện mà ở đó nhiều điều mắt thấy tai nghe đã từng làm cho ông trăn trở, đau lòng, khi trở về kinh đô, ông toàn tâm toàn ý phụng sự vương triều, cùng lo toan, chia sẻ những công việc trọng yếu của đất nước, như nghiên cứu đề xuất hoặc trực tiếp soạn thảo các sắc dụ vua ban có liên quan đến quốc tế, binh cơ trong quan hệ với ngoại bang hoặc các chỉ, cáo vua ban liên quan đến việc điều hành việc nước, bổ dụng, sắp xếp, thăng thưởng quan lại và việc tham gia giảng tập cho các hoàng tử, công chúa trong cung…

Nhưng điều mà ông tâm đắc chẳng kéo dài được bao lâu, lại trở thành nỗi phiền muộn khôn nguôi trong lòng ông khi thực dân Pháp tiến hành xâm lược nước ta.

Ngày 19.7.1883, vua Tự Đức băng hà, nội bộ Triều đình lục đục, chia bè kéo cánh trong việc suy tôn vua kế nghiệp. Trong bối cảnh triều đình rối loạn, thực dân Pháp đã đưa sáu chiến hạm đến cửa biển Thuận An dưới sự chỉ huy của các tướng Courbet và Harmand ngày 14.8.1883. Và đến chiều 16.8.1883, hạm đội Pháp bắn phá dữ dội các đồn duyên hải của ta và ngày 20.8.1883, chúng chiếm cửa biển Thuận An.

Triều đình ngày 25 tháng 8 năm 1883 buộc phải ký với Pháp Hoà ước năm Quý Mùi hayHoà ước Harmand, một hiệp ước hoà bình, nhưng thực chất là một hiệp ước đầu hàng, chấp nhận trao hết quyền quan hệ đối ngoại cho Pháp, mất lãnh thổ, mất chủ quyền, chịu sự bảo hộ của Pháp.

Ngày 6 tháng 6 năm 1884, thực dân Pháp lấn thêm một bước nữa, buộc triều đình ký Hoà ước năm Giáp Thân hay Hoà ước Patenôtre làm rõ hơn quy chế bảo hộ của Pháp đối với Việt Nam, nhất là chấm dứt quan hệ giữa Việt Nam và Trung Hoa và sau Hoà ước này, Pháp buộc triều đình huỷ ấn Nhà Thanh phong vương cho vua Việt Nam.

Buồn phiền về nhân tình thế thái, Phó bảng Trần Viết Thọ xin cáo bệnh về quê năm Kiến Phúc thứ hai, 1884.

Vào thời kỳ đầu của năm Hàm Nghi thứ nhất, 1884, ở tỉnh thành Quảng Trị đã xảy ra một sự biến: quân phiến loạn mượn tiếng xướng nghĩa nổi lên cướp tỉnh thành, quân bảo vệ thành không đánh dẹp được, nên tỉnh đường rơi vào tay quân phiến loạn. Được tin, Phó bảng Trần Viết Thọ từ quê ra tỉnh lỵ ngay, đến gặp người cầm đầu phiến quân lấy lời hơn lẽ thiệt phân giải đúng sai trong cảnh nước nhà gặp nạn xâm lăng. Người cầm đầu phiến quân sau khi nghe xong cho là phải, liền ra lệnh rút lui, giải thể phiến quân, nhờ vậy quan quân của tỉnh nhà của ông nhân đó thu lại tỉnh thành.

Mến mộ một trung thần có tài cao đức trọng, năm 1885, để tưởng thưởng công lao giảng tập của ông ở cung đình trong những năm qua, vua Hàm Nghi đã phong cho ông hàm Hàn Lâm Viện Thị Giảng Học Sĩ và tái bổ nhiệm trong năm đó làm Án sát sứ tỉnh Quảng Nam.

Nhận chức, hàm mới, nhớ lại những hoài bão thời còn là sĩ tử đem sức mình giúp cho nước, lo cho dân, Phó bảng Trần Viết Thọ hăng hái lên đường vào xứ Quảng nhận nhiệm vụ mới. Nắm cán cân công lý ở một tỉnh lớn, ông mong bản thân mình sẽ làm được những điều hữu ích cho người dân đang chịu đựng những điều bất công của hai tầng áp bức do quan lại và thực dân Pháp gây ra.

Được tin có quan Án thanh liêm mới về tỉnh, những người dân bị oan sai ở xứ Quảng hết sức vui mừng. Quan Án Trần Viết Thọ cũng chia sẻ với dân chúng địa phương về trách nhiệm thay mặt triều đình ở địa phương và nhiều vụ án oan sai trước đó đã được ông xem xét lại và trả lại công bằng cho nhiều người.

Có một vụ án làm cho ông được nhân dân xứ Quảng nhớ mãi không quên. Tháng 5 năm vua Đồng Khánh thứ hai, 1887, ông thụ lý một vụ án giữa một trung nông ở phủ Tam Kỳ và một phú hào cùng quê. Vụ khiếu kiện đó đã xảy ra cách đấy mấy năm trước khi ông đến nhậm chức: trong lúc gia đình gặp chuyện khó khăn đột xuất, người trung nông đem 5 mẫu ruộng nhà mình cầm cho một phú hào trong vùng, hạn sau thời gian năm năm thì sẽ chuộc lại ruộng. Đến hạn, người trung nông đem văn tự cầm ruộng đến nhà phú hào để xin chuộc lại ruộng. Phú hào liền giở văn tự ra đọc rồi bảo: “Ruộng của anh đã đoạn mại cho tôi từ lâu, sao bây giờ lại còn đòi chuộc lại là ra làm sao?”. Người trung nông đem văn tự nhờ người có học trong làng mình đọc thì thấy đúng như vậy và biết mình đã bị tên phú hào lừa gạt vì mình kém chữ nghĩa. Quá oan ức, người trung nông làm đơn khiếu kiện lên quan Án, nhưng quan Án: đã được tên phú hào đút lót nên quan Án đã xét xử cho tên phú hào thắng kiện. Người trung nông bị thua kiện, đau xót mà không biết kêu với ai!

Đến nay nghe quan Án Trần Viết Thọ nổi tiếng thanh liêm về phủ, người trung nông viết đơn gửi lên quan Án với niềm hy vọng lấy lại được ruộng. Sau nhiều lần xem xét hồ sơ vụ án, kiểm tra văn tự bán ruộng, quan Án mới đã phát hiện ra chỗ sửa chữa văn tự của tên phú hào. Ông cho trát về làng gọi tên phú hào lên phủ đường vạch rõ tội chữa văn tự cho y nghe và buộc y phải trả lại ruộng cho người nông dân, nhưng y giả vờ kêu oan, sau đó tên phú hào ra Huế, xin gặp Khâm sứ Trung kỳ Lous Baille để đút lót cầu cứu.

Mấy hôm sau, quan Án sát Trần Viết Thọ nhận được công văn triệu tập của Toà Khâm. Đây là lần đầu tiên quan Án phải đối mặt với quan Tây. Hồi ở Bô Lại, ông chỉ tiếp xúc với Chính phủ Bảo Hộ qua công hàm. Sẵn có mối bất bình trong lòng đối với thực dân Pháp, nên buổi làm việc giữa ông và quan Tây Khâm Sứ Trung Kỳ diễn ra khá nặng nề, nhất là khi quan Tây xẳn giọng nói: “Ông ăn cơm ai, đội mũ mặc áo ai ban mà lại đi xử cho tên dân cày được kiện?” Rồi quan Tây nói tiếp:“Cơm ông ăn, áo ông mặc là do những địa chủ, phú nông đóng góp! Sao ông không biết điều đó để bảo vệ cho họ?”

Quan Án Trần Viết Thọ biết ngay những lời nói đó liên quan đến vụ kiện sửa văn tự từ “cầm cố” đến “đoạn mại” mà ông vừa xử gần đây. Vốn là một người có bản lĩnh tiết kháo, quan Án hắng giọng rồi trả lời: “Án sát sứ là chức quan cầm cân nẩy mực, giữ gìn cán cân công lý, thanh trừng quan tham ô lại, chấn hưng kỷ cương, phép nước. Nếu chỉ vì miếng cơm manh áo của mình mà hạ quan đổi trắng thay đen thì triều đình làm sao giữ được nước, trị được dân?”

Quan Tây bảo hộ không lường được phản ứng cương quyết và sắc bén của viên quan Nam Triều, nên giở thói hồ đồ. Quan Khâm Sứ liền đứng dậy, đập tay xuống bàn thật mạnh rồi nói những điều chướng tai mà người thông ngôn không muốn phiên dịch lại. Bao nhiêu bực bội, phẩn uất dồn nén bây lên trong lòng quan Án sát đến nay được dịp phát ra không kìm nổi. Quan Án cũng liền đứng lên, vung mạnh cây gậy trúc đang cầm sẵn trong tay vào người quan Tây. May mà người thông ngôn đã nhanh tay đỡ chiếc gậy trúc trước khi nó nện xuống đầu quan Khâm sứ…

Trong thời kỳ này, vua Hàm Nghi (1884-1889) xuất bôn xuống Chiếu Cần Vương kêu gọi tầng lớp sĩ phu và nhân dân đứng lên chống Pháp, lật đổ chế độ cai trị của chúng, nên Khâm sứ Trung Kỳ Lous Baille hiểu rất rõ “vụ Án sát Sứ Quảng Nam” là một biểu hiện chống đối của tầng lớp sĩ phu đối với nhà cầm quyền Pháp ở Trung Kỳ trong khi phong trào Cần Vương đang lan rộng, đặc biệt là ở Quảng Nam Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam do Tiến sĩ Trần Văn Dư và phó bảng Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo trong những năm 1885-1887 mà ông đã hưởng ứng, vì vậy Khâm sứ Trung Kỳ tỏ ra dè dặt, không muốn làm to sự việc này ra.

Sau sự kiện tháng 5.1887 đó, Phó bảng Trần Viết Thọ không còn giữ chức Án sát sứ nữa mà triều đình giao cho ông chức vụ mới là Đốc học tỉnh Quảng Nam. Ông làm việc tại Trường Đốc đặt tại Vĩnh Điện gần tỉnh thành La Qua của Quảng Nam (nay là thị trấn Vĩnh Điện của huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Với cương vị mới này, ông lại toàn tâm toàn ý lo việc đào tạo các nhà khoa bảng cho địa phương. Trong thời gian làm việc tại đây những năm 1887 cho đến 1889, ông đã đào tạo được 5 cử nhân (gồm các ông Hồ Sĩ Lâm, năm 1887, Huỳnh Tế, Trương Lâm, Nguyễn Chức và Nguyễn Đình, năm 1888) và một Tiến sĩ (ông Nguyễn Khải, năm 1889). Đó là sự đóng góp đào tạo nhân tài đáng kể của ông cho vùng đất “địa linh nhân kiệt” này.

Năm Thành Thái thứ nhất 1889, ông chuyển về làm Đốc học tỉnh nhà Quảng Trị. Nhiều năm liền. Triều đình cử ông ra Trường thi Nghệ An làm quan giám khảo. Sĩ tử xứ Nghệ nhiều lần chứng kiến quan Giám khảo người sông Thạch Hãn thực sự có kiến thức uyên thâm, xử lý nghiêm minh, thấu tình đạt lý những tình huống xảy ra trong Trường thi nên đã tỏ thái độ khâm phục và kính ngưỡng.

Trong thời gian làm việc ở Kinh đô, tuy bộn bề công việc của Triều đình, nhưng Phó bảng Trần Viết Thọ vẫn sáng tác văn thơ. Ông đã cùng với ông Hồng Vịnh sáng tác tác phẩm “Hàm Long Sơn Chí”, một tác phẩm đồ sộ mà hai vị để lại cho đời sau. Ngoài ra, Phó bảng Trần Viết Thọ còn sáng tác các tác phẩm “Chu Gia Thi Văn” và “Bảo Quốc Tự Lục” và nhiều tác phẩm khác. Những tác phẩm kể trên được giáo sư tiến sĩ Lê Mạnh Thát dịch và chú giải một cách công phu và sẽ được Nhà xuất bản tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh xuất bản trong nay mai.

Trên con đường hoạn lộ, Phó bảng Trần Viết Thọ luôn luôn giữ mình và khuyên mọi người làm theo đạo của người quân tử lấy tiết tháo làm đầu. Với cách sống thanh cao đó, khi phục vụ ở kinh sư cũng như khi hành sự tại các phủ huyện, đâu đâu ông cũng được các đồng liêu, các bậc thức giả và nhân dân mến phục. Chán ngán thế sự phức tạp, năm Thành Thái thứ năm, 1893, ông xin triều đình hồi hưu.

Quan Tuần phủ liên tỉnh Trị- Bình Đào Hữu Ích nhận thấy việc ông đang đảm đương thực hiện được thuận lợi, được sĩ tử trong tỉnh tôn kính nên khuyên ông ở lại tiếp tục cùng nhau gánh vác công việc của Triều đình, nhưng ông từ chối. Các quan quản lãnh liên tỉnh cố tình không tấu trình việc ông xin về hưu lên triều đình. Chờ đợi mòn mỏi không thấy ý chỉ của vua, ông liền dặn các hiệu sinh của Trường Đốc mang ấn Học chính Quan phòng lên nộp cho Tỉnh đường rồi bỏ về quê trong năm 1893. Lúc này ông cũng đã 57 tuổi.

Ở quê nhà thoải mái, phần lớn thời gian ông tu khiền. Trong lúc thiền định, ông thấy mình hoà nhập với thiên nhiên bao la, gửi hết buồn phiền vào mây gió. Hàng ngày ông chỉ ăn hoa phượng, các loài hoa khác, uống nước lã và tụng kinh niệm Phật.

Gần một năm sau, Triều đình mới có chỉ dụ: ông được nghỉ dưỡng bệnh hai năm và giữ nguyên hàm Hàn Lâm Viện Thị Giảng Học Sĩ để tặng thưởng công lao giảng dạy, đào tạo nhân tài cho đất nước. Nhưng giờ đây, đối với ông chức vụ, phẩm hàm nào có ý nghĩa gì. Từ đấy, ông chỉ ăn chay, niệm Phật và không còn nghĩ đến chuyện đời nữa.

Ông sai con cháu dựng cho ông Am tổ tiên để ngày ngày phụng thờ Tam giáo (đạo Phật, đạo Khổng, đạo Lão) Ông luôn luôn tịch cốc, không ăn ngũ cốc mà chỉ ăn hoa và một ít trái cây. Thân thể ông ngày càng gầy đi. Nhưng trí tuệ lại càng minh mẫn. Ông dành một phần thời gian để viết Di chúc dặn dò con cháu những việc cần làm sau khi ông qua đời.

Một hôm ông cho mời toàn thể gia quyến đến Am tổ tiên để căn dặn:

Cha không hoàn thành được tâm nguyện đem trí thức giúp đời, cứu người. Nay cha muốn về với Phật… Các con phải chịu khó học đạo Thánh Hiền để hiểu được lẽ làm người. Học nhưng không thi cử. Chốn quan trường là nơi “miệng nam mô bụng bồ dao găm”, nơi ấy không phải là chỗ để các con mưu sinh! Để sống, các con chỉ được làm ba nghề: Làm ruộng, dạy học, làm thầy thuốc… Cha sẽ tự hoả thiêu để về với Phật. Khi thấy lửa cháy thì đừng dập tắt mà phải thành kính niệm Phật hết lòng để linh hồn cha được siêu thoát. Thương cha, các con hãy nhớ lấy mọi điều cha dặn…”. Cả nhà con cháu khóc lóc van xin, nhưng ông không nói gì thêm. Đó là ngày mồng 9 tháng 2 Kỷ Hợi, tức ngày 21.3.1899, năm Thành Thái thứ mười một.

Đêm hôm sau, ngày 10 tháng 2 cùng năm đó, tức ngày 22.3.1899, đợi đến thật khuya, ông châm đuốc phát hoả bốn góc Am tổ tiên, rồi nhanh nhẹn đến ngồi trên năm tấm tranh cỏ tẩm dầu đã trãi sẵn ở gian giữa của am, một tay cầm quyển kinh, một tay gõ mõ, miệng niệm Phật. Khi mọi người thức dậy thì ngọn lửa hồng đã bao trùm cả Am tổ tiên. Qua ánh sáng chập chờn của đám cháy, con cháu và dân làng thấp thoáng nhìn thấy Cư sĩ Đại sư Trần Viết Thọ đang ngồi tụng kinh, gõ mõ. Mọi người vô cùng thương xót, nhưng nhớ đến lời dặn của ông, mọi người thành tâm niệm Phật. Khi ngọn lửa bén đến tay áo rộng và quyển kinh, ông vẫn ngồi ngay ngắn trong tư thế thiền định. Cho đến khi ngọn lửa bao trùm cả toàn thân thì ông mới ngã xuống. Con cháu kêu khóc thảm thiết nhưng mọi người vẫn trong trật tự, chờ cho đến khi ngọn lửa tàn mới lao vào nâng thi thể ông lên, đặt trên giường…

Theo hồi cố của nhân dân địa phương thì vào đêm hôm đó không chỉ dân chúng ở vùng lân cận của làng Thâm Triều mà cả ở tận các huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, Phong Điền tỉnh Thừa Thiên, Do Linh và Cam Lộ tỉnh Quảng Bình… đã nói rằng chính họ đã nhìn thấy một vầng hào quang tựa như một áng mây mỏng màu vàng từ dưới đất huyện Đăng Xương dâng cao lên trời. Đó là một sự thật: Cư sĩ Đại sư Trần Viết Thọ đã tu hành đắc đạo và về với cõi Phật.

Vào thời đó, trên báo “La Pagode Bảo Quốc” tác giả người Pháp J.A.Laborde đã viết bài ca ngợi lòng dũng cảm với lòng thành kính và thán phục ông.

Tin quan Đốc học Trần Viết Thọ qua đời lan truyền đi rất nhanh. Thân bằng quyến thuộc, bà con nội ngoại, cả những người chỉ mới nghe tên ông, đã đến phúng điếu rất đông. Hơn hai trăm nhà sư ở các chùa trong vùng đã đến làng Thâm Triều lập đàn tụng kinh sám hối suốt một tuần cho Cư sĩ Đại sư

Chùa Từ Hiếu tặng cho nhà tu hành đắc đạo tấm bia cẩm thạch trên đó khắc những dòng sau: “Lâm tế Sùng kiến Cổ Tiên Am, huý Thanh Phúc, tự Chu Toàn, hiệu Điền Tịnh, Cư sĩ Đại sư… thương tiếc vị quan thông minh chính trực và có nhiều tài năng. Triều đình cử Đại thần đến viếng, tặng nhiễu điếu phủ quan tài và bia đá cẩm thạch… Hoàng triều cáo thọ Trần Hầu, tự Sơn Phủ Tiền liệt Đại phu, tán trị thiểu doãn…”

Sau khi ông qua đời, các con trai của ông giở Di chúc của thân sinh để lại thì thấy ông đã định sẵn ngày giờ tự hoả thiêu, nơi đặt sinh phần cũng như nhiều dặn dò khác… Toàn gia quyến đã thực thi những điều ông đã ghi trong Di chúc trong việc an táng ông.

Ông mất đi cũng đã để lại những tiếc thương cho những bậc thức giả, những vị đại thần của Triều đình. Thượng thư Bộ Lại Hiệp biện Đại học sĩ Nguyễn Thuật, Thượng thư Bộ Học Cao Xuân Dục, Thượng thư Đông các Đại học sĩ Trương Quang Đản, Thượng thư Hiệp biện Đại học sĩ Nguyễn Hà Đình, Tổng đốc Hoàng Cao Khải, Văn minh điện Đại học sĩ Hoàng Thái Xuyên… đã đến viếng ông và chia buồn cùng gia quyến.

Thượng thư Trương Quang Đản đã viếng ông đôi câu đối đến nay vẫn còn truyền tụng:

Mượn lửa kết duyên trần, bạn bè đồng khoa còn nghị luận

Đời sau cầm bút chép, thiên nho kinh sử góp thành biên

Câu đối viếng của Thượng thư Cao Xuân Dục còn vang vọng đến ngày sau:

Khoa danh vào sổ, biển hoạn thăng trầm, trầm mộng đã về theo lửa hết

Bỏ mũ từ quan, núi hương qua lại, buồn đau dồn cả lửa lò không

Câu đối viếng của Thượng thư Nguyễn Hà Đình mang đậm màu triết lý:

Tu được thế có mấy người. Chi còn hỏi trước Trời sinh để sau thành Phật

Chết thế nào không biện luận. Không là người khảng khái khó giữ được thung dung

Phó bảng Trần Viết Thọ (1806 -1899) là một hiện tượng đặc biệt về một nhà đại khoa có đời sống thanh cao, liêm khiết, trung trực và tiết tháo với sự vĩnh biệt cõi đời khác người. Gia sản của ông ngoài sách vở Thánh Hiền không có gì đáng giá, nhưng ông đã để lại cho hậu thế một tấm gương sáng ngời về một con người chân chính.

Cho mãi đến ngày nghĩ hưu, các đại thần ở Triều đình mới ưu ái giúp cho ông một ít tiền thì ông mới có thể mua đất xây cho mình một ngôi nhà. Tuy vậy, ngay từ rất sớm khi ông mới được ra làm quan khoảng một năm, ông đã dành dụm tiền lương để xây hai ngôi Từ đường vào năm Tự Đức thứ hai mươi lăm, 1872 với đầy đủ hoành phi, hương án bên trong. Những năm tháng phục vụ Triều đình, dù công việc công đường bề bộn, nhưng ông chưa bao giờ xao lãng việc thờ phụng tổ tiên.

Noi gương ông, con cháu đời sau ai ai cũng chăm làm, chăm học, sống trung thực, liêm khiết, tu nhân tích đức, thực thi Di huấn của ông.

                    N.P.T

 

 

 

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc Sứ Quán Triều Nguyễn Đại Nam Liệt Truyện

2. Tử Phát Cao Xuân Dục Quốc Triều Đăng Khoa Lục

3. Cao Xuân Dục Quốc Triều Hương Khoa Lục. 1962

4. Trần Thanh Bình Thân thế sự nghiệp của Ngài Hàn Lâm Viện Thị Giảng Học sĩ Trần Viết Thọ (chưa công bố). 2006

5. Phạm Ngô Minh, Trương Duy Hy Khoa bảng Quảng Nam dưới thời Nhà Nguyễn (1601- 1919). 1995

 

 

 
 
Nguyễn Phước Tương
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 185 tháng 02/2010

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground