Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Quảng Trị: Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ

Hội Bài chòi và nghệ thuật diễn xướng Bài chòi là những hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đã có từ lâu ở các tỉnh miền Trung trong đó có Quảng Trị. Ngày 07/12/2017, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, di sản Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ là gì

Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng ở miền Trung Việt Nam, về sau đã được phát triển thành một loại hình sân khấu ca kịch. Phạm vi nghệ thuật Bài chòi gồm 11 tỉnh, thành phố miền Trung: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Người ta thường chơi Bài chòi vào dịp tết Nguyên đán ở các vùng quê. Sân chơi có dựng 9 hoặc 11 chòi, chia thành 2 bên, mỗi bên 5 chòi, mỗi chòi cao độ 2-3m, rộng đủ vài ba người ngồi và một chòi trung tâm (chòi mẹ) ở giữa dành cho các vị chức sắc địa phương.

Bộ bài để đánh Bài chòi là bộ bài tam cúc cải tiến, gồm 33 lá. Vào cuộc chơi, anh hiệu (tức người hô thai) xốc ống bài, rút ra một con và xướng tên con bài lên. Để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, anh hiệu hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao, câu vè, câu hò có tên con bài. Nét độc đáo của Nghệ thuật Bài chòi dân gian chính là những câu vè, điệu hò gần gũi được rút ra từ những câu ca dao, tục ngữ xưa để lại hoặc do người hô thai tự phóng tác. Những câu hò, vè đều mang nội dung ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước... Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó "tới", xổ một hồi mõ dài. Khi đó, anh hiệu cầm lá cờ nhỏ, bưng khay rượu tới trao phần thưởng cho người trúng.

Các nhạc cụ được sử dụng trong Nghệ thuật Bài chòi thường là đàn nhị, song loan, kèn bóp, trống chiêng.

Nghệ thuật Bài chòi là một hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống đặc sắc của người dân các tỉnh Trung bộ Việt Nam. Bài chòi là sản phẩm văn hóa tinh thần độc đáo, nét đặc trưng văn hóa đặc sắc của vùng đất Trung bộ.

Cách thức và không gian trình diễn nghệ thuật Bài chòi ở mỗi nơi có một lối chơi riêng, mang truyền thống của từng vùng đất nhưng tựu chung vẫn thể hiện đầy đủ các yếu tố giải trí, cầu may và sự cố kết cộng đồng trong cuộc vui.

Nghệ thuật Bài chòi tại Quảng Trị

Nghệ thuật Bài chòi Quảng Trị mang đậm chất dân gian, thể hiện ở khía cạnh từ nội dung những điệu hò, câu vè, những người hô thai, cách trang trí các chòi chơi đều xuất phát từ sự sáng tạo của người dân.
Tại hầu hết các làng Việt cổ truyền trên địa bàn Quảng Trị từ những năm 1945 trở về trước đều tồn tại một hình thức giải trí vào dịp Tết - đó là đánh bài tới. Bài tới là một hoạt động giải trí chủ yếu giành cho phụ nữ ở độ tuổi trung niên trở lên ngồi đánh trên các sạp chiếu và chỉ mang tính chất nhỏ lẽ trong từng gia đình. Về sau, đánh bài tới tại một số làng quê đã phát triển lên một bước mới về quy mô và cách thức, các làng đã cho dựng chòi phía trước sân đình, sân chợ để tổ chức hội Bài chòi, Cờ chòi trong các dịp xuân đến, thu hút mọi lứa tuổi trong cộng đồng làng tham gia cuộc chơi. Từ đây, Bài chòi thực sự trở thành ngày hội của cộng đồng làng và được dân gian gọi là hội Bài chòi.

Từ năm 1945 đến 1975, do chiến tranh loạn lạc và những năm sau ngày thống nhất đất nước, do chưa hiểu hết giá trị truyền thống của nghệ thuật chơi Bài chòi, nên đã bị cấm đoán (Bài chòi được xem là một hình thức đánh bạc, sát phạt đỏ đen), nên hội Bài chòi tại các làng quê không được tổ chức và dần dần bị rơi vào lãng quên.

Cho đến những năm 1990, hội Bài chòi tại một số làng quê mới được khôi phục trở lại như: làng Tùng Luật, làng Cổ Mỹ (xã Vĩnh Giang); làng Đơn Duệ (xã Vĩnh Hòa)... Đặc biệt, tại làng Ngô Xá Tây, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong là một trong những làng ở phía Nam của tỉnh còn bảo tồn và phát huy được các trò chơi truyền thống đặc sắc như: Cờ Chòi, Bài chòi trong những ngày kết thúc năm cũ và đầu năm mới. 
Hàng năm, vào dịp Tết nguyên đán hội chơi Bài chòi đã được tổ chức tại Trung tâm văn hóa tỉnh và một số địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. 
Hội Bài chòi là một thú tiêu khiển, nhẹ nhàng tao nhã, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia từ người già đến trẻ nhỏ, thanh niên nam nữ trong vùng kể cả những người khách qua đường. Ở Quảng Trị, Bài chòi là một loại hình văn hóa phi vật thể có tính sáng tạo hàm chứa giá trị di sản văn hóa đặc sắc riêng biệt của vùng miền, sự tinh túy của người Quảng Trị.

Hiện trạng Bài chòi Trung bộ tại Quảng Trị

Tại Quảng Trị, trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2014, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh tiến hành nhiều đợt điều tra, nghiên cứu, kiểm kê bước đầu về “Tục chơi Bài chòi mùa xuân của người Việt” trên địa bàn một số làng - xã của tỉnh Quảng Trị.Tháng 10 năm 2014, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Học viện âm nhạc Việt Nam tổ chức tọa đàm về Bảo tồn và phát huy giá trị di sản “Tục chơi Bài chòi mùa xuân của người Việt tại Quảng Trị”.

Ngày 29/6/2018, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Trị, Sở VH-TT&DL phối hợp với Đài PT&TH Quảng Trị tổ chức Lễ vinh danh nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ vinh danh Nghệ thuật bài chòi là dịp quảng bá, tôn vinh những giá trị đặc sắc của Nghệ thuật Bài chòi Quảng Trị đến với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, từ đó khơi gợi lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc và nhân loại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước hiện nay, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cùng với công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đã ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống văn hóa tinh thần của con người Việt Nam nói chung, Quảng Trị nói riêng, đặc biệt là đối với giới trẻ. Các trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc đứng trước nguy cơ mai một, ngày càng ít người quan tâm, theo học.

Trong bối cảnh đó, di sản nghệ thuật Bài chòi là một trò chơi cũng bị ảnh hưởng đó là cách thức tổ chức Hội Bài chòi tại một số cộng đồng làng xã đã có nhiều thay đổi và dần mất đi tính cổ truyền, các câu hò thai không còn được người hô thai/người chạy bài/ông hiệu ứng khẩu mà chỉ hô trực tiếp tên các con bài được đánh; vật liệu dựng chòi không còn mang tính truyền thống mà được thay vào đó các vật liệu hiện đại, chòi chỉ sử dụng trong hội chơi, sau đó thì tháo bỏ, năm sau làm lại chòi mới, trang phục của Ban tổ chức nhất là người hô thai/người chạy bài/ông hiệu cũng không đồng bộ...

Việc UNESCO vinh danh Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm tự hào chung cho cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh niềm tự hào đó, trách nhiệm đặt ra là làm thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam để nó tiếp tục phát triển, lan tỏa, xứng đáng với vị trí, vai trò trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Giải pháp bảo tồn Bài chòi Trung bộ tại Quảng Trị

Trước hết, cần chú trọng công tác điều tra, kiểm kê, đánh giá toàn diện thực trạng về các giá trị văn hóa truyền thống của di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh. Trong đó, cần thống kê lại các nghệ nhân, câu lạc bộ đang thực hành di sản nghệ thuật Bài chòi.
Trên cơ sở đó, “lan truyền” Nghệ thuật Bài chòi bằng cách vận động và tạo điều kiện để các câu lạc bộ, nghệ nhân Bài chòi tổ chức truyền dạy, đào tạo cho thế hệ trẻ về kỹ năng thực hành di sản nghệ thuật Bài chòi tại địa phương; Giới thiệu di sản nghệ thuật Bài chòi vào trường học theo hình thức ngoại khóa; Tạo sân chơi cho các câu lạc bộ, đội, nhóm, nghệ nhân Bài chòi tham gia trình diễn Nghệ thuật Bài chòi thông qua các dịp lễ hội lớn của tỉnh.

Mặt khác, cần khai thác có hiệu quả di sản Bài chòi phục vụ phát triển văn hóa và du lịch, xây dựng nghệ thuật Bài chòi trở thành một sản phẩm phục vụ phát triển du lịch bền vững. Để làm được điều này, cần thu hút hơn nữa sự tham gia của các tầng lớp nhân dân và du khách trong các dịp diễn ra Bài chòi tại các trung tâm huyện thị thành phố; các làng Tùng Luật, Cổ Mỹ xã Vĩnh Giang; làng Đơn Duệ, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh; làng Ngô Xá Tây, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong; làng Hà Thượng, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh trong dịp Tết Nguyên đán, tại Lễ hội Thống nhất non sông hàng năm và các hoạt động lễ hội lớn khác của tỉnh.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền quảng bá Nghệ thuật Bài chòi đóng vai trò quan trọng trong việc đưa di sản phi vật thể này đến gần hơn với quần chúng nhân dân và du khách. Cần đẩy mạnh giáo dục về giá trị di sản Bài Chòi thông qua việc đăng tải thông tin trên Cổng Thông tin điện tử của UBND tỉnh, Sở VH,TT&DL, Cổng Thông tin du lịch tỉnh, các báo, đài, và phương tiện truyền thông đại chúng khác. Thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phát hành tập sách, đĩa tuyên truyền di sản nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ về giá trị di sản nghệ thuật Bài chòi gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài chòi. Đồng thời, tuyên dương, khen thưởng cho cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài chòi.

Nghệ thuật Bài chòi dân gian là một hình thức vui chơi nhẹ nhàng, tao nhã, không nặng về hơn thua giữa những người chơi nên dễ thâm nhập vào đời sống văn hóa cư dân làng xã. Thông qua nội dung của những câu hò, có thể tìm thấy trong đó sự ca ngợi tình thương yêu cha mẹ, tình nghĩa thầy trò, tình nghĩa vợ chồng... không chỉ mang đậm tính nhân văn, mà nội dung các câu hát trong nghệ thuật Bài chòi dân gian còn mang đậm tính giáo dục về đạo đức, về nhân cách, lối sống, hướng con người đến những giá trị, chuẩn mực đạo đức cao đẹp hơn. Trong thời gian tới đòi hỏi phải có sự quản lý, định hướng để bảo tồn, phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi một cách bền vững, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của xã hội góp phần thúc đẩy du lịch của tỉnh.

N.T

Nguồn: Cổng thông tin xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh

Quảng Trị

https://ipa.quangtri.gov.vn/vi/news/Van-hoa-Le-hoi/quang-tri-bao-ton-di-san-van-hoa-phi-vat-the-nghe-thuat-bai-choi-trung-bo-1989.html

NGÔ THỊ

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

9 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

9 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

9 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

9 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground